Một buổi sáng nọ, Bụt từ giã Gayasisa để về Rajagaha.
Khất sĩ Uruvela Kassapa đề nghị xin Bụt cho cả giáo đoàn đi theo.
Bụt ngần ngại, nhưng Kassapa trình bày với Bụt là sẽ không có trở ngại gì cho việc chín trăm khất sĩ về tới kinh đô nước Magadha.
Ông nói gần thủ đô Rajagaha có nhiều khu rừng trong đó các vị khất sĩ có thể cư trú, họ sẽ đi khất thực ở những miền ngoại ô thành phố và ngay cả trong thủ đô nữa để có dịp giáo hóa dân chúng miền này.Kassapa cũng thưa với Bụt là số lượng chín trăm vị khất sĩ là quá lớn đối với dân chúng miền Gaya.
Về thủ đô, việc khất thực và giáo hóa sẽ dễ dàng hơn.Khất sĩ Uruvela Kassapa có kiến thức khá tường tận về tình hình xã hội trong nước Magadha.
Sau khi nghe vị khất sĩ này trình bày, Bụt bằng lòng cho chín trăm vị khất sĩ đi theo người về thành Vương Xá.Ba anh em khất sĩ Kassapa đã tổ chức tăng đoàn rất nghiêm minh.
Đại chúng của tăng đoàn được phân thành các chúng, mỗi chúng hai mươi lăm vị, mỗi chúng có một vị chúng trưởng lãnh đạo.
Vị chúng trưởng này có trách nhiệm về sự tu học và sự sinh hoạt của hai mươi bốn người trong chúng.
Đạo phong của các vị khất sĩ vì vậy càng ngày càng sáng rỡ và uy nghi.Từ Gaya, tăng đoàn phải đi tới mười hôm mới về tới thủ đô Rajagaha.Mỗi buổi sáng, các vị khất sĩ đều phải ghé vào các tụ lạc để khất thực.
Khất thực xong, họ quy tụ trong một khu rừng hoặc một bãi cỏ để thọ trai trong im lặng.
Thọ trai xong, họ lại lên đường.
Họ đi thành từng chúng, có cả thảy ba mươi sáu chúng như vậy.
Hình dáng của các vị khất sĩ khoác áo cà sa đi trầm lặng trên đường đã gây một ấn tượng rất sâu đậm và đẹp đẽ trong lòng dân chúng.Tới Rajagaha, khất sĩ Uruvela Kassapa hướng dẫn Bụt và tăng đoàn về tạm cư ở Rừng Kè mới trồng, trong đó có đền Supatthita cách thủ đô hai dặm về phía Nam.Sáng ngày hôm sau, giáo đoàn được phép ôm bát đi vào thành khất thực.
Các vị khất sĩ đi thành từng chúng hai mươi lăm người.
Họ đi thành hàng, bước từng bước khoan thai và có ý thức, tay ôm bát, mắt nhìn thẳng về phía trước, dáng điệu uy nghi và lặng lẽ.Theo lời Bụt dạy, họ dừng lại trước mỗi căn nhà, không phân biệt giàu nghèo.
Khoảng năm phút sau, nếu không được cúng dường, họ tiến tới trước cổng nhà bên cạnh.
Trong khi đứng im lặng chờ đợi được cúng dường, họ theo dõi hơi thở và thực tập phép quán niệm mà Bụt đã dạy.
Khi được cúng dường, họ chỉ lặng lẽ nghiêng mình cảm ơn mà không nói lời khen chê nào về thực phẩm được cúng dường.Người cúng dường sau khi sớt thức ăn vào bát vị khấtsĩ, có thể đặt một vài câu hỏi.
Các vị khất sĩ đã được lệnh ân cần trả lời về những câu hỏi đó.
Đại ý, các vị cho biết là mình tu học trong giáo đoàn Tỉnh Thức, dưới sự hướng dẫn của một vị sa môn tên là Gotama Sakya, thường được gọi là Bụt, và họ giảng cho vị thí chủ nghe về bốn sự thật, về năm giới hoặc về con đường tám nhánh.Tất cả các vị khất sĩ đều đã được lệnh trở về trú sở trước giờ Ngọ để ăn trưa và nghe pháp thoại.Buổi chiều và buổi tối chỉ là để học hỏi và thiền tập.
Vì vậy từ giữa trưa cho đến rạng sáng ngày hôm sau, không ai còn thấy bóng dáng một vị khất sĩ áo vàng nào nữa trong thành phố.Chỉ trong vòng nửa tháng, phần lớn dân chúng thủ đô đã biết tới sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do Bụt lãnh đạo.
Vào những buổi chiều khi trời đã mát, có nhiều vị thí chủ tìm tới Rừng Kè để được gặp Bụt và tăng đoàn để học hỏi về đạo lý tỉnh thức.
Bụt chưa kịp đi thăm người bạn năm trước là vua Seniya Bimbisara thì vua đã được nghe báo cáo về Bụt và về giáo đoàn khất sĩ đông đảo của người.
Vua được biết người lãnh đạo giáo đoàn này là vị sa môn trẻ mà mình đã gặp trước đây trên một ngọn đồi gần kinh đô.Một buổi chiều, vua cùng với hoàng hậu và thái tử Ajatasattu ngồi xe tứ mã tìm về Rừng Kè để thăm Bụt.
Đi theo xa giá của vua có nhiều chiếc xe khác.
Vua đã mời đi theo mình một trăm hai mươi vị nhân sĩ trí thức và lãnh đạo cao cấp trong giới Bà la môn.
Đến cửa rừng, vua xuống xe đi bộ vào, hoàng hậu cầm tay thái tử Ajatasattu theo sau.
Một trăm hai mươi vị tân khách Bà la môn cũng làm như thế.Nghe tin vua đến, Bụt cùng Uruvela Kassapa đi ra đón tiếp và đưa tất cả mọi người vào.
Tất cả chín trăm vị khất sĩ đều có mặt, ngồi vây thành những vòng tròn lớn, Bụt mời vua, hoàng hậu, thái tử và các vị tân khách an tọa.
Vua Bimbisara bắt đầu giới thiệu các vị nhân sĩ Bà la môn với Bụt.
Vua không nhớ hết danh tánh từng người; vì vậy mỗi khi quên vua lại yêu cầu người bị quên tên tự giới thiệu mình.
Trong số những vị tân khách này có nhiều người lão thông kinh điển và giáo lý Vệ Đà.
Họ thuộc về đủ khuynh hướng đạo học và tôn giáo.Phần lớn các vị nhân sĩ này đã từng nghe danh đạo sĩ Uruvela Kassapa, và một số đã được gặp ông, nhưng ngoài quốc vương Bimbisara chưa ai được gặp Bụt lần nào.
Thấy thái độ cung kính của Kassapa đối với Bụt nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên.
So với Uruvela Kassapa, sa môn Gotama Sakya nhỏ tuổi hơn nhiều.
Họ thầm thì với nhau, không biết sa môn Gotama là đệ