Trong thời gian ấy, nhiều người có đạo tâm tìm đến với Bụt để xin xuất gia.
Đa số là những thanh niên tuấn tú.
Những vị khất sĩ giỏi làm phụ tá cho Bụt đã có nhiều, nên việc tiếp nhận và giảng dạy các vị khất sĩ mới đều được họ phụ trách.
Con trai và con gái các nhà lành tìm đến Rừng Kè để xin quay về và nương tựa nơi tam bảo cũng rất đông.
Có một hôm, sau lễ quy y của gần ba trăm người trẻ tuổi, đại đức Kondanna giảng cho người này về ba viên ngọc quý.
Ba viên ngọc quý này là Bụt, Pháp và Tăng.
Khất sĩ Kondanna là vị đệ tử đầu tiên đã thực chứng đạo Tỉnh Thức.
Đại đức dạy:– Bụt (Buddha) là người tỉnh thức, và là người tỉnh thức cao độ.Người tỉnh thức biết được và thấy được chân tướng vũ trụ và cuộc đời.
Vì vậy người tỉnh thức không còn bị ràng buộc vào ảo vọng, sợ hãi, giận hờn và tham đắm.
Người tỉnh thức là người tự do, có đầy đủ an lạc, có đầy đủ tình thương và sự hiểu biết.Bậc đại sa môn Gotama, thầy của chúng ta, là một bậc tỉnh thức hoàn toàn.
Người là kẻ chỉ đường cho tất cả chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi thế giới ảo vọng để trở nên những người tỉnh thức.Mỗi người trong chúng ta đều có tính Bụt (Buddhata) trong lòng, và vì vậy ai cũng có thể trở thành người tỉnh thức như Bụt.
Tính Bụt này là khả năng tỉnh thức, khả năng vượt thoát ảo vọng.
Nếu chúng ta tu tập theo đạo lý tỉnh thức thì chúng ta làm cho tính Bụt trong ta mỗi ngày mỗi sáng và một ngày kia chúng ta cũng sẽ đạt được tự do và an lạc hoàn toàn như Bụt.
Bụt ở ngay trong tâm của mỗi chúng ta.
Chúng ta phải trở về tìm Bụt ngay trong tâm ta.
Bụt là viên ngọc quý thứ nhất.Pháp (Dharma) là con đường đưa tới sự tỉnh thức.
Con đường này đã được Bụt tìm ra và đã và đang chỉ dạy cho chúng ta.
Con đường này đưa ta thoát khỏi ngục tù ảo vọng, giận hờn, sợ hãi và tham đắm, và dẫn ta tới chân trời tự do an lạc, vô úy, làm cho sự hiểu biết và tình thương phát hiện nơi ta.
Hiểu và thương là những hoa trái đẹp đẽ nhất của đạo lý tỉnh thức.
Pháp là viên ngọc quý thứ hai của chúng ta.Tăng (Sangha) là đoàn thể những người đang cùng nhau thực tập đạo tỉnh thức và cùng đi trên con đường giác ngộ.
Muốn tu tập đạo giải thoát ta phải nương tựa vào đoàn thể này.
Một mình đơn độc, ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự tìm học và thực hành đạo lý tỉnh thức.
Vì vậy chúng ta phải nương vào tăng đoàn.
Người xuất gia cũng như người tại gia phải biết trở về nương tựa nơi Tăng để có thể đi xa trên con đường tu tập.
Tăng là viên ngọc quý thứ ba của chúng ta.Này các thiện nam tử và thiện nữ nhân! Tất cả chúng ta phải trở về nương tựa nơi ba viên ngọc quý của trần gian là Buddha, Dharma và Sangha.
Có nương tựa rồi chúng ta sẽ hết bơ vơ và chúng ta sẽ vững tiến trên con đường giác ngộ và trong cuộc đời.
Từ hai năm nay, tôi đã trở về nương tựa nơi ba viên ngọc quý.
Hôm nay quý vị cũng phát nguyện đi cùng một con đường.
Chúng ta nên vui mừng và sung sướng khi đưa ba viên ngọc quý vào lòng.
Thật ra, ba viên ngọc quý ấy đã có sẵn trong tự tâm của chúng ta từ vô thỉ.
Ta tu tập đạo giải thoát là để làm cho ba viên ngọc ấy chiếu sáng trong ta.Các thanh niên rất sung sướng được nghe thầy Kondanna giảng.
Họ cảm thấy một nguồn sinh lực mới trào dâng trong họ.Từ hôm ấy, những người con trai và con gái các nhà lành có đạo tâm và ý chí tu học bắt đầu được các thầy khất sĩ gọi là thiện nam tử và thiện nữ nhân.Trong thời gian này, Bụt đã thâu nhận vào tăng đoàn hai vị đệ tử thật xuất sắc: đó là Sariputta và Moggallana.
Hai người đã từng tu học với đạo sĩ Sanjaya, một vị du sĩ nổi tiếng ở thủ đô Rajagaha.
Bụt cũng đã từng nghe nói tới vị du sĩ này.
Giáo đoàn của đạo sĩ Sanjaya là giáo đoàn của những vị du sĩ, gọi là parivrajaka.
Sariputta và Moggallana là hai người bạn thân, cả hai đều thông minh và cởi mở.
Họ đã từng hẹn với nhau là ai chứng đạt được đạo lớn thì phải thông báo và chỉ bảo ngay cho người kia biết.Một hôm Sariputta trông thấy vị khất sĩ Assaji cầm bát đi khất thực trong thành phố Rajagaha.
Assaji là một trong năm vị đệ tử xuất gia đầu của Bụt và đã được Bụt khai ngộ cho ở Vườn Nai gần Banarasi.
Thấy phong độ ung dung và giải thoát của Assaji, Sariputta rất lấy làm cảm phục.
Phong độ này tạo ngay được niềm tin trong lòng vị du sĩ.
Sariputta tự bảo:– Đây chắc chắn là một vị đạo sĩ đã đạt đạo.
Thật đúng như mình đã nghĩ: thế nào trên thế gian này cũng có người đạt đến quả vị giải thoát! Ta phải tới hỏi xem vị ấy tu học với ai, ai là thầy của vị ấy, và người ấy đã tu học theo giáo pháp nào?Vừa nghĩ như thế, Sariputta vừa bước theo sau vị khất sĩ Assaji, nhưng ông lại tiếp:– Vị đạo sĩ này đang đi khất thực từ nhà này sang nhà khác một cách lặng lẽ và nghiêm trang.
Ta không nên quấy rầy thầy ấy.
Ta nên đợi cho đến khi nào ông ta khất thực xong xuôi rồi hãy tới hỏi chuyện cũng không muộn.Và Sariputta kiên nhẫn đi theo Assaji.
Cho đến khi Assaji khất thực xong và đi ra khỏi vòng đai thành phố, Sariputta mới rảo bước đi nhanh, vượt qua