Mùa an cư hoàn mãn, Bụt cùng Ananda đi hành hóa khắp nơi ở trong xứ Magadha.Những chốn non xanh nước biếc Bụt đều có tới, nhưng không có nơi nào người không dừng lại để thăm viếng các trung tâm tu học để dạy dỗ và khích lệ các vị khất sĩ và nói pháp thoại cho giới cư sĩ.Đại đức Ananda thường được Bụt chỉ cho thấy những cảnh tượng đẹp đẽ.Đại đức vốn ít để ý đến phong cảnh vì tâm trí mải lo cho Bụt, Bụt biết như thế nên thường nhắc thầy.Đại đức nhớ lại trong suốt gần hai mươi năm làm thị giả cho Bụt, Bụt đã chỉ cho thầy xem biết bao nhiêu là cảnh đẹp.
Người hay nói: “Nhìn đi, Ananda, núi Thứu đẹp biết bao, khả ái biết bao!”, “Này Ananda, động Saptapanni đẹp quá!”, “Này Ananda, Trúc Lâm tu viện dễ thương biết bao!”.Có một lần đứng trên đồi, Bụt đã chỉ cho Ananda thấy những thửa ruộng chín vàng bao bọc những bờ cỏ xanh.
Người khen cảnh ấy đẹp và bảo đại đức nên phỏng theo mô thức ấy để may áo phước điền sanghati cho các vị khất sĩ.
Ananda qua đó thấy rõ rằng Bụt là người tu biết thưởng thức những gì hay và đẹp, nhưng không vướng mắc vào bất cứ một cái đẹp hay cái xấu nào.Mùa mưa năm sau, Bụt về tu viện Jetavana an cư.
Vua Pasenadi đi du hành mãi tới giữa mùa an cư mới về.Về tới kinh đô, biết Bụt hiện đang an cư, vua liền đến thăm Bụt.Vua nói với Bụt là vì tuổi đã lớn, vua không ưa ở hoài trong cung điện.
Vua ưa đi đây đi đó để thấy được những cảnh đẹp của thiên nhiên.
Giao công việc cho các quan đại thần, vua đi rong chơi, đem theo một đoàn tùy tùng nhỏ.Không những vua đi du ngoạn ở những nơi trong nước, vua còn đi rong chơi ở các nước ngoài, không phải với tư cách một vị quốc vương cần phải được tiếp đón quốc lễ mà với tư cách một kẻ hành hương.
Vua đi dạo chơi mà cũng như để thực tập thiền hành.
Bỏ ra ngoài mọi ưu tư, vua bước từng bước thanh thản và chú ý đến cảnh vật.Vua nói những cuộc du ngoạn như vậy làm ấm lòng vua.– Thế Tôn, trẫm năm nay đã bảy mươi tám tuổi.
Thế Tôn cũng vậy.
Trẫm nghe nói Thế Tôn gần đây cũng ưa đi du sơn ngoạn thủy.
Trẫm cũng lớn tuổi như Thế Tôn nhưng trẫm không làm được lợi gì cho ai, còn Thế Tôn, thì đi đâu cũng dạy dỗ và hướng dẫn cho mọi người tu học.
Thế Tôn đến đâu là như mặt trời chiếu sáng đến đó.Rồi vua tâm sự với Bụt về một nỗi đau thầm kín của vua.Số là trong một cuộc âm mưu đảo chánh xảy ra tại kinh đô bảy năm về trước, vua đã kết tội lầm vị tổng tư lệnh quân đội hoàng gia là tướng Bandhula và đã xử tử ông.Mấy năm sau vua mới biết là mình lầm.
Vua hối hận lắm.
Vua đã tìm mọi cách để phục hồi danh dự cho tướng Bandhula và đã bồi thường cho gia đình ông, vua cũng đã cất nhắc cháu của ông là tướng Karayana lên chức tổng tư lệnh quân đội hoàng gia.Có Bụt an cư tại thủ đô, vua đến tu viện Jetavana hầu như mỗi ngày để hoặc nghe thuyết pháp hoặc tham dự vào những cuộc pháp đàm hoặc được ngồi im lặng với Bụt.Mãn mùa an cư, Bụt lại lên đường du hóa và vua cũng cùng đoàn tùy tùng của vua đi rong chơi khắp chốn, gọi là đi tuần thú.Năm sau, cuối mùa an cư, Bụt đi lên xứ Kuru.
Sau khi ở đó hai tháng, Bụt lại theo bờ sông đi xuống Kosali, về Banarasi, ghé Vesali, rồi lại đi lên miền Bắc.Một hôm nọ, đang cư trú hành đạo tại quận lỵ Medalumpa, một quận lỵ nhỏ trong vương quốc Sakya quê hương của mình, Bụt tình cờ gặp vua Pasenadi.Lần này vua đi du hành có đem theo thái tử Vedudabha và tướng Karayana.
Vua muốn làm vui lòng vị cận thần mà ngày xưa vì lỗi lầm vua đã kết tội một cách oan uổng người bác của ông ta.Đang đi du sơn ngoạn thủy vua chợt nhớ Bụt, và hỏi thăm không biết Bụt hiện giờ ở đâu.
Người ta cho vua biết là Bụt dang hành đạo ở quận Medalumpa, Medalumpa chỉ cách Nagaraka nơi vua đang du ngoạn chỉ chừng nửa ngày đường.Mừng quá, vua bảo Karayana thắng xe đưa vua tới thăm Bụt.
Đoàn tùy tùng của vua chỉ đem theo có bốn chiếc xe.Tới Medalumpa, vua hỏi thăm, và biết được Bụt đang cư trú trong công viên quận lỵ.
Xa giá của vua đậu lại ngoài cổng.
Để đoàn tùy tùng ở lại bên ngoài, vua bảo tướng Karayana cùng đi với vua vào công viên.
Thấy bóng các vị khất sĩ áo vàng qua lại, vua tìm tới một vị gần nhất và hỏi thăm Bụt ở đâu, vị khất sĩ chỉ cho vua một ngôi nhà ẩn dưới bóng cây bóng lá và nói:– Tâu hoàng thượng, Bụt đang ở trong ngôi nhà đó, cửa đóng, hoàng thượng cứ thong thả đi tới đấy, rồi hoàng thượng ho lên một tiếng, và gõ hai tiếng.
Thế nào đức Thế Tôn cũng mở cửa rước hoàng thượng vào.Vua cởi thanh gươm và tháo vương miện xuống trao cho vị tướng lãnh, bảo ông ta trở lại với đoàn tùy tùng để đợi mình.
Rồi vua một mình tiến về ngôi nhà nơi Bụt ở.
Tới trước cửa, vua đằng hắng và ho lên một tiếng.
Chưa kịp gõ cửa thì cửa đã mở.
Bụt mừng rỡ khi thấy vua.
Người cầm tay dắt vua vào trong nhà.
Hai đại đức Ananda và Sariputta hiện có mặt để hầu chuyện với Bụt trong tịnh thất cũng đứng dậy chào vua.Bụt mời vua ngồi trên một chiếc ghế, rồi tự mình ngồi xuống trên chiếc ghế đối diện.
Hai vị đại đức đứng hầu sau lưng Bụt.
Vừa ngồi xuống vua đã đứng dậy.
Vua lạy xuống dưới đất và ôm hôn hai bàn chân của Bụt.
Vua quỳ trong tư thế ấy thật lâu, hai tay vuốt ve bàn chân của Bụt, miệng nói:– Thế Tôn, trẫm là Pasenadi vua nước Kosala, trẫm xin kính làm lễ Thế Tôn.
Trẫm là Pasenadi vua nước Kosala, trẫm kính xin làm lễ Thế Tôn.Bụt đỡ vua dậy.
Người mời vua ngồi lại một lần nữa xuống ghế, rồi người nói:– Đại vương, sao hôm nay đại vương lại lễ lạy cung kính quá đáng như thế? Chúng ta không phải là một đôi bạn thân thiết hay sao?Vua nói:– Thế Tôn, con có một vài điều mà con muốn tự miệng con nói ra để Thế Tôn nghe, con sợ không có dịp.Bụt dịu dàng:– Điều gì, xin đại vương cứ nói.– Thế Tôn, con hoàn toàn tin tưởng nơi Thế Tôn, bậc toàn giác, con hoàn toàn tin tưởng nơi giáo pháp của Bụt và nơi giáo đoàn khất sĩ của người.
Con đã từng thấy và gặp những tu sĩ Bà la môn và các đạo sĩ các giáo phái: họ có thể tu hành đứng đắn, có khi được mười, hai mươi, ba mươi hay bốn mươi năm, nhưng sau đó con lại thấy họ bỏ cuộc và đi vào nếp sống ngũ dục.
Ở trong đạo pháp của Thế Tôn, con thấy các vị khất sĩ hầu hết đều tu phạm hạnh cho đến trọn đời.Thế Tôn, con từng thấy vua chống đối vua chúa, tướng sĩ âm mưu chống tướng sĩ, Bà la môn chống Bà la môn, vợ cãi cọ với chồng, con cãi cọ với cha, anh cãi cọ với em, bè bạn cãi cọ với bè bạn.Ở đây con thấy các vị khất sĩ sống trong hòa kính, an vui, hợp nhau như nước với sữa.
Con không thấy ở đâu có được cái thương yêu và hòa điệu như trong giáo đoàn của người.Thế Tôn, khắp nơi con đã từng thấy giới đạo sĩ dáng điệu khắc khổ, mặt mày ủ rũ, âu sầu và lo lắng, nhưng ở đây, các vị khất sĩ luôn luôn tỉnh táo, tươi cười, vui vẻ, thong dong và tươi mát.
Thế Tôn, điều đó khiến con càng tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của người.Thế Tôn, con là vua thuộc dòng dõi chiến sĩ: con có quyền ra lệnh chém đầu hoặc giam cầm hoặc trừng phạt bất cứ ai nếu con muốn, vậy mà khi con ngồi trong một buổi họp, thiên hạ vẫn dám cướp lời con, dù con có nói: “Quý vị không được cướp lời trẫm”, họ cũng vẫn quên và cướp lời con như thường, không đợi đến khi con phát biểu hết ý kiến.Vậy mà con thấy ở đây, trong giáo đoàn người, có khi có cả ngàn vị khất sĩ ngồi nghe Bụt nói mà con không nghe lấy một tiếng động nhỏ, dù là tiếng đằng hắng hay tiếng sột soạt của y áo, đừng nói có ai dám cướp lời Bụt.Thế Tôn, con nghĩ: Thật là mầu nhiệm, Bụt chẳng cần quyền uy, chẳng cần gươm giáo, chẳng cần trừng phạt gì mà người ta kính yêu Bụt một cách tuyệt đối.
Thế Tôn, điều này cũng làm cho con càng tin tưởng ở Thế Tôn và giáo pháp của người.Thế Tôn, con đã từng thấy và nghe giới trí thức và giới học giả