Khi còn học phổ thông, mỗi lần nghe thầy cô giáo giảng đến đoạn trích Thề nguyền trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, là y như thầy cô nào cũng ca ngợi mối tình Kim Kiều, rằng tình yêu đó ngây thơ, trong sáng như vầng trăng trên trời cao.
Và cũng bởi vì giống như trăng, đẹp, lung linh, mờ ảo nên không thể với tới được.
Tình yêu của họ giống như bị cô lập giữa lễ giáo phong kiến đầy cay đắng, oan trái.
Nhưng có một câu nói mà Lý Chiển cảm thấy gây được sự chú ý của cô:
"Con người ta, ăn có thể ăn nửa bữa, ngủ có thể ngủ nửa giấc nhưng không thể đi nửa đường chân lý và yêu bằng nửa con tim".
Cô không nhớ rõ đây là lời nhận định của nhà nghiên cứu nào, cô chỉ thấy nó khá đúng rồi bất giác ghi nhớ mà thôi.
Câu nói đó là một lời đánh giá chính xác nhất về tình yêu chăng? Cho nên, con người, ai yêu một nửa, chính là tự chuốc lấy đau khổ, bất hạnh hay sao? Như mẹ cô, yêu chú Khứu Lập nhưng lại cưới ba cô, không dám đấu tranh cho tình yêu, nên tình yêu trở thành bi kịch.
Còn ba cô, yêu mẹ cô, nhưng không thể tin tưởng tình yêu của bà, cũng có nghĩa là, chỉ yêu một nửa.
Và vì thế, nên sau khi mẹ cô qua đời, ông phải cam chịu cuộc sống như chết của chính mình? Nhưng Lý Chiển lại cảm thấy, người đáng thương nhất chính là ba của cô.
Người đáng thương nhất, là người đã yêu nhất nhưng không được đáp lại, không được thừa nhận, mà bản thân lại không hay biết.
Ông có nghĩ đến rằng, ông đã yêu mẹ cô bằng cả trái tim hay không? Bởi vì yêu bằng cả trái tim, cho nên không chấp nhận sự lừa dối, không chấp nhận sự thay lòng đổi dạ.
Ông không thừa nhận, rằng tình cảm của mẹ không hề dành cho ông, và ông cũng không thừa nhận cả sự tồn tại của kẻ khác trong mối quan hệ này.
Bà ngoại cô từng kể, cái chết của mẹ cô và chú Lập có liên quan đến ba cô và một người đàn bà khác.
Nhưng những gì cô nhìn thấy, chẳng qua, bà ngoại đang bao che cho sự hối hận của chính mình, về cái chết của con gái, vì đã chia rẽ chúng, nên đổ lỗi cho ba.
Ba cô, cho dù ông có ham chơi, đua đòi hay phá của đi chăng nữa, thì khi cưới mẹ cô, ông cũng đã thay đổi.
Chỉ là, sự thay đổi đó không được người khác quan tâm, để ý, và đón nhận mà thôi.
Có gì đau khổ hơn, khi tình yêu của mình, vừa mới sinh ra đã chết yểu? Có gì đau khổ hơn, khi những nỗ lực chứng minh tình yêu của mình bị thờ ơ và xem thường? Có gì đau khổ hơn khi tình yêu của mình trở thành gánh nặng của người khác? Và có gì đau khổ hơn, khi tình yêu của mình vĩnh viễn không thể bày tỏ, vì người ấy, cuối cùng, dù đã ra đi, cũng mãi mãi là của người khác.
Vì vậy, được yêu, được bày tỏ tình yêu, đã là một nửa chặng đường.
Nửa chặng đường còn lại, chính là được tình yêu thừa nhận và đền đáp.
Lý Chiển thở dài, nằm phơi mình dưới ánh nắng của mặt trời.
Nắng mùa hè, nơi thành phố biển này quả thật khiến người ta cảm thấy thích thú.
Nó không phải là cái nắng oi bức, đổ lửa của thành phố S, bất chợt cơn mưa, cũng không phải là cái nắng mang theo hơi sương lành lạnh của thành phố Đ.
Nắng biển mang đến không khí nồng nàn, khỏe khoắn..
rất thích hợp cho các đôi tình nhân..
Lý Chiển nhìn các cặp đôi yêu nhau đang cùng nhau vui đùa dưới bãi tắm, cô bỗng nghĩ đến Nghị Hằng.
Mấy tuần nay, cô hay nghĩ đến Nghị Hằng.
Lúc cô nghĩ về gia đình mình, về thành phố đầy nước mắt, về tình yêu giữa ba mẹ cô, và cả lúc một mình, cô vẫn nghĩ về anh.
Có một nỗi nhớ không thể gọi tên trong lòng cô.
Có đã chiếm cứ ở đó từ khi nào, cô cũng không rõ.
Chỉ biết rằng, lúc cô quyết định đi du lịch, cô có chút chần chờ muốn nói với anh.
Chỉ biết rằng, khi cô đến bãi biển này, suy nghĩ và tha thứ cho quá khứ, cô đã nghĩ đến những ngày anh ở bên cạnh.
Chỉ biết rằng, mỗi ngày trôi qua ở bãi biển này, đã không còn là hi vọng quên đi đau buồn của cô nữa, mà chỉ còn lại nỗi nhớ day dứt với người đàn ông đó.
Trong đầu Lý Chiển bỗng phát ra một âm thanh của bài hát nào đó, "khi cố quên là trong lòng nhớ thêm".
Đúng là như thế.
Là nhớ thêm, nhớ nữa, nhớ mãi, nhớ hoài, không thể ngăn cản được.
Con người là một loại động vật bậc cao, vì con người có thể quên đi.
Chính nhờ sự quên đi, con người mới có thể tồn tại trước những biến cố của cuộc sống.
Cho dù ai đó có mạnh mẽ, có bản lĩnh, có kiên cường đến mấy thì ít nhất trong đời, họ cũng gặp một biến cố khiến họ muốn ngã quỵ.
Nhưng rồi, chỉ cần thời gian, chỉ là thời gian.
Thời gian sẽ xoa dịu tất cả, phai nhòa mọi thứ, xóa đi nỗi đau, làm dịu vết thương..
để con người tiếp tục sống, tiếp tục hướng về phía trước.
Thế nhưng cũng có những trường hợp cá biệt.
Như ba cô chẳng hạn, ông là một ví dụ điển hình của chấp niệm về tình yêu.
Mẹ cô đã ra đi bao nhiêu năm nay, thì ông cũng sống như đã chết bấy nhiêu năm nay.
Một người đàn ông chỉ biết đến tình yêu của mình, không còn cần gì khác nữa, thì cô không biết là đáng ca ngợi hay phê phán? Bởi vì mẹ cô, và cũng chỉ vì mẹ cô, mà chị em cô phải rơi vào cảnh tượng như thế này.
Suy nghĩ lòng vòng một hồi rồi lại, ừm, cô lại nhớ đến người đó nữa rồi.
Nghị Hằng không phải là một người đàn ông ít nói, nhưng anh ít nói thật sự khi ở cạnh cô.
Cô là một người không thích nhiều lời, không coi lời hứa hẹn là sự thật, và coi thường những lời mỹ miều, bóng bẩy.
Ở bên cạnh cô, liệu anh có cảm thấy chán ngán hay không? Cô tự hỏi chính mình.
Mấy ngày ở thành phố Đ, anh lặng lẽ ở bên cạnh cô, quan tâm cô, lo lắng cho cô.
Anh cũng không còn cái tính cách "loi nhoi" như thường ngày nữa.
Cô không biết, cô nên gọi đó là gì, cô có thể làm thay đổi một người khác hay không? Có lẽ Lý Chiển không chắc chắn được, bởi vì Nghị Hằng thay đổi không phải vì cô, mà là tình yêu của anh đã khiến anh thay đổi.
Nếu tình yêu của bạn đủ lớn, nó sẽ làm bạn thay đổi, để có thể yêu đối phương nhiều hơn.
Nhưng bạn