Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa
➻➻➻
Đúng như lời quẻ bói, vạn sự cát tường, lên đường bình an.
Kỹ năng dưới nước gì đó không có chỗ dùng, đến cả một giọt mưa còn chẳng rơi.
Một tháng sau, đoàn người thuận lợi đến Ngọc Kinh.
Xuống thuyền ngồi xe ngựa, rặng liễu bên đường xanh tốt, tiếng ve râm ran vui tai.
Mùa hạ năm Hoa Trinh thứ ba, mọi thứ sinh động như được tô điểm thêm sắc màu.
Tạ Trường Yến vén rèm xe lên, ánh mắt tò mò nhìn tường thành màu xanh cao tít tắp hơn mười trượng phía trước.
Ngọc Kinh có tổng cộng hai mươi cổng.
Theo như quy tắc, nàng phải đi vào từ cổng Minh Đức hướng chính Nam.
Giờ phút này cổng thành đã mở, mười hai hàng quân Giám Môn Vệ mặc áo giáp bạc cưỡi ngựa đen xếp hàng ngay ngắn trước cổng, trước mỗi đội binh sĩ có hai tì nữ cầm quạt mặc váy xanh lục viền đỏ.
Phía trước họ, một thiếu niên môi đỏ răng trắng rất xinh đẹp đang cưỡi trên một con ngựa trắng cương khảm vàng.
Đến gần hơn tí nữa mới nhận ra là Như Ý.
Nhưng mà, không còn dáng vẻ kiêu ngạo lúc đến truyền chỉ.
Thấy đoàn xe của Tạ Trường Yến đến, hắn thúc ngựa lên trước, nhảy phắt một cái tuyệt đẹp xuống ngựa, hành lễ: "Phụng mệnh bệ hạ, cung nghênh Tạ cô nương."
Trọng xe, Trịnh thị ra hiệu bằng mắt với Tạ Trường Yến.
Tạ Trường Yến đang nằm nghiêng ngả hớt hải ngồi thẳng dậy, đợi tì nữ mở cửa xe ra.
Nàng khẽ nâng mí mắt từ dưới lên trên, chậm rãi nhìn về phía đối phương, đúng lễ nghi tiêu chuẩn của một khuê tú, rụt rè mà tao nhã.
"Tạ công công nghênh đón, phiền ngài đợi lâu rồi."
Như Ý đáp: "Bệ hạ đã mở Tri Chỉ Cư làm nơi ở mới cho cô nương, nô dẫn đường ngay đây."
Như Ý quay đi chuẩn bị lên ngựa.
Ánh mắt Tạ Trường Yến xoẹt qua nét kỳ lạ, gọi giật hắn lại: "Công công không phải Như Ý công công?"
Như Ý quay đầu: "Nô là Cát Tường.
Xin hỏi Tạ cô nương nhận ra từ đâu?"
"Lần trước Như Ý công công đến Tạ gia, ta nhìn thấy ngón tay lúc cầm chén trà của y đẹp như ngọc tạc.
Mà công công ngài thường cầm roi ngựa, bàn tay có vết chai."
Cát Tường mỉm cười: "Cô nương quan sát thật tinh tế, nô xin bội phục.
Mời."
Cát Tường nhảy lên ngựa, mười hai đội hộ vệ đánh ngựa tiến lên mở đường.
Đoàn người tiếp tục đi vào trong thành.
Trịnh thị nói với Tạ Trường Yến: "Như Ý công công kiêu ngạo bao nhiêu, vị Cát Tường công công này lại dễ gần bấy nhiêu.
Thế này ngược lại khiến người ta nhìn không thấu."
"Không thấu cái gì ạ?"
"Họ là cận thần của thiên tử, từ thái độ của họ đối với con có thể đoán ra bệ hạ nhìn nhận con như thế nào.
Nếu bệ hạ xem trọng con, họ tự khắc sẽ nhún nhường.
Nếu bệ hạ lạnh nhạt với con, họ cũng sẽ được nước mà càn rỡ.
Nhưng bây giờ một người ngạo mạn, một người thân thiết…"
"Đúng nhỉ, thú vị thật…" Tạ Trường Yến nhìn theo bóng lưng của Cát Tường, cười khì khì.
Dẫu cho con cờ trong tay có xấu đến mức nào, khi một ván cờ mới bắt đầu ngươi cũng sẽ mang tâm thế tràn ngập vui mừng và mong đợi.
Bước vào cổng Nam là một con đường lát đá dài thẳng tắp như một chiếc bút mực, tên là đường Thiên Khu, rộng chừng năm mươi trượng.
Bách tính đang tò mò vây lại đông nghẹt hai bên đường.
Tạ Trường Yến hưng phấn: "Họ đến nghênh đón con sao?"
Trịnh thị nhắc nhở: "Ngồi yên, chớ ngả ngớn."
"Sợ gì chứ, họ cũng có nhìn thấy con đâu." Tạ Trường Yến cười cười, "Không ngờ chưa đến ngày đại hôn đã được thấy cảnh tượng hoành tráng thế này rồi…"
Ánh mắt Trịnh thị lộ ra nét lo âu nhưng nhìn con gái tung tăng vui vẻ như thế, cuối cùng bà ấy chẳng nói lời nào.
Những con đường trọng điểm ở thành Ngọc Kinh được phân bố theo hình Thất Tinh Bắc Đẩu.
Men theo đường Thiên Khu đi tiếp một nén hương sau đó rẽ trái sẽ vào đường Thiên Tuyền(*).
Đi tiếp nửa canh giờ sẽ đến đường Thiên Cơ.
(*) 7 chòm sao Bắc Đẩu: Thiên Khu, Thiên Tuyền, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Thiên Hành, Khai Dương, Dao Quang
Tri Chỉ Cư nằm ở cuối đường Thiên Cơ, vô cùng yên tĩnh.
Căn viện không lớn nhưng được bố trí rất dụng tâm.
Trước viện trồng hoa mẫu đơn, do đã qua mùa hoa nở nên bây giờ chỉ còn lại những chùm quả to nặng hạt.
Sen hồng trong hồ đang độ rực rỡ, cành lá xanh biếc, mặt nước như gương phản chiếu hình bóng đình đài lầu gác.
Bữa tiệc tối vô cùng phong phú, lần đầu tiên Tạ Trường Yến ăn cá cắt lát chấm với mù tạt.
Ở Tạ gia chú trọng thanh tâm quả dục, cơm canh đạm bạc, có mấy khi được ăn sang thế này?
Cát Tường đứng bên cạnh giảng giải: "Cái gọi là thanh vũ tuyết lạc khoái trành tê(*), ăn cá cắt lát chú trọng ở kỹ thuật dùng dao.
Vô thanh tế hạ phi toái tuyết(**), thổi một hơi ra."
(*) Một câu thơ trong bài "Tống Trình Lục" của Vương Xương Linh.
Đại ý nói về độ đẹp và tinh tế của món cá thái lát mỏng.
(**) Một câu trong bài thơ "Văn Hương Khương thất thiếu phủ thiết khoái hí tặng trường ca" của Đỗ Phủ.
Dịch nghĩa: Im lìm nhẹ rơi những bụi tuyết mỏng (theo Thi Viện).
Thiếu niên phồng má thổi, miếng cá cắt lát mỏng như cánh ve bay tứ tung.
Một cảnh tượng rất khôi hài, Tạ Trường Yến phì cười.
Trịnh thị bên cạnh lén giật giật tay áo nàng.
Tạ Trường Yến giơ tay áo lên che miệng, đôi mắt cong cong nhìn Cát Tường.
Mấy tì nữ đã trải qua huấn luyện kỹ càng lập tức tiến lên dọn dẹp.
Cát Tường cười nói tiếp: "Giống như vậy gọi là kỹ thuật dùng dao."
Hắn tùy hứng như thế làm Tạ Trường Yến cảm thấy rất thoải mái.
Nàng cầm một quả gì đó từ trong đĩa lên hỏi: "Đây là cái gì?"
"Quả thanh yên(*).
Vị đắng rất khó ăn nên thường dùng để khắc thành hình hoa điểu, đem ngâm với mật ong, thêm chút yên chi.
Như vậy ba thứ sắc, hương, vị sẽ vẹn toàn hơn."
(*) Một loại cây ăn quả thuộc họ cam chanh, loài bản địa ở Ấn Độ, Mianma và Địa Trung Hải…
Tạ Trường Yến nhón một miếng cho vào miệng, quả nhiên hương vị chua ngọt rất vừa ăn.
"Ngon."
Bữa cơm hôm nay rất vừa lòng nàng, cảm thấy trong suốt mười ba năm qua đây là bữa cơm tuyệt vời nhất.
Đặc biệt, lời lẽ của Cát Tường đầy thú vị, tỉ mỉ giảng giải lai lịch và cách thức chế biến của mỗi món ăn, Tạ Trường Yến nghe mà cảm thấy hấp dẫn vô cùng.
Xong xuôi, Cát Tường đứng dậy cáo từ: "Thì giờ không còn sớm, nô phải về cung phục mệnh đây.
Hai vị đi đường vất vả, xin hãy nghỉ ngơi sớm."
"Xin hỏi bao giờ thì Hạc Công bắt đầu dạy học cho ta?"
Cát Tường khó xử, Tạ Trường Yến truy hỏi nên hắn đành đáp: "Hạc Công vẫn chưa về kinh, cô nương còn phải đợi thêm vài hôm nữa."
Tạ Trường Yến đảo mắt: "Thế ngày mai ta có thể ra ngoài