Bốn giờ sáng, tại tòa nhà số 2 khu chung cư Quang Vinh Phúc, quận Trường Ninh, có một hộ gia đình vẫn còn sáng đèn.
Cả đèn phòng khách và phòng bếp đều bật sáng trưng.
Một người phụ nữ trẻ nắm chặt điện thoại trong tay, đi tới đi lui trong phòng khách.
Gương mặt người phụ nữ lộ vẻ lo lắng rõ rệt, cứ vài giây lại xem thử màn hình điện thoại một lần.
Chỉ có điều màn hình mãi vẫn chẳng có chút động tĩnh gì.
Trên bàn trà là vài trang giấy ghi chú lộn xộn, kế bên là vài xấp hợp đồng bị vò nhăn nhúm.
Trên trang đầu tiên của xấp giấy là một trang giấy trắng có sáu, bảy số điện thoại khác nhau, ba bốn số đã bị gạch đi.
Giờ chỉ còn lại mấy dãy số, có kèm ghi chú phía sau là ‘giám đốc Vương’, ‘giám đốc Lý’ gì đó, hiển nhiên là những người không ai muốn phiền tới nếu không phải đã tới đường cùng.
Hai tay người phụ nữ siết chặt điện thoại, mồ hôi từ lòng bàn tay túa ra.
Cô đang cực độ hoảng sợ, siết đến mức lớp kim loại trong tay cũng nóng bừng lên.
Cô lại đứng lên đi lòng vòng trong phòng thêm hai lần nữa, chuẩn bị gọi một cuộc điện thoại khác, đúng lúc này cô nghe thấy tiếng cạch mở cửa rất khẽ từ phía phòng ngủ.
Tay nắm cửa phòng ngủ bị bẻ xuống, kéo mở từ phía sau, hở ra một khe nhỏ.
Chẳng bao lâu đã thấy một bé gái nhỏ, cao chừng tới ngang đùi người phụ nữ, dụi mắt đi ra khỏi phòng ngủ.
Cô bé ôm trong lòng một con thỏ bông nhỏ.
Bởi vì ngái ngủ nên mái tóc còn hơi rối, rõ là vừa bị tỉnh lại từ trong mơ.
Đôi mắt không kịp quen với ánh đèn chói mắt trong phòng khách, nước mắt hơi ứa ra, bàn tay bé nhỏ giơ lên che lại.
Người phụ nữ ngẩn ra, sau đó vội đi tới bên, che kín ánh sáng giúp cô bé.
“Mẹ ơi.” Giọng cô bé vẫn còn hơi sữa, “Sao ba vẫn chưa về thế ạ?”
“Sắp rồi.” Người phụ nữ mím môi, vất vả lắm mới nặn ra được một nụ cười trấn an, nhẹ giọng nói, “Chắc là đang bị kẹt xe, hoặc máy bay hạ cánh muộn thôi.”
Làm sao cô bé có thể biết được người phụ nữ đã kiểm tra thông tin chuyến bay từ trước, nên cô bé chỉ nghiêng đầu, coi như tạm thời bị lý do sứt sẹo đó thuyết phục.
“Nhưng nếu ba không về bây giờ thì trời sáng mất,” cô bé thở dài thườn thượt như người lớn, “Sinh nhật con qua mất rồi.”
Trẻ con không có khái niệm rõ ràng về thời gian cho lắm, luôn cảm thấy chỉ cần vẫn chưa có ánh sáng thì vẫn còn là ‘tối hôm nay’, chứ chẳng hề hay biết sinh nhật của mình đã trôi qua từ bốn tiếng trước rồi.
“Không đâu.” Người phụ nữ quỳ một chân trên mặt đất, vươn tay chải lại tóc mai cho cô bé, ra sức an ủi, “Không phải ba đã hứa với con rồi à, nhất định sẽ về đúng sinh nhật con mà.”
Cô bé trề môi, cũng chẳng biết là có tin lời đó hay không.
Có sự giáo dục tốt trong nhà, cô bé không lăn lộn gào khóc ăn vạ gì cả, chỉ nghĩ ngợi một lát rồi thò tay níu áo người phụ nữ.
“Mẹ ơi.” Cô bé nhỏ giọng hỏi, “Vậy bánh sinh nhật của con không hỏng đúng không ạ?”
“Không hỏng đâu,” Người phụ nữ tươi cười đáp lại, “Mẹ bỏ vào tủ lạnh cho con rồi.”
“Con muốn xem một chút xíu.” Cô bé nói.
Dường như cô bé phát hiện ra vẻ mặt thiếu kiên nhẫn và lo lắng của người phụ nữ, giác quan nhạy cảm của trẻ con cũng khiến cô bé phát hiện ra được bầu không khí khác thường trong nhà, cho nên tiềm thức khiến cô bé không hỏi mẹ về ba mình nữa, chỉ có thể dùng lí do khập khiễng này để che giấu sự hoảng loạn của chính mình.
Người phụ nữ dịu dàng xoa mặt cô bé, dắt tay cô bé tới trước tủ lạnh, lấy từ trong đó ra một chiếc bánh sinh nhật cao cao được trang trí tinh xảo xinh đẹp.
Trên bánh có một con hổ nhỏ được làm rất khéo, bên dưới viết “Chúc Nhuế Nhuế sinh nhật vui vẻ”.
“Nhuế Nhuế xem vậy được chưa nào?” Người phụ nữ hỏi.
“Xem xong rồi thì để mẹ cất đi nhé, con cũng về ngủ tiếp đi.”
Cô bé chần chừ nhìn chiếc bánh hồi lâu, lưu luyến trả lại bánh cho mẹ cất đi.
“Dạ rồi ạ.” Cô bé đáp, “Nhưng ba về thì mẹ gọi con dậy ngay nhé.”
Người phụ nữ vốn đã đang cực kì lo lắng, nghe thế trong lòng càng tê tái hơn, hốc mắt thoáng cái đã đỏ lên.
Nhưng cô lại không dám thể hiện ra trước mặt con gái, chỉ có thể miễn cưỡng nở nụ cười rồi đồng ý.
Cô dõi theo con gái nhỏ ôm thỏ bông quay về phòng ngủ.
Dường như cô bé cũng có dự cảm bất an trong lòng, đi tới cửa phòng ngủ lại ngập ngừng dừng lại, quay ra nhìn người phụ nữ, nem nép hỏi lại, “…Mẹ ơi, mẹ mau gọi điện thoại cho ba nhé, bảo ba mau về không thì ăn bánh không ngon nữa đâu ạ.”
Người phụ nữ vô thức giơ tay bụm miệng lại, vội gật đầu, sau đó quay lưng về phía cô bé ngay, xua tay ý bảo cô bé mau trở về phòng ngủ.
Cửa phòng ngủ phía sau khép lại.
Người phụ nữ che mặt, hít một hơi thật sâu, sau đó mới cắn răng ngồi lại xuống ghế sofa.
Cô run rẩy mở điện thoại lên, bấm gọi số điện thoại cuối cùng còn chưa gạch đi trên giấy.
—–
Chín giờ rưỡi sáng, trong một khách sạn du lịch ở đầu bên kia Thượng Hải, đồng hồ báo thức trên điện thoại của Thịnh Chiêu reo lên như thúc giục, kéo cậu ra gọi giấc mộng say chỉ trong vòng nửa giây.
Đệm của khách sạn hơi cứng.
Thịnh Chiêu ngủ một đêm mà xương sống thắt lưng cũng đau nhức.
Cậu bị đồng hồ báo thức đánh thức đúng giờ, từ lúc xuống giường đến giờ vẫn chưa tỉnh hẳn, suýt nữa thì đâm sầm vào cửa phòng tắm.
Mặc dù thân thể đã tỉnh lại nhưng linh hồn thì lại như du đãng trong mộng.
Thịnh Chiêu díu mắt, gà gật đứng trước bồn rửa tay mở vòi nước, xả một chậu nước lạnh rồi ụp mặt xuống đó.
Phương pháp thức tỉnh có hơi ‘bạo lực’ này tuy không được nhân đạo cho lắm nhưng rất có hiệu quả.
Thịnh Chiêu rùng mình một cái, gần như tỉnh táo ngay lập tức.
Cậu ngẩng đầu lên, lau giọt nước bắn lên tấm gương phía trước, sau đó xả hết nước lạnh trong bồn đi rồi vặn van về phía nước nóng, chờ nước ấm dần lên.
Trong khoảng thời gian chờ đợi ngắn ngủi, Thịnh Chiêu theo thói quen lấy điện thoại ra xem, kiểm tra mục tin nhắn.
Sau khi mở khóa điện thoại, tin nhắn của Hình Ứng Chúc hiện lên đầu tiên, đã được trả lời lúc 6 giờ sáng nay.
Có vẻ như thời gian