Mùng một tháng Giêng năm thứ mười ba, hoàng hậu Vương thị vẫn ngồi trên cung Khôn Ninh được hoàng phi, ngoại mệnh phụ chầu mừng như năm ngoái.
Vẻ mặt Vương hoàng hậu điềm tĩnh bình thản, mỉm cười hết sức nghiêm trang, dù là ai cũng không nhìn ra chỉ mấy ngày trước, trong cung còn có một chuyện vô cùng lớn.
Hôm Chiêu Phúc thắt cổ tự vẫn, hoàng đế nghe tin thì tất nhiên đã nổi trận lôi đình, lập tức thảo chiếu thư phế hậu, giao cho thái phó Lưu Viễn và nói: “Ngông cuồng đến thế, không còn gì để nói nữa, thái phó xem mà làm đi”.
Lưu Viễn đáp: “Việc này… không có bằng chứng, hoàng thượng lại nói không rõ ràng, làm sao ăn nói với người trong thiên hạ được? Hay là hỏi ý thái hậu thế nào trước đã”.
“Tùy tiện!” Hoàng đế tức đến mức người ra đầy mồ hôi, phẩy tay áo bỏ đi.
Lưu Viễn cầm chiếu thư, chưa trở về nội các mà đến thẳng cung Từ Ninh xin gặp.
Thái hậu nghe xong, cười hỏi: “Lưu khanh, khanh cũng hết sức tán thành việc chọn Vương thị làm hậu là vì cớ gì?”.
Hiện giờ cha hoàng hậu vẫn là đại tướng quân Chấn Bắc thống lĩnh mười vạn kỵ sư, anh trưởng theo hầu ở trong quân Chấn Bắc, công lao đã cao đến chức tướng quân Hộ Quốc, anh thứ phòng thủ ở phía tây, là thượng tướng chính tam phẩm.
Cả nhà họ Vương đều có công lao cái thế, năm đó chọn hậu là để lôi kéo trọng thần trong triều, kìm hãm ý định của phiên vương.
Sao Lưu Viễn lại không biết lợi hại bên trong nhưng lúc này lại chẳng thể thốt nên lời.
Trong lúc do dự, lão nghe thái hậu nói: “Bây giờ đại chiến sắp tới, đừng nói hoàng hậu không làm gì sai, cho dù ngàn sai vạn sai, há có thể nói phế là phế? Suy nghĩ của hoàng đế và thái phó giống nhau, nếu không chẳng thèm hỏi một tiếng mà đã tha cho tên nô tài đó dễ dàng kết liễu rồi ư? Lưu khanh không rõ tính trẻ con của hoàng đế, hoàng đế dọa nạt người khác cho vui thôi”.
“Tính trẻ con?” Bức chiếu thư ấy chẳng qua chỉ vì hoàng đế dỗi ư? Lưu Viễn cười gượng với thái hậu.
Thái hậu nhận lấy chiếu thư phế hậu trong tay lão rồi sai Hồng Tư Ngôn ném vào trong lò sưởi, đốt sạch.
Hoàng hậu không việc gì, hoàng đế lại tức đến đổ bệnh, đi tới đi lui trong cung vào thời tiết giá rét nên bị cảm lạnh, mùng một Tết cũng chẳng có tinh thần.
Hoàng hậu tới thăm thì bị từ chối khéo ở bên ngoài.
Nàng chẳng hề tức giận, chỉ cười nhạt dẫn người tự về cung Khôn Ninh.
Hoàng đế mang bệnh vẫn bận rộn với công việc quan trọng, võ quan trẻ ở các nơi nhận được công văn của bộ binh từ năm trước đã lục tục lên kinh, bộ binh tấu xin sắp xếp cho mọi người.
Hoàng đế gọi Ông Trực vào, ra một đạo chỉ dụ.
Ông Trực mở ra, không khỏi kinh hãi hỏi: “Thiết lập lại kinh doanh?”
“Đúng vậy.
Hãy điều thẳng khoản lương bổng, quân nhu mà đợt trước Tịch Tà đã bàn bạc với bộ binh, bộ hộ đã chuẩn bị đầy đủ từ năm ngoái vào binh doanh của cửa khẩu Tiểu Hợp”.
Ông Trực lặng lẽ quan sát bốn phía một vòng, không thấy bóng dáng Tịch Tà đâu, Cát Tường và Như Ý cũng không ở trước vua, không biết có biến cố gì mà cũng chẳng dám hỏi.
Mối nghi ngờ kinh ngạc trong lòng không có ai để hỏi, chỉ đành mặt dày cười xòa nói: “Thánh thượng thiết lập lại kinh doanh, thần ngu muội không rõ ý thánh, phiền thánh thượng tự làm mọi chuyện, nay mọi việc đều đã chu đáo, khiến lão thần nhặt được của hời có sẵn”.
Hoàng đế mỉm cười, khóe miệng mấp máy nhưng lại kiềm chế không nói.
Ông Trực thưa: “Thần chỉ có một chuyện không rõ, xin thánh thượng chỉ cho”.
Hoàng đế ho một tiếng, bảo: “Nói đi”.
“Thiết lập lại kinh doanh, hiện nay lương bổng, binh khí và ngựa đều không thiếu, sau tháng giêng quan võ cũng đều tới kinh.
Nhưng binh sĩ từ đâu ra? Bộ binh điều động quân phòng thủ địa phương hay là chiêu mộ người khác? Xin hoàng thượng nói rõ”.
Hoàng đế cười, bảo: “Lý Cập”.
“Vạn tuế gia”.
Lý Cập khom người định hỏi.
Hoàng đế đang muốn ho khan nên trong chốc lát không nói nên lời, chỉ khoát tay áo.
Lý Cập khó hiểu, vẫn chờ ở đấy.
Hoàng đế lấy hơi, bực mình nói: “Gọi Khương Phóng”.
“Vâng”.
Lúc bấy Lý Cập mới chợt hiểu, nhanh chóng đi ra.
Chẳng bao lâu Khương Phóng đã vào thỉnh an, hoàng đế cười nói: “Ông khanh đã nhận được chỉ dụ thiết lập lại kinh doanh, đang đòi binh với trẫm đấy”.
Khương Phóng cười đáp: “Giờ thần sẽ giao bốn vạn tinh binh cho Ông thượng thư ngay”.
Ông Trực lấy làm kinh hãi: “Lẽ nào Khương thống lĩnh đã chiêu mộ quân sĩ? Vì sao bộ binh không biết?”.
Khương Phóng nói: “Sao thượng thư lại không biết bốn vạn người này? Đó vốn là cấm quân ở hành cung Thượng Giang.
Đất Thượng Giang lớn, quân coi giữ tổng cộng có sáu vạn người, thời gian phát huy được tác dụng trong một năm chỉ được một tháng, để ở đó ăn không lương bổng, quân kỷ thối nát, chơi bời lêu lổng.
Năm ngoái hoàng thượng giá lâm hành cung, đã lệnh thần tập kết bốn vạn binh mã của bãi săn Thượng Giang lại một chỗ, luôn thao diễn, nửa năm qua liên tục sai thị vệ trong cung lui tới giám sát.
Bốn vạn người này chưa từng được điều động, do đó bộ binh chưa từng lưu ý đến, chỉ thống lĩnh cấm quân và thống lĩnh thị vệ biết thôi”.
Ông Trực cười gượng nói: “Điều cấm quân Thượng Giang vào kinh doanh, vậy việc phòng thủ Thượng Giang thì thế nào?”.
Hoàng đế bảo: “Thượng Giang chỉ là một hành cung tránh nóng, vốn không phải là vùng tranh chấp nhà binh gì, để nhiều quân phòng thủ trong đó như vậy làm gì? Trẫm tin rằng hai khanh cũng không nói rõ được rốt cuộc hành cung lớn đến nhường nào, một năm trẫm đến không được một hai tháng, mấy năm nay, nơi từng đi qua cũng chưa được ba phần, chẳng thà giao ranh gới xung quanh hành cung cho phủ nội vụ, cho phép làm mặt ngoài của kinh doanh, trẫm chỉ cần phần giữa để cưỡi ngựa là được.
Như vậy sẽ bớt được nhiều chi tiêu ở hành cung, số quân coi giữ cũng có thể cắt giảm.
Không tốt sao?”.
Nước mắt già nua của Ông Trực doanh tròng, nói: “Thánh thượng thương xót cho nỗi khốn của bề tôi, thà để mình ấm ức, hoàng thượng thánh minh! Xưa nay có mấy vị hiền quân như vậy chứ?”.
Hoàng đế bật cười bảo: “Được rồi! Hai vị ái khanh tự đi điều động tuyến nhân mã này vào cửa khẩu Tiểu Hợp, có việc gì thì mau chóng báo cho trẫm biết”.
Hắn ta ngẫm nghĩ rồi lại nói: “Khương Phóng, khanh ở lại”.
“Vâng”.
Hoàng đế xoa huyệt Thái Dương, trông tấu chương và văn thư chồng chất như núi ở bên cạnh thì thở dài: “Tình cảm giữa khanh và các sư huynh đệ Tịch Tà cũng không tệ lắm nhỉ?”.
Khương Phóng biến sắc, vội vàng khom người tâu: “Thần không dám.
Tịch Tà là nội thần, vả lại lúc này…”.
Hoàng đế không vui nói: “Trẫm hỏi thử thôi, đi xuống đi”.
Khương Phóng dập đầu, tâu: “Thần đã hiểu.
Thần xin cáo lui”.
Hoàng đế nghe vậy thì không nén được vui mừng: “Đã hiểu rồi?”.
“Vâng, đã hiểu rồi ạ”.
Khương Phóng cố nén để không bật cười.
Khương Phóng bàn xong mọi hạng mục công việc như cho cấm quân Thượng Giang lên đường, hành quân, vào doanh với Ông Trực thì tranh thù ra khỏi phòng trực.
Ngoại thần không thể đi quan mấy con đường hẻm trong cung nên Khương Phóng đi đường vòng vào con đường giáp bên hành lang phía đông, đến trước cửa viện Cư Dưỡng.
Hôm nay là mười lăm tháng Giêng, Tiểu Thuận Tử và Tiểu Hợp Tử đang leo lên cạnh cửa treo đèn lên trên, thấy anh ta tới, bèn xuống thang thỉnh an.
Khương Phóng cười nói: “Miễn miễn, cẩn thận ngã đấy.
Ba vị gia của các cậu đều ở đây à?”.
“Đều ở trong buồng phía đông chơi cờ ạ.
Tối Khương gia hãy ở đây xem đèn uống rượu”.
“Tôi không có số hưởng phúc này”.
Khương Phóng lắc đầu cười than.
Minh Châu nghe thấy tiếng động liền đi tới hành lang đón chào: “Đại thống lĩnh tới rồi, vào chái đông ngồi đi, lát nữa tôi sẽ mang bánh trái lên ngay”.
Lúc này hành lang viện Cư Dưỡng đã treo đầy đèn màu, tua đỏ dưới đèn khẽ tung bay, nhìn mà vui mừng dào dạt nhưng tuyết dày cả thước trong viện không có ai quét, lụa đỏ của pháo rơi lác đác, không người không tiếng động, vắng lặng đến mức kỳ dị.
Khương Phóng vén rèm vào chái đông, Cát Tường và Tịch Tà sắp xếp bàn cờ và chơi cờ ở trên giường, Như Ý nghiêng ngả trên giường bên cạnh như đang ngủ, đợi Khương Phóng vào, anh ta lại là người đầu tiên đứng lên cười nói: “Đó là khách không mời mà đến, các anh em có trông thấy không? Thời gian nhàn rỗi chấm dứt rồi”.
Cát Tường và Tịch Tà ném quân cờ rồi xuống giường, mọi người ngồi quanh bàn.
Khương Phóng nói: “Anh em các ngài đúng là tiêu dao sung sướng, chẳng hề nghĩ đến sự quan tâm thường ngày của vạn tuế gia.
Hôm nay tôi tới hỏi, các ngài từng có ý ăn năn chưa?”.
Cát Tường nghiêm mặt nói: “Đã ăn năn lâu rồi.
Tất cả trông cậy vào đại thống lĩnh nói tốt mấy câu thay anh em bọn tôi ở trước mặt vạn tuế gia”.
Khương Phóng lắc đầu bảo: “Sao tôi dám nhắc tới trước mặt hoàng thượng? Hay là các ngài viết một tấu chương xin xá tội, tôi thay các ngài đưa lên cũng được”.
Cát Tường cười: “Vậy thì cùng viết một bức”.
Y nhìn Như Ý, bảo: “Như Ý, em viết đi”.
Như Ý vội khoát tay: “Em không biết chữ, để Tịch Tà viết”.
Tịch Tà thản nhiên nói: “Em mới khỏi bệnh, không cầm được bút”.
Rèm cửa vừa vang lên, Minh Châu nâng mấy bát sứ tinh xảo đi vào, bảo: “Mấy gia ăn lót dạ đi”.
Ba anh em nhìn nhau, đều nở nụ cười.
Minh Châu cười nhạt nói: “Tôi ở bên ngoài đã nghe thấy rồi, nhưng đừng trông mong vào tôi.
Chi bằng thế này, trong nhân bánh nguyên tiêu này bọc một đồng tiền vàng, ai ăn phải thì người nấy viết”.
“Rất tốt”.
Ai nấy đều cười, nhao nhao đưa tay tranh giành.
Bánh nguyên tiêu này bọc nhân hạch đào và nhân hoa hồng, vừa thơm vừa ngọt.
Như Ý ăn hai cái, vừa định vỗ tay khen thì trong răng cấn thứ gì, biết là tiền vàng thì bỗng không dám lên tiếng.
Cát Tường ăn rất nhanh, buông bát cười nói: “Đã vậy thì anh về nhà ăn Tết, tốt xấu gì cũng hơn nửa tháng chưa về rồi”.
Khương Phóng hỏi: “Lục gia thế nào? Sắc trời còn sớm, chi bằng ra ngoài đi dạo”.
Tịch Tà cười nói: “Đúng hợp ý tôi.
Đại thống lĩnh chờ một lát”.
Hắn vào thay quần áo, Minh Châu thu dọn bát, cười hì hì nói với Như Ý: “Nhị gia, đại cát đại lợi”.
Như Ý dậm chân trở về phòng, kêu vọng ra ngoài: “Hai cái thằng nhóc con qua đây mài mực cho nhị gia”.
Mọi người cười một lát, Tịch Tà đã mặc xong một chiếc áo da gấm lam mộc mạc, che lên quần áo trong cung rồi cùng Khương Phóng ra khỏi cung từ cửa Chấn Bắc.
Kinh đô phồn hoa như muốn cùng nở rộ trong mấy ngày này, dọc đường đi đèn lồng đong đưa, xe chạy băng băng, đều là cảnh tượng tươi mới.
Hai người quẹo vào ngõ Lan Đình, vì đang tết nhất nên lán trúc màu đỏ trước kia đã được người ta dùng nan tre mới đổi thành nóc phỉ thúy, đèn nguyên tiêu các nhà chằng chịt phía dưới, không cần châm lửa đã cảm thấy xán lạn đến hoa cả mắt.
Cũng may từ mùng một Tết tới tết Nguyên Tiêu, ngõ Lan Đình luôn tiêu điều, người qua lại không nhiều lắm, Tịch Tà và Khương Phóng đi tới trước cửa viện Tê Hà, hai thằng nhóc đang cóng đến giậm chân, trông thấy bèn bước lên trước thỉnh an.
Khương Phóng hỏi: “Trời rét thế mà không ở trong phòng, lại chẳng có khách, đứng ở bên ngoài hứng gió à?”.
Thằng nhóc cười nói: “Gia không biết thôi, ma ma bảo hai đứa tôi trông ngọn đèn kia đấy”.
Khương Phóng và Tịch Tà quay đầu, quả thấy ở giữa lán trúc treo ngọn đèn dầu kéo quân lớn trong suốt như thủy tinh cao bằng một người, đèn lồng từ gấm màu vây quanh bốn mặt, hết sức huy hoàng.
Tịch Tà cười rằng: “Tất nhiên có đèn là tốt nhưng cũng không đến nỗi để cóng người”.
Thằng nhỏ thưa: “Lục gia xót tiểu nhân, bọn tiểu nhân càng nên ở trước cửa chờ gia tới, tiện việc hầu hạ.
Mời gia vào bên trong”.
Một đứa khác đã vào mời Tê Hà nhanh như làn khói.
Tê Hà vận áo lông chồn tía mới tinh, sáu chiếc trâm vàng cài búi tóc, đầu trâm là ngọc hình bướm, uyển chuyển ra đón, dịu dàng cúi chào.
Ba người chúc năm mới với nhau xong, nàng bèn mời vào lầu Hồi Mâu.
Nha hoàn xếp tám đĩa nhỏ, dâng rượu ấm lên rồi rũ tay lui ra.
Tê Hà nói với Khương Phóng: “Đầu bếp làm nhiều kiểu mới, ngài không đi học món mới à?”.
Khương Phóng vui vẻ nói: “Hắn vẫn chưa về quê sao?”.
“Tôi đón cả nhà hắn tới rồi, đang vui mừng hớn hở đấy! Còn về đâu nữa?” Tê Hà đẩy anh ra ra khỏi cửa rồi quay lại nói với Tịch Tà: “Ưu Quan Nhi có tin rồi, lúc trước quả thực thầy hai thoát thân đến Hồng Châu, chưa được mấy ngày lại về”.
Tịch Tà không ngờ thằng nhỏ Tê Hà sai đến vùng Hồng Châu lại có năng lực như vậy, nhanh thế đã điều tra được tin tức nên hơi bất ngờ, cười rằng: “Mặc dù đứa bé kia còn trẻ nhưng là nhân tài có thể đào tạo, đợi khi về tôi muốn gặp mặt.
Cậu ta có biết thời gian này thầy hai đã làm những gì không?”.
Tê Hà lắc đầu đáp: “Không biết ạ, vào vùng Hồng Châu thì đã mất tin tức.
Ưu Quan Nhi vẫn đang điều tra”.
Tịch Tà gật đầu nói: “Làm khó đứa trẻ ấy rồi”.
Tê Hà nhếch miệng cười: “Bản thân Lục gia cũng là trẻ con đấy, còn nói nó?”.
Hai người nghe thấy Khương Phóng lên lầu, bèn nói mấy câu chuyện phiếm khác.
Khương Phóng vào nhà nói: “Tước quỷ! Gia có muốn ăn một ít không?”.
Tê Hà sẵng giọng: “Lại nói lời nhảm nhí gì mà tôi không hiểu thế?”.
Tịch Tà cười bảo: “‘Tước quỷ’ mà anh ta nói chẳng qua là thịt đầu lừa thôi, trong cung hiếm có người ướp ngon, tôi không ăn đâu”.
Tê Hà đứng dậy oán hận nói: “Sao lão Thân kia lại đưa vật này vào phòng bếp?”.
Khương Phóng thấy nàng lật đật xuống lầu thì không khỏi cười nàng.
Tịch Tà hỏi: “Tiệc rượu chẳng lành, đại thống lĩnh muồn dặn dò điều gì?”.
“Chủ nhân chớ chê cười tôi”.
Khương Phóng ngồi gần hơn, cười nói: “Tôi tới nhận lỗi thay hoàng đế, Lục gia nể mặt uống chén rượu đi”.
Tịch Tà ngửa đầu cười to: “Không dám, có cần ta dập đầu tạ ơn không?”.
“Ha ha! Là tôi nói sai, phạt một chén trước!” Khương Phóng uống chén rượu rồi lấy điệp báo ra từ trong ngực: “Gần đầy chỗ gia tạp người, điệp báo cứ nán lại mãi, xin gia thứ tội”.
“Nói gì thế?” Tịch Tà cười nói, nhận lấy xem xong thì than thở: “Băng tuyết phủ khắp Hạ Lý Luân, chim diều không bay nổi, cứ dăm ba ngày người phía bắc lại phải truyền điệp báo đến kinh, vất vả rồi”.
Lại nói: “Vết thương của Quân Thành đã dân bình phục, khổ nỗi dưới gió tuyết, binh mã chỉ đành trú ở Hạ Lý Luân.
Đã đến đầu xuân, chính là lúc nhuệ khí của chúng tràn đầy, triều đình trung nguyên không thể kéo dài việc dùng binh được nữa”.
“Vâng”.
Khương Phóng hỏi: “Có cần gọi đại tướng quân Chấn Bắc về kinh bàn không ạ?”.
Tịch Tà cười nói: “Người này thanh cao tự phụ, gọi trở về rồi, chúng ta có thể bắt ông ta thế nào được?”.
Hắn cầm chén trong tay, uống một hớp rồi đột nhiên nói: “Anh nghe đi”.
Cách hai gian phòng, không biết ai ngồi mà đột nhiên kêu ầm một tiếng, cất tiếng cười to.
Cô nương của viện Tê Hà la to trong đó: “Ngượng nghịu như vậy cũng coi là chàng thám hoa à?”.
Còn có người bảo: “Đã tóm được người họ Du kia, hắn là bảng nhãn đấy, sao có thể buông tha cho gã”.
Tịch Tà và Khương Phóng không khỏi nhìn nhau bật cười, thì ra bảy mồm tám mỏ ấy chính là đám thị vệ tâm phúc trong cung.
Hai người vốn thảnh thơi, Khương Phóng bèn mời Tịch Tà cùng nhau dời bước đi qua góp vui.
Đã thấy Du Vân Dao, Úc Tri Thu và Hồ Động Nguyệt dẫn theo bốn, năm thị vệ mà Tịch Tà chọn rồi gọi tám chín cô nương tới uống rượu.
Họ thấy có người vào, ban đầu khá kinh ngạc, đợi lúc thấy là thống lĩnh thị vệ và tổng quản áo xanh thì không khỏi giật nảy mình, sau thấy sắc mặt cả hai hòa nhã, vui vẻ, không cần lo bị hai người răn dạy thì bỗng phấn chấn tinh thần nhao nhao đứng dậy, thỉnh an, vấn an, ba chân bốn cẳng nhường hai cái ghế trên.
Tê Hà đã đưa bàn tiệc của Tịch Tà và Khương Phóng đến đây và lên món ăn mới.
Tịch Tà nói với nàng: “Chúng tôi ngồi một lát rồi đi ngay, chẳng lẽ ở đây làm người khác ghét à?”.
“Công công nói gì thế?” Du Vân Dao cười bảo, “Hiếm khi trùng hợp như vậy, trời còn sớm, uống thêm mấy chén hẵng đi”.
Tịch Tà quan sát bốn phía một vòng, thấy trong đó có một người trẻ tuổi khá lạ mặt liền hỏi: “Vị này là…”.
“Đây là bạn mới”.
Úc Tri Thu đáp: “Tướng quân du kích do tổng binh Ngô châu tiến cử, phụng chỉ đến kinh mấy ngày gần đây”.
“Tại hạ Lê Xán”.
Thanh niên nọ đứng dậy cười ôm quyền, hắn ta chập hai mươi bốn tuổi, vóc dáng cao to, cử chỉ phóng khoáng ngông ngênh, ắt là một con em nhà quan.
Tịch Tà cười nói: “Tại hạ Tịch Tà, là người làm việc ở trong cung”.
Lúc này Lê Xán mới ngạc nhiên biến sắc, bảo: “Thì ra là đại tổng quản trong cung”.
“Đó là lời nói đùa của người khác, tướng quân chớ cho là thật”.
Tịch Tà cười rằng: “Tại hạ chỉ là nô tài sai bảo trong cung mà thôi”.
“Tại hạ ở Ngô châu đã nghe nói chuyện công công thay hoàng thượng bổ nhiệm võ tiến sĩ, thì ra tu vi, võ công của công công cũng rất cao cường.
Từ nhỏ tại hạ đã si mê đao ngựa, rất muốn xin công công chỉ bảo”.
“Tôi không hiểu chuyện võ công, chỉ là quả thực các vị võ tiến sĩ có thân thủ bất phàm, người thường vừa nhìn đã biết mà thôi”.
Úc Tri Thu nói: “Công công có biết công phu của anh Lê này cực kỳ lợi hại không? Sáu người bọn tôi đều không thắng được anh ta đấy”.
Hồ Động Nguyệt bảo: “Anh Du chưa ra tay, nếu không cũng khó nói chắc chắn kết quả sẽ thế nào”.
Du Vân Dao cười rằng: “Đừng nhắc tới tôi, đại thống lĩnh và công công đều biết những người này có ai là đèn cạn dầu đâu.
Chẳng qua cứ tranh cãi nhau là lại sẽ ùa lên đánh nhau, cũng may anh Lê cũng là mệnh quan triều đình, nếu không truyền ra ngoài, há chẳng phải mất hết thể thống, mất mặt triều đình?”.
Tịch Tà cao giọng cười, trong lòng âm thầm kinh ngạc, hứng thú trông Lê Xán, nói: “Thì ra Lê tướng quân lại thần dũng đến thế.
Không biết tướng quân dùng binh khí gì?”.
Lê Xán đảo mắt nhìn, lông mày và mắt đen đến rét lạnh loá mắt, nói một cách kiêu ngạo ngang ngược: “Bình thường tại hạ không mang binh khí”.
“Ồ?” Ánh mắt Tịch Tà đảo trên mặt mọi người một lần, cười rằng: “Thì ra Lê tướng quân tay không độc đấu với sáu thị vệ hoàng cung, mạnh thay”.
Úc Tri Thu nói: “Chúng tôi đều đã biết võ công của công công, không biết anh Lê và công công có so tài không”.
Mọi người biết hắn xúi giục Lê Xán, đều cười hì hì chờ xem kịch hay.
Quả nhiên Lê Xán nói: “Khi nào công công rảnh rỗi, xin hãy dạy bảo”.
Tịch Tà thấy ánh mắt Lê Xán dừng lại trên mặt mình một cách thách thức và hàm ý thì bỗng thấy kinh ngạc, bèn vội vàng thoái thác: “Tại hạ không rành đạo này…”.
Khương Phóng thấy tình hình không ổn, vội giảng hòa: “Đều là người mình cống hiến vì hoàng thượng cả, có gì mà tranh hơn thua? Nào, tôi mời các vị anh hùng một chén, mong năm nay các vị bớt gây họa, ăn nhiều cơm, bớt đánh nhau, ngủ cho nhiều, để tôi được thái bình tự tại, đỡ bị hoàng thượng mắng”.
Mọi người cười phá lên, uống hết rượu trước mặt, các cô nương lại rót đầy như con thoi.
Tịch Tà, Khương Phóng chơi với mọi người một lát rồi lấy cớ, tạm biệt đi trước.
Hôm nay đã là mười lăm, đèn nhang của hai thiền viện lớn của Ly đô là chùa Đông và Tây Hoằng Nguyện đều thịnh vượng, Khương Phóng đi giải sầu với Tịch Tà, dần bị đám người cuốn vào trong dòng lũ đi hội của chùa Tây Hoằng Nguyện, đi ra mấy dặm hướng bắc, đoạn cuối của sự huyên náo lại là một dãy tường vàng ngói lưu ly.
Điện chùa Tây Hoằng Nguyện có bảy sân, có hai tòa tháp, lầu gỗ đấu củng[1], nước sơn đỏ sáng rõ, được băng tuyết trắng ngần phủ lên, tự có một vẻ linh thiêng thanh tú, tự tại.
Tịch Tà dạo tới chính điện, Khương Phóng đột nhiên hỏi: “Thẻ ở nơi này rất chuẩn, sao gia không hỏi xem lành dữ của đại quân bắc chinh năm nay?”.
Tịch Tà lắc đầu, mỉm cười nói: “Con người là loài ngu xuẩn trên thế gian, chẳng phân biệt được sự vật là hung hay cát, phàm cảm thấy có thể có lợi thì đều sẽ bắt buộc phải làm.
Cứ nói lần này bắc chinh có hung đi chăng nữa thì hơn hai mươi vạn đại quân vẫn phải đưa vào trong miệng hùm của Hung Nô, mà nếu cát thì cũng chẳng có chuyện đánh mà thắng là khải hoàn.
Mưu tính do con người, có thành hay không là ở trời, nếu hỏi thì tự nhiên lại thêm phiền não”.
Một sa di[2] hơn ba mươi tuổi quay đầu cười nói: “Nghe vị tiểu thí chủ này nói đã biết là người vừa cao quý vừa độ lượng.
Nếu hai vị không chê, mời tới thiền phòng dùng chén trà, thầy của bần tăng thích kết bạn, kết thiện duyên, không ngại gặp một lần chứ ạ?”.
Đoạn lại nhìn về phía sau Tịch Tà: “Vị thí chủ này cũng đi cùng đúng không? Xin mời vào”.
Tịch Tà ngẩn ra, xoay người thấy ánh mắt mãnh liệt của chàng thanh niên, thấy hắn ta đang nhìn mình tươi cười.
Khương Phóng bèn nói: “Thì ra là Lê Xán”.
“Đại nhân”.
Lê Xán chắp tay: “Khéo quá”.
Tịch Tà biết hắn ta có ý đấu với mình nên đi theo suốt cả đường nhưng mình và Khương Phóng lại không hay biết gì, không khỏi thầm xốc tinh thần lên, cũng muốn thăm dò thực hư của hắn ta, hỏi: “Lê tướng quân đi xa, cùng uống chén trà được chăng?”.
“Được, đa tạ”.
Ba người theo sa di kia đi ra thiền phòng phía sau, bên trong không dính một hạt bụi, mùi trà bay thoang thoảng.
Ba người tùy tiện ngồi ở ghế khách, chẳng bao lâu sa di kia đã bưng trà vào, phía sau là một nhà sư trên dưới năm mươi tuổi.
Sa di kia nói: “Các vị thí chủ, vị này chính là thấy của bần tăng, pháp hiệu Văn Thiện”.
“A Di Đà Phật”.
Văn Thiện đi lên chào mọi người.
Sau khi dâng trà cho mọi người, sa di đó khép cửa đi mất.
Văn Thiện hàn huyên vài câu với Khương Phóng xong, lúc này đi tới trước mặt Tịch Tà, mới định chắp tay trước ngực nói thì đột nhiên mở to hai mắt nhìn, sắc mặt tái xanh, lùi về sau mấy bước: “Thì ra, thì ra là đương kim thánh thượng…”.
Tịch Tà và Khương Phóng như nghe thấy sấm sét, chợt kinh hãi.
Khương Phóng quát lên: “Không được nói bậy! Chúng tôi là người hầu ở trong triều đình”.
Văn Thiện hoảng loạn nói: “Không sai đâu, vị thí chủ này xuất thân từ hoàng thân quốc thích, trán ngưng tụ khí của thiên hạ, cử chỉ chấn động cả xã tắc, không phải là đương kim thánh thượng thì là ai?”.
Khương Phóng vươn tay, tóm lấy vạt áo Văn Thiện, run giọng cả giận nói: “Câm miệng!”.
Tịch Tà biến sắc bảo: “Vị đại sư này nhìn lầm rồi, tại hạ là kẻ nghèo hèn, sao dám sánh ngang với hoàng thượng?”.
Lê Xán đang xem trò hay ở đối diện, nào ngờ Khương Phóng lại đẩy Văn Thiện tới trước mặt mình.
Văn Thiện lại kinh ngạc nhìn hắn ta một lát, cuối cùng thở dài nói: “Thì ra vị này cũng là ngôi cửu ngũ, rồng trong loài người”.
Lê Xán cất tiếng cười to: “Đại sư, một núi không thể chứa hai cọp! Nếu như lời ông nói, làm sao tôi có thể cùng ở một phòng với người anh em này?”.
Văn Thiện nói: “Long khí của thí chủ thẳng đến cực bắc, mười năm phúc nghiệp sẽ thành”.
Lê Xán thờ ơ, cười nói: “Giờ tôi mới biết vị đại sư này lẩn thẩn, thấy ai cũng cho là hoàng đế, chẳng phải muốn chết hay sao?”.
Vẻ mặt Tịch Tà và Khương Phóng hơi hòa hoãn lại, bảo: “Uống trà nghỉ ngơi thôi mà lại gặp phải phiền phức này.
Cáo từ”.
Văn Thiện kéo áo Tịch Tà và Lê Xán lại nói: “Hai vị, vữa nãy bần tăng nói lỡ, xin chớ trách móc.
Chỉ có một việc, hai vị phải ghi nhớ kỹ, đại hung ở phương bắc chính là tử kiếp của hai vị.
Nếu bắt buộc phải làm, bần tăng nhiều lời cũng vô ích.
Hai vị hãy cẩn thận một chữ “Nước””.
Lê Xán ngẩn ra, cau mày nói: “Tôi vâng lệnh điều lên kinh, sắp làm quan kinh thành rồi, ai đi phương Bắc chứ?” Rồi hất tay Văn Thiện, tiêu sái đi mất.
Tịch Tà và Khương Phóng ra bên ngoài thì Lê Xán đã đi xa.
Tịch Tà hỏi Khương Phóng: “Anh có biết Lê Xán ở đâu không?”.
Khương Phóng đáp: “Thuộc hạ sẽ đi điều tra ngay”.
“Sau khi điều tra không cần báo lại cho ta đâu.
Văn Thiện này cũng thế”.
Khương Phóng biết ý hắn, không kiềm được hỏi một câu: “Có cần hỏi rõ lai lịch của hòa thượng Văn Thiện không ạ?”.
“Không cần”.
Tịch Tà nói: “Ta nhận ra ông ta”.
Gần trưa hôm sau, Minh Châu che phòng mình lại rồi đến viện Cư Dưỡng.
Lúc qua cửa nguyệt lại thấy một mình Tịch Tà đối diện đi tới từ trong tuyết, nàng bèn tiến lên hỏi: “Sao Lục gia lại ra ngoài? Hôm nay có việc à?”.
Tịch Tà cười nói: “Hôm nay tôi không ăn ở viện Cư Dưỡng, Tiểu Thuận Tử cũng đến nhà hành lang uống rượu bài bạc lâu rồi, không cần chuẩn bị cơm tối nữa”.
“Vâng”.
Minh Châu hơi mất mát, dù sao Cát Tường và Như Ý cũng đều không ở viện Cư Dưỡng, bản thân bỗng không có nơi nào để đi, do dự khoảnh khắc rồi định đi về.
“Minh Châu!” Tịch Tà gọi nàng lại: “Không đến viện Cư Dưỡng nữa à?”.
Minh Châu hỏi lại: “Một mình thì có ý nghĩa gì chứ?”
Tịch Tà cười hỏi: “Ai nói một mình, không phải tôi cũng ở đó sao?”.
“Lục gia chớ học nhị gia nói năng không đứng đắn.
Nếu lục gia ở đó thì giờ đang đi đâu đấy?”.
Tịch Tà bảo: “Chúng ta ngắm đèn đi”.
“Ngắm đèn á?” Minh Châu mừng rỡ: “Từ khi nào mà gia trở nên hào phóng thế?”.
Tịch Tà cười nói: “Tiểu Thuận Tử không ở đây, tôi chỉ cần coi chừng một mình cô, sao không đi chứ?”.
Ngày mười sáu tháng Giêng, hội đèn lồng tết Nguyên Tiêu lại càng sáng hơn, bất kể phố lớn ngõ nhỏ đều có đèn uốn lượn không dứt thành hình rồng.
Chỗ sáng nhất chợ đèn hoa vẫn là vùng cầu Nhiên Xuân, rừng mai hai bờ sông treo đầy đèn màu, nhìn xuống từ giữa cầu, nơi ấy huy hoàng như san hô long cung vậy.
Minh Châu cười nói: “Thế mới là ý nghĩa của Nhiên Xuân (đốt xuân)”.
Tịch Tà bảo: “Cô nói như vậy làm tôi cũng phải nghi ngờ có phải lúc làm “Phú Nhiên Xuân”, Giang Cư Phóng đã hiểu sai ý nghĩa của cây cầu này rồi không”.
Bấy giờ hơn mười dặm đèn đuối ngút trời, trống nhạc xuyên mây vắt ngang qua thành trì nam bắc, bầu trời bốn phía sáng ngời một đường lửa, chiếu lên mặt mày con người rõ ràng như tranh.
Nụ cười của Minh Châu được áo lông mèo rừng sáng bóng vây quanh, nom hoa lệ xuất trần.
Nàng bỗng vỗ tay nói: “Gia nhìn mặt sông kìa”.
Vùng ven sông Ly đầy ánh lửa chiếu sáng bờ, trong nước thì có cả vạn ngọn đèn của thuyền bè như sông ngân cuồn cuộn.
Lúc này một con thuyền lớn thong dong trôi tới, trên thuyền một quả pháo bông không ngừng cháy, lóng lánh như lầu gác chốn Bồng Lai.
Đầu thuyền, một đám tùy tòng mặc áo gấm áo lông vây quanh quý công tử ở giữa, chỉ trỏ về hai bờ sông.
“Đó không phải là thuyền của Thành Thân vương sao?”
Tịch Tà cười đáp: “Đúng vậy.
Y làm vương gia đúng là thư thái”.
Thành Thân vương ôm lò sưởi tay, lúc này ngẩng đầu lên nhìn về phía cầu Nhiên Xuân.
Tịch Tà biết y chưa chắc thấy được mình nhưng vẫn lui về phía sau mấy bước, kéo Minh Châu đi ra, nói: “Trước cửa chùa Đông Hoằng Nguyện có một núi đèn xếp hình con ngao[3], chúng ta đến đó đi”.
Hai người đi về phía trước dọc theo đường Ẩn Hoàn.
Trên đường dòng người chen chúc, mặc quần áo mới, phụ nữ có chồng cài trâm náo nga[4] đi ra ngoài cũng rất nhiều.
Trên lầu hai bên đường còn có nội quyến nhà đại thần trong kinh, cả năm chỉ có đêm nay là vịn lan can ngắm nhìn, không lo ngại người khác.
Dưới lầu đủ trò tạp kỹ đua nhau phô diễn, sau một trận khen ngợi thì tiền đồng rơi xuống như mưa.
Minh Châu mặc nam trang nên người đi đường không tránh nàng.
Tịch Tà phải cản người xô vào cho nàng nên bị đâm vào mấy bận.
Minh Châu nói: “Lục gia không cần để ý, họ không đâm vào tôi được đâu”.
“Vậy không được”.
Tịch Tà quay đầu cười nói: “Tôi không ngờ nhiều người đến thế, nếu đã tách ra thì cô tự về đi”.
“Sẽ không tách ra đâu”.
Minh Châu đỏ mặt, cánh tay mềm ấm lặng lẽ kéo Tịch Tà.
Tịch Tà cũng nóng bừng trong lòng, giữ chặt ngón tay nhỏ bé của nàng, đi tới đi lui hai bên đường lớn, bỗng nới lỏng tay chạy ra xa.
Minh Châu đợi nguyên chỗ một lát, thấy hắn xách đèn hoa bằng vỏ băng, bốn mặt là hoa tứ quý làm theo mẫu, ánh nến chiếu càng thêm trong suốt.
“Chỉ được một lát thôi, đốt hết là tan”.
Hắn nói.
Minh Châu gật đầu nhận lấy, cười hỏi: “Gia vui không?”
“Vui”.
Tịch Tà gật đầu: “Trước kia ra khỏi vương phủ ngắm đèn, người hầu trong nhà sợ các anh em lạc đường, vây như cái thùng nước vậy, trong mấy trượng xung quanh không cho người ta đến gần, đâu được tự tại như hôm nay”.
Hai người ngắm nghía đèn dưới lầu ở chung quanh, cười cười nói nói.
Minh Châu ăn vận cực kỳ hoa lệ, Tịch Tà thì phong thái bất phàm, vô cùng nổi bật trên đường.
Đương lúc vui mừng, Tịch Tà đột nhiên xoay người lại, ra tay như chớp, bắt lấy cổ tay vươn tới túi tiền bên hông mình.
Minh Châu nhìn lại, không ngờ tên trộm bắt được lại là người quen, mặc áo lông đuôi chồn, búi tóc bóng loáng run rẩy cài một quả hồ lô thảo lý kim[5], mũi cóng đến hơi đỏ, lúc nhếch miệng nhịn đau thì càng tươi đẹp.
“Anh Thẩm?” Tịch Tà cười nói.
Thẩm Phi Phi kinh ngạc hỏi: “Sao lại là hai người?”.
Ánh mắt gã lập tức rơi vào đôi tay đang nắm lấy nhau của Tịch Tà và Minh Châu, vẻ mặt chợt ảm đạm đi.
Tịch Tà hơi ngượng ngùng, chậm rãi buông lỏng tay ra, ôm quyền nói: “Anh Thẩm, đã lâu không gặp, chúc mừng năm mới”.
Sắc mặt Thẩm Phi Phi hơi hòa hoãn lại, không