Lại nói, sau khi nghe Quan lão hỏi cách thức vào trận cứu Tào Công Đằng, Giang Hoài Ngọc nói :
- Chúng ta cứ nối những đoạn dây lại với nhau, và làm theo cách khi nãy. Nhưng lần này phải sử dụng thật nhiều cọc gỗ. Cứ cách một khoảng độ mười bước sẽ cắm một cây cọc, cột dây vào. Và cần phải chú ý sao cho các đoạn dây phải thật thẳng, không được lệch sang trái hay sang phải để khỏi phải đi sai hướng.
Quan lão nói :
- Chúng ta cứ đốt trụi khu rừng này không phải dễ hơn sao. Cần gì phải phiền phức như thế.
Giang Hoài Ngọc lắc đầu :
- Không nên. Người nào đó đã lập ra được trận pháp kỳ môn này lẽ nào lại không nghĩ đến chuyện ấy. Và cả Tào Công Đằng nữa. Một người như lão lẽ nào lại không thể nghĩ ra cách thức đơn giản đó. Nếu như chúng ta đốt rừng hay phá rừng, chỉ sợ sẽ phát sinh biến cố, người bên trong khó toàn mạng được.
Quan lão nói :
- Có thể như thế lắm.
Giang Hoài Ngọc lại nói :
- Có một khả năng là bên dưới khu rừng đã được chôn sẵn hỏa dược. Nếu đốt rừng hay chặt cây thì cả khu rừng có thể sẽ bị nổ tung. Hoặc nếu không phải hỏa dược thì là độc chất, độc vật. Và còn nhiều khả năng khác nữa.
Quan lão gật gù nói :
- Có thể lắm. Vậy chúng ta cứ làm theo lời công tử.
Bách Lý Hạc nói :
- Lão phu hiểu phải nên làm thế nào rồi. Việc này ít nhiều lão phu cũng đã có kinh nghiệm. Cứ để lão phu làm cho.
Đoạn lão quay nhìn vào khu rừng, lẩm nhẩm tính toán, rồi nói tiếp :
- Từ ngoài vào trong chắc cũng phải dùng đến ba mươi cây cọc, gần trăm trượng dây. Cọc gỗ, dây thừng thì không có đủ rồi. Sử dụng cành cây, dây leo trong rừng cũng được. Để lão phu đi tìm.
Quan lão cũng nói :
- Để lão phu giúp huynh đệ một tay.
Nói đoạn hai người liền rảo bước đi ngay. Quan lão lo việc bẻ các đoạn cành cây, mỗi đoạn khoảng hơn nửa trượng. Còn Bách Lý Hạc thì lo tìm kiếm những loại dây leo dẻo dai và bền chắc. Rừng rậm vốn không thiếu những thứ này nên chỉ một lát sau là hai người họ đã mang về đủ các thứ cần dùng.
Trong khi Quan lão bó các đoạn cành cây thành một bó, Bách Lý Hạc nối những đoạn dây leo thành một sợi dây dài, quấn lại thành một cuộn. Sau đó, một tay cầm bó cọc, một tay cầm cuộn dây, lão từ từ tiến vào trong trận.
Do đã có kinh nghiệm của lần trước, lần này Bách Lý Hạc tiến vào trong trận rất dễ dàng. Những ảo ảnh dù có hiện lên cũng chẳng làm cho lão nao núng, hay ngăn trở được bước chân của lão.
Vậy nếu lão đã có thể tiến vào trong trận dễ dàng như thế thì còn đóng cọc căng dây để làm gì nữa. Xin thưa, cọc và dây ở đây là để cho Tào Công Đằng dùng. Không như Bách Lý Hạc, lão ta chẳng thể ung dung đi qua trận thế. Cũng chính vì vậy mà lão đã bị giam hãm ở đây suốt bấy lâu nay.
Vừa đi Bách Lý Hạc vừa đóng cọc căng dây, thỉnh thoảng lão lại đi ngược trở ra kiểm tra xem các đoạn dây có thật thẳng hay không, để bảo đảm là không bị sai lệch phương hướng. Chẳng bao lâu sau, lão đã vượt qua được khoảng rừng trúc vào đến bên trong, chỗ ở của Tào Công Đằng.
Nhưng lúc này nhìn lại, nơi đây không chỉ có một mình Tào Công Đằng mà lại còn xuất hiện thêm hai người nữa. Một người mặt trắng râu dài, y phục được may bằng lụa quý, tuy đã cũ nhưng vẫn còn có vẻ sang trọng. Còn người kia thì y phục trên người chỉ độc có hai món : chiếc quần ngắn chỉ đến gối và tấm áo choàng cụt tay, nhưng cái bụng phệ lại lớn kinh người. Cả hai tuổi trạc xấp xỉ ngũ tuần, hiện đang đứng yên sau lưng Tào Công Đằng. Bọn họ có lẽ là thủ hạ của lão ta.
Bách Lý Hạc nhìn cả hai, cau mày hỏi :
- Hai người họ là ai thế.
Tào Công Đằng đáp :
- Đó là Thao Thiết lưỡng quái, thủ hạ của lão phu. Còn các hạ đây chẳng biết xưng hô thế nào.
Bách Lý Hạc nói :
- Lão phu họ Bách Lý.
Tào Công Đằng nói :
- Thì ra là Bách Lý đại hiệp. Tiếc là lão phu kiến văn hạn hẹp, lại ở suốt trong đây hơn hai mươi năm rồi nên chưa có dịp nghe uy danh các hạ.
Bách Lý Hạc cười nhạt nói :
- Lão phu cũng đã rửa tay gác kiếm, rời khỏi giang hồ hơn hai mươi năm nay rồi chứ không phải là hạng hậu sinh. Chắc vì lão phu là hạng vô danh tiểu tốt nên lão mới chưa nghe đến tên lão phu.
Tào Công Đằng vội biện giải :
- Không phải. Ý lão phu không phải thế …
Bách Lý Hạc không chờ cho lão nói hết câu, đã ngắt lời hỏi :
- Giờ lão có ra ngoài không nào.
Tào Công Đằng gật đầu lia lịa, đáp :
- Ra chứ. Ra chứ. Sao lại không ra.
Bách Lý Hạc nói :
- Vậy thì hãy lần theo đường dây này mà ra ngoài. Nhưng cần phải nhớ kỹ một điều là trên đường đi, nếu có xảy ra bất cứ chuyện gì, cho dù có kinh thiên động địa đến đâu thì cũng hãy mặc kệ, đừng quan tâm đến. Nếu không sẽ bị bấn loạn tâm thần mà sa vào trận pháp đó.
Nói xong là Bách Lý Hạc quay lưng đi ra trước. Thao Thiết lưỡng quái chạy vội vào gian nhà tranh thu thập mấy thứ cần thiết, mà thật ra thì cũng chẳng có bao nhiêu thứ, rồi lập tức nối bước theo sau Bách Lý Hạc. Còn Tào Công Đằng thì đi đoạn hậu. Bốn người nối bước nhau đi ra bên ngoài.
Song, bốn người bọn họ cũng chỉ mới đi được độ khoảng nửa đoạn đường thì chợt phát sinh biến cố.
Thiết Quái bỗng rú lên một tiếng thất thanh, tay buông sợi dây chụp loạn trong không khí, cả người loạng choạng. Ngay khi đó, lại đến lượt Thao Quái cũng rú lên, rồi cũng lại lâm vào tình trạng giống như Thiết quái.
Cả hai đã bấn loạn tâm thần, sa vào mê lộ. Đôi chân hai người họ xem chừng như đã sắp sửa cất bước chạy loạn lên.
Vừa nghe thấy tiếng rú thất thanh của Thiết Quái, Bách Lý Hạc đã vội quay lại xem sự thể. Nhận thấy lưỡng quái đã sa vào mê lộ, sắp bước loạn trong trận pháp, sắp nguy đến nơi, lão liền nhanh nhẹn vung chỉ điểm vào mê huyệt của hai người họ khiến cả hai mê đi, ngã lăn ra đất. Sau đó, lão giơ tay tóm lấy Thao Quái xách lên, đoạn quay sang Tào Công Đằng nói :
- Thiết Quái giao cho lão đấy.
Tào Công Đằng gật đầu, bước nhanh tới xách Thiết Quái lên. Trong lòng lão thầm phục võ công và tài ứng biến của Bách Lý Hạc. Phản ứng của lão thật nhanh nhạy, họ Tào cảm thấy mình thật không thể sánh bằng.
Cả hai người lại tiếp tục lần theo đoạn dây, rảo bước thật nhanh ra ngoài.
Đi thêm một quãng nữa thì quang cảnh đã sáng bừng lên. Bọn họ đã thoát ra bên ngoài trận.
Ra đến nơi, Bách Lý Hạc liền ném Thao Quái xuống đất, rồi đến chỗ Quan lão tiếp tục bữa ăn tối đang bỏ dở. Quan, Uông hai lão nãy giờ vẫn vừa ngồi uống rượu vừa theo dõi Bách Lý Hạc hành sự. Còn Giang Hoài Ngọc thì vẫn cứ mân mê chung trà trên tay mà theo dõi sự việc.
Đến lúc này thì Bách Lý Hạc đã có thể ung dung ngồi đánh chén cùng Quan lão và Uông lão, chẳng cần kể gì đến sự có mặt của Tào Công Đằng. Thật ra thì mọi người cũng rất hiểu tâm trạng hiện giờ của lão Tào, muốn để cho lão được yên tĩnh một lúc, để có thể trấn định thần trí lại.
Riêng Tào Công Đằng, sau khi đã ra đến ngoài này, lão đứng ngẩn người nhìn lên trời, dáng vẻ ngơ ngác, chừng như vừa mới trải qua một kiếp người.
Phải một lúc lâu sau, lão mới trấn tâm định thần, nhìn lại thì thấy trên tay vẫn còn đang xách Thiết Quái. Lão vội cúi xuống giải huyệt cho y, nhưng thủ pháp lại không công hiệu, Thiết Quái vẫn còn mê man bất tỉnh. Lão liền xem xét kinh mạch Thiết Quái, thấy vẫn bình thường, không có gì khác lạ thì rất ngạc nhiên. Lão lại dùng thủ pháp khác để giải huyệt cho gã, nhưng vẫn vô hiệu.
Thay đổi mấy thủ pháp mà vẫn không xong, lão đành ngước lên nhìn Bách Lý Hạc với vẻ ngơ ngác. Phép điểm huyệt của Bách Lý Hạc thật là xảo diệu thần kỳ, lão không sao giải nổi.
Bách Lý Hạc thấy thế khẽ mỉm cười, rung tay một cái, hai viên đá nhỏ từ tay lão nhẹ nhàng bắn ra giải huyệt cho cả lưỡng quái. Thủ pháp đạn chỉ đả huyệt thật tuyệt diệu, khiến Tào Công Đằng lại một phen sửng sốt. Qua đó, Bách Lý Hạc cũng biết rằng võ công của họ Tào không bằng lão.
Lúc này, Thao Thiết lưỡng quái đã hồi tỉnh, thấy đã ra được bên ngoài, mừng đến phát điên, chạy lăng xăng khắp nơi, vừa chạy vừa hò hét, điệu bộ thật giống như hai đứa trẻ con đang đùa nghịch.
Tào Công Đằng quay nhìn lại, thấy dưới một gốc đại thụ nơi bìa khu rừng rậm có trải một tấm gấm. Tại đấy có bốn người đang ung dung ăn uống chuyện trò, chẳng ai quan tâm đến lão.
Ngoài Bách Lý Hạc mà lão đã nhận biết, còn một lão già đã quá tuổi cổ lai hy, vận bộ nho phục màu xanh rất thanh nhã, đầu đội nho cân, râu ba chòm phất phới, trông vừa uy vũ lại vừa tao nhã. Chỉ vừa nhìn qua phong thái diện mạo, lão đã biết ngay đó chính là Sinh Tử Phán.
Người thứ ba cũng vận bộ nho phục màu xám giản dị, tuổi đã quá lục tuần, thân hình cao gầy, mặt đen râu dài, phong thái đường bệ uy nghi. Lão không biết người đó là ai, nhưng đoán chắc cũng phải là một cao nhân tiền bối mới có thể kết bạn được với một nhân vật như Quan lão.
Song nhân vật khiến cho lão Tào phải chú ý hơn hết lại chính là chàng công tử vận bạch y đang ngồi bên cạnh Quan lão.
Lúc này trời đã tối mịt.
Ánh tinh quang trên bầu trời chỉ đủ soi sáng cảnh vật trên mặt đất mờ mờ ảo ảo. Nhưng tại nơi đó, minh quang tỏa chiếu sáng rực như ban ngày, soi tỏ mọi cảnh vật trong phạm vi hơn hai trượng.
Tào Công Đằng rất kinh hãi, phải dụi mắt nhìn kỹ lại, mới hay ánh sáng đó là từ viên minh châu đính trên giải lụa buộc tóc của chàng bạch y công tử. Dù rằng đã từng thấy qua rất nhiều bảo vật, nhưng trước giờ lão chưa từng được nhìn thấy viên minh châu nào lại trân quý đến thế.
Thế nhưng, viên minh châu tuy trân quý hiếm có, song vẫn không thể sánh được với phong tư, dung mạo của chàng bạch y công tử.
Chàng hãy còn rất trẻ, tuổi chỉ độ mười sáu, mày thanh mắt sáng, làn da trắng trẻo mịn màng, dung mạo thanh tú tuấn mỹ, phong thái nho nhã dễ mến. Chàng vận bộ nho phục màu trắng tinh khôi, tóc cột lụa trắng đính minh châu, chân mang đôi giày trắng, tay cầm bạch ngọc phiến, trên môi luôn ẩn hiện một nụ cười ấm áp thân thiện. Toàn thân chàng tuyền một màu trắng bạch. Trông chàng xinh đẹp như cây ngọc giữa mùa xuân, ai trông thấy cũng phải sinh lòng cảm mến.
Lúc đầu, nghe Quan lão tán tụng chàng công tử