Uyển Nghi lúc bấy giờ mới từ từ ngẩng đầu lên, đôi mắt còn ngân ngấn
nước kia cũng không dám nhìn thẳng vào mẹ tôi, khe khẽ nói: “Cháu chào
cô.” Vì vừa mới khóc xong nên giọng nói vẫn còn pha chút nghẹn ngào.
Thấy mẹ nhìn Uyển Nghi đầy nghi hoặc, tôi vội vàng giải thích: “Vừa
nãy, cô ấy muốn mua quà cho bố mẹ, nói là lần đầu tiên đến nhà, dù gì
cũng phải có chút quà nhỏ. Con lại nói là đến chơi không cũng chẳng sao. Con nói hơi nặng lời nên cô ấy mới như vậy… ”
“Đúng là đồ
ngốc!” Mẹ lườm tôi một cái, đưa tay ra dắt Uyển Nghi, kéo cô ấy cùng đi
về nhà, vừa đi vừa nói một cách rất thân thiện: “Cháu gái ngoan đừng
khóc nữa nhé, con trai cô từ nhỏ tới giờ được cô chiều quá nên sinh hư
rồi, lại còn rất ngốc nghếch nữa, nó thì hiểu cái gì về phép tắc lễ nghi đâu! Đã thế lại còn nói năng chẳng ra làm sao nữa, cô cũng đã biết tính nó rồi, để tí nữa cô dạy bảo nó! Nhưng mà nó nói cũng đúng, lần sau đến chơi, cứ coi nhà cô như nhà của mình là được, cứ thoải mái một chút,
quà cáp có hay không có cũng chẳng sao, như thế mới tỏ rõ sự thân mật
mà, đúng không nào? Đi nhanh vào trong nhà ngồi, trong nhà mát hơn, cô
đã chuẩn bị đồ uống lạnh cho cả hai đứa rồi. Tên là Uyển Nghi phải
không? Tên thật đúng với người quá, cháu trông thật xinh quá, mau lau
khô nước mắt đi, khóc nữa trông không đẹp đâu…” Uyển Nghi ngẩn người ra
bước theo sau mẹ tôi, chốc chốc lại quay đầu nhìn tôi đầy nghi hoặc.
Tôi sải vài bước chân đuổi kịp theo hai người, ghé vào tai Uyển Nghi
nói: “Mẹ anh trước đây học hát kịch đấy! Miệng lưỡi của mẹ… tặc tặc! Em
bây giờ thì thấy gì theo đó nhé!”
Mẹ quay người sang đánh lên
người tôi một cái, cố làm ra vẻ nghiêm túc giáo huấn tôi: “Một cô gái
tốt như vậy mà con còn nỡ bắt nạt nó sao! Con tưởng rằng Uyển Nghi giống với lũ con gái mà con quen trước đây hay sao hả? !” Khuôn mặt mẹ cũng
đang không giấu được vẻ phấn khởi hồ hởi.
Tôi né tránh một cách đầy khoa trương, luôn miệng nói Lão thái bà ơi, tiểu thần xin tuân lệnh!
Uyển Nghi lúc bấy giờ mới nhoẻn miệng cười.
Bước vào cửa đã nhìn thấy bố tôi đang cố giữ khí chất của một người làm chủ gia đình, nghiêm trang ngồi trên chiếc ghế mây đọc báo nhưng thực
tế vẫn đang không ngừng ngoái cổ ra phía cửa ngóng chúng tôi.
Tôi cũng lâu chưa về thăm bố mẹ, hôm nay gặp bố mẹ, trong lòng cảm thấy
vô cùng hồ hởi, cất cao giọng hét toáng lên: “Bố ơi, mau ra xem mặt con
dâu bố này!”
Lúc bấy giờ Uyển Nghi không hề phản bác lại tôi, chỉ đỏ mặt liếc trộm tôi một cái, ánh mắt lộ rõ vẻ hạnh phúc và thẹn thùng.
Mẹ vẫn đang nắm chặt tay Uyển Nghi, cười to đến nỗi đuôi mắt nhăn tít
cả lại. Bà vừa cười vừa mắng tôi: “Cái thằng ranh này! Chẳng biết giữ
mồm giữ miệng gì cả! Uyển Nghi là đứa lễ phép biết điều, con cứ nghĩ ai
cũng giống như con hết cả à!”
“Cô ấy còn nóng lòng hơn cả con ấy chứ!”
“Anh… anh nói dối! Em… làm gì có!” Uyển Nghi xấu hổ tới nỗi chỉ biết dậm dậm chân rồi chạy lại đấm khẽ lên lưng tôi.
Tôi vốn định đem chuyện Uyển Nghi nóng lòng chuẩn bị đi gặp bố mẹ chồng ra kể cho mọi người vui nhưng thấy bộ dạng đáng thương của cô ấy đành
kìm lòng lại, giữ thể diện cho cô ấy một chút. Thế là tôi đành cười trừ
thêm vài tiếng nữa.
Bố vẫn không nói một câu nào, nhìn Uyển Nghi từ đầu tới chân một lượt, mẹ đang nói thầm với bố điều gì đó, mặt mũi
hai người lộ rõ vẻ vui mừng và nụ cười bí hiểm.
Bố tôi vốn là
một kỹ sư cao cấp. Mấy năm trước, trong một lần đi kiểm tra công trường
thi công, không may bị một thanh sắt rơi từ trên cao xuống đè nát bắp
chân bên phải. Lúc bấy giờ tôi mới học đến trung học, nghe nói tình
trạng rất nghiêm trọng, không chừng phải cắt bỏ phần chân bên phải. Mẹ
tôi hốt hoảng lao tới bệnh viện, lúc đó bố vẫn chưa được đưa vào phòng
phẫu thuật. Nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhúm lại vì đau của chồng, mẹ tôi
khóc òa lên rồi ngất đi tỉnh lại mấy lần liền. Bố tôi lúc đó lại vô cùng dũng cảm, cố cắn răng chịu đau, không rơi một giọt nước mắt nào, ông
còn cố gắng lấy tinh thần, bảo mẹ tôi cứ về chuẩn bị cơm cho hai anh em… Trong cái rủi còn có cái may, dù sau này, phần cuộc đời còn lại, bố tôi thành người tàn tật, đi lại không được tiện lợi như những người bình
thường khác nhưng vẫn giữ được phần chân bên phải.
Lúc còn nhỏ,
cả tôi và anh trai đều cho rằng bố không xứng với mẹ. Nghe nói, hồi còn
trẻ, mẹ tôi rất xinh, đã từng học kinh kịch, khi mẹ còn làm hộ lý ở Bệnh viện u bướu, những người theo đuổi mẹ có thể xếp thành một hàng dài.
Vậy mà một người hiền lành ít nói như bố, không hiểu sao lại hấp dẫn
được mẹ, cùng mẹ kết hôn sinh con, xây dựng một gia đình nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười.
Mãi tới khi bố gặp tai nạn, biết được tinh thần kiên cường của bố, mới hiểu thêm được phần nào con người của bố.
Sau khi chữa lành vết thương rồi ra viện, bố tôi không còn khí thế ngời ngời như trước nữa. Nhưng trong mắt tôi và anh trai, người bố với dáng
đi bên thấp bên cao đó bỗng trở nên vô cùng hiên ngang, luôn luôn trong
tư thế đầu đội trời chân đạp đất.
Trước mặt đám con trẻ, bố tôi
lúc nào cũng giữ thái độ nghiêm túc, kiệm lời ít cười. Hồi còn nhỏ, tôi
rất ít khi bị bố đánh, chỉ khi trước mặt mẹ, ông mới thể hiện rõ vẻ nhẹ
nhàng, ôn tồn của một người đàn ông.
Hai chúng tôi vừa ngồi
xuống ghế, mẹ đã bê một đĩa đầy hoa quả đã gọt sẵn kèm nước giải khát
tới. Nước giải khát còn có thêm đá viên, đây là nước ép hoa quả do chính tay mẹ tôi làm. Mẹ lúc nào cũng nói nước giải khát đóng chai bán bên
ngoài vừa không có chất dinh dưỡng vừa không có lợi cho sức khỏe. Riêng
về vấn đề này, mẹ tôi và Uyển Nghi đã có thể kết thành một phái. Cô ấy
bắt đầu kể tội tôi với mẹ, nói rằng ngày nào tôi cũng phải uống hai lon
cocacola, nói thế nào cũng không chịu từ bỏ thói quen đó. Cô ấy lại còn
khen nước ép hoa quả mẹ tôi làm ngon hơn hẳn so với các loại nước ép
đóng chai bán ở bên ngoài, không những thế còn khiêm tốn hỏi mẹ tôi cách chế biến nữa chứ. Hai người phụ nữ, một già một trẻ, nhanh chóng cảm
thấy tâm đầu hợp ý, chuyện trò không ngớt, cười nói vui vẻ. Mẹ tôi có
hai con, tôi và anh trai, nhưng con trai thường nghịch ngợm, hai anh em
tôi thường mang đến không ít điều phiền lòng cho bố mẹ. Mẹ tôi vẫn nói
con gái ngoan hiền hơn, bà vẫn mong muốn có được một cô con gái. Trong
khi đó, Uyển Nghi lại là một cô gái hiền lành ngoan ngoãn, vừa hiểu biết lại vừa nhanh nhẹn, đúng là mẫu các cô gái truyền thống mà hầu hết các
bậc phụ huynh đều yêu thích. Ngay từ đầu, Uyển Nghi đã coi lần về nhà
tôi này là lần ra mắt bố mẹ chồng, vì vậy mà ngay khi gặp mặt, cô ấy đã
coi mẹ tôi như người thân của mình. Vì vậy, khi hai người ngồi nói
chuyện với nhau, rất nhanh đã tìm được tiếng nói chung, vô cùng ăn ý và
tình cảm.
Kết quả là bỏ mặc thằng con trai ruột là tôi sang một bên ngồi một mình.
Tôi đưa mắt nhìn người bố cũng đang trong cảnh bị bỏ rơi như tôi, bố
vừa hay cũng đang đưa mắt nhìn tôi, trong đôi mắt bố đã bớt đi vẻ cứng
rắn trước đây mà thay vào đó là vẻ hiền từ và trìu mến. Phát hiện thấy
tôi cũng đang nhìn mình, người bố không nói cười tùy tiện của tôi liền
quay người đi về phía phòng bếp, bỏ lại phía sau bóng người nhấp nhô vì
bước chân không đều của mình.
Thực ra, tôi cũng có thể cảm nhận
được suy nghĩ của bố, bố đã nhận ra con trai của bố đã trưởng thành rồi, đại loại là có thể dẫn một cô bạn gái về làm bạn với vợ của bố rồi.
Lúc bấy giờ, Uyển Nghi đã đứng dậy, cô ấy hỏi xem phòng bếp ở đâu để đi chuẩn bị bữa ăn.
Mẹ kéo tay Uyển Nghi một cách dứt khoát, trên môi vẫn giữ nụ cười tươi: “Làm thế sao được! Sao lại có thể để cháu mới lần đầu tiên đến chơi đã
phải vào bếp cơ chứ! Hôm trước, cô nói qua điện thoại với Hy Hy là nói
cho vui vậy thôi. Cháu cứ ngồi xuống đây, ngồi xem ti vi với Hy Hy một
lúc, không phải bận tâm tới việc cơm nước. Đừng nghĩ rằng bố Hy Hy đi
lại chậm chạp thì không làm được gì, ông ấy là một đầu bếp cừ khôi đấy!”
Uyển Nghi thắc mắc hỏi xem chân của bố tôi bị làm sao, có phải là do đã bị trúng gió hay không.
Sau đó, mẹ tôi liền kể lại mọi chuyện cho Uyển Nghi nghe, kể từ thời
gian hai người quen nhau khi mẹ còn làm ở bệnh viện, lúc đó bố tôi như
một hoàng tử bạch mã với tài năng và phong thái tuyệt vời đến khi bố gặp tai nạn bị thương đã chăm lo cho cả nhà như thế nào trong lúc mê man vì đau đớn… Tôi từ trước đến giờ vẫn không hề biết rằng, hóa ra, trong mắt mẹ, bố tôi lại là người có sức hấp dẫn lớn đến như vậy, chí hướng lớn
lao đến như vậy. Những điều này, mẹ chưa từng nói với hai anh em tôi.
Suy cho cùng, giữa phụ nữ với phụ nữ rốt cuộc đều có sự đối ứng cảm
tính, cũng giống như đàn ông chỉ tìm đến gặp đàn ông để uống rượu, cái
đó gọi là không phải tri ân, nửa câu nói cũng là quá nhiều rồi.
Tôi bắt đầu trêu đùa mẹ, nói rằng lão thái bà ơi, hôm nay lão thái bà tìm được tri ân rồi phải không?
Vừa quay đầu lại nhìn, tôi giật thót mình một cái, chỉ thấy khuôn mặt
Uyển Nghi đầm đìa nước mắt. Phụ nữ quả nhiên là loại động vật cảm tính.
Sau
đó, tôi lại nói: “Mẹ, lần này là do mẹ làm Uyển Nghi khóc đấy nhé!”
Mẹ trừng mắt nhìn tôi, hiền từ vỗ vỗ vào tay Uyển Nghi và nói mọi chuyện cũng đã qua rồi.
Uyển Nghi đã lau khô nước mắt nhưng vẫn kiên quyết đi vào bếp phụ giúp cho bố tôi, mẹ cũng không ngăn cản cô ấy nữa.
Phòng khách chỉ còn lại hai mẹ con tôi, tôi vừa xem vô tuyến vừa cắn hạt dưa, mẹ sán lại gần tôi thì thầm:
“Con trai, nhãn quang của con cũng không đến nỗi tồi đâu nhỉ.”
Tôi biết Uyển Nghi là một cô gái luôn giành được thiện cảm của mọi
người, cô ấy hoàn mỹ tới độ dù đi tới đâu, trong bất kỳ trường hợp nào
cũng đều nhận được những lời khen ngợi và ánh mắt ngưỡng mộ. Mặc dù
trong lòng rất đắc ý nhưng bên ngoài, tôi vẫn tỏ ra bình thản: “Cũng
thường thôi, mẹ cứ tưởng thẩm mỹ quan của người ta cũng chỉ như hai ông
bà già nhà này hay sao?”
Bà mẹ kính yêu của tôi sững người lại
hồi lâu mới kịp phản ứng lại, bà vỗ mạnh lên đầu tôi, mắng: “Cái thằng
con bất hiếu này.” Mẹ bỗng nhiên hạ giọng xuống cực nhỏ, mắt không ngừng nhìn về phía cửa phòng bếp, hỏi tôi: “Cô bé này học cùng trường với con à?”
“Vâng.”
“Bao nhiêu tuổi?”
“Năm tới học năm thứ hai.”
“Học khoa gì? Hệ cao đẳng hay hệ Đại học?”
“Khoa tiếng Anh, đương nhiên là hệ Đại học chứ.” Tôi lơ đãng trả lời,
mắt còn đang mải dán vào màn hình ti vi theo dõi mấy cô người mẫu đang
uốn éo khoe dáng trên sân khấu.
“À… ” Mẹ tôi thu người lại, suy nghĩ gì đó một lát rồi lại sán lại cạnh tôi. “Bố mẹ cô bé đó làm nghề gì?”
“… ” Tâm trí tôi đã bị mấy cô người mẫu trong ti vi hút đi mất rồi.
“Mẹ đang hỏi con đấy!” Mẹ vỗ một cái vào người tôi, “Bố mẹ cô bé làm nghề gì?”
“À! À!” Tôi giật mình một cái vì bị đánh mạnh, “Ôi giời, mẹ làm gì mà
cứ như đặc vụ hỏi cung vậy? Bố mẹ cô ấy làm nghề gì, con làm sao mà biết được! Mà con cũng chẳng cần phải biết làm gì! Mẹ muốn biết thì tự đi
hỏi cô ấy xem!” Tôi bị mẹ làm phiền khiến cho cơn giận trong người bốc
lên ngùn ngụt, lời nói mỗi lúc một to hơn.
“Thôi được rồi, thôi
được rồi, không hỏi nữa. Ông tổ nhỏ của tôi ơi, ông be bé cái mồm một
chút! Đúng là đồ ngốc nghếch! Đợi tí nữa để mẹ thử hỏi xem sao!” Mẹ vừa
nói vừa đứng dậy đi về phía phòng bếp.
Tôi khó chịu lườm theo mẹ một cái thật dài.
Đúng mười hai giờ trưa, cả nhà bắt đầu dùng bữa.
Uyển Nghi chạy tới chạy lui phụ giúp việc thu dọn bàn ăn, bày bát đũa,
khuôn mặt nhỏ xinh lộ rõ vẻ hồ hởi, phấn khởi. Thi thoảng lại quay về
phía phòng khách, nhăn mặt lại trêu chọc tôi - người đang ngồi chăm chú
xem ti vi. Trông cô ấy giống hệt như một cô con dâu chăm chỉ mới được gả vào nhà tôi vậy.
Nhân lúc ra phòng khách gọi tôi vào ăn cơm,
Uyển Nghi tranh thủ ghé vào tai tôi thì thầm: “Không ngờ bố mẹ anh lại
hiền hậu như vậy!”
“Sao vậy, còn chưa biểu diễn năng khiếu mà đã được bố mẹ chồng chấp thuận rồi hay sao?” Tôi lại bắt đầu châm chọc.
Mặt Uyển Nghi lại đỏ bừng lên, hếch hếch mũi, nũng nịu nói: “Người ta
không thèm nói chuyện với anh nữa!” rồi bỏ chạy sang bên phòng ăn.
Lúc ăn cơm, Uyển Nghi luôn miệng nói, nhiều món ngon thế này mà một mình chú chuẩn bị chắc phải chuẩn bị từ rất sớm đây!
Mẹ đắc ý nói: “Ôi chao, bố của Hi Hi biết hai đứa sẽ về ăn cơm, mới sáu giờ sáng đã dậy đi chợ rồi về một mình chuẩn bị đấy!”
“Hả! Sáu giờ sáng, sớm vậy sao!” Uyển Nghi tròn xoe mắt tỏ vẻ ngưỡng mộ nhìn bố tôi: “Chú vất vả quá ạ!”
“Hai đứa về nhà ăn cơm, chút việc nhỏ đó có thấm tháp gì! Không vất vả, không vất vả!”
Hai người, một già một trẻ đối đáp thật nhịp nhàng, bố tôi nghe vậy cảm thấy vô cùng thoải mái nhưng cũng không đáp lại, nâng cốc rượu lên nhấp một ngụm, khuôn mặt hiện rõ vẻ tự hào.
Tôi không kiềm chế được, buột miệng nói: “Sáu giờ dậy thì có gì là vất vả đâu, Uyển Nghi của
chúng ta còn dậy từ năm giờ sáng nữa kìa.”
Ngay sau đó, bàn chân đang để trên nền nhà của tôi đã bị bàn chân của Uyển Nghi dẫm đạp một
cách không thương tiếc. Tôi còn ngạc nhiên không hiểu sao cô ấy vẫn giữ
được nét mặt không hề thay đổi, nụ cười ngọt ngào phía trên bàn ăn, còn
phía dưới bàn ăn, chân cô ấy vẫn không chịu buông tha cho cái chân tội
nghiệp của tôi.
“Uyển Nghi hôm nay dậy từ năm giờ sáng cơ à? Dậy sớm thế để làm gì vậy?” Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi.
Mặt Uyển Nghi nóng bừng lên, chân cô ấy vẫn đang giẫm mạnh lên chân tôi.
Tôi đành phải nói dối rằng Uyển Nghi dậy sớm để ôn thi Tiếng Anh cấp
sáu, học sớm, thể dục sớm rồi đặt báo buổi sớm… Miêu tả Uyển Nghi trở
thành một sinh viên học hành chăm chỉ, yêu thích vận động, luôn quan tâm tới các vấn đề xã hội và có một thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Mẹ tôi nói muốn hỏi xem gia cảnh nhà Uyển Nghi như thế nào và quả nhiên, bà đã hỏi thật.
Dưới sự dẫn dắt của mẹ tôi, câu chuyện đã được chuyển sang chủ đề công
việc của bố. Mẹ nói, mấy năm gần đây, nghề kỹ sư vô cùng vất vả, tiền
lương chẳng đáng là bao mà suốt ngày nay đây mai đó, dầm mưa dãi nắng
theo các công trình, rồi sau đó chuyển hướng một cách rất khéo léo:
“Công việc của bố mẹ Uyển Nghi có thoải mái không? Chắc không đến nỗi
vất vả như thế nhỉ?”
Uyển Nghi cười điềm đạm nói: “Mẹ cháu không có việc làm, chỉ ở nhà xem vô tuyến và chơi bài để giết thời gian. Rỗi
rãi như vậy nên mẹ lúc nào cũng nhớ cháu lắm.”
Mặt mẹ tôi có vẻ tối sầm lại, dường như đang vướng mắc gì đó ở mấy từ “không có việc
làm”. Bà khẽ hắng giọng một tiếng, cố gắng giữ vẻ mặt hiền hậu, cười
nói: “Vậy chẳng phải bố cháu sẽ rất vất vả sao?”
“Bố cháu là một công chức nhà nước, cả đời sống trung thực, thẳng thắn. Ông cũng là
người bình thường, chẳng có tài cán gì nổi trội, chỉ được tính nết hiền
từ, quan hệ với mọi người cũng khá tốt thôi ạ. Từ nhỏ, cháu đã được bố
dạy bảo tỉ mỉ cách đối nhân xử thế.” Nói xong, Uyển Nghi khẽ mỉm cười,
cúi đầu xuống ăn một miếng thức ăn nhỏ.
Ánh mắt mẹ tôi đã sáng
lên đôi chút, đưa tay gắp thêm vào bát Uyển Nghi một miếng cá, từ tốn
hỏi tiếp: “Thế bố cháu làm việc ở cơ quan nào?”
Tôi thực sự không thể nghe tiếp được nữa, nhăn mặt lại nói: “Lão thái bà ơi, mẹ ăn cơm đi! Hỏi gì mà hỏi nhiều thế!”
Mẹ lườm tôi một cái, khẽ nói: “Lúc ăn cơm nói một chút chuyện gia đình
thì có vấn đề gì đâu? Như thế lại càng giúp cho không khí gia đình thêm
hòa thuận, con thì hiểu cái gì! Bố con giao thiệp rộng, không khéo hai
gia đình còn quen biết nhau ấy chứ.”
Uyển Nghi vẫn giữ được
phong thái ngoan hiền của con nhà gia giáo, nhẹ nhàng nói: “Vâng ạ, nói
chuyện gia đình ấy mà, những chuyện đó vốn cũng không phải bí mật gì ghê gớm cả. Bố cháu làm việc ở tòa án ạ.”
Mẹ tôi “ồ” lên một tiếng, người bố ngồi yên lặng từ đầu tới giờ nay mới lên tiếng chen vào: “Chú
cũng có vài người bạn cũ làm việc ở tòa án tối cao. Mấy năm trước, chú
cùng mấy người bạn đó đi uống rượu, có cả mấy vị cảnh sát tư pháp cũng
tham gia góp vui. Giữa bữa tiệc, ngài phó viện trưởng của tòa án nhân
dân tối cao thành phố Trần Đồng cũng có mặt, ông còn tới bắt tay từng
người nữa. Bây giờ ông ấy đã được cất nhắc lên làm viện trưởng rồi.” Bố
tôi cũng già rồi, con người khi về già, lúc gần nghỉ hưu dường như trong đầu chỉ nhớ tới những chuyện oai hùng, có thể đem ra kể đi kể lại để
lớp trẻ nhìn vào đó mà tự hào.
Nhưng không ngờ, Uyển Nghi vẫn giữ nét mặt bình thản nói: “Trần Đồng chính là bố cháu ạ.”