Đầy túi mấy chục hạt châu vàng nặng trình trịch có khắc hoa văn tinh xảo trên bề mặt, có hình hoa súng, có hình trăng lưỡi liềm, có hình sóng nước, đẹp hơn cả bàn tay tạo hóa tạo nên.
Đàm Vân Sơn rụt rè cẩn thận cất châu vàng vào lại cho Ký Linh rồi nói: “Tôi cho rằng chúng ta cần tìm một chỗ ngồi xuống tâm sự kỹ lưỡng về sư phụ cô nương…”
Phùng Bất Cơ nắm chặt mảnh vải cột kiếm gỗ đào trên người tỏ vẻ cực kỳ đồng ý với đề nghị này.
Cuối cùng ba người dùng bạc của Đàm Vân Sơn để thuê xe ngựa, đợi xe ngựa lóc cóc chạy rồi, hai cặp mắt nhất tề nhìn sang Ký Linh.
Ký Linh bắt yêu đã dăm năm nhưng do không có đích đến gì cụ thể nên tuy có tiền vẫn luôn đi bộ, lần này là lần đầu tiên ngồi xe ngựa, đang thấy mới mẻ thích thú thì lại bị người ta nhìn chằm chằm đòi kể chuyện sư phụ, thật là…
Thôi, Ký Linh không nghĩ ra được từ phù hợp.
Bất kỳ từ gì mang ý bất kính hay mỉa mai đi cùng với sư phụ đều khiến nàng thấy mâu thuẫn theo bản năng, bởi sư phụ là người thân thiết nhất cũng là người thân duy nhất của nàng.
“Tôi vừa chào đời đã bị vứt trên núi, sư phụ nhặt tôi về, nuôi tôi lớn, dạy tôi nên người…”
Ký Linh lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ xe ngựa, bên ngoài ô cửa sổ to bằng bàn tay, trời cao mây thưa.
Ánh nắng tươi đẹp chiếu vào, buông xuống khuôn mặt nàng nhìn nghiêng một đường nắng cực đẹp.
“Sư phụ tự xưng là Thanh Đạo Tử, tôi từng hỏi tên thật của sư phụ, sư phụ đáp người tu hành đã dứt duyên trần, từ đó tôi không hỏi lại nữa. Sư phụ rất giỏi, những gì tôi biết hiện giờ chẳng bằng một phần vạn của sư phụ. Tôi từng hỏi sư phụ tại sao không xuống núi bắt yêu, sư phụ nói sư phụ già rồi, bắt không nổi nữa nhưng có tôi là đồ đệ kế thừa chí hướng trừ yêu hàng ma, phò trợ chính nghĩa của sư phụ, cuộc đời của sư phụ đã viên mãn rồi…”
Không phải lần đầu tiên Đàm Vân Sơn nghe Ký Linh nhắc tới Thanh Đạo Tử. Từ ngày quen biết tới nay, vị cao nhân ẩn sĩ này tựa như người đồng đội thứ tư của họ, thường được Ký Linh ngưỡng mộ nêu danh nhưng trước đây nhắc tới phần nhiều là với thái độ tôn kính, tự hào, chủ yếu là mang chút tưởng niệm, còn lần này là buồn thương thật.
Ký Linh vẫn không hề thoải mái trước sự ra đi của sư phụ, Đàm Vân Sơn nghe là biết.
Chàng rành chuyện cười làm lành nhưng không thích an ủi người khác, cảm giác việc “an ủi” không hề làm thay đổi những chuyện đã xảy ra cũng không thể tác động gì tới tương lai vô định, rất không thực tế.
Song lúc này đây, chàng lại vô cớ muốn nói đôi lời an ủi: “Sư phụ cô nương giỏi như vậy, chưa biết chừng đã lên tiên, chẳng qua là cô nương không biết.”
Ký Linh nhìn trời, nói khẽ: “Sư phụ đi trong giấc ngủ, có lẽ đúng là lên cõi tiên…”
Trong đầu Phùng Bất Cơ chỉ có châu vàng óng ánh nhưng Ký Linh cô nương lại đang tưởng niệm sư phụ, huynh ta không tiện phá hoại bầu không khí, ráng nghe tới tận giờ mới tìm được cơ hội xen vào: “Thế, sao tôn sư có nhiều tiền vậy?”
Hỏi xong Phùng Bất Cơ mới thấy điều huynh ta hỏi bất kể có hỏi vào lúc nào cũng đều là dung tục…
Ký Linh phì cười, quay sang nhìn, đôi mắt long lanh nước, nụ cười nhẹ nhàng nở trên môi, linh động lạ kỳ.
“Sư phụ nói bản thân vốn là con nhà phú quý nhưng năm mười mấy tuổi, cha mẹ lần lượt bệnh mất, sư phụ bèn bán hết nhà cửa, đất đai đổi thành bạc với châu vàng, từ đó bắt đầu bước đường tu hành… Sau này, sư phụ bắt được rất nhiều yêu quái làm xằng làm bậy, đa số chúng giả dạng con người trà trộn vào nhân gian dùng yêu lực cướp đoạt được một lượng lớn tiền của nên sau khi sư phụ bắt được chúng, thứ nào còn có thể trả lại cho khổ chủ thì trả cho khổ chứ, thứ tìm không được khổ chủ thì…”
“Thu vào túi.” Phùng Bất Cơ tiếp lời với đầy lòng tôn kính.
Tu hành bao nhiêu năm, lần đầu tiên huynh ta biết hóa ra bắt yêu là con đường làm giàu thênh thang như vậy!
Đàm Vân Sơn vốn không có cảm xúc gì với Thanh Đạo Tử, nghe đến đây lại thực sự hơi muốn gặp vị cao nhân này: “Tán ra được, thu vào được, không bị trói buộc bởi thế tục, lòng tự có đo lường… Hay!”
Ký Linh thích nghe người khác khen sư phụ mình, nghe vậy liền cười tươi rói lộ cả lúm đồng tiền.
Đàm Vân Sơn ngạc nhiên, Ký Linh hiếm khi cười tươi như vậy nên đây là lần đầu tiên chàng phát hiện thì ra cô nương này lúc cười tươi lại có lúm đồng tiền.
Phùng Bất Cơ cau hàng mày thô, có cảm tưởng không gian chật hẹp trong xe ngựa không chứa nổi một tên tráng hán như huynh ta.
Xe ngựa xóc nảy suốt chặng đường, tới lúc mặt trời bắt đầu xuống núi thì tới được một thôn nhỏ.
Trời vẫn chưa tối hẳn nên ba người vẫn muốn đi tiếp nhưng người đánh xe ngựa không chịu, nói rõ chỉ chở một ngày, phải tranh thủ tối về lại Hòe Thành.
Ba người không còn cách nào khác đành phải thanh toán tiền nong rồi xuống xe.
Xem chừng tương lai cũng đều thế này: người đánh xe ngựa còn phải nuôi cả nhà, ắt không thể theo họ đi hết cung đường Trần Thủy vạn dặm cho nên cứ đi một đoạn thì phải đổi một chuyến xe ngựa khác.
Tiếng xe ngựa xa dần rồi biến mất hẳn, cửa thôn um tùm cỏ dại chỉ còn ba người họ.
Mặt trời đã lặn một nửa, gió dần trở lạnh.
Ở các thôn trang bình thường thường có quán nước ở cửa thôn để người qua đường có thể nghỉ chân, chủ quán nước cũng có thể kiếm được chút ít cho gia đình nhưng chỗ này không có. Nếu không phải xa xa còn có khói bếp lượn lờ thì đúng là làm người ta tưởng thôn này đã bỏ hoang.
Đàm Vân Sơn thở dài hụt hẫng: “Thôn thế này e là không có quán trọ.”
Ký Linh cạn lời: “Nghĩ gì vậy, có người cho chúng ta tá túc đã là may lắm rồi, lỡ như không thì chúng ta chỉ có thể vào miếu ở hoặc là ăn ngủ ngoài đồng hoang.”
Đàm Vân Sơn cho là không có khách sạn đã đủ thê thảm rồi, nghe vậy nhìn sang Phùng Bất Cơ mang theo tia hy vọng cuối cùng.
Phùng Bất Cơ vỗ nhẹ bên vai mới lành thương của chàng: “Chịu được khổ của khổ mới là tiên của tiên.”
Trong lúc Phùng Bất Cơ không biết ngọt là gì đang giảng giải đạo lý cho Đàm nhị thiếu gia chưa biết khổ là gì nghe, Ký Linh đã đi vào thôn.
Khác với Hòe Thành có nền nếp quy củ, thôn này nhìn là biết chỉ là những người nhà quê ở pha tạp với nhau, nhà cửa xây theo những lối khác nhau nằm xen kẽ lộn xộn, có chỗ đi mấy bước không thấy nhà nào, có chỗ thì hai, ba hộ sát sàn sạt nhưng điểm chung là đều là hộ nghèo, nhà cửa đơn sơ.
Nhưng có một điều rất lạ.
Chân tường nhà nào cũng có bùn đất màu đỏ, đất đỏ vòng quanh chân tường một vòng cả căn nhà.
Ký Linh lại gần chân cửa sổ một nhà gần đó định lấy chút đất đỏ xem thử, nào ngờ vừa ngồi xổm xuống đã ngửi thấy mùi tanh.
Ký Linh sững sờ, hóa ra không phải đất đỏ mà là tưới máu quanh nhà, đất nhiễm đỏ.
Đàm Vân Sơn và Phùng Bất Cơ đi tới, vừa tới gần, không hẹn mà cùng cau mày.
Phùng Bất Cơ ngửi một cái liền đoán ra: “Máu.”
Đàm Vân Sơn trầm ngâm chốc lát rồi khẳng định: “Không phải của người.”
Ký Linh và Phùng Bất Cơ kinh ngạc cùng nhìn chàng.
Đàm Vân Sơn bị nhìn tới sợ, vội giải thích: “Đừng hỏi tôi tại sao, tôi cũng không biết, tóm lại là đoán được vậy.”
Cuối cùng Phùng Bất Cơ đã hiểu thế nào là so người với người tức chết người: “Có tiên duyên đúng là khác nhỉ.”
Ký Linh nói: “Đâu chỉ. Thứ nhập vào người huynh ấy sau khi bắt được Ứng Xà là một dạng tiên phách, chưa biết chừng giờ huynh ấy đã dính tiên khí rồi.”
Đàm Vân Sơn gật đầu thật mạnh với hai người họ: “Tưới máu vào chân tường đích thực rất khác thường.”
Ký Linh: “…”
Phùng Bất Cơ: “…”
Ngay lúc Đàm nhị thiếu gia bị đồng đội khinh bỉ vì đổi đề tài đầy sống sượng thì cửa nhà bỗng mở, một người đàn ông gần ba mươi mặt đỏ lừ quát họ: “Ba người làm gì đấy…”
Không chào hỏi gì cứ ngồi xổm ở chân tường nhà người ta, có là ai thì cũng khó chịu, Ký Linh đứng ngay dậy hòa hoãn: “Làm phiền, chúng tôi là người đi đường qua đây, trời đã muộn, đang muốn tìm một nơi tá túc ngủ lại.”
Đàn ông gặp đàn ông thì có thể quát nhau nhưng nếu gặp phải cô nương, còn là một cô nương nho nhã lịch sự thì người đàn ông mặt đỏ cũng không tiện mắng, chỉ cả giọng bảo: “Không có chỗ cho các người ở nhờ đâu, đi tìm chỗ khác đi.”
Nói xong đóng sầm cửa lại.
Ký Linh và Phùng Bất Cơ liếc nhau, nhún vai bất đắc dĩ.
Đàm Vân Sơn đã nghĩ tới tình huống này nhưng khi thực gặp phải vẫn thấy hơi bùi ngùi: “Thói đời quả là khó khăn…”
Ký Linh nhìn Đàm nhị thiếu gia “chưa từng trải việc đời” một cái: “Ở bên ngoài kiểu gì cũng gặp đủ dạng người muôn hình muôn vẻ. Bình thường.”
Đàm Vân Sơn cúi đầu: “Tưới máu vào chân tường nhà cũng là bình thường?”
Ký Linh cứng họng.
Phùng Bất Cơ cúi người vê một hòn đất chìa ra trước mặt Đàm Vân Sơn: “Ngửi ngửi thử xem là máu gì.”
Đàm Vân Sơn giật mình lùi vội lại, khóc không ra nước mắt: “Cái này sao ngửi mà biết được.”
Phùng Bất Cơ nhìn chàng một cái cực kỳ thất vọng, thái độ thể hiện ra mặt: Cần đệ để làm gì!
Đàm Vân Sơn oan muốn chết.
Ba người gõ cửa liền mấy nhà đều bị từ chối không tiện cho người ngoài ngủ lại nhưng nhà cuối cùng thì thái độ lại rất thân thiện, là một người phụ nữ ở nhà một mình với con gái, chồng đã đi săn thú vắng nhà.
Mặc dù không thể cho ngủ lại nhưng người phụ nữ đó vẫn mời họ vào nhà uống chén nước ấm.
Nói chuyện đôi câu, người phụ nữ đã thật thà thuật lại chuyện lạ ở thôn này.
Thôn không có tên, hồi đầu chỉ là vài người thợ săn tụ lại xây nhà để ở, sau đó dần dần có người ở vùng núi quanh đây tới ở, cuối cùng hình thành một thôn nhỏ như hôm nay.
Thôn dù nghèo khổ nhưng sống dựa vào núi cũng đủ no bụng.
Nào ngờ ba năm trước, thôn bắt đầu gặp chuyện không may. Ban đầu là thú săn được về bị trộm, bất kể là lợn rừng hay thỏ hoang kiểu gì cũng bị mất một chút. Đám thợ săn còn từng nghi ngờ lẫn nhau vì chuyện này nhưng sau đó thì bắt đầu có người bị điên.
Mọi người đều bị điên giống nhau, không hề có dấu hiệu gì, tối hôm trước còn đi ngủ bình thường, hôm sau dậy thì đã hóa điên, có người hóa điên đả thương người khác, có người chạy thẳng vào trong núi không còn thấy tung tích.
Dần dà, trong thôn có người cho là do yêu ma gây chuyện.
Thế phải làm gì để trừ yêu ma đây?
Bấy giờ mọi người mới nhận ra hồi đầu lúc thú săn về bị trộm chỉ có gà rừng là không bao giờ bị trộm nên họ mới đoán là thứ kia không thích gà rừng bèn bắt thật nhiều về để ở cửa nhưng rồi vẫn cứ có người bị hóa điên. Sau đó, không biết bắt nguồn từ nhà nào tưới máu gà rừng bốn phía quanh nhà thấy hữu hiệu, thế là các nhà khác liền học theo.
Tới giờ ba năm đã trôi qua, buổi tối quả thực không còn ai hóa điên nhưng kiểu gì rồi cũng phải ra ngoài đi săn thú kiếm cơm ăn. Vậy nên thường hay có đàn ông vào rừng đi săn sau đó hóa điên chạy xuống núi, cũng có người một đi không trở về, không rõ sống chết.
Người phụ nữ kể trong nơm nớp lo sợ nhưng ba người nghe xong đều hiểu.
Đến Đàm Vân Sơn cũng hiểu, thứ ấy tất nhiên là yêu. Dạo phát hiện người hầu nhà họ Trần chết, Ký Linh từng nói bình thường sau khi bị yêu quái hấp thụ tinh khí thì người bị hút tinh khí sẽ mất trí, điên dại hoặc là nằm bệnh không dậy nổi.
Chỉ có điều…
“Nếu máu gà rừng ngăn được yêu quái thì tại sao chúng tôi đi hỏi liền mấy nhà, không nhà nào bằng lòng cho chúng tôi ngủ lại? Chẳng lẽ có người ngoài tới ở thì máu gà rừng liền mất hết tác dụng?”
Đàm Vân Sơn vừa nghĩ tới, Ký Linh đã hỏi luôn.
Người phụ nữ nói: “Không phải chúng tôi không muốn giúp đỡ mà thực sự là sợ. Thôn này của chúng tôi tuy nhỏ nhưng thường xuyên có người đi ngang qua, hễ có ai xin tá túc, mọi người đều nhiệt tình giúp đỡ, dẫu gì thì đi bôn ba bên ngoài cũng thật chẳng dễ gì. Song từ lúc chúng tôi dùng máu gà tạm thời giữ được bình an thì hễ nhà nào có người ngoài tới ngủ lại là nhà đó chắc chắn