Trăng lặn, mặt trời lên. Cửu Thiên sáng lên tia sáng đầu tiên.
Đàm Vân Sơn rời khỏi Tiên Chí Các, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời. Hóa ra bình minh ở tiên giới cũng không khác gì ở trần gian. Mới đầu sáng lên một chút sau đó từ từ lan rộng, lặng lẽ xua tan màn đêm.
Chàng biết, chóng thôi, màn đêm sẽ tan biến, vùng sáng kia sẽ rạng rỡ hẳn lên đánh thức toàn bộ Cửu Thiên Tiên Giới.
Chỉ không biết dưới Vong Uyên liệu có thấy được chăng.
Lại tới Cửu Thiên Bảo Điện thêm lần nữa, lần này không có ai ngăn cản, chàng đi thẳng đến phòng chơi cờ, Thiên Đế đang im lặng suy tư trước bàn cờ thế. Thế cờ lần trước bị chàng giải đã được cất đi, lần này là một thế khác. Đàm Vân Sơn không biết Thiên Đế có bao nhiêu thế cờ chưa giải nhưng với trình độ chơi cờ của Thiên Đế, chàng cảm thấy tội gì phải tự làm khó bản thân như vậy.
“Tra ra rồi à?” Thiên Đế chẳng có vẻ gì là vui vẻ, ngược lại còn tỏ ra hoài nghi.
Đàm Vân Sơn hiểu vì sao Thiên Đế lại phản ứng như vậy, đến chính chàng cũng không ngờ lại có thể tiến triển nhanh như thế, thuận lợi như thế. Tất thảy công lao tất nhiên là nhờ kỳ tài của Tuyển Văn thượng tiên. Nếu để Đàm Vân Sơn chọn ra tiên hữu nào thần kỳ nhất Cửu Thiên thì không ai khác chính là Tuyển Văn. Song, lời này không tiện nói cho Thiên Đế biết, dù sao cũng không thể nói cho người ta biết là người ta tháng nào năm nào vì sao cãi nhau với Đế Hậu còn có người nhớ rõ hơn cả mình được.
Nghĩ tới đây, Đàm Vân Sơn quyết định lược bỏ phần trình bày quá trình, đi thẳng vào trọng tâm: “Thiên Đế có nhớ trăm năm trước, trong đông đảo các tiên tì hầu hạ ở phòng chơi cờ này có một vị tên là Thanh Trản không?”
Một cái tên không mấy đặc biệt, một thân phận càng không mấy đặc biệt hơn, Đàm Vân Sơn vốn không mong chờ Thiên Đế sẽ nhớ được nhưng không ngờ sau một hồi nghĩ ngợi, Thiên Đế lại gật đầu: “Ta có nhớ.”
Chuyện này làm Đàm Vân Sơn rất đỗi bất ngờ: “Ngài nhớ được thật à?”
Thiên Đế mỉm cười, hiển nhiên là chuyện ngược dòng thời gian nhớ lại lúc Canh Thần thượng tiên đổi tính mới không lâu trước đây, việc Thiên Đế “không hề có ấn tượng gì” đã để lại cho Trường Nhạc tiên một ấn tượng sâu sắc. Có điều, không nhớ chuyện xảy ra tháng nào năm nào thì cũng đâu đến mức ngay cả người cũng không nhớ nổi.
“Nàng vốn là một chiếc đèn cung đình trong phòng chơi cờ này, do ta lỡ tay làm đổ trà, nước trà thấm vào tinh phách của nó. Đây chính là cơ duyên của nàng ấy, trà này là thanh huyền diệp bảy trăm năm mới thu hoạch được một lần, từ ấy đèn thấm tiên khí và hóa thành hình người.” Vẻ mặt Thiên Đế trở nên dịu dàng, không biết là vì Thanh Trản hay là vì những ngày vui vẻ đã qua, “Ta thấy nàng biết chơi cờ nên cho nàng được tiếp tục ở lại hầu hạ ở phòng chơi cờ. Tính ra thì đấy đã là chuyện từ hơn hai trăm năm trước…”
Tiếng nói và khuôn mặt của Thiên Đế bỗng sững lại, có vẻ như cuối cùng cũng ý thức được điều Đàm Vân Sơn muốn nói là gì và đột ngột bị điều này kéo về thực tại, bất chấp ông có sẵn lòng hay không.
Đàm Vân Sơn cũng giật mình: “Thanh huyền diệp?”
Thiên Đế bất lực, định bảo ta nói nhiều như vậy, ngươi lại chỉ để ý một chén trà nhưng chưa kịp nói thì bỗng nhớ ra.
Đó là chuyện ở Canh Thần Cung khi ông còn chưa ra mặt, im lặng nghe Trịnh Bác lão và Đàm Vân Sơn “trò chuyện dông dài”…
“Còn là tự tay tôi làm. Có điều, sau khi hoàn thành, đây là lần đầu tiên tôi uống. Lá thanh huyền diệp bảy trăm năm mới thu hoạch được một lần, thật sự không nỡ.”
“Cho Nam Ngọc cũng không nỡ?”
“Không nỡ.”
“Cho Thiên Đế cũng không nỡ?”
“Còn không nỡ hơn.”
“Đây là đáp án?” Thiên Đế không những không thấy thoải mái mà lại càng thêm hoang mang hơn.
“Tôi không dám nói chắc chắn là nó nhưng tôi đã xem xét kỹ lưỡng “Khởi cư chú” trước và sau lần cuối cùng Canh Thần thượng tiên tới nơi này chơi cờ với ngài, không có gì thay đổi, Cửu Thiên vẫn là Cửu Thiên, Bảo Điện vẫn là Bảo Điện, đến chuyện mỗi ngày ngài nghe diễn tấu bao nhiêu lâu, uống trà bao nhiêu lâu đều không hề sai khác, chỉ riêng Thanh Trản…” Đàm Vân Sơn mở một trang trong quyển “Khởi cư chú” mang theo, đẩy sách qua bàn cờ cho Thiên Đế xem, “chỉ riêng cái tên này là không thấy.”
Thiên Đế nghiêm túc xem “Khởi cư chú”. Quả nhiên, trang trước ghi chép khi ông chơi cờ ở phòng chơi cờ thì còn là “chơi cờ với Canh Thần… Thanh Trản hầu”, trang sau, do Trịnh Bác Lão kiếm cớ không chơi nên ông tiện thể gọi Thiếu Hạo tới yết kiến vào chơi cùng, “Khởi cư chú” ghi rằng “chơi cờ với Thương Bột… Lạc Châu hầu.”
Lật trở về trước, những phần ghi việc ông chơi cờ, mười lần thì đến chín lần là với Canh Thần thượng tiên, đứng hầu chủ yếu là Thanh Trản. Trang mà Đàm Vân Sơn giở cho ông xem như một đường phân thủy, từ sau trang ấy, khoảng cách giữa các lần chơi cờ của ông ngày càng dài, người chơi cùng cũng mỗi lần một người, cứ như thể túm được ai thì chơi với người đó, tiên tì đứng hầu cũng thường xuyên thay tên nhưng đúng như Đàm Vân Sơn nói, không có “Thanh Trản” nữa.
*đường phân thủy (tiếng Anh: drainage divide): ở hai bên đường phân thủy, nước chảy về hai hướng khác nhau, cung cấp nước cho hai lưu vực khác nhau.
Đây là “Thiên Đế khởi cư chú”, nếu không cố ý soi tìm thì đâu có ai lại để ý tên một tiên tì nào đó xuất hiện từ khi nào, từ khi nào biến mất. Thậm chí, dù có phát hiện ra cái tên đó biến mất thì Thiên Đế cũng không nhớ nổi là Thanh Trản đã đi đâu. Ông nhớ thân thế đặc biệt của nàng, nhớ nàng biết chơi cờ nhưng nàng biến mất từ khi nào thì lại không chú ý.
Thấy Thiên Đế ngày càng cau chặt mày, tâm trạng ngày càng thêm nặng nề, Đàm Vân Sơn thở dài trấn an: “Nàng chỉ là một tiên tì, ngài không lưu tâm cũng là chuyện rất đỗi bình thường, nếu ngài lưu tâm thì mới là chuyện đáng ngạc nhiên.”
“Nhưng hẳn là Canh Thần thượng tiên vì nàng ấy mới làm cạn nước Vong Uyên.” Thiên Đế lắc đầu cười buồn rười rượi, không biết nên trách bản thân sơ ý hay phải trách trọng thần nặng tình.
Đàm Vân Sơn biết Thiên Đế đã nhớ ra hương trà ở Canh Thần Cung.
Bản thân chàng và vị chí tôn của Cửu Thiên này, một người không hiểu gì về trà, một người thì lại quên mất người ta, nhưng luôn có một người nhớ vị trà ấy, để ý sự đi hay ở của người ấy, thậm chí khắc ghi tên người ấy vào sâu tận đáy lòng, từng nét bút khắc là từng nhát dao khứa chảy máu.
“Vì sao nàng ấy vào Vong Uyên?” Thiên Đế nghiêm túc hỏi.
Trong “Khởi cư chú” tất nhiên không có ghi chép một tiên tì vì sao không xuất hiện nữa nhưng trong sách ghi chép thưởng phạt của Cửu Thiên thì có, ông tin Đàm Vân Sơn cũng đã tra rõ.
Đương nhiên Đàm Vân Sơn đã tra rõ, thực ra cũng không khó nhọc gì, chỉ cần hỏi một câu là xong: “Va chạm…”
Ầm!
Một tiếng nổ lớn ngắt ngang lời Đàm Vân Sơn, làm Thiên Đế biến sắc.
Một là tiếng động rất gần tưởng như chỉ cách Cửu Thiên Bảo Điện một bức tường, lại thêm mới kinh qua loạn Lệ Mãng nên tiếng động ầm ầm đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng mọi người ở Cửu Thiên.
“Ở ngoài xảy ra chuyện gì vậy?” Thiên Đế quát hỏi.
Nhanh chóng có tiên thị chạy ra ngoài điện kiểm tra rồi cấp tốc chạy về báo cáo: “Bẩm Thiên Đế, hình như có yêu lẻn vào Cửu Thiên, được Uyên Hoa thượng tiên kịp thời phát hiện!”
Thiên Đế nhíu mày: “Hình như có yêu?”
Đàm Vân Sơn có dự cảm chẳng lành, chàng đứng bật dậy: “Đánh nhau à?!”
Tiên thị lập tức trả lời câu hỏi của Thiên Đế: “Là yêu nhưng hình như có tiên phách trong cơ thể nó.”
Sau đó tiên thị mới giải thích với Trường Nhạc tiên: “Không phải đánh nhau, là Trần Hoa thượng tiên và Uyên Hoa thượng tiên cùng cứu nó.”
Thiên Đế: “…”
Đàm Vân Sơn: “…”
Thật sự rất khó tưởng tượng ra được tình cảnh kỳ quặc này từ lời miêu tả của tiên thị. Thiên Đế đang định hỏi thêm mấy câu thì Đàm Vân Sơn đã dứt khoát đứng lên chào ra về rồi chẳng để lại câu nào, cứ thế chạy vội ra ngoài nhanh như một tia chớp.
Tiên thị choáng váng, với số năm kinh nghiệm ít ỏi của mình, lần đầu tiên tiên thị chứng kiến có kẻ dám tùy tiện như vậy với Thiên Đế, không biết khéo lại tưởng vị này và Thiên Đế là huynh đệ kết nghĩa.
Thiên Đế cũng chẳng hiểu ra làm sao nhưng chuyện có thể làm Đàm Vân Sơn gián đoạn chuyện trọng yếu thế này để chạy qua xem thì yêu kia…
Yêu?
Một con sói trắng bị nhốt vào lồng băng còn giương nanh múa vuốt cắn chấn song băng hiện lên trong đầu, nó cố chấp đến là quá thể, muốn không có ấn tượng cũng khó.
Lúc Thiên Đế hiểu ra, Đàm Vân Sơn đã phi tới bờ Vong Uyên.
Hai cây tiên to bên bờ đã bị nhổ bật gốc, một cây ngã rạp xuống đất, một cây không rõ là đã ngã nhưng được làm phép nâng lên hay là đang đổ thì được làm phép giữ lại, tóm lại là nó hiện ở một thế nghiêng khá là lạ lùng. Trên hai thân cây đều có cột dây thừng màu vàng tía, sợi cột vào thân cây ngã rạp đã đứt, trên cái cây dọa đổ thì vẫn còn trụ được nhưng đầu còn lại ở dưới Vong Uyên kéo dây thừng quá căng, không nhìn được bên dưới Vong Uyên đang thế nào, chỉ thấy dây thừng vàng tía dao động qua lại như thể có thể đứt bất kỳ lúc nào.
Chung quanh đã có một vài tiên hữu nghe tiên chạy tới xem, biết là tiếng ầm kia là tiếng cây tiên đổ nhưng thứ vừa giống yêu vừa giống tiên ở dưới nước rốt cuộc là gì và vì sao hai vị thượng tiên trông coi sông tiên lại liều mạng nghĩ cách cứu, đúng là làm cho người ta thấy khó hiểu.
Mặc đám đông khó hiểu, Đàm Vân Sơn lao vội tới chỗ Nam Ngọc và Chử Chi Minh, góp sức giữ cái cây tiên với hai người họ.
Đàm Vân Sơn làm phép mới biết không phải Nam Ngọc và Chử Chi Minh cố ý giữ cho thân cây này nghiêng như vậy mà là dưới Vong Uyên có một lực hút vĩ đại nào đó đang ra sức kéo tất cả xuống!
Thấy Đàm Vân Sơn đến, Nam Ngọc mặc kệ tất cả, nói vội: “Huynh mặc kệ cái cây đi, xem thử xem có làm sao kéo dây thừng vàng tía lên được không!”
Đàm Vân Sơn lập tức hiểu ý, chuyển phép sang chỗ sợi dây thừng, nhắm mắt niệm thầm, dùng toàn lực để kéo.
Nhưng không ích gì.
Càng chuyên tâm làm phép như vậy thì càng có thể cảm nhận được sức mạnh đủ để hút hết mọi thứ vào Vong Uyên kia, chàng không biết Bạch Lưu Song làm chiếc dây thừng vàng kim này thế nào nhưng có thể giữ được đến giờ quả là chẳng dễ gì.
Nam Ngọc thấy phía Đàm Vân Sơn không có tiến triển thì sốt ruột điên lên được, tình cờ liếc thấy các tiên hữu đứng vây xem, chàng mặc kệ người ta đang hoang mang chẳng hiểu gì, cứ thế gọi luôn lại: “Lại giúp đi chứ!”
Chúng tiên hữu nhìn nhau do dự.
Vong Uyên vừa mới xảy ra chuyện, giờ không rõ tình hình thế nào thì chẳng ai dám tùy tiện giúp.
Giữa cảnh im lặng đầy ý nhị, có hai người ra tay.
Một người ở dưới đất, trông mặt mày mệt mỏi, rõ ràng là đêm không được