Vào giữa hè, mặt trời lên cao, ve sầu cứ say sưa ca hát không nghỉ, trong núi thiếu mất sự yên tĩnh thường ngày. Cũng may u cốc này có cây cao bóng cả, tới bên bờ đầm thì càng mát mẻ hơn. Dù thế, cứ sau giờ trưa là Lam Hạo Nguyệt không chịu nhúc nhích, Trì Thanh Ngọc sẽ nằm với nàng một chút, chờ nàng ngủ rồi lại lặng lẽ ra ngoài làm việc.
Hôm nay vẫn như thế, hai người đang dựa vào giường nói chuyện được câu có câu không thì có người khẽ gõ cửa bên ngoài. Trì Thanh Ngọc đi ra ngoài hỏi thế nào, sau đó quay lại nói với nàng: “Có ông cụ không đi được, tôi qua đó một chút, em cứ nghỉ đi.”
“Chàng về sớm nhé.” Nàng chỉnh sửa quần áo cho chàng theo thói quen, nhìn chàng vác hòm thuốc, mở cửa rồi nối gót theo sơn dân đi khuất.
Những người ở mấy ngọn núi gần đây ít khi lên trấn trên, nếu hơi đau đầu nóng sốt hay bị té thương, đều mong mời chàng đến xem bệnh. Có nhiều khi, chàng dùng ngân châm là có thể giảm đau, nhưng mà không nhất định phải lấy tiền, chỉ dựa vào khả năng của người bệnh, cho dù không tiền cũng chả sao cả, chàng cũng chẳng có lời oán thán.
Dù chàng không nhìn thấy nhưng những người ở đây lại rất tin tưởng chàng.
Với công việc của chàng, Lam Hạo Nguyệt cũng chẳng oán trách. Nhớ lại lần đầu tiên đến núi La Phù, nghe nói chàng đi theo sư huynh vào núi sâu để xem bệnh cho người ta. Khi đó, nàng còn cảm thấy con người lạnh lùng cao ngạo này, thì ra cũng còn một bộ mặt khác.
Nàng suy nghĩ, bất giác nằm nghiêng người tựa vách trúc, mệt mỏi kéo tới, từ từ ngủ thiếp.
Cũng chẳng biết đã qua bao lâu, nghe thấy tiếng nói chuyện ở ngoài phòng. Nàng mơ màng mở mắt ra, mới đầu còn tưởng là Trì Thanh Ngọc đã theo sơn dân về rồi, nhưng vừa để ý nghe thì nhận ra đây không phải tiếng địa phương ở Mân Bắc mà là giọng Xuyên Thục nàng đã rất quen thuộc từ nhỏ.
Lam Hạo Nguyệt lập tức ngồi bật dậy.
Lúc này, có câu hỏi truyền từ ngoài cửa: “Có ai ở nhà không?”
Nàng vội vội vàng vàng chạy ra, vừa mở cửa, chỉ thấy một một bà lão đang chống gậy đứng dưới mái hiên, ở sau là hai vú già và hai kiệu phu khiêng sạp trúc.
Lam Hạo Nguyệt sợ ngây người: “Bà ngoại?!”
“Hạo Nguyệt…” Đường lão phu nhân nhìn cô cháu gái mặc quần áo giản dị trước mặt, nhất thời vui buồn đan xen, mắt đã ươn ướt.
***
Sau khi Lam Hạo Nguyệt đến Vũ Di, liền viết thư gửi cho bà ngoại, lão phu nhân cũng từng hồi âm khuyên nàng về, thế nhưng nàng vẫn ở lại. Sau khi kết hôn, nàng vốn muốn tự trở về kể lại đầu đuôi ngọn nguồn cho bà ngoại, có điều lại nghĩ đến đường xá xa xôi, nếu đưa Thanh Ngọc về, chỉ sợ lại gặp phong ba, nên cũng từ bỏ ý niệm này. Chỉ viết thư nhờ mang đi, nghĩ rằng sau này rảnh rỗi thì sẽ về lại Đường môn một lần. Nào ai ngờ, bà ngoại tuổi đã cao lại tới động Hoa đào này.
Vú già và người khiêng kiệu đứng dưới bóng cây lớn hóng mát, Lam Hạo Nguyệt vội vàng đưa Lão phu nhân vào nhà. Mùa hè ăn mặc phong phanh, ban đầu Lão phu nhân không để ý lắm, sau khi vào nhà rồi mới phát hiện khuôn mặt của Lam Hạo Nguyệt tròn hơn, bụng cũng khẽ nhô lên.
“Hạo Nguyệt, không phải con?” Lão phu nhân ngồi trong nhà chính, nhìn nàng thật kỹ.
Gò má Lam Hạo Nguyệt ửng đỏ, đứng bên cạnh, “Dạ, được hơn ba tháng rồi.”
“Thật là không ngờ…” Lão phu nhân thở dài một hơi, trong mắt mang theo sự bất đắc dĩ nhưng khó tránh kinh hỉ. Bà nhìn xung quanh, thấy căn nhà nhỏ này được bày biện rất đơn giản, có thể thấy sống chẳng được dư dả gì, không kiềm được lại hỏi: “Sao chỉ có một mình con ở nhà?”
“Chàng ra ngoài chữa bệnh cho người ta rồi ạ.” Lam Hạo Nguyệt sợ bà ngoại không hài lòng, vội vàng bổ sung thêm, “Chắc cũng sắp về ngay thôi.”
Lão phu nhân chầm chậm gật đầu, để nàng ngồi bên cạnh, dịu dàng hỏi: “Bà đọc thư con gửi lần trước, cậu ta đã quên hết quá khứ rồi sao?”
Lam Hạo Nguyệt do dự đáp: “Cũng gần như thế… Đôi lúc hình như có loáng thoáng nhớ gì đó, thế nhưng con không nói nhiều với chàng, chàng cũng đành thôi. Bà ngoại, mặc dù như thế, tụi con vẫn sống rất tốt.”
Ngày đó, sau khi trở về Đường môn, Lam Hạo Nguyệt từng kể lại những chuyện xảy ra ở vực Xả thân cho lão phu nhân. Với cái chết của Mộ Dung Cẩn, tâm tình Lão phu nhân cũng rất phức tạp.
“Ở đây xa lắm, sao bà lại tới Vũ Di vậy ạ?” Lam Hạo Nguyệt hỏi.
“Con không về, bà nhớ con, sợ con ở đây chịu khổ.” Lão phu nhân dừng lại một chút, lại nói, “Trước đây đảo Thất Tinh từng giúp chúng ta, con đi rồi, bà bảo Vận Tô đến Đông Hải một chuyến để chào hỏi nhà người ta, nhưng sau đó dì con lại có vẻ ấm ức quay về, nói bọn họ đã từ chối khéo, Liên công tử không ở trên đảo, Liên tiểu thư cũng không muốn gặp. Mấy ngày nay trong lòng bà cứ bận tâm chuyện này mãi, muốn tiện đường thì tự đi hỏi thăm một chút.”
Lam Hạo Nguyệt gật đầu, Lão phu nhân lại nói chuyện về tình hình Đường môn gần đây cho nàng nghe. Hai người nói chuyện, thời gian thấm thoát trôi qua rất nhanh. Đường lão phu nhân đang muốn bảo Hạo Nguyệt về Thục Trung thăm nhà thì thấy nàng cứ thường vô tình đưa mắt nhìn ra xa.
Trong rừng đào, Trì Thanh Ngọc được người ta đưa đến trước nhà, ở cách đó không xa nghe thấy tiếng nói chuyện, không khỏi hơi ngạc nhiên.
“Tôi đến nhà rồi, mời anh cứ về đi.” Chàng thấp giọng nói với tiều phu kia xong, lại tự bước vào căn nhà nhỏ.
Lão phu nhân chưa từng gặp Trì Thanh Ngọc, lúc này thấy chàng trai có diện mạo thanh tú đang bước tới, dù tay cầm gậy trúc nhưng có lẽ vì ở gần nhà mình nên đi lại cũng nhanh nhẹn. Chàng chưa tới nhà đã hơi khựng lại, hỏi: “Hạo Nguyệt, có ai tới à?”
“Vâng, là bà ngoại của em.” Lam Hạo Nguyệt ra ngoài đón, kéo tay chàng, đưa chàng tới trước mặt Lão phu nhân, khẽ khàng chọt chọt vào hông chàng. Trì Thanh Ngọc rất ít khi nghe nàng nhắc về người nhà của mình, lúc này không khỏi ngạc nhiên, nhưng vẫn quỳ xuống đất hành lễ.
“Con đứng lên đi.” Lão phu nhân nhìn chàng, ngũ quan phong thái ấy, quả thật có vài phần từa tựa Mộ Dung Cẩn, không khỏi nao lòng.
***
Lão phu nhân ở lại đây chỉ một ngày thôi, dù trong thời gian ngắn ngủi, nhưng lúc nào cũng thấy Trì Thanh Ngọc và Lam Hạo Nguyệt làm việc cùng nhau. Chàng không nhìn thấy, làm việc hơi chậm nhưng Hạo Nguyệt cũng chẳng để ý. Chàng dùng hết sức mình để san sẻ, dù cuộc sống có vất vả, nàng cũng cảm thấy ngọt ngào như mật.
Vì không muốn cháu rể nhớ lại những chuyện trước đây, Lão phu nhân không nói nhiều với Trì Thanh Ngọc lắm. Trưa ngày hôm sau, người hầu lên núi đón bà, bà phải đi. Chỉ là trước khi đi, bà để lại hai vú già để chăm sóc Hạo Nguyệt. Lam Hạo Nguyệt từ chối, Lão phu nhân không vui nói: “Bây giờ con còn khỏe, đến lúc sinh con thì một mình nó sao chăm sóc vẹn toàn được? Trong núi sâu này không có mấy người, đến lúc đó lại chẳng tìm được ai giúp đỡ.”
Lam Hạo Nguyệt giải bày mấy câu, thấy ý bà ngoại đã quyết như vậy, đành phải đồng ý. Đường lão phu nhân dặn đi dặn lại mấy điều mới mang đầy băn khoăn rời khỏi căn nhà nhỏ, ra đến trước cửa, nhìn Trì Thanh Ngọc nói: “Thanh Ngọc, con phải chăm sóc Hạo Nguyệt cho tốt.” Trì Thanh Ngọc nghiêm túc thưa: “Bà ngoại, con biết ạ.”
Lão phu nhân đi rồi, Lam Hạo Nguyệt đưa Trì Thanh Ngọc đến tận cửa sơn cốc tiễn bà, nhìn bóng lưng bước đi của bà ngoại có phần nặng nề, không khỏi chua xót, chẳng kiềm được nước mắt.
Trì Thanh Ngọc nghe thấy tiếng nàng thút thít, nắm tay nàng, thấp giọng nói: “Đừng khóc, chờ khi sinh con rồi, tôi có thể về thăm Đường lão phu nhân với em.”
“Dạ…” Nàng lau nước mắt, nghẹn ngào xoay người, quay vào nhà, đi được vài bước thì bỗng sực nhận ra, ngẩng đầu nhìn chàng hỏi, “Em từng nói với chàng bà ngoại là Đường lão phu nhân ư?”
Trì Thanh Ngọc cũng ngẩn ra, nhíu mày hỏi: “Không có sao?”
Nàng hít một hơi thật sâu, kéo thẳng chàng vào nhà, vừa đi vừa nói: “Trì Thanh Ngọc, sau này chàng phải đối xử với em tốt hơn nữa, nếu không, bây giờ bà ngoại đã biết chàng rồi, sau này sẽ tìm chàng tính sổ.”
Chàng cười nhạt: “Tôi không chột dạ chút nào.”
“Càng ngày càng tự phụ.” Dù nàng làu bàu như thế nhưng khóe môi cũng không kiềm được mà nhoẻn miệng cười.
***
Lam Hạo Nguyệt không muốn để người hầu hạ, vì thế hai vú già mà Đường lão phu nhân để lại chuyển xuống dưới núi ở, cứ cách một thời gian vào núi giúp đỡ việc nhà, dạy nàng làm sao để may quần áo cho trẻ con. Lam Hạo Nguyệt thật sự rất hứng thú với việc này, giục Trì Thanh Ngọc mua vải cho mình. Đương nhiên chàng không dám dây dưa, vừa ra trước cửa, Lam Hạo Nguyệt đọc lại những thứ muốn để chàng mua một lần nữa, thấy chàng chỉ lo thay quần áo cầm tiền, không nhịn được mà càu nhàu sau lưng: “Em nói với chàng mà chàng không lắng nghe, nhỡ lát nữa mua nhầm thì biết làm sao?”
“Tôi nhớ mà.” Chàng khoác thêm cái áo trường bào màu xanh, trông có vẻ không để ý, nói: “Em cũng đừng mãi cảm thấy đầu óc tôi không tốt nữa.”
“Vậy chàng nói lại cho em nghe xem nào?” Nàng lại chọt chọt vào hông chàng.
Chàng không nhanh không chậm đi sang bên cạnh, tiếp: “Hạo Nguyệt, tôi phát hiện bây giờ em càng lúc càng hay lải nhải, đây có phải dấu hiệu làm mẹ không?”
“Nói bậy, còn những mấy tháng nữa! Em không dặn đi dặn lại mấy lần thì chàng sẽ quên mất thôi!” Nàng hầm hừ.
Trì Thanh Ngọc chỉ cười cười, cầm gậy trúc đặt trên bàn rồi ra ngoài. Bụng nàng đã lớn hơn nhiều, không thể đi theo sau chàng í a í ới, đành phải ngoan ngoãn ở nhà chờ.
Cứ tưởng rằng chàng sẽ về trước buổi trưa, thế mà đợi lâu lắm vẫn chẳng thấy bóng dáng chàng đâu. Lam Hạo Nguyệt không khỏi cảm thấy lo lắng, một mình ra ngoài cửa sơn cốc đứng chờ. Đợi mãi đến khi chân tê mỏi mới nghe thấy tiếng gậy trúc gõ trên mặt đất truyền tới từ xa.
“Thanh Ngọc!” Nàng cao giọng gọi.
Trì Thanh Ngọc vốn đang đi yên lành, bỗng nghe tiếng gọi của nàng, còn tưởng xảy ra chuyện gì, hơi ngạc nhiên, vội vội vàng vàng bước nhanh về trước, suýt nữa lại va vào vách núi. Nàng bất kể mệt nhọc, rảo bước đi tới, giữ chặt tay chàng, hỏi: “Sao bây giờ chàng mới về?”
Chàng không trả lời nàng ngay, vội