"Sinh nhật của Alex là vào tháng tư, ngày mười hai tháng tư, cậu ấy nhận được thẻ căn cước sớm hơn tôi hai tháng.
Tôi hâm mộ cậu ấy lắm, cậu Rivers ạ, tôi rất muốn nhận được mảnh giấy nho nhỏ ấy.
Có thể cậu sẽ không tài nào hiểu nổi suy nghĩ ấy, dù sao thì chế độ đăng ký thân phận cũng chẳng có điểm nào khiến người ta tự hào, hơn nữa sau khi chiến tranh kết thúc, nó đã nhanh chóng bị bãi bỏ, tôi nhớ là vào năm 1950?"
"Gần đó, thưa ngài Prudence, là năm 1952."
"Hẳn rồi, năm 1952, cảm ơn cậu, cậu Rivers.
Quy định lúc bấy giờ là cậu phải tròn mười tuổi mới có thể nhận được thẻ căn cước, trên đó sẽ viết tên, địa chỉ và con dấu của cậu, đó là để đề phòng gián điệp của nước Đức, nhưng mà trong thị trấn Cornwall nhỏ bé ấy, thẻ căn cước có vẻ là một thứ dư thừa bởi vì mọi người đều đã biết mặt nhau.
Vậy mà Alex vẫn luôn luôn mang theo thẻ căn cước của cậu ấy, có cơ hội là sẽ khoe ra cho người ta xem, thể hiện mình đã là một đứa bé tròn mười tuổi, theo như trên giấy tờ thì cậu ấy còn lớn hơn tôi một tuổi trong khi tuổi thật của chúng tôi chỉ hơn kém nhau có hai tháng.
Cậu ấy bắt đầu bàn luận về khả năng đi đầu quân vào tám năm sau, Martha không thích đề tài này, bà dạy cho chúng tôi biết chiến tranh khác với chuyện kể như thế nào, đó không phải là một cuộc phiêu lưu, chúng tôi tốt nhất nên cầu nguyện rằng cả đời này cũng không dính dáng gì tới nó."
Như thể để chứng minh cho tính chân thật trong lời nói của Martha, chưa tới một tuần sau, bức thư của George đã vượt qua mọi sóng gió trong hệ thống bưu điện tồi tàn của nước nhà, khó khăn đến được Cornwall.
Người nhận không phải là Nam tước Loiseau mà là "Ông Arthur Blakely", người làm vườn của bọn họ, cha của Lyle.
Chỉ một tờ giấy, mặt trước mặt sau đều viết đầy.
Vì để an toàn, bức thư đã được sĩ quan tình báo xem qua, một số địa danh và ngày tháng đã bị gạch đen, thỉnh thoảng cũng có một câu trọn vẹn bị xóa đi.
"Cháu đã may mắn được hợp tác với Lyle trong một khoảng thời gian ngắn [ngày tháng đã bị gạch]." George viết: "Khi đó, cậu ấy đã trở thành một phi công xuất sắc của Hurricane, mặc dù cậu ấy chỉ được huấn luyện ngắn hạn, đồng thời còn phải chịu thêm rất nhiều áp lực mà cậu ấy đáng lẽ không cần phải gánh vác...!Nhưng cậu ấy vẫn rất mạnh mẽ, cậu ấy cùng với tiểu đội của mình đã bắn nổ một chiếc máy bay ném bom Stuka ở [địa danh đã bị gạch]; cũng từng giúp [cả đoạn đã bị gạch] đánh đuổi máy bay trinh sát của lính phát xít.
Bác Blakely, sở dĩ cháu viết bức thư này là vì cháu cùng với tất cả các phi công ở căn cứ [địa danh đã bị gạch] muốn bác biết rằng Lyle đã đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của mọi người, bác có đủ lý do để cảm thấy tự hào vì cậu ấy."
Anh bắt đầu viết một đoạn khác.
"Tương tự, là một người bạn và là đội trưởng của tiểu đội, cháu cũng có những nghĩa vụ vô cùng khó khăn, cháu rất tiếc phải báo với bác rằng Lyle Blakely đã mất tích sau cuộc chiến vào ngày [ngày tháng đã bị gạch], ít nhất là hai người phi công và thuyền trưởng của một tàu đánh cá địa phương đã tận mắt nhìn thấy máy bay chi3n đấu của cậu ấy bị bắn rơi nhưng đồng thời bọn họ cũng xác nhận rằng Lyle đã nhảy dù thành công, tàu đánh cá định đến cứu viện nhưng không quân của nước Đức bắn trả quá kịch liệt, họ không thể đến gần.
Lúc ấy..."
Vế sau của "Lúc ấy" đã dừng lại, phía sau hoàn toàn bị gạch đen, màu mực thậm chí còn lem đến tận trang sau.
Tiếp theo là những đoạn văn ngắn ngủn rời rạc nói về hoạt động cứu hộ trễ nãi, "Đến nay vẫn không có kết quả", thỉnh thoảng có thêm vài câu an ủi nhạt nhòa, George nói: "Chúng cháu vẫn ôm hy vọng tìm kiếm, mong là bác cũng vậy", anh ký tên, bức thư đến đây mới hết.
Harry và Alex cũng không biết người làm vườn đã phản ứng thế nào sau khi đọc xong bức thư bởi vì chuyện này xảy ra trong thư phòng đã được đóng kín cửa, lúc đó hai đứa bé trai đang thay phiên nhau ném máy bay giấy từ trên gác mái xuống vườn hoa, hai đứa nhìn từng chiếc máy bay lắc lư rơi xuống giàn hoa và những lùm cây, thỉnh thoảng sẽ có một hai chiếc được gió nâng lên, bay đến trên ngọn cây.
Sau đó hai đứa bé trai sẽ chạy xuống lầu, nhặt những chiếc máy bay giấy của hai đứa về, ném đi thêm một lần nữa.
Hôm đó là một ngày trời trong mát mẻ, hai đứa để ý thấy xe của bưu điện dừng trước cửa nhà một hồi, lát sau đã lái đi ngay.
Trong mấy ngày kế tiếp, hai đứa thường xuyên nhìn thấy ông Blakely quanh quẩn ở gần bụi hoa hồng, có lẽ ông đang đợi chồi non vẫn chưa kịp nảy mầm.
"Những người mất tích..." Prudence nhỏ giọng nói, người phóng viên đẩy bút thu âm về phía trước, tránh việc không thu được giọng nói của ông: "Mang đến cho chúng ta nhiều đau thương hơn những người đã chết.
Cậu phải đi đến đâu mới có thể tặng cho Lyle một bó hoa đây? Vách đá Dover, căn cứ không quân Hornchurch hay cứ đi thẳng tàu ra biển? Chỉ cần chúng tôi muốn, bây giờ chúng tôi có thể nhìn thấy toàn bộ hồ sơ liên quan đến Lyle Blakely, báo cáo kiểm tra sức khỏe của anh ấy, hình ảnh những chiếc máy bay anh ấy đã lái, giấy điểm danh, báo cáo không chiến, nhưng có ích gì cơ chứ? Cũng giống như mẹ tôi, tôi đã tìm lại tất cả những tài liệu mà tôi có quyền tìm, hôm đó không phải là ngày trực của bà ấy cho nên không có giấy tờ ở Hội chữ thập đỏ, hẳn là bà ấy đã ở nhà.
Lúc còi báo động không tập vang lên, liệu bà ấy có đang chạy trên đường nhưng lại không đến kịp hầm trú ẩn hoặc trạm xe lửa hay không? Hay bà đã quyết định trốn vào một tầng hầm không đủ sâu ở dưới đất, bị gạch vụn chôn vùi dưới đó, không thể nào thoát khỏi vụ hỏa hoạn sau cùng? Cậu sẽ không bao giờ có thể ngăn cản những suy nghĩ này hành hạ bản thân mình, không bao giờ có thể lấp đầy sự trống rỗng ấy."
"Người con trai cả của ông Blakely đã trở về sau chiến tranh, bàn chân phải của anh ấy bị cắt cụt, đó là do sau khi trốn thoát khỏi trại giam, anh ấy đã bị thương và phải chịu giá rét trong rừng hoang.
Sau đó, anh ấy rời khỏi Cornwall, đến làm việc ở nơi khác, tôi cũng không biết anh ấy đã đến đâu.
Ông Blakely vẫn ở lại dinh thự, có lẽ để chăm sóc cho những bụi hoa hồng của Lyle, tôi nghĩ thế.
Những bụi hồng ấy