Part II - Parhelion.
Tiếng chuông yếu ớt truyền tới từ sâu trong nhà.
"Ăn trưa thôi." Prudence giải thích với người phóng viên: "Nghe rất giống với tiếng chuông của những ký túc xá ở trường học, không phải sao? Đến đây trước đi, tôi đã không nghe thấy âm thanh ấy rất nhiều năm rồi.
Tôi nhất định phải mời cậu cùng ăn trưa đấy, cậu Rivers, nhà hàng ở gần đây nhất cũng cách khoảng hai mươi cây số, đi lại không tiện lắm.
Mặc dù nhà bếp ở đây thỉnh thoảng sẽ làm món lasagna vô cùng dở tệ nhưng món bánh rán nấm rơm vẫn rất ngon."
"Những bức thư này thì sao ạ?"
"Cứ để ở đó đi."
Người phóng viên mang theo bút thu âm.
Hai người đi qua những dãy hành lang ziczac được sơn màu xám để đến nhà ăn.
Prudence đi phía trước, Rivers đi cách ông hai bước ở phía sau để giữ lịch sự.
Nhà ăn của viện dưỡng lão là một không gian rộng rãi được bao phủ bằng những tấm kính thủy tinh, những khi trời nắng, căn phòng trông vô cùng dễ chịu nhưng ngay lúc này đây khi trời đang đổ mưa, căn phòng lại tỏ ra vô cùng yếu ớt, giống như nó sẽ đổ sụp bất cứ lúc nào.
Bọn họ tìm một chiếc bàn trống ở gần lò sưởi, chờ bữa ăn được dọn lên.
Prudence ăn rất ít, nhìn cứ như đối với ông, ăn chỉ còn là một hành động, một cử chỉ mang tính tượng trưng.
Bụng người phóng viên đói cồn cào - sáng nay anh lên đường quá sớm, hơn nữa còn phải lặn lội trong mưa lạnh hồi lâu - anh ăn hết hai phần bánh rán nấm rơm, món đó thật sự rất ngon, bột bánh ấm nóng xốp mềm, ngoài vỏ hơi giòn một chút, nấm rơm được xào chung với bơ, rắc thêm một ít muối và tiêu đen.
Trong nhà ăn rất vắng vẻ, từ đầu đến cuối không có quá mười người, đại đa số đều là những người đã già như Prudence; một bà lão mặc áo khoác len cười híp mắt nhìn chằm chằm người phóng viên nửa tiếng, bà gọi anh là "Boris thân yêu", ngoắc gọi anh tới; người y tá chăm sóc bà giải thích rằng: "Bà Sanders vẫn luôn như vậy, không ai biết Boris là ai".
Còn có một người đàn ông trung niên sắc mặt tái nhợt, mang theo bình oxy, ông ta vừa ăn bánh rán nấm rơm, vừa lật xem một quyển sách lịch sử về Ba Tư vô cùng lớn.
Khi tách cà phê chỉ còn lại một nửa, mưa đã tạnh.
Một tia sáng âm u rọi xuyên qua những kẽ hở giữa tầng mây, mặt nước biển xanh đậm với những đợt sóng cuồn cuộn biến thành một màu xanh lá cây ảm đạm gần gũi.
Hai người quay về phòng tiếp khách để lấy áo khoác rồi rời đi từ cửa phía sau, họ đi qua mái hiên đọng đầy nước mưa, đặt chân lên bãi đá đã được sóng biển cọ rửa sạch sẽ.
Gió thổi tới từ phía đối diện, ẩm ướt, lạnh lẽo, mang theo mùi muối và bụi bặm, xung quanh mọc đầy rêu xanh, thoang thoảng có mùi tanh nồng nặc.
Bọn họ đi về phía tây nam, bởi vì Prudence nhớ bên kia có một ngọn hải đăng.
"Tôi ở nhà của bác Connie đến khi chiến tranh kết thúc." Khăn quàng bị thổi bay, Prudence bắt lấy, cột chặt lại rồi nhét vào trong áo khoác: "Đó là một thế giới tràn ngập tiếng khóc của trẻ sơ sinh, món súp khoai tây và những mảnh vải vụn, bọn họ có tổng cộng bốn đứa con, đứa lớn nhất được mười một tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ mới sáu tháng, tôi và anh họ Liam ngủ chung một phòng.
Trừ việc phải suy nghĩ làm sao để có thể phân phối nguyên liệu và nấu đủ thức ăn cho năm đứa trẻ thì thú vui lớn nhất của bác Connie còn là dùng những mảnh vải vụn để may thành áo sơ mi và khăn quàng cho chúng tôi.
Chồng của bác ấy, bác Parker, làm việc ở xưởng đóng tàu, bác ấy sửa chữa những chiếc tàu trục hạm - khi đó, công việc ấy vẫn còn mang tính bảo mật, chúng tôi cứ tưởng rằng bác ấy chỉ là một thợ mộc bình thường, vô tình bị bắt đến làm việc ở bến tàu mà thôi.
Vào một ngày cuối mùa xuân ba năm sau, rất nhiều tàu chiến tập trung ở bến cảng, cứ cách vài giờ thì sẽ có tiếng vang rền của máy bay chiến đấu Spitfire bay qua.
Những sĩ quan mặc đồng phục hải quân gõ cửa từng nhà một, họ cảnh cáo chúng tôi phải để ý những người lạ, đặc biệt hơn cả là không được nói những gì liên quan đến hướng đi của tàu thuyền và máy bay.
Tuy vậy, người lạ duy nhất mà chúng tôi gặp được chính là những binh lính Mỹ làm việc ở căn cứ hải quân, bọn họ rất ồn ào, thỉnh thoảng còn vô cớ cười to nhưng tôi vẫn rất thích bọn họ, bởi vì bọn họ thường cho những đứa bé như chúng tôi bánh quy socola và kẹo...!socola! Cậu Rivers, chúng tôi đã không được ăn những món ấy ít nhất là bốn năm rồi.
Những ngày sau này, chúng tôi mới biết được là tất cả những tàu thuyền và máy bay đậu ở đó đều tham gia vào cuộc đổ bộ xuống Normandy."
Trước mặt họ bỗng xuất hiện một vũng nước đọng, nó dài khoảng sáu bảy mét, sâu đến bắp chân, một con cua nhỏ bằng móng tay nhanh chóng chạy đi khi nhìn thấy bọn họ đến gần, nó chạy đến dưới một cục đá rồi biến mất không thấy đâu.
Ông lão và người phóng viên chậm rãi vòng qua vũng nước, đá vụn kêu "răng rắc" dưới đế giày.
Ngọn hải đăng vẫn chưa xuất hiện trong tầm mắt.
"Mùa thu năm 1946, cha tôi trở về.
Nói thẳng thì chúng tôi rất kinh ngạc, bởi vì tất cả mọi người đều đã ngầm thừa nhận rằng ông ấy đã hy sinh trên đất châu Âu.
Tôi đã không gặp ông ấy suốt bảy năm, ngay cả một bức thư cũng không có.
Tôi cảm thấy rất lúng túng, có lẽ ông ấy cũng vậy, chỉ là ông ấy che giấu giỏi hơn tôi.
Người ông ấy nhớ chính là một đứa bé trai tám tuổi luôn ngưỡng mộ ông ấy như một người hùng, kết quả lúc trở về, người ông ấy gặp đã trở thành một cậu thiếu niên lạnh lùng.
Tôi nghĩ đây chính là lý do ông ấy đưa tôi đến trường nội trú chứ không phải là những trường học ở gần nhà hơn."
"Có vẻ cuộc sống đã trở lại như bình thường nếu so sánh với thời chiến.
Căn nhà đã không còn nữa, chúng tôi đành phải ở tạm trong một căn phòng do chính phủ tài trợ khoảng nửa năm, cha tôi lại tìm được việc ở ngân hàng, bấy giờ chúng tôi mới rời khỏi cái hộp xi măng trống rỗng ấy, thuê một nơi ở nhỏ hơn.
Tôi chỉ về nhà vào dịp lễ giáng sinh, phần lớn thời gian đều chỉ có một mình cha tôi ở đó."
"Lễ phục sinh năm 1948, cha đến trường gặp tôi, đi cùng ông là một người phụ nữ tóc xoăn, quàng khăn quàng màu nâu.
Cha nói tên bà ấy là Susie, bà ấy làm việc ở câu lạc bộ cựu chiến binh, giúp ông giải quyết rất nhiều chuyện.
Susie và con gái của bà - người em kế Trisha của tôi - đã dọn vào căn nhà thuê của chúng tôi.
Bọn họ định sẽ kết hôn vào mùa hè, đang xem xét việc mua một căn nhà lớn hơn.
Tôi không có ý kiến gì với việc