Trời khuya, quán ăn bên bờ Vô Định Hà vắng khách lai vãng.
Một đứa bé trai độ chín tuổi bưng mâm tới, gương mặt nó khá giống Tiểu Bảo, chiếc mâm trên tay nó chứa bầu rượu và hai cái chén nhỏ.
Tân Nguyên cầm hai cái chén lên, lắc lắc trước mặt thằng bé, cười nói:
- Sao tiểu đệ đệ không chuẩn bị chén to hơn? Tiểu đệ đệ chưa từng thấy khách nhân khó chịu khi phải dùng chén nhỏ mà uống rượu hay sao?
Cửu Dương mỉm cười, khẽ lắc đầu với thằng bé.
Nó hiểu ý bèn cúi chào hai người rồi rời đi.
Cửu Dương nhìn sang Tân Nguyên.
- Chén như vậy đã đủ lớn rồi – Chàng nói - Vả lại đêm nay ta cũng chỉ cần uống một chút rượu là được.
Sáng mai còn phải cùng Nghị Chánh mang trà tới Trường An.
Lại nữa, cách cách là con gái, không nên uống quá nhiều rượu, một hai chén để hoạt huyết thôi, nhiều hơn thế sợ rằng cơ thể không chịu đựng được đâu.
Tân Nguyên gật đầu, cầm bình rượu rót ra hai chén đầy óc ách, sau đó nàng nâng "chén" rượu của nàng lên, uống cạn.
Tân Nguyên lại rót thêm một "chén" rượu nữa, ngẩng cổ uống một hơi cạn sạch.
Cửu Dương cũng cầm "chén" rượu của chàng lên, song vừa uống vừa nhủ bụng mới gật đầu với chàng xong nàng đã uống hai "chén" liên tục thế này rồi.
Tân Nguyên rót đợt rượu thứ ba.
Cửu Dương chỉ mới uống hết phân nửa "chén" rượu.
Chàng đang dùng lưng bàn tay lau ngang miệng, Tân Nguyên nói bằng giọng thất vọng:
- Trận đánh đó… thật sự đáng tiếc.
Nàng chỉ nói bấy nhiêu, rồi uống cạn "chén" rượu.
Cửu Dương hạ "chén" rượu của chàng xuống bàn, không tiếp tục uống nữa.
Trận đánh vừa qua chàng vốn không có niềm tin nhưng không đưa ra ý kiến phản đối, ngoài chuyện cùng Trương Dũng đi thiêu hủy kho thuốc phiện, chàng đã không tham gia vào việc đánh quân đoàn của Trịnh Thành Công.
Cửu Dương còn đang ngồi trầm ngâm suy nghĩ về cái chết của Trịnh Thành Công, người này dầu sao cũng có giao tình với Cửu Nạn hồi sinh thời, Tân Nguyên nói:
- Ta biết ngay từ đầu huynh đã không tán thành trận đánh Trịnh Thành Công, đúng là cho dù thủy binh của Trịnh Thành Công có mạnh đến đâu ở trước mặt thủy binh của Ngao Bái cũng không thể nào đánh lại.
Cửu Dương nói:
- Mặc dù không dẹp được toàn bộ lực lượng của Ngao Bái nhưng chúng ta đã hủy hai kho thuốc phiện, khiến cho thương nhân Anh không hợp tác làm ăn với Nguyên Lão Tam Triều nữa, đó cũng là một việc làm có ý nghĩa.
Nói xong, chàng nâng "chén" rượu lên, uống thêm một ngụm rượu.
Tân Nguyên gật đầu:
- Đúng vậy.
Bao năm qua thái hoàng thái hậu vì chuyện người Anh buôn bán nha phiến với tam mệnh đại thần mà mất ăn mất ngủ, bây giờ cũng coi như trút được tảng đá đeo ở trên ngực xuống rồi.
Nhưng mà sau trận đánh vừa rồi, người lâm bệnh nặng.
Tân Nguyên rót "chén" rượu thứ tư, nói thêm:
- Thật ra thái hoàng thái hậu cũng không nghĩ mọi việc sẽ tiến triển một cách xuôi chèo mát mái, mà chỉ mong làm sao có thể khiến cho Ngao Bái hao tổn binh lực, dầu là một chút, đã đủ, vì đó là việc duy nhất mà người có thể làm cho bá tánh trong lúc này.
Tân Nguyên đặt bình rượu xuống bàn, nói tiếp:
- Hôm trước ngự y chẩn mạch cho thái hoàng thái hậu, nói người tuổi thọ đã cao nên lần này lâm bệnh có lẽ sẽ không qua khỏi mùa xuân năm nay được.
Cho nên đêm nay ta đến để từ giã huynh.
Ta phải rời đi một thời gian làm một việc cho thái hoàng thái hậu, giúp người hoàn thành tâm nguyện.
Kịch.
Có tiếng "chén" sành đặt vội xuống mặt bàn.
Tân Nguyên nhớ lại chuyện chiều hôm qua, nàng và Hiếu Trang đứng trên một gác lâu phía Tây tường thành nhìn ra bên ngoài hoàng cung.
Bốn góc hoàng cung có bốn gác lâu, mỗi gác đều có mái ngói với hơn bảy mươi chóp nhọn.
Bốn gác lâu này được kiến trúc phỏng theo mô hình của những bức họa Hoàng Hạc Lâu và Đằng Vương Các.
Đằng Vương Các là một đô thành nằm ở Nam Xương, Giang Tây còn Hoàng Hạc Lâu là thành đô ở Vũ Hán, Hồ Bắc.
Hiếu Trang và Tân Nguyên đứng trên gác lâu nhìn ra ngoài hoàng cung.
Những ngày trong mùa xuân thật ngắn.
Hai người mới đứng một chút mà mặt trời đã xuống núi hẳn rồi.
Ráng chiều nhuộm đỏ tàn cây.
Gương mặt Tân Nguyên lộ nét ngạc nhiên khi Hiếu Trang nói với nàng Thuận Trị hoàng đế vẫn còn sống.
Lại nữa, Hiếu Trang còn cho biết ông ấy hiện tại đang xuất gia ở Ngũ Đài Sơn.
Sự tình này liên quan đến một phi tần mà Thuận Trị sủng ái.
Năm đó, Hiếu Trang nói vì bà cảm thấy Đổng Ngạc phi đã làm Thuận Trị mê muội bỏ bê công việc triều chính nên đã sai người phóng hỏa Diên Hi cung.
Cái chết của Đổng Ngạc phi là một đả kích rất lớn đối với Thuận Trị hoàng đế.
Nhà vua đau buồn, mất ăn mất ngủ, càng thêm bỏ mặc việc chính sự không quan tâm tới nữa.
Năm đó cả ngày lẫn đêm Ung công công phải trông chừng Thuận Trị đề phòng ngài vì quá đau buồn mà tự vẫn.
Ngày hai mươi lăm tháng chín năm ấy Đổng Ngạc phi được Thuận Trị truy phong làm Hiếu Hiến Trang Hoà Chí Đức Tuyên Nhân Ôn Huệ Đoan Kính hoàng hậu.
Việc này là trái với điển lệ vì hoàng hậu Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị vẫn đang tại vị, phi tần dù được sủng ái cách mấy thì hoàng hậu chỉ có một, nếu hoàng hậu còn sống thì không lý nào trong cung lại tổ chức tang lễ dành cho hoàng hậu nhưng Thuận Trị vẫn một mực truy phong danh hiệu cho Đổng Ngạc thị.
Không lâu sau, Thuận Trị lâm bệnh đậu mùa.
Năm Thuận Trị thứ mười tám trong cung lan truyền ngài băng hà tại Dưỡng Tâm điện nhưng thật sự chuyện Thuận Trị băng hà là hoàn toàn do một tay Hiếu Trang dựng nên.
Tân Nguyên chờ Hiếu Trang nói xong, hỏi: “Thái hoàng thái hậu dựa vào điều gì khẳng định tiên hoàng hiện đang tu hành ở chùa Nam Sơn vậy?”
Hiếu Trang đáp: “Vì trước đêm ngài mất tích, ngài đã đến bái lạy ai gia, còn tặng ai gia quyển kinh Phật ngài chính tay chép, và một bức tranh chùa Nam Sơn.
Ai gia thật vô tâm, lúc đó cứ tưởng ngài đã vượt qua được nỗi đau, ngờ đâu…”
Nước mắt rơi lã chã trên mặt Hiếu Trang, nhưng Hiếu Trang vẫn gắng gượng mở mắt nhìn hướng Tây.
Tân Nguyên nhìn theo ánh mắt Hiếu Trang.
“Xin thái hoàng thái hậu bảo trọng phụng thể,” Tân Nguyên nhớ nàng đã nói.
Hiếu Trang khẽ nâng khăn lên lau nước mắt, đoạn nói tiếp: “Ai gia không sao.
Năm đó ai gia xuất cung không biết bao nhiêu lần, đến Ngũ Đài Sơn tìm ngài để khuyên ngài tha thứ cho ai gia và về cung nhưng ai gia đi hỏi tất cả các tu sĩ chỉ nhận được cái lắc đầu.
Một năm sau, ai gia lại đến ngôi chùa đó nữa, cơ duyên nhìn thấy trên một phiến đá có khắc bài Tán Tăng Thi, đúng là nét bút của ngài.
Hơn nữa đó cũng là bài thơ ngài đã đề trên bức tranh chùa Nam Sơn.
Ai gia lại càng có lý do củng cố niềm tin của mình hơn.
”
Tân Nguyên kể cho Cửu Dương nghe đến đây, Cửu Dương không còn trầm mặc ít lời.
Chàng nhìn nàng, hỏi:
- Ai sẽ đi cùng cách cách tới chùa Nam Sơn vậy?
Tân Nguyên không trả lời, nói:
- Ta muốn đi thăm bọn Tiểu Bảo và Hương Nhi.
Hai người rời quán rượu.
Cả một đoạn đường dài Tân Nguyên hoàn toàn giữ im lặng.
Mấy lần Cửu Dương khẽ nhìn nàng nhưng nàng vẫn bước đi đều đều bên chàng, mắt nhìn ra phía trước, hướng đến một gian nhà vách ván ba căn.
Cửu Dương mở cổng cho Tân Nguyên bước vào trong sân.
Tân Nguyên lách mình qua cánh cổng gỗ bước vào trong sân nhà, nàng vẫn lặng thinh, như trầm ngâm suy nghĩ.
Cửu Dương lại tiếp tục mở cánh cửa để hai người vào nhà, đồ đạc trong nhà tuy không sang trọng nhưng chẳng có món nào dơ bẩn cả.
Bốn năm qua Tân Nguyên đã đến nơi này rất nhiều lần, cũng đã giúp xây lại nơi này, đóng lại những cái giường cho bọn trẻ, và xây thêm bức tường chắn gió bắc.
Bọn trẻ chưa ngủ, lũ lượt kéo ra chào nàng, chúng tươi cười líu lo như một đàn chim nhỏ.
Nghị Chánh, Phi Yến và Tiểu Tường cũng ra chào Tân Nguyên.
Phi Yến kéo ghế mời Tân Nguyên ngồi bên chiếc bàn trà đặt ở giữa nhà.
Tiểu Tường rót trà ra li.
Tân Nguyên đón li trà từ tay Tiểu Tường, nói:
- Cám ơn Tiểu Tường muội muội.
Lời vừa dứt, Tiểu Tường khoác tay, cười nói:
- Cần gì nói cám ơn muội, mà bọn muội phải nói cám ơn cách cách mới phải, nếu không có cách cách hào phóng ra tay giúp đỡ bọn muội làm sao có đủ chi phí lo cho bọn trẻ cho qua mùa đông vừa