Ở trên đời có ba chuyện làm Du Thiến Thiến thấy đau đầu nhất. Thứ nhất là hai đứa con báu vật từ nhỏ đã bị nàng nuông chiều thành thói, suốt ngày gây chuyện nọ chuyện kia giải quyết không xuể, còn khiến Thái tử mắng nàng “con hư tại mẹ”. Nhan Mỹ thì đanh đá, kiêu ngạo, mười bảy rồi mà vẫn muốn ở nhà không chịu gả đi. Ban đầu Du Thiến Thiến nhìn trúng Hạ Tử Toàn, luận về tài hay đức đều tốt cả. Thế mà Nhan Mỹ chê rằng hắn chuyên chém giết nên thô tục, không phải kiểu ngọc thụ lâm phong nàng yêu thích. Lại chuyển sang bao nhiêu mối khác, kết quả không già thì xấu, không mập thì ốm, không răng hô thì mũi hểnh, chả hiểu người thế vào mới vừa mắt Ngọc Lâm cách cách.
Đau đầu vì chuyện cưới gả chưa xong lại quay sang đứa con trai Nhan Tấn. Tuy là con trưởng dòng chính thất nhưng Nhan Tấn không được Thái tử yêu thương lắm. Chủ yếu vì hắn ngỗ nghịch, không lo học hành, khiến Thái tử nhìn không vừa mắt. May là Nhan Tấn có cái miệng ngọt, thỉnh thoảng còn biết vuốt đuôi. Về những thói hư tật xấu khác thì Thái tử phi không thấy đáng kể, trong mắt nàng, con trai là tốt nhất, sau này trưởng thành hắn sẽ ít ham chơi hơn, hiểu cho tấm lòng người làm mẹ như nàng, thế là tốt rồi!
Về chuyện con cái Du Thiến Thiến còn có nỗi phiền rất lớn khác, đó chính là Nhan Nghiêm. Mẹ Nhan Nghiêm là Thi Âm, xuất thân kém cõi không đáng nhắc tới. Tuy được Thái tử yêu thích phong tới bậc Lương đệ nhưng ngày thường rất hay bị Thái tử phi và Nhụ nhân chèn ép. Nàng hiền hậu và nhu nhược không biết tranh giành, bị nhục cũng ngậm đắng nuốt cay. Nhiều lúc Du Thiến Thiến bị nàng làm cho phát bực, người gì bị đánh cũng không biết chạy, thật chẳng đáng làm người!
Một nữ nhân kém cõi như vậy nhưng lại bình an vô sự sinh ra Nham Nghiêm, đủ cho thấy Thái tử bảo hộ nàng tốt đến mức nào. May là Thi Âm đoản mệnh, năm Nhan Nghiêm mười lăm thì nàng mất, chẳng để lại cái gì cho con, trừ “cục nợ” Phận Thẩm Thanh. Nhắc tới con bé kia, Du Thiến Thiến không khỏi cười khẩy. Năm xưa Thi Âm tuy khờ nhưng riêng chuyện tìm dâu lại thông minh. Nàng để ý Đỗ Lan Ngưng, Kim Thiền rồi cả Dương Tiểu Ngọc, toàn là những người gia thế tốt, địa vị cao. Dĩ nhiên Du Thiến Thiến không cho phép Nhan Nghiêm tìm vợ tốt hơn Nhan Tấn. Nàng sắp xếp một thầy bói đến xem cho Thi Âm, nói như chặt sắt rằng chỉ có Phận Thẩm Thanh là hợp bát tự, những người khác cưới về hoặc sẽ khắc phu, hoặc sẽ đoản mệnh. Năm đó sức khỏe Thi Âm đã xuống dốc, có lẽ nàng biết mình sống không lâu cho nên không so đo nhiều nữa, lập tức rước con bé nhà họ Phận kia về. Năm ấy Thẩm Thanh chín tuổi, Nhan Nghiêm mười ba. Du Thiến Thiến hài lòng với kết quả này, nàng rất lo sợ Thi Âm cầu xin thái tử, thái tử mềm lòng sẽ đi nhờ hoàng thượng ban hôn. Đến lúc đó gạo đã thành cơm, có ngăn cản cũng không kịp.
Điều đau đầu thứ ba và cũng là phiền muộn lớn nhất của nàng chính là nhà vua tuổi thọ quá dài. Thái An đế năm nay tám mươi mốt, đại hoàng tử đã sáu mươi hai, thái tử đã bốn mươi tám. Con cái của hoàng đế đều già cả rồi mà lão còn chưa chịu chết, cứ ngồi ì trên ngai vàng, đến bao giờ Du Thiến Thiến mới được làm hoàng hậu?
Hoàng tử có mười ba người, hoàng tôn có ba mươi đứa, hoàng tôn tử thì không cần nói, thậm chí cháu chắt dâu sắp sinh cháu chít rồi. Lão hoàng đế vẫn chưa chịu chết! Hoàng tộc họ Nhan bốn thế hệ sống chung, không loạn mới là lạ. Cứ theo đà này, sợ rằng lúc lên hoàng hậu, Du Thiến Thiến đã tóc bạc da mồi, mà lúc Nhan Tấn nối ngôi thì nàng đã xuống lổ an nghỉ từ lâu!
Trong lúc thái tử phi còn đang than ngắn thở dài thì Ngọc Lâm cách cách vừa khóc vừa chạy tới, ùa vào lòng nàng như gà con gặp nguy tìm mẹ. Nàng trưng ra bàn tay có hẳn một dấu răng, vừa mếu máo vừa tố cáo:
-Nương, đây là con điên Phận Thẩm Thanh kia cắn. Ngũ đệ không những không ngăn mà con tiếp tay che chở nó! Con chịu hết nổi rồi! Huhuhu… có khi nào sẽ để lại vết sẹo xấu xí không?
Thái tử phi hốt hoảng, chưa rõ đầu đuôi thế nào nhưng nhìn thấy dấu răng chi chít kia thì máu nóng đã trào lên. Trời ạ, tay vàng tay ngọc của cách cách nhà nàng, kẻ to gan nào dám cắn ra nông nổi này??? Du Thiến Thiến cầm tay con gái, lập tức gọi cung nữ đem thuốc cao tới. Nàng vừa thoa thuốc vừa thổi thổi, hỏi Nhan Mỹ có đau không, hứa với nàng sẽ trừng trị Phận Thẩm Thanh thỏa đáng.
Thái tử phi cảm thấy mình đã sai lầm. Ngày xưa cứ tưởng một con bé khờ khạo vô dụng thì Nhan Nghiêm chẳng được lợi lộc gì. Sau này mới hiểu thượng sách là một đứa thông minh, tốt nhất là bị nàng mua chuộc, vừa không quay đầu cắn chủ, vừa làm tai mắt bên cạnh Nhan Nghiêm khi hắn trưởng thành. Nói gì thì chuyện cũng đã rồi, Du Thiến Thiến đành phải từ từ dạy dỗ nó, nói thế nào nàng cũng đường hoàng là mẹ chồng, chẳng lẽ đánh mắng con dâu không được?
.
Thuộc khuôn viên Đông cung có một cái viện nhỏ, tên một chữ “Tĩnh”. Viện quả thật nhỏ, chỉ có gian nhà giữa, vài phòng trống, một phòng chủ, một ngăn bếp. Phía sau cũng có mảnh vườn lưa thưa mấy loại rau củ, thậm chí nuôi một đàn gà. Giống như tên gọi, Tĩnh viện luôn luôn yên bình. Sáng sáng sẽ có một nô tài cặm cụi quét lá vàng và cánh đào rơi trên khoảng sân trước cửa. Điểm đặc biệt nhất của nơi này chính là hai gốc đào cổ thụ to nhất hoàng thành. Nghe nói hai cây đào này là cụ tổ dòng họ Nhan đem từ Khê quốc về, tự tay đào hố trồng lên. Tuổi thọ của nó cũng ngang ngửa với lịch sử gia phả hoàng tộc. Rất