Thái An đế hơi mệt xoa trán. Những năm gần đây ông không còn đủ sức ngồi quá hai canh giờ. Nhan Thiện vẫn chăm chú duyệt tấu chương ở bàn nhỏ bên dưới. Hoàng đế có mười ba hoàng tử, Nhan Thiện là đứa con ông vừa ý nhất. Tính tình của hắn giống như tên gọi, là một người lương thiện và giàu lòng yêu thương, rất phù hợp để cai quản một đất nước. Tiếc là Hoàng hậu qua đời sớm, chỉ sinh cho ông đứa con này.
Năm đó lúc lập Thái tử, hoàng thượng đã do dự rất nhiều. Nhan Thiện tốt tính nhưng cũng có điểm yếu là dễ mềm lòng, thiếu sự cương quyết mà một đế vương nên có. Con trai ông, ông rất hiểu. Nhan Thiện là dòng chính thất, từ nhỏ được bao bọc quá nhiều, hắn ít trải qua khổ đau nên không kiên cường như những đứa khác.
Từng có lúc Thái An đế muốn lập con thứ Nhan Phi. Nhan Phi là Thất hoàng tử, tuổi trẻ tài cao, văn thao võ lược. Từ năm mười lăm tuổi Nhan Phi đã theo Dương Minh đi đánh giặc. Hai mươi lăm tuổi hắn trở về, chiến công lẫy lừng, được lòng dân chúng. Thái An đế cũng đắc ý lắm, cảm thấy mình đã chờ được một người thừa kế sáng giá.
Nhan Phi và Nhan Thiện giống màu trắng và màu đen.
Trước kia, Nhan Thiện phải lòng một cung nữ gọi là Thi Âm. Hắn quỳ trước cửa điện ba ngày ba đêm để phụ hoàng đồng ý. Hành động ấy suýt nữa đã phá hỏng tiền đồ của Nhan Thiện. Nhiều triều thần chỉ trích hắn ham mê nữ sắc, không xứng làm Thái tử. Lúc ấy Nhan Thiện không suy nghĩ nhiều, hắn chỉ biết không có Thi Âm thì không sống được. Một gã lụy tình!
Cuối cùng Nhan Thiện đã đem lá bài “miễn tử” duy nhất trên đời để đổi lấy người thương. Hoàng đế không còn cách nào khác là thở dài đồng ý, dù sao vẫn là con trai ông, ông sẽ nhượng bộ một lần. Câu chuyện giữa Nhan Thiện và Thi Âm đến cùng vẫn là một bi kịch. Họ vốn không nên yêu nhau, bởi vì thứ tình yêu phi lợi ích ấy không được chấp nhận ở nơi này. Thi Âm sớm qua đời, đó là số trời – cũng là ý người.
Còn Nhan Phi, vào thời trai trẻ cũng từng động lòng nhưng cách yêu của hắn không như Nhan Thiện. Nàng là một tiểu thư con nhà trâm anh, gia thế tầm thường, tính tình hiền thục. Nhan Phi bằng thỉnh cầu và đe dọa mà cưới nàng về. Cô gái xấu số ấy sau một đoạn thời gian được nghe lời ngọt tiếng bùi thì buộc phải chết. Nhan Phi thỏa mãn lòng chinh phục và dục vọng của mình rồi ban cho nàng một chén rượu độc. Đối với hắn, tình cảm là điểm yếu, nữ nhân là cái đuôi vướn bận. Hắn phải tiêu diệt tất cả những vật, những người làm ảnh hưởng đến lý trí của mình.
Nữ nhân bao giờ cũng là vật hy sinh, như Thi Âm, như cô gái không còn ai nhớ tên ấy. Không phải bị chính người yêu mình giết hại thì cũng bị kẻ khác ám toán. Nếu họ không đem lại lợi ích cho nam nhân, họ không có quyền đứng bên cạnh hắn, đó là một quy luật.
Hoàng đế ở tuổi xế chiều nhiều lần nghĩ về cuộc đời của mình. Ông tìm thấy bản thân lúc trẻ trong con người Nhan Thiện, tìm thấy chính mình lúc già trong con người Nhan Phi. Ông cũng từng yêu và mong được yêu, rồi cũng từng yêu và sợ hãi tình yêu. Làm một vị vua, người chết dưới tay ông nhiều vô số kể, có kẻ đáng chết, cũng có người oan uổn. Hoàng đế vĩ đại nhất không phải kẻ giỏi trị nước mà là kẻ vừa trị nước vừa biết trị gia, là người có được thiên hạ lẫn mỹ nhân, có được hoàng quyền lẫn người thương bên gối… Điều này ở đời có mấy ai làm được?
Thái An đế vuốt ve ngọc tỷ, bâng quơ hỏi Nhan Thiện
-Tấu chương hôm nay có gì đáng nói không?
Nhan Thiện đi theo giúp phụ hoàng duyệt tấu cũng đã nhiều năm, từ lúc cầm tay chỉ việc cho tới lúc biết tự mình định đoạt. Làm vua cũng là một cái nghề, phải học quen, phải rèn luyện thì mới thành thục. Nhan Thiện ngừng bút, ngẩng đầu nhìn cha
-Châu Trì đang có dịch lao, nhi thần đã cử mấy vị thái y giỏi nhất, xuất lương thực và ngân khố đến cứu tế. Tạm thời dịch