Đến Vọng Thành là chuyện của bảy tám ngày sau. Tính sơ sơ đám người Nhan Thiện đã rời kinh gần một tháng. Trong một tháng này xảy ra bao chuyện bất ngờ, cụ thể là trên đường đến Vọng Thành họ gặp một trận cướp. Hôm ấy đoàn xe đi qua thung lũng vắng, sơn tặc dàn trận bao vây. Với bản lĩnh của Ngữ Bình Đô thì không có gì đáng ngại nhưng Nhan Nghiêm phát hiện khả năng tự vệ của mình quá thấp. Khi còn trong cung hắn chỉ lo học chữ, cùng lắm là biết sơ sơ vài môn võ cơ bản do Tuyên sư phụ trong Quốc Học Giám dạy. Nhan Nghiêm là Ngũ hoàng tôn, lại không phải dòng dõi chính thất cho nên không được ưu ái như Nhan Tấn. Thái tư phi không thích hắn học nhiều, Nhan Nghiêm mười bảy tuổi cũng chưa nghĩ tới mình cần học những gì.
Bọn cướp rất đông, chừng mấy chục tên. Sau khi Yến Ngữ gọn gàng giải quyết ba tên thì tướng cướp bị chọc giận, gọi cả sơn trại ra báo thù. Nhan Thiện, Nhan Nghiêm và Thẩm Thanh đứng ở trong. Yến Bình Đô cùng Trương Chương bảo vệ ở ngoài. Thẩm Thanh chưa từng gặp chuyện đáng sợ như vậy, máu người và thi thể khắp nơi. Nàng run cầm cập ôm cánh tay Nhan Nghiêm, mắt không dám mở. Bọn cướp nhiều kinh nghiệm rất ranh ma, có một lần chọc thủng hàng bảo hộ, ra tay với Nhan Thiện. Lúc đó Nhan Nghiêm đứng bên cạnh, sững sờ không phản ứng kịp. Dĩ nhiên Yến Ngữ không để Thái tử mất một sợi tóc nào nhưng Nhan Nghiêm cũng tự hổ thẹn về trình độ của mình.
Với thân phận của hắn, những chuyện thế này nhất định còn phải trải qua, Nhan Nghiêm suy tư lo nghĩ, lại nhìn xuống Thanh nhi ngốc nghếch. Đúng rồi, hắn còn phải bảo vệ nàng nữa! Đối với tâm sự của hắn, Yến Ngữ xua tay cười:
-Thiếu gia còn rất trẻ, học cũng chưa muộn. Khi thuộc hạ được Tuyệt Mật Các nhận nuôi, thuộc hạ cũng đã mười lăm tuổi. Võ học không cao siêu như người ta nghĩ, có tư chất chỉ cần sáu bảy năm là thành danh rồi!
Và thế là Yến Ngữ đồng ý dạy võ cho Nhan Nghiêm nhưng hắn không chịu nhận làm sư phụ. Yến Đô biết chuyện này liền chê cười:
-Chẳng qua ngươi không thích có cùng đồ đệ với ta thôi! Rõ nhỏ mọn!
Nói thì nói vậy nhưng Yến Đô đặc biệt ủng hộ Yến Ngữ dạy dỗ Nhan Nghiêm. Ngay từ đầu hắn đã có cảm giác cậu chàng này hợp với binh đao. Yến Đô còn đem mũi tên “ba phát như sấm” làm nên tên tuổi của mình truyền cho Nhan Nghiêm, gần như cho hết vốn liếng.
Yến Bình thường ngày trầm lặng ít nói nhưng thấy hai huynh đệ chí cốt đều dốc lòng “mài đá cụi thành ngọc sáng” hắn cũng hứng thú tham gia. Sư phụ Bình không dạy kiếm thuật hay giết người vì cái đó là sở trường của Yến Ngữ. Hắn cũng không dạy về độc và xạ thiện vì Yến Đô rất giỏi chuyện này. Yến Bình dạy về chế tạo và hóa giải. Hắn kể cho Nhan Nghiêm những cuộc phiêu lưu ly kỳ khi đột nhập vào hoàng lăng của vương triều khác. Đủ loại cơ quan cạm bẫy chờ đón, chỉ có trí tuệ và sự nhanh nhạy mới khiến ta bảo toàn tính mạng…
Nhan Nghiêm học rất chú tâm, chỉ sợ hành trình này hết thì không dễ dàng gặp được ba vị nữa. Nhan Thiện nghe thấy Yến Ngữ nói về cách cắt cổ có thể chết người trong năm giây thì không khỏi nhíu mày. Cái bọn người này, tính huấn luyện con trai hắn thành sát thủ à? Nhan Thiện không ủng hộ cũng không ngăn cản, hắn tin Nhan Nghiêm hiểu chuyện mình đang làm, huống hồ ba thân vệ đi theo hắn rất nhiều năm, chưa từng thấy họ nhiệt tình xôn xáo thế này!
Suốt đời Nhan Nghiêm học được từ rất nhiều người, chẳng ai sinh ra đã giỏi. Đoàn sư phó trong cung và Ngữ Bình Đô là những sư phụ đầu tiên. Điều họ dạy không chỉ là hiểu biết mà còn là nền tản của sinh tồn. Nhan Nghiêm tin rằng mình chỉ có con đường ngày càng mạnh, ngày càng giỏi thì mới có tư cách nắm giữ số phận trong tay, bảo vệ những gì hắn yêu quý và trân trọng.
Đoàn xe chỉ dừng lại Vọng Thành một ngày mua thức ăn và nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục thần tốc tiến Hoa Lộ. Thái tử nhận được thư báo tình hình ở Tri Châu đã phức tạp hơn, bây giờ vô cùng hỗn loạn. Ở Vọng Thành dân chúng bàn tán, lập đàn cầu siêu. Không khí lo sợ đã tràn ra các vùng lân cận. Nhan Thiện ra lệnh phải đến Tri Châu trong năm ngày, mọi người đều trầm mặc, nghiêm túc hẳn lên.
Cả Thẩm Thanh cũng cảm thấy sắp có chuyện lớn, không ồn ào nữa mà luôn ngoan ngoãn ở trong xe. Nhan Nghiêm ngồi đến chán, tìm được cách giải khuây mới chính là tết tóc. Kiểu tóc hắn tết cho Thẩm Thanh không hề có quy luật, tết rồi chỉ có hắn mới biết cách gỡ. Yến Bình thường ngắm nghía “tác phẩm”, chỉ ra sơ hở và cấu trúc bên trong. Tay nghề của Nhan Nghiêm ngày càng chuyên nghiệp, đến mức không nhìn ra hình thù và không tìm thấy điểm nút. Thẩm Thanh khá là phối hợp đem cái đầu của mình làm dụng cụ học tập cho Nhan Nghiêm.
Hoa Lộ là tiểu thành gần nhất với Tri Châu, đứng trên tường thành có thể lờ mờ nhìn thấy những cánh đồng lúa, vài ba mái nhà… Tri Châu ngày xưa là một miền nông nghiệp sung túc, bây giờ vắng tanh không người, giống một ngôi làng chết. Dân ở đây hoặc đang chờ chết, hoặc đã vùi thây bên dưới lớp đất mất rồi. Cùng với Tri Châu còn có Tuần Châu và Lâm Châu cũng đang trong tình trạng chết dần chết mòn. Dịch đã lan rộng mất kiểm soát!
Nhan Phi hiện tại ngụ trong thành Hoa Lộ, cùng với khoảng năm trăm binh của hắn. Họ đã bao vây tam Châu, không cho bất cứ ai thoát ra ngoài, xem như thí mạng một nghìn người cho Ôn Thần. Nhan Thiện vừa đến nơi, không màng tắm rửa đã lập tức chạy đi truy vấn Nhan Phi. Người chết đã chết rồi nhưng người sống phải được cứu giúp. Hai anh em bất đồng quan điểm, gây một cuộc cãi vã to, không ai không dám can thiệp.
Nhan Phi cho rằng quan trọng hơn hết chính là không để dịch lây lan. Giống như cơ thể có phần nào thối rữa thì kiên quyết chém phăng đi, tránh ảnh hưởng tới bộ phận khác. Tuy là đau nhưng sẽ khỏi bệnh. Nhan Thiện cảm thấy làm vậy quá bất công. Họ đều là con dân Hậu Yến, không thể giết cả nhà chỉ vì một thành viên không may mắc bệnh. Cứu chữa không được thì vẫn có thể làm giảm đớn đau về thể xác và tinh thần. Ai có thể hiểu được cảm giác bị nhốt trong cổ quan tài và phó mặt chờ cái chết? Đã là người thì phải có quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc chứ!
Nhan Phi chế giễu Nhan Thiện sống trong lý tưởng viễn vong. Kẻ đã trải qua trăm trận chiến, nhìn sinh tử mỗi ngày như hắn không còn chút lòng trắc ẩn nào nữa. Chết để người khác sống, chết để phục vụ cho đất nước, đó là hiển nhiên, không ai được chống lại. Nếu có trách thì trách số họ xui rủi, sinh đâu không sinh lại sinh ngay vùng đất tam Châu này.
Mâu thuẫn của hai anh em càng sâu, vụ việc càng không được giải pháp. Nhan Nghiêm không quan tâm cha và chú đang làm cái trò gì. Mỗi ngày hắn đều dậy sớm đọc sách, nghe các vị đại phu và ngự y bàn luận. Lao là căn bệnh đại chúng, dễ lây lan, khó phòng ngừa. Chưa có bài thuốc nào thực sự diệt tận gốc chứng bệnh, cùng lắm là xoa dịu triệu chứng bên ngoài. Nhan Nghiêm chưa từng học y thuật, tìm ra cách chữa là chuyện vô tưởng. Nhưng biết đâu hắn sẽ tìm được người có khả năng đó.
Nhan Nghiêm để ý đến Hồ Kính. Anh là một đại phu mới vào nghề nhưng đã học y từ nhỏ. Cha Hồ Kính là Hồ Niêm, khi còn sống ông rất nổi tiếng, chuyên chữa bệnh không lấy tiền, cứu giúp người khốn khổ. Cũng chính vì vậy mà nhà họ Hồ nghèo xơ nghèo xác. Hồ Kính không đồng tình cách hành xử của cha mình. Khổ thì ai không khổ, họ đâu phải đấng cứu thế mà gặp con chó con mèo chết ngoài đường cũng đem về chữa trị. Có thực mới vực được đạo, người không vì mình trời tru đất diệt, anh cảm thấy như vậy mới đúng!
Hồ Kính học y thuật từ cha nhưng chẳng cứu ai, cũng không có ý định đi theo nghề này mà mở một dược quán chuyên trồng thuốc, chế biến bán lại cho nơi khác. Mãi đến khi dịch lao bùng phát, tam Châu lầm than, Hồ Kính đột nhiên tham gia nhóm đại phu, ngày đêm miệt mài nghiên cứu. Tuy nhiên tính tình của anh chàng không được dễ chịu