Thượng Công Chúa

Chương 163


trước sau


Nghiễm Châu bắt đầu thuỷ chiến.
A Lặc Vương tự mình dẫn binh tấn công.

Bản thân hắn được coi là chiến thần khi ở trên bờ, quân lực Đại Ngụy không có đường so với Nam Man.

Nhưng khi nói tới thủy chiến thì đám kỵ binh quen ở trên cạn vô cùng lúng túng.
Cái này chính là trợ lực cho Nghiễm Châu.
Nhưng A Lặc Vương há là người bình thường?
Hắn dẫn binh đã lâu, quân kỷ nghiêm minh, tướng sĩ dưới trướng không giỏi thủy chiến thì sẽ luyện tập.

Nếu có người nào khó chịu sinh bệnh là sẽ bị bỏ lại, nếu thật sự không đánh được thì lấy mạng đổi mạng.
Nhưng sau khi bắt đầu thủy chiến hắn đã lập tức hối hận.

Bởi vì ý định ban đầu của hắn chính là thừa dịp Nghiễm Châu không kịp trở tay sẽ bắt lấy Đan Dương công chúa của Đại Ngụy sau đó dùng nàng đi gây áp lực cho Kiếm Nam.

Nếu Ngôn Thượng không chịu lui binh thì A Lặc Vương sẽ khai đao với Mộ Vãn Diêu.
Ai ngờ tới Nghiễm Châu hắn lại phát hiện tình huống thực tế khác hẳn hắn nghĩ.
Thứ nhất, thuỷ chiến là thứ hắn không giỏi.

Thứ hai, Mộ Vãn Diêu đã sớm có chuẩn bị, Nghiễm Châu sớm sẵn sàng đánh nhau.
Nghiễm Châu lúc này sẽ không dễ hạ.
Nhưng A Lặc Vương đã đi đến một bước này thì há có thể quay đầu.

Nếu quay đầu thì sẽ bị chê cười còn không tính, việc hành quân hao tổn lương thảo và binh lực cũng sẽ giúp Đại Ngụy có thêm ưu thế.

Hao tổn quá lớn này hắn không gánh nổi.
A Lặc Vương dĩ nhiên cảm thấy trận chiến này không dễ dàng như hắn nghĩ lúc trước.

Hắn tưởng có thể nhanh chóng đột kích Nghiễm Châu nhưng trên thực tế chỗ này lại như vũng bùn kéo chân.
Cuộc chiến ở Nghiễm Châu cuối cùng thành trường kỳ vì thế hắn tập hợp mọi người lại để điều chỉnh chiến lược —— đã tới một bước này thì dù có khó khăn cũng phải thực hiện được việc bắt lấy Mộ Vãn Diêu.
Chỉ cần có được Nghiễm Châu, hoặc chỉ cần bắt được mình Mộ Vãn Diêu thì mọi hao tổn của Nam Man đều sẽ được đền bù!
Mộ Vãn Diêu bên này phát hiện A Lặc Vương vây đánh không được lại không chịu rút lui thì cũng bắt đầu nghĩ tới tình huống khác.

Nghiễm Châu giỏi thuỷ chiến nhưng binh lực quả thực không bằng Nam Man.

Nàng quan sát chiến cuộc vài ngày này nên đã nhìn ra A Lặc Vương giống như tiếp tục lấy mạng đổi mạng, và nếu thế thì Nghiễm Châu sẽ nhanh chóng bị đánh hạ.
Nàng cần suy xét nhiều hơn: ví dụ như sau khi thủy lộ bị vây hãm thì việc thủ thành phải làm sao.

Nghiễm Châu không cần bách chiến bách thắng mà chỉ cần kiềm chế Nam Man, để hai chiến trường chủ lực kia đỡ được gánh nặng.
Nàng bắt đầu dặn dò xây tường thành ở quận Kiến Châu.
Binh lính ra ngoài thành tác chiến còn bách tính trong thành cũng bị điều động.

Trong thành vốn có tường thành, lúc này cần có thêm một vòng tường bảo hộ nữa.

Bức tường này chọn xây theo cách “Quay đầu mở cửa”.

Như vậy tức là cửa tường thàng bên ngoài và trong không đối diện nhau.

Cho dù quân địch có xông được qua tường thành bên ngoài thì vẫn cần một thời gian để tìm được cửa thành bên trong và tiếp tục vây công.

Loại cửa không đối xứng này chính là để phòng kẻ địch sử dụng tiễn thuật, cũng để gia tăng khó khăn trong lúc công thành.
Đồng thời, Mộ Vãn Diêu và các tướng quân nghiên cứu bản đồ địa hình và phát hiện cửa thành có sáu cái, cũng có cửa đi đường thủy để vận chuyển hàng hóa này nọ.

Dưới tình hình chung 6 cửa kia sẽ được canh chừng cẩn thận, như thế kẻ địch mới khó tấn công.

Còn cửa thông với đường thủy thì có cửa sập bằng sắt ngừa kẻ địch đánh lén nên binh lực nơi đó là yếu nhất.
Mộ Vãn Dao hạ lệnh: “Lấy đá chặn cửa thông thủy lại.”
Tướng quân: “A?”
Mộ Vãn Diêu: “Nếu binh lực chỗ này vốn yếu thì không bằng chẳng cần, phế cửa thành này đi, chuyển sang bảo vệ chỗ khác càng quan trọng hơn.”
Trong một tháng chiến đấu này các tướng lãnh đã công nhận đối với vị công chúa nói một không hai này.

Nàng quả thực đẹp động lòng người nhưng cũng cực kỳ tàn nhẫn quyết đoán.

Nếu không phải nàng dốc hết sức đốc chiến, thúc giục bọn họ không dừng ngủ luyện binh thì Nghiễm Châu sao có thể chống cự được binh lực hung hãn của Nam Man.

Lúc này không ai dám coi khinh công chúa, các tướng quân đều coi nàng là người đáng tin cậy mà đến xin chỉ thị.

Hơn nữa công chúa của một nước thủ thành thì vốn nên là người lãnh đạo.
Đồng thời trong lúc ấy Mộ Vãn Diêu và Ngôn Thượng đang ở Kiếm Nam cũng không hề ngừng trao đổi tin, thông báo cho nhau về tình hình tác chiến ——
Ngôn Thượng cực kỳ lo lắng Nghiễm Châu thủ thành khó khăn, Mộ Vãn Diêu lại tự tin tràn đầy bảo chàng không cần lo lắng.
Mộ Vãn Diêu ngược lại cảm thấy chỗ Ngôn Thượng khó: “Nam Man có kỵ binh mạnh mẽ, binh lực Đại Ngụy lại yếu.

Bởi vì bọn họ đã nghèo tới mức không thể lui về sau thế nên sẽ mạnh mẽ chưa từng có.

Chiến trường Kiếm Nam có chàng và Dương Tam nhưng hẳn vẫn phải phí rất nhiều sức lực.


Mông Tại Thạch lại không phải người thường, hắn gian trá, đầy dã tâm, chàng phải cẩn thận.”
Ngôn Thượng cũng dặn dò nàng: “Nghiễm Châu căn bản không phải chiến trường, nếu nàng có chỗ khó nhất định phải báo với ta.

Nghe nói A Lặc Vương là anh hùng của Nam Man, bản lĩnh dẫn quân của hắn đến Mông Tại Thạch cũng phải kính nể.

Tuyệt đối phải cẩn thận…”
Mộ Vãn Dao không chút để ý nói: “Chàng sai rồi, tiến công và thủ thành không giống nhau.

Cho dù bọn họ đánh thủy nhưng không có nghĩa là có thể hạ được Nghiễm Châu.

Tác chiến cần binh lực, nhưng thủ thành chỉ cần chiến lược là đủ.”
Ngôn Thượng lại gởi thư dặn: “Thủ thành có nàng nên ta đương nhiên yên tâm.

Ta chỉ muốn nhắc nhở theo quan sát tình hình Kiếm Nam thì nàng phải nhớ kỹ hai điều: Một khi kẻ địch không chiếm được thành thì việc đầu tiên sẽ là phóng hỏa, chuyện thứ hai là gian dâm phụ nữ.

Phụ nhân chịu khổ nhiều nhất trong chiến tranh, nàng phải bảo vệ bọn họ thật tốt.”
Mộ Vãn Diêu trả lời: “Ta đã biết.

Đa tạ Nhị ca ca sớm nhắc nhở ta.

Ta vốn còn sợ xuất hiện chuyện người ăn thịt người.

Bên chỗ chàng tình hình nghiêm trọng đến thế sao? Chàng nhất định rất khổ sở.”
Ngôn Thượng lại hồi âm nhưng không trả lời bên mình có khó khăn hay không: “Dù có thế nào…”
Mộ Vãn Diêu nói: “Dù có thế nào thì trước mặt binh lính phải lập uy, đã đánh là tử chiến.”
Chiến tranh một khi đã nổ ra thì không có đường quay đầu, cũng không thể nhụt chí.

Chiến là tử, tuyệt đối không có cầu may.
—–
Nghiễm Châu chiến đấu hai tháng, Nam Man tập trung tiến công thủy lộ.
Chiến trường Kiếm Nam bên này thì vẫn luôn giằng co.

Đúng như Mộ Vãn Diêu nghĩ, A Lặc Vương vừa đi thì chiến trường Kiếm Nam đều do Mông Tại Thạch phụ trách.

Dù thiếu một người chỉ huy nhưng binh lực lại mạnh hơn.

Đương nhiên Dương Tự và các quân sĩ làm quen với nhau nửa năm, cũng bắt đầu có sự ăn ý, nên binh lực Đại Ngụy cũng tăng lên.
Bất kể Đại Ngụy hay Nam Man đều tiến vào thời kỳ binh lực cường thịnh nhất.
Về phía Mông Tại Thạch, hắn không nhất định phải đánh thắng Đại Ngụy, từ đầu đến cuối hắn chỉ có một mục đích là giết A Lặc Vương, cùng Đại Ngụy hòa đàm.

Nhưng mặc kệ cuối cùng tính toán cái gì thì trong lòng hắn cũng biết chiến trường Kiếm Nam này hắn phải thắng.
Muốn hòa đàm thì thực lực phải xứng với đối phương, A Lặc Vương sống hay chết hắn không quan tâm, tình hình Hà Tây tình như thế nào hắn không để ý nhưng tại Kiếm Nam hắn phải giết được Dương Tự để lập uy.

Dương Tự là một tướng lĩnh có tài, nếu không tiêu diệt ngay thì tương lai sẽ trở thành uy hiếp của hắn.
Hắn muốn nhân lúc đối phương chưa hoàn toàn trưởng thành mà diệt sạch.
Vừa khéo, Dương Tự cũng nghĩ như thế.

Đại Ngụy cho dù muốn cùng Nam Man hòa đàm thì thủ lĩnh của Nam Man cũng không thể là Mông Tại Thạch được.
Cuối năm này Đại Ngụy bị cuốn vào chiến hỏa, không ai có tâm tình ăn tết, bách tính đều cầu nguyện cho chiến tranh sớm kết thúc.
Cho dù ở Trường An thì tình thế cũng bị kẹp giữa Hà Tây và Kiếm Nam, hoàng đế cũng thời khắc cảm nhận được uy hiếp sớm chiều kia.

Đám triều thần và thái giám tranh đoạt quyền lên tiếng với chiến tranh, hoàng đế không thể điều đình nên chỉ cảm thấy trong lòng mỏi mệt.
Vì thế hoàng đế liên tục thúc giục hỏi chiến tranh khi nào có thể kết thúc.
Hoàng đế tạo áp lực với Kiếm Nam nhưng bị Ngôn Thượng dốc hết sức cản lại.

Vì thế hắn mỗi ngày khoa tay múa chân, bao biện hỏi vì sao còn không đánh, vì sao còn chưa kết thúc, Ngôn Thượng có tính toán gì khác hay không, vì sao chiến trường Kiếm Nam vẫn không có tiến triển.
Áp lực từ triều đình khiến người ta vô cùng lo lắng.
Nhưng bởi vì Kiếm Nam có Ngôn Thượng chống đỡ nên các tướng sĩ chỉ cần chuyên tâm tác chiến, không cần ứng phó với triều đình.
So với Kiếm Nam thì Hà Tây không có vận khí tốt như vậy.

Dù sao thì khoảng cách giữa Hà Tây và Trường An cũng quá gần.

Kiếm Nam bên kia lại có địa thế hiểm trở, nếu không phải Nam Man nhất định muốn có được Kiếm Nam thì nơi đó cũng vốn không phải chiến trường ngon ăn.

Còn Hà Tây địa thế trống trải, đối với Nam Man mà nói thì đó là chiến trường cực kỳ thích hợp.
Chiến trường ở nơi này cũng đang trong thế giằng co, sau khi Lưu tướng công đến Đại Ngụy được người đáng tin cậy ủng hộ nên càng có thêm tin tưởng đánh thắng trận.
Nhưng ngay sau đó hoàng đế lại vượt quyền chỉ huy đến nơi này, thế là chiến trường Hà Tây bắt đầu hỗn loạn.
Lưu Văn Cát không ngừng đưa mệnh lệnh của hoàng đế truyền tới Hà Tây hỏi: “Bệ hạ hỏi các ngươi đã nghỉ ngơi chỉnh đốn mấy ngày, vì sao còn không chiến đấu?”
Lưu tướng công trả lời trời đổ tuyết, tướng sĩ cần nghỉ ngơi.
Lưu Văn Cát lại nói: “Hà Tây có tuyết rơi, các ngươi gian nan thì Nam Man cũng gian nan.

Nếu có khó thì các ngươi chỉ cần mạnh như đối phương là được.

Bệ hạ ra lệnh cho các ngươi xuất chiến.”
Lưu tướng công xanh mặt đáp: “Lúc này không phải cơ hội tốt để xuất chiến!”

Sứ thần được Lưu Văn Cát phái tới mỉm cười nói: “Muốn kiên trì tác chiến là các ngươi, bệ hạ cảm thấy mấy người có hào khí lại mang theo tấm lòng ái quốc nên mới để mấy người lên chiến trường.

Bệ hạ mang toàn bộ quốc lực ra cung phụng, lương thảo không thiếu chút nào cũng không phải để các ngươi ở chỗ này uống rượu nghỉ ngơi.”
Tướng sĩ đi sau Lưu tướng công mang theo sắc mặt cực kỳ khó coi phản bác: “Công công nói lời này là có ý gì? Uống rượu cũng là vì khích lệ tướng sĩ.”
Thái giám kia khinh thường nói: “Nếu thắng thì khích lệ cũng thôi, đằng này thua thì khích lệ cái gì? Tóm lại, bệ hạ thúc giục các ngươi xuất binh.

Nếu không làm thì bệ hạ cũng nguyện ý thay đổi tướng lĩnh.”
Lưu tướng công mắng: “Trước trận đổi tướng chính là tối kỵ!”
Thái giám: “Bệ hạ cũng không có cách nào.

Bệ hạ lo lắng cả đêm mất ngủ, … Quân ưu thần nhục, tướng công hẳn cũng hiểu đạo lý này phải không? Đã là trung thần thì nên vì hoàng đế phân ưu, tướng công có xuất chiến hay không?”
Lưu tướng công cắn răng phun ra vài chữ: “Thời cơ chưa tới.”
Lời này cứng rắn truyền đến triều đình, hoàng đế mặt không đổi sắc tiếp tục phát lệnh thúc giục.

Lưu Văn Cát thấy hoàng đế vội vã như thế thì chỉ lạnh nhạt thờ ơ, cũng không đi làm người ác.
Hắn cũng đoán trước được bệ hạ từng ngày thúc binh thế này thì cho dù Lưu tướng công cường ngạnh, đám tướng sĩ Hà Tây đủ cường ngạnh cũng làm sao chịu được áp lực?
Hà Tây sẽ nhanh chóng xuất chiến.
Mà dựa theo Lưu Văn Cát lén cùng Nam Man trao đổi tin tức thì… trận chiến này Lưu tướng công sẽ cực kỳ gian khổ.

Nếu Hà Tây thua, Đại Ngụy cũng phải cắt đất, hiệu quả cũng không khác gì.
Đến lúc đó Lưu Văn Cát có thể giải quyết được nhược điểm nằm trong tay Nam Man và vững vàng nắm quyền.
—–
Đại sự quốc gia lại để người ta mang ra tư lợi, quả là đáng buồn tới cực điểm.
Cuối cùng Lũng Hữu vẫn xuất binh.
Lương Châu trước nay được xem như nơi tương đối thái bình.

Sau khi Hà Tây khai chiến thì đa phần dân chúng đều chuyển tới Lương Châu.

Binh mã Lũng Hữu cũng trú đóng ở bên ngoài Lương Châu để canh chừng một cửa ải cuối cùng này.
Lưu Nhược Trúc và chồng là Lâm ngôn cũng ở tại Lương Châu.

Từ khi ông nội của nàng tới Lũng Hữu, ông cháu cuối cùng cũng gặp được nhau.

Lưu tướng công yên tâm, còn Lưu Nhược Trúc gặp được ông mình tự đến thủ thành thì cũng yên lòng.

Ông nàng nhất định sẽ không từ bỏ Hà Tây.
Nhưng năm mới vừa qua thì tình hình Lũng Hữu đã trở nên khẩn trương vì áp lực từ triều đình.
Một đêm này sau khi dỗ con ngủ, Lưu Nhược Trúc và Lâm Ngôn lo lắng bàn về chiến sự sau đó ngủ mất.

Nhưng bọn họ ngủ không được bao lâu thì bị tiếng ồn ào bên ngoài đánh thức.

Lũng Hữu nửa năm qua đều bị vây trong chiến tranh, đây cũng không phải lần đầu tiên bọn họ bị đánh thức lúc nửa đêm.
Hai người ra khỏi phủ thì thấy binh lính đang lùa dân chúng đi chạy trốn.

Bọn họ đang muốn hỏi tình hình thì có binh lính vội vàng tiến đến báo: “Nữ lang, phủ quân! Tướng công nói chúng ta trúng bẫy, có kẻ tiết lộ tin tình báo nên nửa đêm quân Nam Man tập kích, quân ta không chống đỡ được nên đang lùi lại.

Tướng công để Lâm phủ quân cùng nữ lang dẫn dân chúng toàn thành mau chạy về quan nội!”
Binh lính kia truyền lời của Lưu tướng công xong thì vội xoay người đi tìm người khác.

Lưu Nhược Trúc thấy thế thì kéo hắn lại hỏi: “Gia gia của ta đâu? Gia gia lớn tuổi như vậy mà không cùng chúng ta đi sao?”
Binh lính đáp: “Tướng công nói mình đến để đốc chiến, sao có thể bỏ binh lính.

Tướng công để mọi người rút lui trước, bọn họ ở sau bày trận, không cho Nam Man tổn thương dân chúng.”
Thời điểm khẩn cấp này cũng không thể nói nhiều, Lưu Nhược Trúc chỉ có thể cố nén lo lắng trong lòng.

Hai vợ chồng nàng liếc nhìn nhau sau đó Lâm Ngôn đi ra ngoài kêu gọi bách tính theo trật tự chạy ra khỏi thành đề phòng giẫm đạp chết người.

Lưu Nhược Trúc thì trước hết để cho người nhà mang theo con nhỏ cùng bách tính trốn trước, nàng thì bắt đầu sửa sang lại sách vở trong phủ.
Đợi Lâm Ngôn trở về hai người chất sách lên xe, kiểm kê xong lại bắt đầu cùng dân chúng chạy ra khỏi thành.
Dân chúng Lương Châu đã quen với cảnh chiến tranh hơn dân Quan Trung, cho dù nửa đêm bị gọi dậy nhưng có quan viên chỉ huy, lại nghe nói có cháu gái tướng gia ở đây cùng bọn họ chạy trốn, vậy thì có gì phải sợ?
Dân chúng lui trước, quân đội áp trận, hơn mười vạn quân Nam Man tấn công vào thành, bắt đầu trận huyết chiến.
—–
Có người tiết lộ tin tình báo dẫn đến bố trí quân sự của Lương Châu bị lộ ra ngoài.

Đại Ngụy bên này bị tấn công bất ngờ, cũng không kịp nghĩ quá nhiều.

Hoàng đế lại ngày đêm thúc giục bọn họ tác chiến, áp lực quá lớn đến cuối cùng bọn họ vẫn bị bắt chiến đấu.
Tuyết dày vài thước khiến cho hai bên đều hành động không tiện.

Đây không phải lúc tác chiến tốt nhưng Nam Man không đợi được, Đại Ngụy không lui được.
Bách tính chạy trốn trước còn Lưu tướng công dù lớn tuổi vẫn cưỡi ngựa vung đao, cùng các tướng sĩ tiến lên.


Ngựa giẫm ngập tuyết, binh sĩ cùng khảo nghiệm thiên nhiên khắc nghiệt, đồng thời phải ứng phó với truy binh hung hãn phía sau.
Lưu tướng công hét vang như sấm, không ngừng cổ vũ mọi người: “Đợi chúng ta đến Hạ Nhất Thành thì tốt rồi! Khi ấy chúng ta có thể tu chỉnh binh lực, có thể cùng Hạ Nhất Thành hợp tác đuổi Nam Man trở về! Đây là địa bàn của chúng ta, bọn chúng không thắng được đâu!”
Dựa vào gương của ông mà quân đội bị tập kích lúc nửa đêm vẫn không tan tác mà kiên trì tới tận lúc này.
Từ nửa đêm đến bình minh, bọn họ mệt mỏi vừa chiến đấu vừa trốn.

Khi còn cách Hạ Nhất Thành một khoảng, bọn họ như thấy được hy vọng, tinh thần cũng vui vẻ nhẹ nhàng hơn.

Nhưng xung phong lại gặp phải khó khăn.

Lưu tướng công dặn dò người vào thành lại phát hiện phía trước giẫm chân tại chỗ, không hề tiến triển.
Lưu tướng công nghe binh lính kể lại tình huống thì mặt lập tức đổi sắc.

Ông không dám để mọi người biết được tin mà tự mình giục ngựa đến dưới cửa

thành.
Ông nhìn thấy đám dân chúng đã tới đây từ trước đang bu lấy cửa thành như con kiến nhưng không thể vào.

Cửa thành đứng đó sừng sững nguy nga đóng kín không mở ra.
Lưu tướng công giận dữ, nhìn thấy trên đầu tường có bóng dáng binh sĩ thì lập tức cho người truyền lời: “Bản công ở đây, có ấn của Tể tướng! Các ngươi còn không mau mở cửa thành cứu dân chúng rồi cùng chúng ta tác chiến chống cự địch!”
Trong chốc lát, trên thành lâu có một sợi dây thừng buông xuống, trên đó có một cái giỏ trúc, trong giỏ ngồi một tên lính.

Tên lính này cúi đầu xuyên qua dân chúng chửi bới mà tiến đến chỗ tướng gia nói: “Tiết Độ Sứ của chúng ta nói binh của các người bại nhanh như thế là vì có mật thám.

Chúng ta không dám cho mọi người vào thành vì sợ hại người cả thành.”
Lưu tướng công tức đến run râu mắng: “Hoang đường!”
Ông cố nhịn lửa giận nói: “Không dám để tướng sĩ vào thành thì cũng phải mở cửa thành cho bách tính đi vào chứ! Người làm quan không phải nên che chở dân chúng sao?”
Tên lính tới truyền lời cũng biết mình sẽ bị mắng, hắn xấu hổ tới đỏ mặt nhưng vẫn cúi đầu nói: “Tiết Độ Sứ nói dân chúng này không phải do hắn quản, cũng không liên quan gì tới hắn.

Hắn chỉ cần bảo vệ người trong thành, còn những người khác thì mặc kệ.”
Lưu tướng công nghe thấy lời này thì tim đập loạn nhịp.

Đám tướng sĩ đi theo sau ông nghe vậy thì chửi ầm lên, không thể tưởng được kẻ địch lại là quân mình.

Bọn họ vì quốc gia mà chiến đấu nhưng lúc này đây lại bị đuổi ngoài thành không thể vào.
Có binh lính thở hồng hộc đến báo: “Tướng quân, tướng công! Quân địch còn cách chúng ta không tới mười dặm!”
Kỵ binh một mạch xuôi nam, khí thế như hồng thủy, sao có thể ngăn lại đây?
Lưu tướng công nhìn đám dân chúng đông nghìn nghịt dưới thành không được vào trong, lại ngẩng đầu nhìn ngọn lửa hừng hực trên thành lâu.

Ông quay đầu nhìn những người đi theo mình, trên mặt họ là máu đen pha với lo âu và chờ mong.
Bệ hạ mỗi ngày thúc chiến cũng không khiến ông tuyệt vọng như đêm nay.
Bệ hạ thúc chiến có thể dự đoán được, còn lòng người hiểm ác thì không cách nào đoán ra.
Tướng quân hét thảm: “Tướng công, chúng ta làm sao bây giờ?”
Lưu tướng công ngước khuôn mặt xám như chì nói: “Đi tới chỗ dân chúng tìm cháu gái và cháu rể của ta, nói với bọn họ là thành này không cho dân chúng vào, để bọn họ đừng ôm hy vọng mà mau dẫn dân chúng chạy tới Quan Trung đi.”
Tướng quân lập tức đồng ý.
Thấy Lưu tướng công không hề hỗn loạn thì hắn cũng có lòng tin.

Hắn vội lau máu, ánh mắt sáng quắc nhìn vị tướng gia đã già nhưng vẫn mạnh mẽ này hỏi: “Chúng ta thì làm sao bây giờ?”
Lưu tướng công hỏi lại: “Quách tướng quân, ngươi có sợ chết không?”
Tướng quân sửng sốt.
Lưu tướng công ngửa đầu, nhìn chăm chú vào bầu trời đêm sau đó lẩm bẩm: “Ta xuất thân thế gia, được đề cử mà vào triều làm quan, lúc ấy mới hơn 16 tuổi.

Năm nay ta đã 76 tuổi… Từ khi vào triều tới nay đã 60 năm, tận tâm tận sức, trung quân ái quốc.
Ta từng tận mắt thấy lầu cao sụp đổ, thấy nhạn bay về nam, tà dương đổ máu… Giờ ta đã già thế này rồi, mỗi một việc hóa ra lại chẳng có ý nghĩa gì.

Ta vốn tưởng rằng một thân khí lực này đã hết thì ta chỉ chờ nghỉ hưu và hưởng phúc.

Tương lai Đại Ngụy, tương lai triều đình ta hẳn không thể dốc sức nữa… Mà nay, mà nay… thôi cũng tốt!”
Xung quanh hoang vu thê lương, yên lặng như chết.
Tướng quân kinh ngạc nhìn tướng gia, ngọn lửa chiếu lên ánh mắt ngấn lệ của ông.

Tướng quân còn chưa biết nói gì thì lão nhân gia đã vượt qua hắn mà cao giọng nói với tướng sĩ: “Truyền lệnh tam quân, tối nay tử chiến! Nếu có đào binh, tức khắc xử tử!”
—–
Vợ chồng Lưu Nhược Trúc nhận được lời Lưu tướng công truyền tới thì lập tức biết sự tình không đúng.

Bọn họ giúp di dời dân chúng nhưng đến lúc này bách tính cũng đã nhận ra sự tình có biến đổi.

Bọn họ phát hiện quan viên không cho mình vào thành thì bắt đầu khủng hoảng hô to: “Triều đình bỏ mặc chúng ta! Triều đình muốn triệt binh! Chúng ta sắp chết rồi!
Hà Tây không còn thì chúng ta cũng chết, mọi người chạy mau!”
Lưu Nhược Trúc hô to: “Không có! Triều đình không vứt bỏ chúng ta, các ngươi không cần hoảng sợ…”
Nhưng giọng nói của nàng lại bị tiếng người át mất, giống như chìm trong sóng biển.

Không ai nghe nàng, không ai tin nàng.

Lúc này bách tính hỗn loạn, có người đập cửa, khóc lóc đập tường thành xin được vào, có người xoay người kích động chạy trốn thật xa, cũng có người đi sai hướng, vướng vào trận tên của địch…
Lưu Nhược Trúc thấy bọn họ hoảng sợ chạy bừa thì hận không thể lấy thân đi dạy bọn họ phải trốn thế nào.

Nhưng hàng vạn bách tính hỗn loạn, cho dù nàng có hét khản giọng thì cũng không khiến người ta nghe thấy.
Lâm Ngôn đè vai nàng lại nói: “Nhược Trúc, cứ như vậy đi… Chúng ta đã tận lực, bản thân chúng ta cũng phải trốn … Chúng ta đã thông báo cho mọi người tự trốn, hiện tại phải chạy thôi, không thể để mạng ở đây được.

Chúng ta còn phải bảo vệ sách và con nữa… Nhược Trúc, chúng ta cũng đi thôi.”
Lưu Nhược Trúc cực kỳ không đành lòng nhưng nàng chỉ có thể gật đầu, cố gắng quyết tâm cùng chồng và hộ vệ trong phủ áp tải mấy xe sách trốn theo hướng quan nội.
—–
Ánh sáng mặt trời le lói, một đêm lo sợ không yên trôi qua.
Lúc có chút ánh sáng, Lưu Nhược Trúc và Lâm Ngôn đứng ở nơi địa thế hơi cao nhìn bách tính như thủy triều tràn ra đường.

Nàng và Lâm Ngôn quay đầu, nhìn về phương hướng bọn họ vừa trốn khỏi.

Chỗ đó chiến hỏa hừng hực, đốt cả một đêm, không ngừng nghỉ.
Lưu Nhược Trúc kinh ngạc nhìn, bả vai nhịn không được run lên.

Trong lòng nàng biết ông nội sẽ chết ở nơi đó, ông sẽ không lui.

Ông nàng là đương triều tướng công, hai triều Tể tướng, vốn nên được thanh thản về hưu rồi dưỡng lão! Nhưng mà, nhưng mà…
Nàng lại nhìn dân chúng bôn ba bốn phía, thấy có bóng địch đuổi theo, bụi cuồn cuộn, gót sắt đạp lên cát vàng.

Nàng và Lâm Ngôn đã đi tới con đường an toàn mà quan phủ lập ra, nhưng bách tính vì khủng hoảng mà tản ra khắp nơi và bị kẻ địch tàn nhẫn đuổi giết…
Tất cả những điều này đều khiến cả người nàng lạnh lẽo.
Lâm Ngôn cầm bàn tay run rẩy của nàng nói: “Đừng nhìn nữa, Nhược Trúc, chúng ta đi thôi.”
Lưu Nhược Trúc bỗng nhiên che mặt khóc, nghẹn ngào nói: “Không thể như vậy… Không thể như vậy! Không thể để mọi người chết không rõ ràng, không thể biết rõ bọn họ sẽ chết mà chúng ta vẫn tự mình trốn được.

Nếu bách tính đều chết sạch thì chúng ta bỏ chạy an toàn cũng có ý nghĩa gì?”
Nàng ngước mắt, nước mắt rơi xuống mông lung.

Xuyên qua hàng lệ nàng nhìn đống sách mình và chồng vất vả bảo vệ một đường.

Hai vợ chồng nàng vì những cuốn sách này mà từ Trường An tới tận Hà Tây, tới Lương Châu và tới tận đây… Đó là mấy năm, mấy ngàn ngày đêm đều dùng để bảo vệ chúng!
Nhưng mà……, nhưng mà……!
Lưu Nhược Trúc bỗng nhiên đoạt lấy cây đuốc trong tay một hộ vệ sau đó đi về phía xe sách, bàn tay run lên.

Cuối cùng nàng vẫn buông tay, cây đuốc rơi xuống đốt cháy đống sách bên dưới.
Khóe mắt Lâm Ngôn như muốn nứt ra, lập tức nhào tới nhưng lại bị Lưu Nhược Trúc kéo về: “Phu quân! Chúng ta không thể giữ sách được!”
Nàng rưng rưng: “Gia gia có lẽ đã chết, bách tính cũng sắp bị giết trước mặt chúng ta, vậy phải cứu bọn họ! Chúng ta phải đốt sách, dùng lửa lớn này kéo sự chú ý của địch, để bọn chúng không đuổi theo dân chúng! Chúng ta có thể trốn, nhưng chúng ta phải để lại đường sống cho những người khác nữa!”
Lâm Ngôn nhìn nàng nghẹn ngào nói: “Đây là tâm huyết mấy trăm năm tổ tiên lưu lại…”
Lưu Nhược Trúc cao giọng: “Nhưng đều không bằng mạng người! Không bằng mạng người đâu!”
Nàng giơ cây đuốc, nhìn đám hộ vệ bên cạnh, xuyên qua ánh lửa nàng nhìn thấy ông nội chết trận của mình, nhìn thấy dân chúng như con kiến bỏ chạy tứ tán… Thế rồi nàng lại ném ngọn đuốc vào đống sách.
Nàng vừa ném đuốc ra thì giấy gỗ bắt lửa đã cháy rừng rực, ánh lửa tận trời, soi sáng một phương.
Nàng quỳ trên mặt đất khóc lớn, nhìn mấy ngàn ngày đêm cứ thế bị hủy.

Nàng nhìn những tư liệu nàng dốc sức giữ gìn, từ hơn 10 tuổi tới giờ.

Tất cả hy vọng đều bị đốt cháy… Sa mạc, lửa nóng, ánh mặt trời chiếu lên bóng dáng đơn bạc của nàng.
Nàng khóc đến thê thảm nghẹn ngào, nhưng cuối cùng vẫn đứng lên, cùng mọi người đi về phía trước.

Lũng Hữu bị chiếm đóng, Lương Châu bị chiếm đóng.

Hy vọng của nàng đã bị hủy, những trả giá hy sinh từ năm mười mấy tuổi tới giờ chẳng còn… Nhưng ít nhất dân chúng vẫn còn sống.
Vẫn còn sống.
Lâm Ngôn cũng tuyệt vọng quỳ bên cạnh nhìn tâm huyết của tổ tiên bị bọn họ hủy trong tay.
Trời đất buồn thảm, con người như cánh kiến mỏng manh.
—–
Nghiễm Châu vẫn thủy chiến, rất nhiều binh sĩ theo A Lặc Vương đã hy sinh, cuối cùng hắn cũng lãnh binh lên bờ.
Mộ Vãn Diêu cùng các tướng sĩ quan sát chiến cuộc thấy quân địch cuối cùng cũng lên bờ thì cũng không ham chiến.

Nàng được các tướng sĩ che chờ về thành thì dặn dò: “Từ giờ trở đi chúng ta bắt đầu chiến dịch vườn không nhà trống.

Đóng cửa thành, bắt đầu thủ thành! Từ hôm nay trở đi, bất kỳ kẻ nào cũng không được ra khỏi thành nửa bước!”
Vườn không nhà trống ý là tất cả dân bên ngoài đều vào thành, không được phép đi ra.

Nghiễm Châu bắt đầu thủ thành thì phải đóng cửa thành.

Cuộc chiến thủ thành chính thức bắt đầu.
Các tướng sĩ truyền lệnh của công chúa xuống sau đó vội vã về thành.

Quân địch vừa mới lên bờ đã khẩn cấp tấn công bọn họ.

Vì đa số quân địch mới lên bờ còn chưa thích ứng nên A Lặc Vương đã phân một nhóm binh làm thích khách tới quấy rối những binh sĩ Đại Ngụy đang rút lui.
Mộ Vãn Diêu được mọi người che chở về thành.

Nhưng nàng là công chúa lại vẫn luôn ra lệnh chỉ huy chiến đấu nên mục tiêu cực kỳ rõ ràng.

Trong bóng đêm chợt có mấy người từ chỗ tối nhảy ra đánh về phía này.
Mấy tên người Nam Man này phối hợp ăn ý, lập tức giết binh lính bảo vệ nàng.

Một kẻ trong đó cầm đao chém tới khiến Mộ Vãn Diêu ngã nhào trên đất.

Tên kia nhân lúc này vung đao chém xuống, nhưng đúng lúc phía dưới cũng có vũ khí lấp lóa.

Hai binh khí va chạm vang lên một tiếng đinh trong trẻo!
Tên kia giận dữ, thấy cô công chúa mỹ lệ đang nằm bò trên đất, trong tay cầm một thanh chủy thủ.

Sức lực nàng không bằng hắn, vì thế lúc địch nhân ép xuống thì chủy thủ trong tay nàng ngược lại cắt lên da thịt của nàng, máu từ lòng bàn tay chảy xuống.
Nhưng nàng vẫn luôn nắm chắc chủy thủ, vì bản thân mà giành một mạng.

Tên kia giận dữ mắng bằng tiếng Nam Man.
Mộ Vãn Diêu bị ép trên mặt đất nhưng hai mắt vẫn sáng ngời, không hề khủng hoảng.
Tên Nam Man kia thấy thế thì túm lấy cổ tay nàng muốn cướp cây chủy thủ kia đi.

Mộ Vãn Diêu thì liều mạng nắm chặt, máu chảy ồ ạt nhưng nàng vẫn sống chết không chịu buông.
Đúng lúc này Phương Đồng đã giải quyết xong kẻ địch, vừa xoay người thấy công chúa bị tấn công thì máu cả người chảy ngược.

Hắn nổi giận gầm lên, cả người nhảy cao tung một chưởng đánh xuống: “Tặc tử, dám đả thương điện hạ ——!”
Sau đó Phương Đồng nâng Mộ Vãn Diêu lúc này đang ho khan dậy, mọi người cũng thoải mái giải quyết mấy kẻ đánh lén khác.
Mộ Vãn Diêu vừa ho khan vừa nắm lấy tay Phương Đồng nói: “Không cần quản bọn chúng, vào thành đã.”
Trong lòng nàng không biết kẻ địch vì sao lại làm một việc nguy hiểm như thế.

Bọn chúng không thể nào tổn thương nàng trong địa bàn của nàng được… Quả nhiên đám Nam Man này vẫn thực ngu ngốc đáng cười.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện