- Sao mày không mua cho mình một phần?
- Tao đã biểu là giỡn thôi mà...!Với lại răng tao đang niềng, ăn vô cho gãy hàm hả chi?
- Túi ngày chỉ biết nói quá.
- Thằng bạn Cố Đô bực mình mắng nhỏ.
Sợ có người để ý thì gây phiền phức cho hai đứa nhỏ, nên nguyên đám rời đi sau khi đưa đồ ăn - thức uống cho tụi nó.
Đi quanh quẩn xóm "gà" một hồi, cả nhóm lạc vào một khu công trình xây cất dở dang.
Lòng tò mò trỗi dậy, đứa nào đứa nấy phấn khích rủ nhau đi thăm thú.
Có nơi được trét xi-măng, có nơi còn nguyên màu gạch.
Phòng ốc đã được ngăn chia rõ ràng.
Trên trần vẫn chưa đóng la-phông hay ốp thạch cao, những mảng khung cứ thế phơi sườn lam nham, lòi cả cọng sắt ra ngoài.
Cột nhà là thứ hãy còn nguyên vẹn nhất trong cái đống hoang tàn này.
Còn cách cây cầu thang dẫn lên tầng Một một khúc, Tống Ngạn cảnh báo:
- Không nên lên lầu.
Móng cầu thang rất yếu, lạng quạng là "mập mình".
- Tao sửa mặt là đủ mệt rồi.
Không cần thêm món chỉnh xương - nắn cốt nữa đâu.
Sau một hồi bàn bạc, rốt cuộc nguyên đám chỉ đi loanh quanh trong khu vực tầng trệt và khuôn viên tòa công trình bỏ hoang.
Có thể vì tệ nạn xã hội ở đây quá nhiều nên chủ đầu tư không đủ can đảm "đánh bài liều", nên đã "lui quân" trước khi bị tổn thất lớn hơn.
Thật tiếc cho một cuộc đất đẹp và ba mặt tiền.
- Tao thấy nên mượn Sương Tuyết liên lạc với cố vấn của tổng thống...!
Nguyễn Chí Công trợn mắt:
- Gì? Mày điên hả?
Lê Đức Hoàng nhún vai:
- Sao tao nghi ông tổng thống đứng sau lưng hết thảy quá...!Tự nhiên, mày, một đứa nhà báo mới nứt mắt ra trường được cử vô đoàn tháp tùng ổng.
Rồi bỗng dưng gặp một băng đảng Mễ Tây Cơ "tốt bụng" giúp tìm được người đã lấy thận anh mày.
Phải có quyền lực ngang cơ ổng mới có thể...!
- Nín! Muốn chết hả?
- Tao mà sợ chết thì tao đã vác thây tránh xa mày ba ngàn cây số ngay từ khi biết hoàn cảnh của mày rồi con.
Tao cũng không bỏ luôn thời gian lẫn công sức mà chẳng thu được cái cóc khô gì.
Tưởng đâu hai bên đã lắng dịu, ngờ đâu đang đi được một đoạn, thằng bạn Bảy Núi lỡ lời thốt lên một câu không nên nói.
Sẵn đang bực mình, gã trai Thần Kinh dứ dứ nắm đấm vô mặt hắn.
Tống Ngạn nhào vô can gián hai thằng bạn.
Nghe có tiếng cãi vã, một người không rõ giới tính mặt mày son phấn lòe loẹt mở hé cánh cửa chính và thò đầu ra ngoài dòm ngó, trên tay còn cặp điếu thuốc đương nhả khói trắng.
- Giờ này người ta chưa mở cửa đâu.
Đừng có ở đây chửi đổng nữa.
Nhờ sự lanh trí của thằng bạn răng khểnh mà cả nhóm thoát hiểm trong gang tấc.
- Đúng đó...!Mấy nhỏ em tui chỉ làm ban đêm thôi, ban ngày tụi nó nghỉ ngơi.
Mấy cậu muốn thư giãn thì quay lại đây lúc sáu giờ chiều.
- Cảm ơn má nha!
- Nhớ ghé ủng hộ đó!
Xóm "gà" không ánh đèn đường nên vắng hơi người một cách dễ sợ.
Thỉnh thoảng họ lại bắt gặp những đứa trẻ ăn mặc dơ dáy, áo quần bện dính rác rưởi, chỉ cần nhìn vào cũng cảm thấy hôi thối và nghèo hèn.
- Con mẹ hồi nãy là con rớt của Thuận Phong Nhĩ hả? Đứng tuốt đằng đẵng mà cũng nghe.
Tống Ngạn bỗng rủ mấy thằng bạn đi kiếm gì bỏ bụng.
Tụi nó đồng ý ngay tắp lự.
Gì chớ ăn tụi nó mau lẹ lắm.
Nhìn người thanh niên bán cơm tấm cao to, vạm vỡ một đỗi, Lê Đức Hoàng huých vai thằng bạn Sài Gòn:
- Có lộn chỗ không mày? Vô đây ăn cơm hay ăn đấm?
- Ảnh từng đấu lôi đài.
Nhưng bị chấn thương nên ra đây bán cơm kiếm sống.
Thấy cách nói chuyện ngắt quãng kỳ cục của Tống Ngạn, Lê Đức Hoàng liền hiểu ngay bên trong có ẩn tình.
Gọi xong bốn dĩa cơm, nguyên đám kéo nhau băng qua đường hóng mát.
Từ bên đường vọng sang bài hát "Chiều tím" do Lệ Thu trình bày, nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Đinh Hùng.
- Có cơm rồi nè mấy đứa! - Anh ta chụm tay làm loa.
Vừa chan xíu nước mắm ớt kẹo kẹo, cay cay lên phần cơm, Lê Đức Hoàng vừa chép miệng nói:
- Sao mấy nhỏ tiếp viên trong vũ trường hay ghê mậy.
Vừa nhảy vừa rót rượu được.
Gặp mà vô tay tao á, chắc tao dộng nguyên chai rượu vô mặt khách quá.
- Nghề Thiện hay nghề Ác đều cũng cần một xíu tinh ý và "năng khiếu".
- Nguyễn Chí Công nói đoạn, ăn một muỗng đầy cơm và thịt nướng.
Ăn xong bữa, cả đám kéo nhau đi điều tra xóm "gà".
Những con đường mà họ đi qua đều trải nhựa và lốm đốm ổ gà.
Thảng mới có vài chiếc xe gắn máy chạy ngang.
Nơi đây nhìn như thành phố chết trong những bộ phim Khoa học - Viễn tưởng.
Lê Đức Hoàng nghe thấy tiếng hát của cụ Duy Trác vẳng ra từ một ngôi nhà mái tole đổ nát, là bài "Chiều tưởng nhớ" của nhạc sĩ Thẩm Oánh.
Hắn vui miệng khe khẽ hát theo.
Chưa được ba câu đã bị thằng bạn Thần Kinh bịt mỏ.
- Cái nhà đó có người sống phải không?
Nguyễn Chí Công nhìn Tống Ngạn mà đáp:
- Chắc là vậy đó đa.
- Vô xem thử coi bây.
Thằng bạn Bảy Núi bị bắt đi gõ cửa.
Ai biểu hắn yêu âm nhạc làm chi.
"Bốp..."
- Mày gõ cửa nhà người ta hay mày gõ trống vậy con?
Lê Đức Hoàng lườm thằng bạn Thần Kinh muốn rớt con mắt:
- Mày coi cái cửa nó yếu vầy nè mà biểu tao mạnh tay.
"Kẹt..."
- Tới đây xin việc hả?
- Hả? Việc...!việc gì anh?
- Thì làm trai bao đó...!
Lê Đức Hoàng quay đầu nhìn mấy thằng quỷ sứ, thì thấy thằng bạn Cố Đô ra dấu thủ ngữ: "Mày cầu được ước thấy rồi con."
- Không tới đây làm đ*, vậy cậu tới đây làm gì?
- Nó đi kiếm gái.
Nguyễn Chí Công lại cứu bạn mình một vố.
- Ở đây có trai, chớ hổng có gái.
Người thanh niên tốt bụng chỉ cho họ con đường dẫn tới khu đó.
Để yên thân, Thường Khán Bình tặng cho anh ta vài trăm.
Rồi giục mấy thằng bạn đi lấy xe về nhà.
Tay giang hồ ấy không có ở nhà, nên người đàn em của gã đứng ra trả xe giùm.
Hai đàng đối đáp vài câu rồi ai đi đường nấy.
Chiếc xe đang chờ đèn xanh ở một ngã tư, cái bụng của Lê Đức Hoàng kêu rền rĩ.
- Ê ghé mua bánh mì đi mậy...!Tao uống thuốc tây đói bụng quá.
- Tao mới phát hiện chỗ bán ngon lắm.
Gần khúc đường Trần Bình Trọng, ở mé tay phải.
Tiếng ca của bác Duy Khánh trong bài "Đường trần lá đổ" đưa cả nhóm quay về một thời dĩ vãng; đây là lời Hai của nhạc phẩm "Xin anh giữ trọn tình quê" cũng do bác sáng tác.
- Hồi xưa tao hay ghé mua trà sữa ở tiệm này...!- Nguyễn Chí Công chỉ vào cửa quán.
- Không biết tại sao lại đóng cửa...!Chủ quán có thằng con mập ú thấy cưng lắm, mà nhát hít hà.
Theo như lời kể của thím bán bánh mì thì chủ quán trà sữa cho phép thím ra đây bán, nhờ vậy mà thím mới có thể nuôi sống gia đình, mấy chỗ khác họ hoạnh họe đủ điều, lại còn bắt phải nộp tiền, không như ở đây vừa miễn phí vừa có vị trí đắt địa.
- Nhạc sĩ Anh Việt Thu là một trong những nhạc sĩ mà thím mến mộ nhứt.
Đặc biệt là bài "Gió về miền xuôi" qua giọng hát của ca - nhạc sĩ Duy Khánh.
Lê Đức Hoàng nổi "máu nghệ sĩ":
- Hai bài Hùng ca của nhạc sĩ Anh Việt Thu mà con thích nhứt là "Trên đầu súng" và "Đường chúng ta đi"; bài đầu con thích nghe song ca Nguyệt Ánh - Việt Dzũng, còn bài sau thì bác Duy Khánh.
- Ê mày, tao hổng kiếm được bài hát mà bữa hổm mày nói trên Youtube.
Lê Đức Hoàng xẵng giọng:
- Thì mày lên "Chia sẻ Nhạc,"Nhaccuatui",...!mà tìm.
Có hàng tá trang đăng nhạc trên Google đó.
Nguyễn Chí Công véo tai thằng bạn:
- Tao nói có chút xíu mà mày nạt tao như con.
Mốt tao cưới vợ hổng thèm mời mày đâu thằng quỷ.
oOo
- Hôm bữa đang nói dở bài "Suối tóc", anh kể tiếp cho tôi nghe được không?
- Tôi tưởng Mục sư đã tra cứu trên mạng chớ?
- Tra rồi.
Biết hết rồi.
Nhưng vẫn muốn nghe anh nói.
- Như cô Lê Uyên và chú Phương, hai người đã loan phụng hòa minh.
Cụ thể là cụ Văn Phụng sau khi chia tay bà Châu Hà đã lấy vợ theo ý đấng sinh thành,và bà cũng đi lấy chồng dù trong lòng rất yêu ông.
Thời gian cứ thế trôi qua, tưởng đâu tình xưa đã lắng, ngờ đâu trong một lần xuôi Nam, cụ đã gặp lại bà.
Hai người đã nối lại duyên xưa từ độ ấy.
Và nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời.
- Trên mạng tin tức đầy đủ và chính xác hơn, nhưng không hiểu sao tôi lại thích nghe giọng anh.
Rất xin lỗi vì đã quấy rầy.
Đặng Thừa Tân cười hiền:
- Tôi phải cảm ơn Mục sư vì đã khen ngợi trí nhớ tồi và tiếng nói tệ của mình mới đúng.
Nói rồi anh mở hai bản nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng lên để làm quà tặng vị Mục sư trẻ.
"Mưa trên phím ngà" và "Tiếng dương cầm" là hai trong số những bài hát mà cụ Văn Phụng dành tặng vợ mình, tức bà Châu Hà; tựa đề ca khúc có liên quan tới piano, vốn là sở trường và sở thích của hai vợ chồng.
Manuel Ngô vừa lắng nghe giai điệu của bản nhạc, vừa miên man nghĩ ngợi về sự hôn nhân ở đời.
Rõ ràng vì định kiến "xướng ca vô loài" mà đấng sinh thành của nhạc sĩ Văn Phụng đã chia loan xẻ thúy, rốt cuộc làm dang dở cuộc đời của con dâu đầu và trễ nải duyên sắt cầm của cụ và bà Châu Hà; chưa nói tới hai đứa con riêng của cụ và người vợ đầu...!Câu nói "Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" liệu có đúng trong mọi trường hợp?
- Yêu là gì hả anh?
- "Yêu là chết trong lòng một ít", theo như ông Xuân Diệu là vậy.
Còn với cụ Văn Phụng là, "Yêu là tìm thương đau", bác Trần Thiện Thanh thì, "Biết làm sao định nghĩa được tình yêu?",...!
- Mỗi một thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ lại có cách nhìn nhận tình yêu khác nhau.
Nhưng tựu trung đều thừa nhận yêu là đau, là khổ, là đọa đày, nhưng không ai có thể dập tắt ngọn lửa ái tình ấy được...!Tôi muốn nghe thêm chuyện tình của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, anh kể nha?
Đặng Thừa Tân hơi ngạc nhiên, rồi nhoẻn miệng cười và đáp nhỏ:
- Rất sẵn lòng.
Manuel Ngô biểu anh chủ quán hãy khoan kể, đợi y đi mua xôi cái đã.
Đặng Thừa Tân phì cười, rồi đặt tấm bảng đánh số trên mặt bàn để giữ chỗ ngồi cho vị Mục sư có ánh mắt rất hiền.
Để thay đổi không khí, Đặng Thừa Tân bật bài hát "Có nhớ đêm nào" do Shayla trình bày, một sáng tác của nhạc sĩ Khánh Băng.
Nhắc tới nhạc sĩ Khánh Băng mới nhớ, ca khúc "Vọng ngày xanh" của ông được một nhà văn nữ người Pháp Francoise Sagan đưa vào trong tác phẩm của mình, thậm chí bà còn viết lại lời Pháp cho bài hát; nhờ vậy mà ông được Hội Tác Quyền Thế Giới ngỏ lời mời gia nhập.
"Có nhớ đêm nào, về chung với nhau nơi này
Tìm đến hòa khúc sum vầy
Tình xuân ngất ngây ta cùng say..."
- Ô, cảm ơn Mục sư...!
Nắm xôi bọc trong mấy lớp lá chuối xanh mướt, cột lại bằng sợi dây tước từ lá chuối khô, hình như là loại thập cẩm.
Vừa mở gói xôi, Đặng Thừa Tân vừa kể:
- Theo như một tài liệu mà tôi tìm thấy trên mạng, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên trồng cây si trước nhà cô Hoàng Oanh hoài mà người ta chẳng ngó ngàng tới, nên mới viết bài "Anh vái Trời", trong đó có câu "Anh vái Trời cho cô vấp té để anh nâng", vì muốn kiếm cớ để làm quen với nàng.
Sau này "cô Bắc Kỳ nho nhỏ" của chú cũng qua Mỹ định cư, và cứ hễ tới ngày giỗ của chú là bà lại đem hoa và cam hái trong vườn nhà tới viếng mộ.
Rốt cuộc "anh Nam Kỳ dễ thương" cũng đã được "cô Bắc Kỳ nho nhỏ" có mái tóc demi-garcon năm nào ngó ngàng tới, dù quá muộn màng...!
Có khách tới tính tiền, nên Đặng Thừa Tân phải tạm dừng cuộc tán gẫu mà quay sang đối đáp với khách.
Một lúc lâu sau, anh mới kể tiếp:
- Còn một bài chú viết tặng cô Oanh mà tôi quên giới thiệu, là bài "Hãy yêu chàng", được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ "Oanh" của chú.
Tôi sẽ cho Mục sư nghe qua phần hợp ca của Duy Quang - Tuấn Ngọc - Elvis Phương.
"...!Hãy yêu chàng, hãy yêu chàng
Như yêu cánh gió, gió tung tăng hai vạt áo hường..."
- Bài thơ "Đám đông" chắc được ra đời sau khi chú trở về nhà nghỉ mệt sau chặng đường dài đạp xe theo đuôi cô Oanh giữa trưa nắng gắt, đã vậy còn khoác áo măng-tô dày cộm.
Cô Oanh năm đó có lẽ thấy...!chú khùng quá nên đã ráng hết sức đạp xe vào đám đông để lẩn trốn, thành thử ra chú mới "nức nở", "Cô có tình cờ nhìn thấy anh không?" và "Nhìn anh đi, hãy nhìn cho rõ, trước khi vào đám đông" trong bài "Cô Bắc Kỳ nho nhỏ".
Manuel Ngô xin phép ngắt lời anh chủ quán, rồi gọi thêm một ly Soda dưa hấu.
Vừa pha chế đồ uống theo yêu cầu của vị Mục sư trẻ, Đặng Thừa Tân vừa kể:
- Cả ba nàng thơ của chú đều sống bên Mỹ, cô Duyên ở tuốt tiểu bang Michigan, còn cô Oanh và cô Thủy - Tức vợ chú đều ở tiểu bang California.
- Vậy là ba nàng thơ của chú đều có thêm một điểm chung nữa?
Đặng Thừa Tân gật đầu.
Anh đang chế Soda vô ly nên không muốn mở miệng nói.
- Chú, cụ Bùi Giáng và ông Nguyễn Ngu Ý đều từng ở Dưỡng Trí viện Biên Hòa.
Giám đốc nhà thương năm đó là con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc.
Đây là lần đầu tiên Manuel Ngô nghe cô ca sĩ Lưu Hồng.
Bản nhạc "Giáng Ngọc" kết hợp với tiết tấu Tango nghe rất lạ tai và không kém phần cuốn hút.
- Còn bài hát "Giáng Ngọc" thì sao hả anh?
- Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết tặng cho cô nữ sinh Trưng Vương Minh Ngọc, lời bài hát có sử dụng ý thơ của thi sĩ Nguyên Sa.
Ngoài bài này, cụ còn tặng cô Ngọc bài "Dấu tình sầu".
Trong nhạc phẩm "Giáng Ngọc" gợi nhắc nhiều nhất đến vẻ đẹp của cô, ở hai điểm: Bàn tay nhung và mái tóc huyền.
Nói tới đó, có khách kêu tính tiền nên Đặng Thừa Tân đành ngắt ngang câu chuyện với vị Mục sư.
- À, cái người cho tôi mượn sách có tới đây thường xuyên không vậy? Tôi muốn trả sách nhưng không biết làm cách nào.
- Sắp tới rồi.
- Đặng Thừa Tân nhoẻn miệng cười.
- Ảnh biểu tôi pha giùm một ly trà Thái.
Thấy đã hơn một giờ trưa, Manuel Ngô tính về để lo việc nhà thờ, nhưng vừa bước tới cửa đã thấy người cho mình mượn sách hôm bữa đang lững thững đi tới nên lại thôi.
- Bữa hổm đang xem video đánh giá tiểu thuyết "Khu vườn bí mật" của nhà văn Frances Hodgson, tự nhiên bên dưới có người bình luận, "Tuổi gì bằng "Ngồi khóc trên cây" của bác Ánh." "Khu vườn bí mật" là một trong những tiểu thuyết thiếu nhi được xếp hạng kinh điển trên thế giới.
Manuel Ngô nhớ Chúa dạy không nên ngạo mạn và kiêu căng, và hình như không phải ai cũng hiểu giữa kiêu hãnh và tự mãn nó khác xa nhau như thế nào.
- Còn một lần nữa, tôi đang xem video đánh giá bộ phim "Hai thế giới" của Đại Hàn, trong đó xây dựng hình tượng nam chính bắn cung giỏi nhứt thế giới, bỗng đâu xuất hiện hàng loạt bình luận vô khoe vận động viên bắn cung của Nước mình và chửi nước họ nói dóc.
Tình tiết đề cao nhân vật chính tột độ là quá đỗi bình thường và chẳng có gì đáng nói, vậy mà cũng kiếm chuyện gây hấn và miệt thị cho bằng được.
Mà mắc cười ở chỗ, ít lâu sau, tôi gặp lại họ ở những video phóng sự và tin thế giới, họ lại tỏ ra than khóc vì nạn phân biệt và kỳ thị chủng tộc trên thế giới!
Manuel Ngô che miệng cười khúc khích.
Đoạn nói:
- Tôi cũng thấy nhiều người đụng tới họ là họ chửi rủa và bù lu bù loa đủ kiểu, nhưng lại rất khoái đi hạ bệ và săm soi người ta.
Góp ý chân thành khác hoàn toàn với lời mỉa mai, châm chích.
Cũng như tha hồ nói bậy và chửi tục không thể hiện đất nước đó có tự do ngôn luận.
- Đôi khi điên cũng hay, không trở thành bồi bút hay văn nô, hoặc tệ hơn là loài thương vay khóc mướn hay sủa thuê theo ý chủ.
- Anh không sống được với nghiệp viết lách của mình...!
- Phải.
Tôi đi hái trái cây, bốc vác,...!bất cứ nghề nào mà không phải đội ai lên đầu mà thờ thì tôi sẽ làm.
- Đủ sống không?
- Đủ.
Còn dư chút đỉnh để mua thuốc hút và uống cà-phê.
Nhứt là vô mùa sầu riêng, nhiều nhà vườn kêu lắm.
- Anh có thích câu nói nào không?
- "Những gì bạn nói nên là Sự Thật, nhưng không có nghĩa Sự Thật nào cũng nên nói ra", đó là câu nói của Voltaire.
- Đặng Xương Tuyết nhìn người Mục sư trẻ mà cười thật buồn.
- Câu gốc là gì hả anh?
- "Everything you said should be true, but not everything true should be said."
Có khách yêu cầu bài "Tình có như không" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Đặng Thừa Tân bèn chọn luôn ca sĩ trình bày là bác.
- Mỗi bận tinh thần sa sút, tôi luôn nghe bài này...!
Đặng Xương Tuyết mở bài hát "Am I wrong?" do song ca Nico - Vinz trình bày cho Manuel Ngô nghe.
Âm lượng rất nhỏ nên vị Mục sư trẻ phải kê sát lỗ tai mới nghe thấy.
- Tôi và anh đều không sai khi theo đuổi chí hướng của mình...!Miễn là chí hướng ấy mang lại điều lành và bình an cho mọi người.
Có thể quỷ dữ sẽ tìm cách dìm chết anh trong cái bể Dối Trá của nó, nhưng Sự Thật lúc nào cũng xiển dương như vầng mặt trời Chính Ngọ - Chói mắt những ai hèn yếu, thủ đoạn và soi rọi cuộc đời những ai dám sống, dám hy sinh và dám yêu hết mình.
- Hệt như Mục sư Martin Luther King phải không?
Manuel Ngô không đáp.
Y vân vê mặt dây chuyền Thánh Giá.
Micae Nghĩa nhắn tin biểu về nên Manuel Ngô đành phải cáo từ anh bạn ký giả.
"Chúa ban phước cho anh", đó là lời cuối cùng mà y trao cho anh ta.
- Uống mocktail không Tuyết? Tôi mời anh một ly.
- Mojito Matcha.
- Cảm ơn anh đã viết giùm tôi một bài quảng cáo.
Nhờ có anh mà lượng khách mấy bữa nay rất khá.
- Cũng cảm ơn anh vì đã chiếu cố cho tôi ngồi lâu như thế.
Mua có một, hai ly nước mà ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ.
- Tới ngày đám giỗ em anh, tôi sẽ mang theo một két nước ngọt làm quà.
- Khỏi, khỏi.
Dẹp.
Đi tay không là được rồi.
Nhưng Đặng Thừa Tân bỏ ngoài tai, tới ngày đó anh sẽ làm y như đã định.
Bước ra quán cà-phê, Đặng Xương Tuyết để một tay đặt trong túi quần, còn một tay cầm ly trà Thái.
Anh đã viết xong ký sự như đã hứa với bà lão, giờ chỉ còn mỗi việc trả lại tấm thẻ bài là anh chưa thực hiện được.
Gã văn sĩ điên và người thương năm cũ đã chia tay.
Nhưng anh vẫn sẽ mời người ta tới nhà với tư cách khách tri âm.
Nên giờ anh phải đi tìm người đó.
- Lãng.
Trả lại danh phận con nhà giàu cho Trịnh Xuân Vinh, Dương Lãng quay về kiếp lãng du.
Giờ hai người song ca bài "Người đi qua đời tôi" do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ.
Một người điên với văn chương
Còn người kia lại đắm trong tang bồng.
Dương Lãng ngồi đợi gã văn sĩ điên trên cây cầu vượt ở đường Cường Để.
Hắn đọc sách trong lúc đợi người thương năm cũ, là cuốn "Hành trình về phương Đông" của nhà văn Baird Thomas Spalding.
Người ấy vốn vô thần, sao nay lại tìm đến Phật?
- Sách dày quá, anh đọc hết hay thật.
- Có Duyên thì sẽ đọc hết mà thôi.
Dương Lãng nhún vai, rồi lấy ba-lô của người thương năm cũ làm giỏ đựng sách đỡ.
- Đi ăn hột vịt lộn hôn?
- Đi.
Nhưng hãy còn sớm quá.
Dương Lãng bật cười:
- Ở đó có bán gà xác chiên và phao câu nướng.
Món ruột của Tuyết.
Đi hết cây cầu vượt, quẹo phải, rồi bắt taxi sông để băng qua một con kinh nhân tạo, hai người mới tới được nơi đó.
Ông lão bán hàng trải ghế bố nằm vắt chân chữ Ngũ nghe "Hai mùa mưa" do Bảo Tuấn trình bày.
Vợ ông đang đứng chiên gà, vịt xác; cái khẩu trang vải không giúp ngăn được mùi dầu mỡ hơi ngây.
- Đừng dây vào Hai Mươi.
Đặng Xương Tuyết vẫn cắm cúi bóc vỏ hột vịt lộn.
Anh nghe hết nhưng không muốn để một lời nào vô tai.
- Đáng ra nhạc sĩ Thanh Sơn phải làm rể xứ Bạc Liêu, vì cụ yêu mến vùng đất khai sinh ra nền cổ cầm Việt Nam tới mức sáng tác hàng loạt bài hát ca ngợi miền đất Phương Nam ấy.
- Cụ quê ở đâu?
- Sóc Trăng.
Dương Lãng chống cằm cười nhạo:
- Tôi tên Lãng chứ đánh trống lảng không bằng một góc anh.
Anh chẳng bao giờ bớt lì.
oOo
Má nghe con Út đang tu ở chùa Khánh Hỷ, bèn hăm hở mua đủ thứ đồ đặng đem qua cho nó và Thầy Lợi.
Má có tìm hiểu Theravada, nhưng vẫn mua đồ ăn ngon và trái cây thơm ngọt; tội phá giới của nó má sẽ gánh, miễn sao con của má được ăn ngon.
- Bữa nay mình không đi khất thực.
Lát nữa má của đệ sẽ mang đồ ăn và trái cây tới chùa.
Châu Lợi nói xong, ra ngoài nghĩa trang lau chùi mồ mả và thu gom rác rưởi.
Nghĩa đệ của Quý Tâm đương đốt xác lá khô ở ngoải, người này không có pháp danh, cũng không đủ chữ nghĩa để đặt cho mình một cái tên hay, nên bèn cậy nhờ Trưởng lão đặt giùm, Thầy ông liền cho người này pháp danh Từ Minh - Tức "Từ bỏ Vô Minh, quay về Niết Bàn", cũng có nghĩa buông bỏ quá khứ, trở lại làm người thiện lương.
- Cậu Minh.
- Dạ?
- Cậu làm ơn đứng ở cổng đón nữ thí chủ tuổi áng chừng năm mươi hai giùm tôi.
Người đó là má hiền đệ Trì Thương.
À, trưa nay cậu khỏi cần đi chợ, người đó có mang đồ ăn tới.
- Dạ.
Má bận đồ ba ba cũ rích, chân đi guốc mộc, tay xách cái giỏ nhựa đựng đầy đồ ăn.
Trì Thương như thấy lại cảnh tượng ấu thơ trước đây, với người má ăn mặc lam lũ xách cái giỏ lơ thơ có mấy món đồ nấu trở về sau phiên chợ sáng, chú và anh Hai thi nhau chạy ra mè nheo, giành ăn từng cái bánh ú, viên kẹo bọc đường ngọt gắt cần cổ, má vừa nạt hai thằng con vừa lấy ống tay áo lau mồ hôi đang nhễ nhại trên trán, nhưng trên khuôn mặt chưa già mà đã có nếp nhăn của má lại nở nụ cười hạnh phúc vô ngần; có thứ bỏ bụng rồi, mạnh thằng nào thằng nấy vắt giò lên cổ chạy đi chơi, chẳng đứa nào ở lại phụ má việc nhà...!
- Thảo!
Trì Thương quỳ mọp xuống sát đất, đôi tay chú chắp lại thành hình búp sen rồi đặt trên đôi chân má.
Những giọt nước mắt nóng rẫy lăn xuống khuôn mặt khôi ngô, phúc hậu của vị Tăng sĩ tứ tuần.
"Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em
Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn..."
Má xoa lưng thằng con lớn tồng ngồng.
Rồi giục nó mau đứng dậy kẻo bị đau chân.
Nụ cười của má chan hòa theo suối lệ.
Châu Lợi biết Từ Minh bắt nhạc, nhưng vẫn không khiển trách.
Tiếng hát của Nhật Trường trong bài "Bông hồng cài áo" do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý thơ từ tản văn của Thích Nhất Hạnh vang lên nức nở như nói thay tiếng lòng của người hiền đệ Trì Thương:
"...!Rồi một chiều nào đó, anh về
Nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói với
Nói Mẹ rằng:
"Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?"
"Biết gì?"
"Biết là...!Biết là con thương Mẹ không?""
Từ Minh phụ má bày biện mâm cơm.
Con gà luộc vàng ươm đã được chặt sẵn, bánh xôi chiên ngũ sắc đổ khuôn hình bông bồng rất đẹp, chân gà bóp gỏi và súp bào ngư ngân nhĩ được đóng hộp gọn gàng và hãy còn hơi âm ấm.
Má còn đặc biệt mua bánh tằm bì và bánh bò - Hai loại bánh mà hai đứa con của má hồi nhỏ rất thích ăn.
Trong bữa ăn, Trì Thương chưa kịp ăn hết miếng này thì đã được má gắp thêm miếng khác.
Má còn cẩn thận lọc xương gà trước khi bỏ vào chén của con Út.
- Con không có thói quen ngủ trưa, thưa má.
- Vậy con ngồi xích lại gần má nè.
Rồi má cầm nón lá phe phẩy quạt cho đứa con Út.
Vừa làm vừa hát rằng:
- Ầu ơ...!Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi...!Khó đi mẹ dắt con đi...!Con đi trường học, mẹ đi trường đời...!
"Tin..."
Châu Lợi nghe tiếng kèn xe hơi kêu chói tai, bèn biểu mọi người không được ra ngoài trong lúc này.
- Ai vậy thầy?
- Lan tới tìm Điệp, mà Điệp bỏ chùa đi trốn rồi.
- Từ Minh vuột miệng nói.
Má nghe vậy thì biết vậy chứ không hỏi thêm hay bình luận chi.
Ngoài sân vọng vào tiếng nói rất đỗi dịu ngọt của một người nữ và thanh âm có phần bỡn cợt thiếu tinh tế của một người nam, từ giọng có thể đoán tuổi tác hai người cách nhau một quãng khá xa.
Bầy sẻ lao nhau tranh ăn hột bắp và thóc, làm mảnh sân rợp bóng mát của giống cây bồ đề và Sala rộn rã như ngày Xuân trẩy hội.
Chừng một tiếng sau, hai người khách mới đứng dậy ra về.
Họ mang đi luôn cả tiếng nói cười của bầy sẻ vô ưu và không biết hận thù.
- Thầy ơi, cho tôi hỏi xíu.
Dù đã biết má Trì Thương muốn hỏi gì, song Châu Lợi vẫn nhẫn nại chờ.
- Có nên nhờ người canh giờ sanh tháng đẻ cho thai nhi không Thầy?
Châu Lợi ôn tồn giảng giải:
- Nếu đứa trẻ đó Phước mỏng không cõng nổi lá số phú quý, vinh hoa tột bực, rất có thể xảy ra tình trạng chết yểu hoặc truân chuyên về sau.
Có một gia đình rất mực giàu sang nhưng không phải từ vốn liếng của nguồn lực chân chính, mà là tham nhũng và ăn hối lộ, thấy con dâu gần sanh, mới mời người giỏi Lý Số về định ngày hạ thai giùm.
Kết cục về sau gia đình thê thảm khôn xiết, người chồng bị tử hình, người vợ thì hóa điên vì không chịu đựng nổi cảnh nghèo túng và sự khinh miệt của xóm giềng, cô con dâu muốn rảnh đường tiến thân nên đã bỏ đứa con trai mới hai tuổi ở chốn rừng núi thâm u trong lúc chồng đang thụ án tù...!
- Người đó là ai vậy Thầy?
- Là Tỳ-Kheo Phú Lâm, thưa thí chủ.
Suốt quãng thời gian ấy, Như Phong bị điều tiếng kinh khủng, nhưng cụ vẫn giữ đứa trẻ từ trên trời rơi xuống đó và chăm sóc nó như một đứa con ruột.
Có lẽ nhìn thấu được sự giàu sang trước đây của dòng tộc nó, nên cụ đã lấy chữ "Phú" và lấy chữ "Lâm" từ chuyện phát hiện nó dưới một gốc cây trong rừng, ghép lại thành tên của nó.
Về sau, mãn hạn tù, cha Phú Lâm quay lại tìm con.
Phú Lâm hoàn tục được mười một năm, rồi trở về núi Phượng Hoàng quy y trở lại.
Không một ai hỏi nguyên cớ nào đã đưa Phú Lâm về với Phật.
Từ Minh đã lâu mới được ăn mặn, nên ăn uống hết sức nhiệt tình và lanh tay.
Châu Lợi thấy thế chỉ lắc đầu cười hiền, ông nhớ tới những người nổi tiếng độ rày hay đòi đi tu, thật ra, buông cái Ngã Mạn xuống cũng là tu rồi.
- Má dìa nghen Thảo?
- Dạ.
Châu Lợi tiễn chân má tới tận cổng.
Trước khi trở vô trong, ông làm ấn thủ chúc phúc cho bà.
Má ghé ngang qua quán cà-phê của thằng lớn để giúp nó coi sóc lò nướng bánh.
Con trai lớn đang hát theo giai điệu của bản nhạc "Lạc mất mùa Xuân" do Don Hồ trình bày.
Bà vừa học được công thức làm bánh củ khoai của Đại Hàn, nên chưa đem vô thực đơn vội mà trước mắt sẽ mời khách ghé quán ăn thử để lấy kinh nghiệm.
- Sao nhiều người khoái tôn thờ người trần mắt thịt quá vậy má? Ông này sai rành rành mà đám ái mộ ổng vẫn binh cho bằng được, còn chửi những ai vạch trần cái xấu của ổng là "Thấy người ta giàu nên tụi bây ghen ghét kiếm chuyện chửi", "Có làm được như người ta không mà nói",...!
- Rồi con coi, lỡ mà sau này thằng cha đó bị mắc tội động trời nào đó, đám ái mộ ổng sẽ quay lại chửi còn nặng lời hơn những người không ưa ổng sẵn.
Hai má con đang nói tới đó, chuông cửa vang lên "Lanh canh...", báo hiệu quán cà-phê có thêm người khách.
Một vị khách Tây phương hết sức nho nhã và lãng tử.
oOo
- Siêu mẫu Juan Julios vẫn còn phong độ thật sao?
- Cưng không thấy Ricky Martin sao? Tới già vẫn còn quyến rũ và đẹp trai.
Cấp Trên xoa mái tóc bạch kim đến rối bời.
Gã đưa mắt ngắm sóng nước đang tóe bọt dưới chân tàu.
Mùa gió chướng vẫn chưa về.
Vừa cắt gan ngỗng, Vệ Thanh vừa hỏi gã điên tóc bạch kim:
- Anh có bao giờ sợ tuổi già không?
Giai điệu của bản nhạc "Adiós" do Ricky Martin trình bày đã chấm dứt, Vệ Thanh vẫn chưa nhận được câu trả lời.
- Muốn đi du lịch cùng tôi không? Sang Nhật Bản ghé thăm người bác nuôi họ Triều của tôi.
- Được.
Tôi cũng tính sang Nhật một chuyến.
Có ai đó phát một vài bản nhạc thuộc thời Audition, làm Vệ Thanh cao hứng chuyển chủ đề:
- Thời đó, tôi thích nghe Bảo Thy hát những ca khúc "Baby xin đừng quay gót", "Sorry", "Please tell me why", "Lạc lối",...!khi chơi Audition; có bài song ca với Vương Khang, có bài không.
Cũng có tin đồn đạo nhạc mà tôi không rõ thực hư.
Bồi bàn bưng món ăn lên làm gián đoạn lời tự sự của con trai trưởng nhà họ Vệ.
Hai người nhìn nhau mà nhún vai cười trừ, trước ánh mắt không hiểu chuyện chi của nam nhân viên trẻ tuổi.
Như sực hiểu ra, anh ta rối rít xin lỗi vì đã quấy rầy cuộc tán gẫu của hai vị khách quý.
Cấp Trên đặt một tờ trăm đồng trên bàn, lấy dĩa không dằn lên, rồi ra hiệu anh ta lấy tiền.
Không có gì làm người ta cười liền bằng việc nhận tiền, câu nói do gã tự chế hầu như luôn luôn "ứng nghiệm".
- Ăn thử món óc heo chiên bột không?
Cấp Trên rùng mình.
Đoạn "mắng yêu":
- Cưng quái đản quá.
Rồi rót rượu Titos Vodka vào ly của người bạn đường.
Chất rượu sóng sánh xóa nhòa khoảng cách giữa hai người.
oOo
- Nhạc chuông của tôi là bài "Mr Mr" của SNSD.
Nói đoạn, Tào Việt Bân mở ca khúc "Devil" của ban "Super Junior".
Cậu vừa tập thể dục theo điệu nhạc, vừa kể:
- Hai thành viên chia sẻ và tuyên truyền "đường lưỡi bò" là người Trung Quốc, còn những ca sĩ trong clip nhạc này là người Đại Hàn chính gốc và không ai thực hiện việc làm trên.
Trần Cảnh Chiêu hỏi:
- "Super Junior" có bao nhiêu thành viên cả thảy?
- Mười lăm người: Hai Trung Quốc, một người Canada gốc Hoa và số còn lại là con dân Đại Hàn.
- Còn hai thành viên đó tên gì?
- Han Geng - Hàn Canh và Zhoumi - Chu Mịch, đã về xứ họ hoạt động trong ngành giải trí và truyền thông.
Tào Việt Bân vẫn còn phải ghé nhà thương thăm khám sức khỏe thường xuyên vì vết đạn bắn trên bụng.
Nhưng cử thuốc phải uống hằng ngày chỉ còn một thang.
- Jo Meolbin.
- Chi? - Tào Việt Bân vừa bóc vỏ thuốc vừa hỏi.
- Đổi sang tên Việt anh thấy thế nào?
- Đâu có sao.
Muốn gọi "Bin" hay "Bân" đều được.
- Đôi khi anh cũng biết dễ tính...!
Tào Việt Bân hơi nhếch miệng cười:
- Giờ anh muốn tôi khó hay dễ?
- Quay lại với vụ án thôi nào...!
Trước mắt, đội điều tra xác định được bãi đất này là một mồ chôn tập thể.
ADN của bộ xương phát hiện tuần qua trùng khớp với một gia đình có đứa con gái mất tích, cụ thể là với anh trai của người mất tích vì song thân không còn.
Vết thương trên hộp sọ của thi thể đã góp phần củng cố bằng chứng chứng tỏ nghi phạm là...!
"Cạch."
- Tôi về rồi...!- Mạnh Cường xách một giỏ đầy những nguyên liệu, gia vị Đại Hàn và thức ăn tươi sống.
Giữ đúng lời hứa, Tào Việt Bân trổ tài chế biến món gà chiên Đại Hàn và bánh gạo xào chua ngọt.
Cậu đeo khẩu trang trong lúc chiên gà vì không thể chịu đựng nổi mùi dầu mỡ.
- Cần tôi làm gì không?
- Có.
Làm thinh.
Trần Cảnh Chiêu nghe vậy, hí hửng lại đảo bếp kéo ghế ngồi xuống.
Đoạn hỏi:
- Tôi bật nhạc Hàn cho anh nghe nhen?
- Ừ.
Chàng pháp y bèn mở bản "Trouble Maker" do ban "Trouble Maker" trình bày, rồi mở Laptop lên làm việc.
Anh nghe thấy tiếng cậu trai xứ Hàn đới hát nhẩm theo giọng của ca sĩ nam trong bài, tiếng mẹ đẻ của cậu ta nghe vô cùng dễ thương và ngọt ngào, trái ngược hẳn với cái giọng cộc lốc ban nãy, à không, nãy giờ.
- Mở giùm tôi bài "Too late" và "Bbribbom Bberibbom" của ban "Co-ed School".
- Bài đầu tôi gõ được, bài sau tiếng nước anh tôi không biết mặt chữ để gõ.
Cậu trai Đại Hàn tới nhập dữ liệu tìm kiếm giùm anh.
Cậu ta gõ bằng tay trái, với tốc độ rất nhanh và mạnh.
- Hình như...!tay phải của anh đang bị thương?
- Phải.
- Do vụ lần trước hả?
- Không.
Ước gần hai tiếng sau, cậu trai Đại Hàn mới gọi bọn họ xuống ăn trưa.
Trên bàn bày sẵn một con gà chiên bột vàng ươm giòm rụm, bốn dĩa bánh gạo xào chả cá, xúc xích chua cay và mực khoanh chiên xù, bốn chén canh giá và gỏi rong nho rắc hạt mè.
Cậu còn chu đáo pha sẵn một bình nước Soda chanh, mật ong cho mọi người uống giải khát.
- A, nay tôi mới thấy cậu dễ thương nghen, cậu Bin.
- Ăn đi.
Trần Cảnh Chiêu ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon khó cưỡng của con gà chiên bột, quả không hổ danh người trong nghề lâu năm.
Anh không tiếc lời khen ngợi cậu điều tra viên Đại Hàn, hai người kia cũng góp vài câu tán thưởng như anh.
Đặng Xương Tuyết giới thiệu với ba người bạn:
- Mốt có xuống Mỹ Tho, nhớ ghé cơm gà Chí Thành.
Chỗ này làm đồ ăn rất ngon.
Đang ăn uống và chuyện trò vui vẻ, Tào Việt Bân kể về một sự lạ trên vlog của Bang Kae Heun.
Có lần cậu nhấp vào một đoạn băng quay cảnh cô này nhảy vũ đạo của bài "I go crazy because of you" và "Bo peep bo peep của ban "T-Ara", đang xem nửa chừng thì thấy bóng một người đàn ông rất giống Francis Châu in trên vách kiếng ngăn phòng.
Lần khác, cô này thực hiện một màn hát và nhảy theo bài "Alone" rất nổi tiếng của ban "SISTAR", cậu lại thấy thấp thoáng bóng dáng của người đàn ông ấy.
Tới lần cover cuối cùng, là bài "Day by day" và "Cry cry" cũng của ban "T-Ara", cậu không còn thấy bóng dáng anh ta đâu nữa.
Và sau khi đăng tải video đó, cô này đã tới Việt Nam và bị mất tích.
Có lẽ cô ta đi tìm người đàn ông mà cậu đã thấy trong video, chứ không phải là sang đây tham gia quay quảng cáo và người mẫu ảnh; vì nội dung bài hát đã chất chứa nỗi nhớ thương khôn nguôi và tình yêu điên dại của một người con gái mất đi người trong tim.
Trần Cảnh Chiêu chợt cảm thấy miệng ̣đắng nghét.
Ngày bạn gái anh lãnh án tử, anh tưởng như mình không thể vực dậy nổi sau cơn sốc đó...!
...!
Trời đã ngả khuya mà gã văn sĩ điên vẫn chưa về nhà.
Độ rày anh ta phải "định cư" trên tòa soạn từ sáng tới tối mịt để viết phóng sự đăng báo.
Trần Cảnh Chiêu vì công việc nên cũng phải chong đèn thức đêm đọc hồ sơ và tài liệu liên quan tới vụ án.
Hai con cú đêm nhờ vậy mà khăng khít với nhau hơn.
Nghe tiếng xe gắn máy của Tuyết nổ ình ình trước cổng, Trần Cảnh Chiêu chạy ra mở cổng rước vào.
Biết chàng pháp y miền Đông Hải cần ăn chút gì đó, nên gã văn sĩ điên có mua hủ tíu bò cay chánh hiệu con nhà Bạc Liêu về đãi bạn; quán này có bán nước mía nên anh mua luôn hai bịch.
Hai người bưng phần ăn và đồ uống của mình ra ngoài sân để vừa dùng bữa vừa ngắm trăng, hứng gió.
Đang độ cuối Xuân mà tiết trời đã bắt đầu nực muốn điên, giá mà có mưa thì hay biết mấy.
- Việc tụng Kinh Phật anh nghĩ sao?
Thay vì trả lời anh bạn thiết, gã văn sĩ điên lại kể:
- Tôn giả Ananda buồn tình tính tổ chức một cuộc thi xem coi ai đọc Kinh hay nhứt, nhưng đã bị Như Lai nghe thấy và cản lại.
Ông đã bị Ngài la một chập, rằng đã là bậc Tăng sĩ sao còn sanh tâm thi thố và tranh hơn thua.
Trần Cảnh Chiêu chú tâm lắng nghe.
- Một câu chuyện khác, tích này xuất phát từ bên Tàu, có một đôi vợ chồng nghèo sống lam lũ trên núi cao, quanh năm trông nhờ ruộng nương và củi lượm, nên thường xuyên xảy ra hục hặc và bất hòa.
Một hôm nọ, có một vị Tăng sĩ tới nhà xin nghỉ qua đêm, hai vợ chồng tuy khốn cùng nhưng lại tiếp đãi hết sức tử tế và niềm nở.
Trời vừa tang tảng sáng, vị Tăng sĩ ấy lên tiếng cáo từ, trước khi đi dặn hai vợ chồng già niệm một câu kinh mỗi lúc tâm bất an.
Nhờ câu kinh đó mà cuộc sống của hai vợ chồng ngày một tốt hơn về phương diện tinh thần.
Khoảng độ một năm sau, người Tăng sĩ quay lại nhà của hai vợ chồng, thấy cảnh nhà tươi tốt hơn xưa thì mừng thầm cho họ, duy chỉ có điều họ đã đọc sai câu kinh mà ông truyền đạt vì cái bệnh lãng tai tuổi già.
Ông mới chỉnh lại giúp họ.
Kể từ ngày đó, cuộc sống của hai vợ chồng ngày một sa sút do họ cứ lo đọc sai mắc tội nên không còn thiết chú tâm làm việc gì,lại còn hay gây gổ với nhau hơn trước.
Bẵng đi một thời gian, vị Tăng sĩ trở lại chốn cũ, thấy tình hình như vậy mới giảng giải cho họ biết không nên câu nệ vào hình thức bên ngoài mà nên đặt cái Tâm mỗi khi niệm.
Và nhờ có họ mà ông mới rút ra được một bài học trên con đường tu Phật của mình.
- Anh biết không? Đức tin với một người là cái phanh ngăn họ rơi vào cõi Ác, nhưng với người khác, đức tin là cái cớ để họ dấn thân vào cõi Ác.
Lại có người khác nữa, vô thần làm họ tưởng lầm rằng bản thân thông minh và sáng suốt hơn người có đức tin, cũng như cho rằng mình nhân đạo và tốt hơn.
- Rất nhiều người áp đặt lý thuyết của cõi Duy Vật vào cõi Duy Tâm một cách khiên cưỡng.
Hễ ai nói mình đã từng thấy hiện tượng siêu nhiên thì đa số vội vàng chụp mũ người đó bị thần kinh hoặc có tiền sử sử dụng chất gây nghiện.
Hễ ai thoát chết một cách hy hữu là lại lôi định luật Vật lý - Khoa học vào để giải thích.
- Anh đã từng trải qua rồi phải không?
- Nếu tôi kể ra, anh chắc chắn sẽ không tin.
- Đặng Xương Tuyết hơi nhếch miệng cười.
Trần Cảnh Chiêu biểu anh bạn thiết hãy độc thoại, anh sẽ lắng nghe hết thảy:
- Bên nào có người làm sai thì bên đó thừa nhận, chứ đừng có lấy hình làm sai của tôn giáo khác ra bao biện cho lỗi lầm bên mình.
Hèn lắm anh à! Cũng như mỗi khi trong một quốc gia có rối ren, nếu Tăng sĩ bên Phật im lặng thì chửi thờ ơ với đất nước, còn nếu họ can dự vô thì chửi sao tu mà còn tham - sân - si và tranh hơn thua với đời.
Có một người ngoại đạo còn nói Kinh Phật không rõ ràng và không biết do ai chép, tôi thấy họ vô để bắt lỗi và gây hấn Phật Giáo chứ không phải có lòng muốn trao đổi niềm tin tôn giáo, nên chẳng buồn nói cho họ biết người chép Kinh Phật Nguyên Thủy là ai.
- Là ai hả Tuyết?
- Là tôn giả Ananda: "Như tôi đã từng nghe Như Lai nói", đó là cách mở đầu bài giảng để ông ấy giúp mọi người phân biệt bài nào do mình tự giảng, còn bài nào là pháp thoại của Đấng Thế Tôn.
Lịch sử Phật Giáo còn ghi sờ sờ đấy mà không đọc, lại vịn vào một bài kinh trên mạng để bắt bẻ.
Không phải tự dưng mà bên Phật có những kỳ kết tập kinh điển đâu.
Trần Cảnh Chiêu trầm tư nghĩ ngợi.
Anh bạn thiết vẫn mải mê "gọt giũa" bài viết của mình.
Đúng là đọc thật nhiều sách về mọi chủ đề có một cái lợi, đó là giúp bản thân không trở thành một kẻ vừa ngu vừa thiếu hiểu biết vừa hay đi sinh sự.
Nhưng ở đời này có rất nhiều người trái khoáy, bên Đạo mình không lo, tối ngày lo đi đăng bài xỉa xói và bình luận châm chọc về Đạo khác.
Cũng đúng như anh bạn thiết đã nói, đức tin của anh ta không xuất phát từ sự truyền đạo, kết giao với Tăng - Ni hay nảy sinh cảm tình từ việc siêng đi chùa, nhưng nếu anh ta chỉ nói mình theo Đạo Phật mà không kể rõ cớ sự theo Đạo, ắt hẳn sẽ có người chụp cho anh ta ba cái mũ trên liền.
- Có một người lấy Phật Tổ ra làm câu chuyện cười, anh ta nói rằng Ngài chỉ thấy Địa Ngục mà không thấy Thiên Đàng nên chắc giờ Ngài đang ở Địa Ngục.
Tôi mới vô nói rằng, "Phật Tổ không thấy Thiên Đàng, bởi vì Ngài chỉ thấy Cõi Trời, Vua Trời Đế Thích và các Chư Thiên, thậm chí là Bồ-Tát Di Lặc ở cung Trời Đâu Suất; và chỗ mà Ngài đương ở hiện nay là Niết Bàn An Lạc Tối Thượng." Họ áp đặt định nghĩa bên Đạo họ qua bên Đạo Phật thì bị bẻ lại là điều tất nhiên.
Dù tôi rất mực tin vào Luật Nhân - Quả, nhưng không bao giờ tôi lấy danh xưng của các vị Thánh Thần bên Đạo anh mà gán ghép vào quy luật trên...!
- Lấy tôn giáo ra làm truyện cười luôn luôn là chuyện ngu xuẩn nhứt.
Nhưng rất nhiều kẻ vẫn miệt mài sáng tác câu chuyện châm biếm Đạo khác chỉ để bày tỏ lòng thành tín với đức tin mà họ đang theo.
- Tôi không tìm hiểu về Đạo của anh đủ nhiều, nên không bao giờ đi bắt lỗi bên Đạo của anh.
Những gì tôi muốn truy vấn ngọn ngành, tôi đều phải nắm được căn nguyên rõ ràng, chứ không phải là bạ đâu cũng nói và cũng hỏi.
Tỷ như việc tôi nắm được luật Nhân - Quả, Báo Ứng theo lời giảng của Như Lai, nên tôi mới đi truy vấn tích truyện tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ là thật hay giả.
"Cốc...!cốc...!cốc..."
Xe cháo đêm đã tới giờ bán hàng.
Ông bác sai thằng nhỏ phụ việc đi "gõ mõ" thông báo, còn mình thì lo chiên dồi.
Hương thơm theo màn sương len vào khoảng sân đầy trăng mà hai người bạn đang ngồi.
Ông cụ Ghiền Cải Lương mở cổng rào chống gậy đi mua cháo ăn, có tiếng con gái cụ biểu ba vô trong nhà ngồi đợi, để con đi mua giùm cho, nhưng cụ giả vờ không nghe thấy, vẫn đi một hơi te te.
Trần Cảnh Chiêu ngoắc gã văn sĩ điên lại, rồi lấy cành cây vẽ một ký hiệu trên nền đất vừa phát sạch cỏ.
- Tôi cũng nghĩ như anh vậy.
Nói đoạn, Đặng Xương Tuyết lấy cành cây khác vẽ ký hiệu của mình lên mặt đất.
- "When you say nothing at all", tôi thích bài hát ấy, và nó thật đúng trong thời khắc này...!Để cõi Duy Tâm của tôi đồng điệu với cõi Duy Tâm của anh, chúng ta nên lắng nghe thanh âm của sự im lặng.
- Trần Cảnh Chiêu miết ngón trỏ lên ký hiệu của mình và của anh bạn.
Hai người bạn trung niên nhìn nhau mà cười phá lên.
Dưới màn trăng hết Rằm, nổi bật trên nền đất là ký hiệu Phúc Âm và Bồ Đề.
Cả hai nằm cạnh nhau, hiền hòa, không giãy bày "Tôi đúng - Anh sai" hay gân cổ cãi "Anh hư cấu - Tôi mới là thiệt".
Đức tin nương theo mảnh trăng dịu dàng rơi xuống nhân thế và lan tỏa trên mặt đất từ bi.
oOo
- Anh là Martino Lê Vỹ Khiêm?
- Tôi đây.
- Tôi có thể gặp riêng anh sau ca mổ được không?
- Nếu anh là người nhà của bệnh nhân, tôi đồng ý.
Còn nếu không phải, thứ cho tôi nặng lời, không.
Lê Vỹ Khiêm tắt máy.
- Tôi xuống căn-tin kiếm gì ăn lót dạ một lát.
Nếu thấy tôi quên, mong các anh, các cô cảm phiền gọi điện nhắc nhở một tiếng.
Tám Khiêm mua một lon nước Pepsi vị anh đào và không đường ở máy bán hàng tự động, rồi tới quầy thu ngân của căn-tin gọi một phần bún thịt nướng, chả giò và bì sợi, dặn lấy nước mắm thật cay.
- Tám Khiêm hả? Tự nhiên điện cho tôi, chắc có chuyện gì phải không?
- Tan trường tới bệnh viện gặp tôi được không...!
- Ăn cái gì mà húp nghe một cái "Sụp" vậy?
- Bún thập cẩm.
- Lát nữa tôi và anh gặp nhau ở căn-tin phải hôn?
- Anh muốn gặp tôi ở phòng mổ hay nhà xác?
- Thôi, thôi, thôi...!Dẹp đi cha.
Cha biết con trước giờ sợ máu mà.
Sáu Nghệ là thầy dạy Sử - Văn cho khối lớp Bảy.
Năm nay đã gần ba mươi bảy, chưa kết hôn.
Sống trong một khu cư xá gần giáo xứ Saint Pio.
- Bữa nay mấy trò học Văn qua âm nhạc...!Ba bài "Trường ca Hòn Vọng Phu" của nhạc sĩ Lê Thương.
Mở đầu là bài "Hòn vọng phu 1 - Đoàn người ra đi" do Duy Trác hát.
Giọng ca trầm ấm của cụ dẫn dắt đám học sinh trở về một thời Việt sử.
Tới bài cuối, "Hòn vọng phu 3 - Người chinh phu về" do hợp ca Thái Thanh, Nhật Trường và ban "Tiếng hát Đôi Mươi" đã làm không khí lớp học sôi nổi:
"...!Đường chiều mịt mùng cát bay tỏa bước ngựa phi
Đường trường nếp tàn y hùng cường, vẫn còn bay còn trong gió
Bóng từ xa sắp dần qua, bóng chàng chập chùng vượt núi non cũ với hành lương độ đường
Chiếc hùng gươm danh tướng
Dưới tà uy đếm nhịp đi vó ngựa phi..."
- Bây giờ các trò sẽ nghe lại "Hòn vọng phu 2 - Ai xuôi vạn lý" và "Hòn vọng phu 3 - Người chinh phu về" do song ca Hoàng Oanh - Trung Chỉnh biểu diễn.
Đây là lời đầy đủ của các ca khúc.
Rồi viết cảm nhận về hình ảnh nàng Tô Thị cho thầy.
Sáu Nghệ ghi chép vài điểm quan trọng cần học trên bảng đen.
Nét chữ của anh đẹp như in, vừa rõ ràng vừa sắc xảo.
"...!Thấy đứa con xanh ngắt tới hồn còn trông đón
Cầm chiếc gươm thân phụ di truyền
Chàng bế con trao lại gươm bền
Rồi chỉ vào sơn hà biến cố
Trao nó đi gây lại cơ đồ..."
Sáu Nghệ đứng trên bục giảng cầm thước cây múa vài đường quyền thuộc thế võ Cổ Truyền.
Bên dưới lớp, đám học trò thi nhau kêu lên.
Nền nhạc của bài "Hòn vọng phu 3 - Người chinh phu về" do Duy Khánh ca đưa đám học trò về với một thuở hùng binh, gươm báu của sơn hà nước Nam.
- "Trai An Thái, gái An Vinh" là ở đâu hả các trò?
Không có em nào xung phong trả lời.
- Là đất võ Bình Định.
- Thầy khác với các giáo viên trong trường quá...!
Lời nhận xét của cậu học trò làm Sáu Nghệ bật cười.
Anh chun mũi, đoạn nói:
- Tôi cũng từng là học trò như các trò, cũng đã từng trải qua một thời bảng đen - phấn trắng, thì tại sao khi trở thành người dạy học, tôi lại cư xử nặng nề và hạch sách chớ? Nếu như không yêu thương và tôn trọng người khác, thì đừng nên làm các nghề như giáo viên, bác sĩ, hộ lý, y tá, điều dưỡng viên,...!đó là lời mà Thầy tôi đã dặn.
Đồng hồ báo cho Sáu Nghệ biết còn nửa tiếng nữa hết tiết, nên anh cắt ngang lời bộc bạch mà thông báo.
- Thôi làm bài đi các trò...!
Sau giờ học, Sáu Nghệ ghé qua nhà thương như lời hẹn ước với Tám Khiêm, rồi trở về nhà thờ để bàn luận về Thánh Lễ sắp tổ chức.
Hình như Bảy Khanh về rồi, ổng còn dặn anh nhớ dành bụng để lát nữa ăn cua Cà Mau.
- Bảy Khanh đi truyền đạo về rồi.
Micae Nghĩa nói đoạn, bỏ lên trên tháp chuông hóng gió.
Bảy Khanh đang ngồi xổm ăn cơm trên ngạch cửa hậu nhà nguyện trước ánh mắt kinh ngạc của Năm Tường và Sáu Nghệ.
- Đói quá rồi còn hình tượng khỉ khô gì...!
- Mi làm ơn làm phước lên ghế ngồi ăn giùm tau.
- Thay vì ngồi đây ngó tau ăn và cảm thấy khó chịu, mi chịu khó "dời gót ngọc, thọc gót ngà" xuống bếp và canh chừng nồi cua.
Ông chủ đầm tôm biếu tau cua Cà Mau, bộ vó ngon lắm.
Biết không cãi lại được Bảy Khanh, Năm Tường ngán ngẩm trở vô bếp canh củi lửa.
Ba Đức cũng vừa về tới.
Anh mang theo một cần xé điều tươi mà một Cơ Đốc Nhân miền Tây tặng.
Năm Tường và Hai Nghĩa giúp anh khiêng cần xé xuống nhà bếp, dự tính sẽ chia cho mỗi người dự Lễ một bịch ăn lấy thảo.
- Rốt cuộc tiếng nói của tôi như thế nào?
Bảy Khanh trả lời liền:
- Giọng của anh là nam cao, vang, nhưng lại có thể "thả" xuống quãng thấp nhất, trầm nhất.
Nhờ vậy mà tiếng hát của anh hay và không thua kém gì những ca sĩ trứ danh trên thế giới.
Ba Đức vỗ vai người bạn đồng đạo mà cười ngượng.
- Anh hát Thánh Ca nghe chơi.
Ba Đức hắng giọng, rồi bắt đầu hát bài "Đây tin mừng" của Linh mục Hoàng Kim:
"Đây Tin mừng, đây Tin mừng
Thức dậy mục đồng ơi
Nay Chúa Trời đã giáng trần khắp địa cầu mừng vui..."
- Lát cho mỗi đứa một cặp cua đem về.
Nghe Bảy Khanh nói vậy, các bạn Mục sư của anh đồng ý ngay tắp lự.
- À, ở miệt Cà Mau, có ông nào nhờ tôi giúp đi tìm con trai bỏ nhà đi tu.
- Gì? - Marshall Tường giương mắt tò mò.
- Nghe đâu triệu phú chớ chẳng chơi.
- Tu bên Đạo nào mới được chớ nói khơi khơi ai mà biết? - Marshall Tường cự nự.
- Ổng mà biết, ổng đâu có nhờ mình.
Ổng nói ghé qua Hòa Hảo, Cao Đài, Đan viện bên Công Giáo, nhà chùa từ Bắc chí Nam, tới luôn bên Tin Lành rồi Hồi Giáo, ròng rã mười mấy năm nhưng không có kết quả.
- Ổng tên gì, con ổng tên gì?
- Ổng tên Châu, con ổng tên Lợi.
- Mười Anh có quen biết một số Tăng sĩ bên Phật Giáo, để lát tau vô hỏi nó coi.
Ăn cua hấp với các bạn và các Thầy xong, Ba Đức xuống nhà nguyện tìm sổ sách để phục vụ cho buổi dạy học tối nay.
Đây là sẽ màn biểu diễn Thánh Ca đầu tiên của các em nhỏ không nơi nương tựa, nên anh muốn mình phải tổ chức một cách chu đáo và hay nhất có thể, đặng giúp các Cơ Đốc Nhân nói chung và người ngoại đạo dự Lễ nói riêng có cái nhìn bớt phiến diện về các em hơn.
Đâu phải sinh ra trong gia đình gia giáo là sẽ đàng hoàng, ngay thẳng, còn sinh ra trong môi trường thiếu thốn trăm bề là sẽ hư hỏng, bất hảo.
Nhờ sự nỗ lực của mọi người mà một số em đã được nhận nuôi và thậm chí có em đã được học bổng nước ngoài, sắp sửa khăn gói lên đường du học.
Cuốn sách mà Ba Đức cần nằm tuốt trên nóc kệ cao, anh phải bắc thang leo lên lấy.
- Ui...!
Ngón trỏ của Ba Đức quơ trúng một góc nhọn của vật chi đó, khiến tay anh bị chảy máu.
Anh ráng hết sức rướn người lên xem coi thứ ấy là gì.
- Cái gì đây? Kỷ yếu à?
"Cạch."
Tám Khiêm nhìn cuốn sổ ố vàng trên tay Ba Đức một đỗi, rồi thấp giọng nói:
- Bớt một người biết được chuyện này, cứu thêm mười người thoát chết.
Bên trong là con dao gây án, chứng minh Thường Khán Cảnh không phải là hung thủ trong vụ thảm sát Hai Mươi.
Kẻ ra lệnh phi tang vật chứng không ngờ rằng Ngô Kỳ Ân đã tráo đổi con dao, nên suốt bao nhiêu năm qua vẫn mảy may cho là mọi chứng cứ đã bị xóa sạch.
Nhưng thật đáng tiếc, ông Ân đã bị giết trước khi trình vật chứng lên cơ quan tối cao.
Vì vậy mà Miguel Phương đã giữ nó thay người bạn sinh nghề tử nghiệp của mình hằng bao năm qua.
Còn người cha pháp y của Martino Lê Vỹ Khiêm đã bị hung thủ thực sự sai người dàn cảnh đụng xe và vụ tai nạn ấy đã khiến cho bàn tay ông bị gãy mấy ngón, không còn hành nghề Y được nữa.
Nhằm tránh bị phát hiện, Miguel Phương đã ngụy trang hộp đựng thành cuốn sổ kỷ yếu, và cất giữ trên nóc kệ sách trong nhà nguyện.
Vậy rõ ràng vật làm Ba Đức chảy máu là thứ gì khác chứ không phải cái này.
- Tôi sẽ gọi điện cho nhà chức trách.
- Điện đi.
- Tám Khiêm hơi câng mặt lên.
- Tôi và Kỳ Anh, à, cả Thầy Phương nữa, cũng đã quá mệt mỏi rồi!
Ba Đức bấm số gọi liền cho đồn cảnh sát địa phương.
Rồi mới bước xuống thang, đi tìm băng keo cá nhân để băng ngón tay trỏ.
Vừa hay Micae Nghĩa cũng xuất hiện nơi thềm nhà nguyện.
Anh nghe tiếng la của Tám Khiêm nên vội vã chạy xuống đây kiểm tra.
- Có chuyện gì vậy? Ba Đức, cậu đang ôm cái gì đó?
- "Thứ mà anh luôn muốn biết."
- Cậu nói vậy là sao hả Khiêm? - Micae Nghĩa thẫn thờ hỏi lại.
Ba người trầm mặc nhìn nhau không nói nên lời.
Thời gian như ngưng đọng hẳn.
Ngoài tiếng gió cuối Xuân xô đẩy những phiến lá trên cây rẻ quạt và tiếng chuồn chuồn gọi mưa trên không, nơi đây không còn thanh âm nào nữa.
"Hụ..."
- Ai báo cảnh sát vậy? - Micae Nghĩa quét mắt nhìn hai người.
- Là tôi.
- Trương Vĩnh Đức vẫn ôm chặt cái hộp.
Phạm Đình Vân và các cộng sự trẻ tuổi ngả mũ chào ba người, rồi viên thiếu tướng trạc thất tuần đó yêu cầu trình bày sự việc.
Nghe Tám Khiêm kể xong, Phạm Đình Vân ra lệnh Ba Đức đưa ông cái hộp.
Ba Đức trao tay ông liền.
Tại đồn cảnh sát, Miguel Phương kể lại lý do nào đã khiến ông phải im lặng suốt ngần ấy năm.
Nguyên nhân mà vị Giám Mục lớn tuổi thổ lộ đã phần nào giải tỏa bức màn đen trong lòng Phạm Đình Vân và các cộng sự.
Về phần vật chứng kia, nó đang được nhóm pháp y của Bạch Lãng đem ra "mổ xẻ" và "xét nghiệm"; không ai trong số họ dám hy vọng dấu vân tay hãy còn nguyên trên nó.
- Hung thủ không biết rằng con dao hàng nhái mà khứa đã cất công sơn phết đã bị chúng tôi phát hiện.
Nhưng vì Ngô Kỳ Ân đã mất nên chúng tôi vẫn chưa thể xác định nghi phạm là ai.
Không thể tự nhiên mà người cảnh sát quá cố đó lại dám thủ tiêu vật chứng của vụ án.
Miguel Phương bị giữ lại một đêm trên đồn.
Không biết vì sao Manuel Ngô và Martino Lê lại được thả về.
Sáng hôm sau, bà lão điên sống trong ngôi biệt thự màu tím được triệu tập để làm giám định ADN với vết máu khô trên con dao đã lục.
Người đi cùng bà là đứa cháu trai trong họ, anh ta cũng bị thẩm vấn.
Nhưng bên phía gia đình Thường Khán Bình chẳng hay biết gì, vì không có ai liên lạc với họ.
Trên báo đài đăng tin chung chung rằng một Mục sư của Hội Thánh tìm thấy một hộp gỗ nghi chứa chất nổ nên đã báo với nhà chức trách, nhưng thứ chứa ở bên trong chỉ là một chú hề theo kiểu "Jack-in-the-box", có lẽ đấy là trò đùa quá trớn của ai đó mà thôi.
Riêng thằng bạn Thất Sơn lại nghi ngờ tính chân thực của bài viết.
Tuy bề ngoài và cách nói chuyện thường ngày hay giỡn hớt, tưng tửng, nhưng kỳ thực hắn là một người luôn để mắt tới các tiểu tiết và suy nghĩ rất chín chắn.
Bởi vậy nên hắn không nói cho đám quỷ sứ nghe cảm tưởng của mình trước khi xác minh rõ mọi việc.
- Ê, tương tư ai mà ngồi ngó xuống con lộ hoài mậy?
- "Nếu biết rằng tôi đã có chồng.
Trời ơi người ấy có buồn không?"
- Nín.
Mấy câu thơ trong bài "Hai sắc hoa ti-gôn" của nữ sĩ có bút hiệu T.T.Kh đã giúp Lê Đức Hoàng chặn đứng màn do thám của thằng bạn Sài Gòn.
Còn sống nhăn răng mà nó tinh còn hơn quỷ sứ, có thể đánh hơi thấy sự bất thường của đám bạn và tra tới cùng.
Đã một giờ sáng mà Manuel Ngô vẫn chưa ngủ.
Y trốn lên gác chuông gọi điện cho Judas.
Sau một hồi chờ đợi, rốt cuộc người có hoàn cảnh sinh ra đời giống y mới có thể bắt máy.
Người đàn ông Nam Mỹ ấy đã và đang đưa công lý tới muôn người bằng biệt tài hùng biện và kiến thức pháp luật của mình.
Còn y thì sao? Vẫn loay hoay giữa hai nẻo Tiến - Lùi.
- Tôi...!
- Judas.
Tôi thương anh như một người tri kỷ.
Mỗi ngày, mỗi khắc, mỗi giây, tôi đều ngóng đợi anh về.
Bao năm tháng qua, tôi đợi một ngày bóng ma Quá Khứ biến mất, nhưng nó cứ ngày một lớn dần...!
- Manuel.
Ánh mắt hai người chạm nhau thật khẽ.
Có lẽ hai đứa trẻ đó đều sinh ra từ kết quả của việc ngoại tình, từ dục vọng tội lỗi và khát khao được yêu, nên thấu hiểu đối phương thật nhiều, dù quen biết nhau không được bao lâu.
- Đừng khóc.
Nãy giờ Manuel không có khóc, nhưng lời trấn an của Judas lại làm cho y nhòa lệ.
- Manuel phải đối diện với nó thôi.
Không chỉ vì cha của Manuel, mà còn vì nhữ̃ng người thân yêu của Manuel nữa.
Tôi là một đứa con hoang.
Cha ruột lẩn trốn trách nhiệm, cha nuôi coi tôi như một thứ để trút giận và trừng phạt mẹ tôi, còn mẹ tôi, bà lại coi tôi là vật ngáng đường trong cuộc đời mình.
Tôi có một người Cha xứ thương tôi như con đẻ, nhưng ông lại thương tôi thông qua hình bóng của người mẹ kiều diễm.
Manuel Ngô lấy ống tay áo quẹt nước mắt.
- Nhưng, thật may mắn, Chúa Trời đoái thương cho đứa con hoang tội lỗi là tôi đây, mà cho tôi được lạc tới nhà thờ mà Manuel làm mục vụ, để tôi được kết thân với Manuel.
Để rồi kể từ ngày đó, tôi biết Cô Đơn đã rời khỏi cuộc đời tôi...!
- Tình cảm mà đôi mình dành cho nhau là tình tri âm - tri kỷ, không phải tình yêu, nó mơ hồ có một chút xíu tình thân dựa trên mối quan hệ là con cái Chúa.
Nhưng người ngoài lại dựa vào chữ "Thương" để phiến diện nghĩ rằng tôi yêu anh.
Judas gửi qua bản nhạc "Send in the clowns" do Daniel Lavoie trình bày.
- Tôi chưa từng nghe bài hát này...!
- Tôi biết Manuel thích giọng hát của ông chú Daniel Lavoie nên muốn mời Manuel nghe thử.
Manuel Ngô nghe thế, liền ráng tươi cười và giới thiệu:
- Đây là nhạc phẩm mà nhạc sĩ Anh Việt Thu viết tặng cho người bạn quá cố, mang tên "Hai vì sao lạc", tôi thích nghe Tuấn Vũ ca nhứt, còn đứng nhì là Nhật Trường.
Có một lần hai người cùng nhau ngắm sao, người bạn của bác đã đùa rằng tôi và anh là hai vì sao lạc xuống nhân gian, may mắn được gặp lại nhau trên trần thế; cho nên bài hát này mới có tựa là "Hai vì sao lạc".
Judas chợt báo tạm ngừng cuộc gọi, rồi đi một hơi xuống nhà bếp.
Lúc trở lên, gã mang theo một hộp hình chữ nhật đứng.
- Đoán xem.
Manuel Ngô chúm chím cười.
Rồi lắc đầu bảo, "Không biết."
- Happy Easter Day.
Bên trong hộp là một bức tượng con thỏ ngồi trong một cái vỏ trứng được tạc từ chocolate rất tinh xảo, nhìn qua cứ muốn ngắm mãi mà không nỡ ăn một xíu nào.
- Tôi biết là chưa tới Lễ Phục Sinh, nhưng tôi muốn chúc mừng trước vì sợ phiên tòa sắp tới có thể khiến tôi sinh bệnh đãng trí mà quên gửi quà và chúc mừng anh em của chúng ta.
Sáng mai tôi sẽ ra bưu điện gửi gói chuyển phát nhanh về Việt Nam.
"May mà có anh, đời còn dễ thương", đó một câu trong bài hát "Còn chút gì để nhớ" của Phạm Duy và Vũ Hữu Định, cũng là tâm trạng của người mục vụ đang bị oán thù phân tranh tâm thức.
...!
Chiều hôm sau, Manuel Ngô ra ngoài nghĩa trang thu dọn hoa viếng và trái cây đã héo.
Y sẽ làm việc với Tổ Trọng Án để điều tra về cái chết bất minh của cha y và Thường Khán Cảnh, nghe đâu là lệnh của tổng thống đương nhiệm.
Việc phá lệ đột xuất này đã gây ra dư luận trái chiều trong giới điều tra, y đoán thế thôi, chứ không chắc lắm.
Y không biết nên hàm ơn hay cho rằng đó chỉ là một động thái nhằm níu kéo mức tín nhiệm trong dân chúng của ông ta.
Manuel Ngô có nghe loáng thoáng về tình sử của tổng thống "bám ghế" Hác Đăng Khánh.
Đó là một cuộc tình tội lỗi và rối bời như nội dung bài hát "Ta vẫn yêu người" mà y đã cho ông Juan nghe.
Yêu có phải chăng cũng là một dạng tội lỗi và đọa đày?
- Xin chào.
- Anh...!Anh là?
- Tôi là bạn của thằng Bình.
Tên Hoàng.
- Họ tên đầy đủ được không anh?
- Lê Đức Hoàng.
Lê Đức Hoàng cười khoe hàm răng đang niềng, rồi kể:
- Có người đài thọ tôi đi phẫu thuật thẩm mỹ, nên mặt mũi tôi hơi khác xưa xíu.
Tôi mời Mục sư ăn bột nui nghen? Xin thứ lỗi