Ông huyện Thanh Nguyên nổi danh là kẻ háo sắc, thê thiếp nàng hầu nhiều không kể xiết, ấy thế mà về mặt con cái lại chẳng mấy hưng thịnh, dưới gối chỉ có ba cô con gái hầu hạ. Gần đây sức khỏe yếu kém, ông đành phải chịu thua số mệnh, nhận con của em trai làm con thừa tự để có người kế thừa hương hỏa, chính đứa con này là người đứng ra làm lễ hạ thọ cho ông.
Có lẽ cậu Tư lần đầu làm thọ yến cho thầy, tâm lý muốn nịnh bợ nên có phần vung tay quá trán. Lễ hạ thọ của ông huyện vì thế xa hoa có thừa, sợ là thượng thọ quan to chốn kinh thành cũng không sao bì kịp. Thọ yến trên dưới tổng cộng có đủ sáu mươi mâm cỗ, không dùng phường bát âm mà mời cả gánh chèo tận Đông Quan về hầu. Mâm trên nào tổ yến, bào ngư; mâm dưới không thịt dê cũng thịt gà, thịt trĩ... khiến các ông to trên lộ trên châu cũng phải một phen há mồm, căng mắt.
Cậu Hai Dương nhìn hết thảy các an bày xa sỉ này rồi thở dài một cái, nhỏ giọng bảo với vợ mình ông huyện đời này đừng mong thoát khỏi cái kiếp Tri huyện Tòng Thất Phẩm.
Vợ ai đó đưa ngón tay chỉ hờ về phía quan hoạn Lương Đăng. "Anh thì biết gì chứ, người ta có ông to chống lưng đấy...!"
Dương chỉ mỉm cười, đầu khẽ lắc.
"Lương Đăng sẽ không ngu ngốc như thế."
"Ơ hay?" mắt gợn lên sự cợt đùa, Vũ vươn tay nhéo nhẹ mũi cậu. "Anh thân với người ta lắm à? Còn làm ra vẻ thâm sâu. Đến khổ...! Đi thôi ông giời con của tôi, lễ rượu bắt đầu rồi kia kìa."
Nói đoạn luồn tay qua eo đỡ cậu bước qua bậu cửa, đầu mãi cúi xuống nhìn chân mà lỡ mất nụ cười bẽn lẽn của gã chồng đương say sắc vợ.
Khi tất cả đều đã an tọa, ông huyện mới từ trong bước ra, quần điều áo tía ngồi rung đùi trên cái sập gụ Mai Điểu Cài Thọ giữa sảnh, để con cháu trong nhà lần lượt bước lên tế đủ ba tuần rượu. Đám con trưởng con thứ sau đó thay nhau đọc văn chúc thọ, tặng lễ rồi theo thứ tự lui xuống. Đến phần lễ rượu của khách khứa, dựa theo vai vế, anh em Nguyễn Hoài phải chờ các quan ông quan lão chúc tụng trước, mãi lâu sau mới đến lượt họ bước lên dâng lễ.
Cậu Cả Phát tặng cho ông huyện tượng phật bằng vàng to bằng cái ấm chè cỡ lớn, sau lưng có khắc một bài thơ chúc thọ với hàm ý vô cùng uyển chuyển. Thấy ông huyện có vẻ đăm chiêu, tưởng ông không hiểu, mợ Ly bèn mỉm cười bước lên giải thích ý thơ cho mọi người cùng thưởng thức, trong suốt quá trình luôn cố tình không để ý đến chồng mình, xung quanh tỏa ra sự ung dung cao quý khiến người ngưỡng vọng. Sự xong, ai nấy đều khen mợ Ly họ Nguyễn Hoài đẹp người hay chữ, quả không ngoa là tài nữ xứ này.
Duy chỉ có cô Ba lúc bấy giờ vẫn đứng sau lưng thầy mình là bập môi cười nghẹn.
"Khéo quá mợ Ly ạ!" dường như kiềm nén không nổi nữa, cô Ba Lý phì cười thành tiếng. "Lúc sáng ta đã sang chúc thọ thầy ta rất sớm, bài thơ mà ta học vị thánh tăng trên núi đọc để tặng thầy không hiểu sao lại giống y hệt bài mợ Ly vừa đọc đấy ạ...! Đố có sai một chữ!"
Không cản kịp con gái, ông huyện đành ái ngại trộm nhìn cái nhíu mày của cậu Phát, vừa cười vừa quát khẽ. "À... nghe qua cũng nào có giống gì đâu. Cái con bé này, mày chớ có nói bậy chọc ghẹo mợ Ly!"
Kẻ tín, người ngờ, ai nấy nhìn nhau mỗi người mỗi suy nghĩ, tuy rằng ông huyện đã khéo léo biến tình huống thành một trò đùa chẳng hơn không kém, việc đối với một số kẻ tinh ý, dĩ nhiên, vẫn có lắm điều chưa thỏa.
Nhìn những gương mặt để lộ nghi hoặc xung quanh mình, gáy Ly đột nhiên lạnh toát, trong lòng nổi dậy cơn giận âm ỉ. Lũ người này là sao vậy? Thị cũng đâu có tuyên cáo bài thơ này là do thị tự làm? Nghĩ ra như thế cũng là họ, bây giờ quay sang cáo buộc thị cũng là họ? Đạo lý gì đây...?!
Đầu ngẩng cao, thị bước lên toan mở miệng nói lý thì bị chồng mình âm thầm níu lại. Trông ra ánh mắt cảnh cáo của Phát, Ly tuy nổi nóng nhưng cũng sực tỉnh. Việc đã đến nước này, thị biết càng thanh minh thì càng nhiễu sự, cãi ra ngô khoai sẽ mang tiếng chanh chua lắm điều, lặng thinh không chấp lại khiến người hoài nghi ngờ vực, dù thắng dù thua cuối cùng cũng mang tiếng xấu vào mình. Ngẫm lại... thị thấy mình thật dại vì đã nóng vội ra mặt chứng tỏ bản thân. Thị toan khiến gã chồng hoa tâm lóa mắt một phen, có ngờ đã tự bốc tro bôi lên mặt.
Xem tuồng no mắt, Vũ thấy cũng đã đến lúc xen vào nên huých nhẹ chồng mình. Dương biết ý bèn gật đầu, mỉm cười tiến lên dâng lễ. Biết ông huyện là người mê thư pháp, Vũ đã chuẩn bị để Dương dâng lên một chữ "thọ" trên tấm vóc đại hồng. Ông này lúc căng vóc ra, trông thấy nét chữ rồng bay phượng múa được tỉ mỉ thêu bằng chỉ xuyến lấp lánh thì vô cùng thích thú, cứ đưa tay lên mân mê mãi không nỡ buông, sau đó còn ngoác miệng cười nói với chồng nàng một hồi.
Không như mợ Ly vừa rồi đã bước lên ngang hàng cùng chồng để diễu giương tài nghệ, mợ Hai này chỉ yên phận nép sau lưng chồng, từ đầu đến cuối đối thoại với ông huyện đều là cậu Hai một mình ứng phó. Ở cái xứ này ai mà không biết cậu Hai nhà Cả Trị một chữ cắn đôi còn chẳng hay, tự dưng lôi đâu ra một bụng lời hay mà phân giải như vầy? Còn không phải là nhờ người vợ con nhà thư hương kia bày cho cách ăn cách nói? Tuy rằng không nổi bật như người chị em bạn dâu đầy tài cán, một người đàn bà dịu dàng ngoan ngoãn đứng sau chồng như thế lại đem đến cho các cụ cảm giác hài hòa vô hạn, thiện cảm vì vậy cũng tăng lên.
Là hài hòa, không phải tan hòa, mợ Hai dù từ đầu đến cuối không hề hé môi kể công, song một cái nhìn lướt qua đường thêu mũi chỉ trên mảnh vóc điều chúc thọ, ai nấy đều vô thức tự hiểu trong lòng. Thêu thùa là việc của đàn bà trong nhà, không phải mợ Hai thêu thì còn ai vào đây nữa? Sự an phận của nàng, có chăng, lại càng làm nổi bật cái nết na khiêm nhường của đàn bà xứ này, khiến không ít người ngấm ngầm tán thưởng.
Thế mới thấy... muốn rực rỡ, không nhất thiết phải lấy lửa đốt mình. Ba chữ hay, chưa chắc đã bằng một chữ khéo.
Trông thấy chồng lại một lần nữa nhìn chằm chằm em dâu, thứ đen đúa trong lòng tài nữ Lưu Ly cứ thế mà lan ra, tỏa rộng...
Phần quà lễ qua đi, ông huyện phấn khởi mời các quan và mấy người trẻ vây ghế lại xem hát ả đào, mãi đến trời nhá nhem mới lại dọn cỗ lên tiếp tục thết yến. Xong xuôi mọi bề, bọn con hầu bèn thi nhau dọn lên nào chè nào rượu để các ông chén tạc chén thù. Rượu vào khiến tâm tình cởi mở, ông giám Lương bắt đầu nhắc lại việc hiến nghệ mừng thọ đã khởi xướng hôm nọ, một hai đòi chủ nhà đưa cho cây đàn nhị, tự mình làm gương kéo tặng một khúc hiếu ca xứ Thanh làm ai nấy nghe đến ngẩn người, đoạn cuối còn khiến kẻ kéo lẫn người nghe lệ nóng tràn mi.
"Không ngờ là ông hoạn ấy chơi đàn giỏi vậy!" Vũ níu áo Dương khẽ xuýt xoa, mũi sụt sịt vì xúc động. "Nghe ông ấy kéo mà em suýt tưởng là anh cơ, não hết cả lòng mề ra rồi đây này...!"
Dương không phản ứng, chỉ nhìn sâu vào bát rượu trước mặt mình, mắt ẩn giấu nỗi buồn xa tắp.
Bị ảnh hưởng bởi cảm xúc lắng đọng trong khúc hiếu ca Lương Đăng vừa tấu, các quan ông sau đấy lần lượt nào ngâm thơ nào ca hát cảm thán về công ơn cha mẹ, về lẽ sống thói đời, hăng say đến nổi lôi cả vị tài nữ phủ Gia Hưng ra yêu cầu biểu diễn tài nghệ. Lưu Ly lúng túng, từ chối mấy đợt mà chẳng thành, cuối cùng đành ái ngại bước ra cầm lấy đũa và bát bắt đầu gõ nhịp.
"Ngồi lại nhấp chén say
Lắng trong lòng mình những đắng cay
Ngày dài thấm thoắt rơi
Muốn quên đi những phận bèo trôi.
Ngọc ngà cũng mấy phen
Lấm trong bùn hoài cũng thấy quen
Ngồi buồn ngó gót sen
Trách sao cõi đời này đỏ đen.
Chờ người nơi ấy
Về đây mang theo dấu yêu
Chở che cho nhau những đêm lạnh lùng
Chờ người đâu thấy
Người còn hoài xa cách xa
Một mình trong đêm lắng nghe gió than.
Vì lời ai hứa
Một ngày dìu em bước đi...
Tìm về nơi xa phút giây yên bình
Đầu non cuối gió
Người còn là mây viễn du
Để lại đằng sau tiếng ai thở dài..."
Không sáo, không đàn, chỉ có giọng ca mộc mạc cùng nhịp khua bát đũa giản đơn, vậy mà đã thành công khiến cho cả sảnh đường thinh lặng lắng nghe. Tài nữ quả là tài nữ, dù cách hát không hề trau chuốt như các nàng đào nương lành nghề, giai điệu mới mẻ và lời lẽ da diết lại khiến người nghe tâm tư chao đảo, trong khoảnh khắc như bị hút vào nỗi sầu bi ai của thiếu phụ trông nhớ người thương. Ca từ trong khúc hát này rõ ràng vô cùng trùng khớp với thân phận tôi tớ trước đây của vị tài nữ, vì phận hèn mà phải chịu làm lẽ cho người dù tài năng xuât chúng, ai nấy nghĩ qua đều bất giác nảy lên xót xa vô hạn.
"Tiếc thay một đóa quỳnh nở đêm, không kẻ xót thương không người ngắm thưởng..."
Lời này vừa tuôn vào tai, Vũ đã rùng mình quay sang ngó kẻ phát ngôn, lập tức cảm thấy dở khóc dở cười.
Cái ông Đinh Thắng này... bản thân ông cũng khiếm khuyết, còn đi tiếc thương người khác...? Lẽ nào cũng động lòng rồi...?
Bất giác nhớ đến việc gì đó, nàng quay lại quan sát chồng mình, lại chỉ thấy cậu chống má nhìn thẳng, mày hơi nhiu nhíu.
"Đăm chiêu cái chi đấy?" tưởng cậu cũng bị mê đắm trong ca từ đầy cảm xúc, Vũ ghé tay khẽ hỏi.
"Đang không