Nếu được hỏi sự lạ trong lễ hạ thọ của ông huyện Tường vào mùa xuân năm đó là gì, người dân phủ Gia Hưng sẽ đáp chắc nịch: "Mặt trời mọc ở hướng Tây!"
Không phải tài nữ Gia Hưng xướng khúc phong trần giữa thọ yến làm rung động nhân tâm, cũng không phải cô ba nhà huyện duyên dáng pha trò khiến gần trăm người cười lăn ra chiếu, mà đích thị là cảnh "mặt trời mọc ở hướng Tây."
Thật ra đó chỉ là cách nói ví von của bọn sĩ tử nho đồ ám chỉ việc cậu Dương trác táng bất ngờ xoay mình trở thành tài tử Tây đạo, ý tứ đối để suôn tai, câu chữ lại hợp với ngữ cảnh, suy qua ngẫm lại càng khó tin như chính bản thân câu nói, vậy là thành luôn lời cửa miệng đầu môi.
Tỏa sáng như ánh mặt trời trên khắp Tây đạo. Cớ sự gì cậu Hai nhà này lại được tôn vinh như vậy?
Sự là, cái lúc cậu Hai hạ bút, chẳng biết cớ gì lại thẳng tay viết ngay vào quyển phả quý của ông quan hoạn. Chờ người xung quanh hoàn hồn xông lên ngăn cản thì cũng thành việc đã rồi. Lương Đăng quýnh quáng bổ nhào lên ôm lấy cuốn phả, mặt mũi rúm lại, xem chừng đã khóc đến nơi.
Ấy vậy mà mắt vừa chạm đến những dòng mực đen tuyền trên trang giấy sắc, tâm tình của ông chẳng hiểu sao lại lập tức đổi thay, biểu cảm dần dần trở nên kinh ngạc, phút chốc đã ra lệnh cho mọi người thả cậu Hai ra để hắn tiếp tục viết.
Giữa sự nhốn nháo của bầy tôi nhà quan huyện, gã thanh niên chỉ lười biếng mỉm cười, uể oải cong người tiếp tục phóng bút.
"Ông sinh thời quý đàn như mệnh
Hậu vong thời vâng lệnh lịch biên
Đàn bầu, đàn nhị đàn kim
Đàn tam, đàn tứ, còn thêm đàn bà
Vĩ đầu tấu khúc oanh ca
Màn buông vĩ gốc thành ra rợn rùng
Đầu xòe ai bịt mà rung
Cử đàn ai hạ não nùng oán âm?
Đẩy đưa cung vĩ mà ngâm
Dặm trường vó ngựa tưởng lầm khúc chinh
Dây căng đứt mới giật mình
Vĩ mao hai đoạn cười mình huyễn hoang.
Quay về tấu khúc phượng loan
Song loan, trống đế, hợp hoan vui vầy."
(Giải thơ:
"Đàn bầu, đàn nhị đàn kim
Đàn tam, đàn tứ, còn thêm đàn bà"
"Đàn bà" ở đây trên mặt thơ được hiểu là đàn tỳ bà, ngầm ý ám chỉ đàn bà trong cung.
"Vĩ đầu tấu khúc oanh ca
Màn buông vĩ gốc thành ra rợn rùng"
"Vĩ đầu" là đoạn đầu của cung vĩ - tức cái cung kéo của đàn cò/nhị - thường có thể tạo ra loại âm thanh trong trẻo như chim hót. "Vĩ gốc" là đoạn cuối của cung vĩ, thường dùng để tạo ra âm trầm, mạnh, có lúc còn hơi thô và rùng rợn. Ý hai câu này là sự thể trong cung cấm quay ngoắt như âm thanh phát ra từ đầu và gốc cây cung vĩ, bình thường trong sáng vui tươi, màn buông trướng rũ liền trở nên gớm ghê rùng rợn.
"Đầu xòe ai bịt mà rung
Cử đàn ai hạ não nùng oán âm?"
Đàn nhị có cái bát nhị (bụng đàn) hai đầu, một đầu bọc da một đầu xòe ra để hở, nghệ nhân trong lúc chơi đàn thường dùng chân bịt bên đầu xòe để giảm độ vang và thay đổi âm thanh thành xa vắng, mơ hồ, lạnh lẽo... Cử nhị là bộ phận điều chỉnh độ trầm bổng, nâng lên là âm thấp, đẩy xuống thành âm cao, nghe thoáng qua như tiếng người khóc than oán thán. Ở đây ý chỉ người ở trong cung thân bất do kỷ, phải bịt mồm bịt miệng run sợ mà sống, không thể ngóc đầu làm người mà chỉ biết oán thầm.
"Đẩy đưa cung vĩ mà ngâm
Dặm trường vó ngựa tưởng lầm khúc chinh
Dây căng đứt mới giật mình
Vĩ mao hai đoạn cười mình huyễn hoang."
"Vĩ mao" ở đây là lông đuôi của con ngựa, thường được dùng để làm cung vĩ kéo đàn. Ý của bốn câu thơ này là người đàn hát mê mải tấu xướng mà mơ ra khung cảnh hùng dũng ngoài sa trường, tưởng lầm mình đang hát bài ca chinh chiến, đứt dây cung giật mình nhìn xuống mới nhận ra trong tay chẳng qua chỉ là mẩu đuôi ngựa bị đứt đôi, bèn tự nhạo cười giấc mộng trai tráng hoang đường mình vừa mơ ra.
"Quay về tấu khúc phượng loan
Song loan, trống đế, hợp hoan vui vầy."
"Song loan" và "trống đế" đều là hai loại nhạc cụ cổ truyền của dân mình, ở đây vừa hay có thể ám chỉ cảnh một vua hai bà (song loan= hai gà, trống đế = vua) đấu đá kịch liệt trong cung đình. Toàn nghĩa của hai câu này là nghệ nhân bình tâm lại sau giấc mộng hoang đường, bèn quay trở về công việc là tấu khúc vui vẻ để phục vụ thú vui ân ái của vua và các bà phi. Câu dưới còn có ý mượn hình tượng hai bà một ông để trào phúng cái gọi là vẻ ngoài hợp hoan vui vầy của hậu cung cổ đại.
Nói chung, nguyên bài thơ thoạt nhìn chỉ là một bản trần thuật các hiểu biết, kỹ thuật kéo đàn nhị cùng công việc của người quan hoạn kiêm nhạc công trong hậu cung thời đấy; song ẩn bên dưới lại là bầu tâm sự não nùng của người hoạn quan khi phải chứng kiến, thậm chí bị ép tham gia vào các tranh đấu u tối trong cung... Tâm ngạo khí cao cùng chí hướng làm trai gánh vác giang san cũng theo đó mà bị biến thành một giấc mộng hão huyền, khiến cho người đàn ông mang thân thể khiếm khuyết oán tiếc không thôi, cuối cùng sinh ra trào phúng mỉa mai hậu cung - bao gồm các ông vua bà chúa và bản thân mình trong đó.
Bài thơ là do tui tự viết, sợ chưa đủ thấm đủ sâu nên phải giải thích cặn kẽ bù vào để mấy chế đọc qua liền bị lừa mà sinh ra ảo tưởng "nhỏ này nó giỏi thơ dữ"~ =))))
Tui không biết tiếng Hán, ba cái chi hồ giả dã... mù tịt! Nên là làm thơ được tới mức [diễn Nôm?] này thôi, không biết có hay không nhưng xin mạn phép tự sướng buff nó lên thành "một bài thơ hay" trong truyện này. Bên cạnh đó, theo wiki thì thể thơ song thất lục bát này mãi đến thế kỷ 18 mới thịnh, còn bối cảnh tui đang dùng là nhà Lê sơ thế kỷ 15, thậm chí là thể lục bát chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 15 (=__=!) cơ mà tui biết chuyện này sau khi đã làm xong bài thơ nên là... đành kệ haha :D)
Đinh Thắng là người sực tỉnh đầu tiên sau màn múa bút của đứa con thứ nhà họ Nguyễn Hoài. Ông là người ngoài vùng mới đến, đối với tai tiếng của cái tên ăn chơi trác táng này vẫn còn mơ hồ, do đó khi thấy vị thiếu niên trẻ tuổi có thể làm ra một bài thơ ý tứ hàm súc, câu từ trôi chảy thì không đến nổi kinh hãi như người xung quanh. Ông chỉ thoáng ngỡ ngàng khi cậu có thể bắt chước y hệt nét bút của người đã khuất, lại nghĩ chốn kinh kỳ sĩ tử thông thạo mặt này cũng chẳng đến nổi hiếm hoi, đất Đại Việt rộng như vậy, gặp trúng một vài nhân tài cũng không hẳn là điều lạ.
Nhưng ông có phần thưởng thức sự to gan của cậu.
Bài thơ ngoài mặt chỉ là một đoạn trần thuật sở thích cùng công việc của cụ giám Lương Trung trong hậu cung triều Trần ngày xưa, ngoài chút ngậm ngùi cho cái phận tôi đòi của một người bị hoạn thì chẳng có gì đặc biệt, so với những bài thơ do cậu Phát và đám nho đồ kia làm ra cũng mang bảy phần ý tứ tương tự. Song may mắn thay Đinh Thắng đối với đàn cầm vốn có nghiên cứu sơ qua, nhìn câu chữ trong bài thơ này liền hiểu thêm một tầng ý khác.
Ngoài oán, ngoài than, còn có nhạo cười và tố cáo. Tố cái tính ác của đàn bà chốn thâm cung, cười cái tính dâm của bậc chí tôn thiên hạ.
Bài thơ này may mắn được viết sau khi triều Trần đã lụi, nếu ra đời sớm trước vài chục năm Đức Lê hoàng đăng ngôi thì đã thành thơ văn phản nghịch. Nhưng thời đã đổi, thế đã thay, quan mới dù có nhìn thấy những bất kính với tiền triều, e cũng chỉ thở dài mặc kệ.
Lướt mắt qua vẻ mặt bình thản của gã thiếu niên, Thắng nhủ thầm, hẳn cậu đã biết điều này, vừa rồi mới có thể mạnh tay viết thẳng vào quyền phả như vậy. Nguyễn Hoài Dương chắc chắn trong mấy ngày này đã thông qua những chuyện phiếm của ông Đăng kể về cụ Lương mà đúc ra một số kết luận, từ đó đoán biết tâm ý của người kể chuyện mà viết nên những dòng trần thuật không những thuận lòng người đã khuất, còn hợp ý kẻ đương thời.
Cứ nhìn bộ dáng cảm động đến run rẩy của ông Đăng lúc này mà xem, rõ ràng đối với vị quan hoạn, bài thơ đã thành công nói hết nỗi lòng chất chứa mà ông cho rằng thầy mình luôn nuôi giữ.
Lương Đăng lúc bấy giờ quả