Vành trăng non run rẩy treo mình trên ngọn mù u, sương tháng chạp sà xuống bao phủ cả cái làng màu xám tro mù mịt, dân làng Bưởi kháo nhau lão hành khiển năm nay xem chừng cũng gàn hệt lão năm ngoái, thấy tết sắp đến thì lại bắt đầu vung tay tạo nghiệp.
Nào có hay, nghiệp là từ con người, nào có phải thánh thần.
"Thưa bà Cả, cậu Cả, theo cái Hinh bảo lại thì chiều nay lên núi mợ Hai ngoài đem về gạo, nếp, thịt khô... còn có cả bốn đứa hầu người tộc, nghe đâu là ông tạo bản Om tặng cho."
Thị Họa khoanh tay cúi đầu thưa chuyện, mắt khẽ lướt qua người đàn bà trước mặt. Bà Cả sinh ra đã sở hữu gương mặt đầy đặn như trăng rằm, mắt hạnh mày cong, nhìn vào nghĩ ngay đến bà tiên bà phật, phúc hậu hiền lành không sao kể xiết. Ngay cả thời khắc nổi giận gầm rít cũng khiến con người ta nảy sinh đồng cảm, chung quy là một dung nhan hiền lành giời sinh.
Rõ là giời cũng thật biết đùa.
"Chúng nó có biết nói tiếng mình không?" bà Cả nhích tay lần tiếp tràng hạt, mắt vẫn nhắm mà hỏi.
"Dạ thưa không ạ."
Tức thì, một nụ cười nhỏ liền hiện ra nơi khóe miệng người đàn bà phúc hậu.
"À, cũng bắt đầu biết nuôi vây cánh rồi đấy, đúng là một đứa con dâu giỏi giang."
Thị Họa bất giác rùng mình.
"Còn gì nữa không?"
"Dạ... còn một việc rất lạ ạ. Hôm nay lúc con đem thuốc sang cho cậu mợ Hai, tình cờ phát hiện dưới bàn có mảnh giấy cháy dở, toan cúi người nhặt thì đã bị mợ Hai nhanh tay cướp mất, sau đó làm ra vẻ xuề xòa đuổi con ra ngoài. Thấy có điều gian trá, con mới rình ngoài cửa, quả nhiên chưa đầy nén nhang thì đã thấy con Lượm ôm lò than lấm lét rời khỏi. Con theo nó đến sau sân bếp, thấy nó đổ tro lên gốc cây xong bỏ đi mới mon men ra xem thử, moi mãi moi mãi mới ra được vài mẫu giấy vụn cháy dở trong đống tro này, con đọc không hiểu chữ mới đem về cho bà và cậu xem."
Bà Cả vươn tay đón lấy mấy mẩu giấy cháy sém từ tay con hầu, mày nheo lại một lúc rồi chuyền qua cho cậu Cả.
"Cậu xem nó viết cái gì, thể chữ này u xem không hiểu."
Phát vâng lời, đưa giấy đến dưới bấc đèn quan sát, được một hồi mắt bỗng lóe lên.
"Đây là... một phần của bài thơ hôm nọ thằng Dương làm trong lễ thọ ông huyện. Chữ này còn theo lối cuồng thảo liên miên!"
"Thế à?" đặt tràng hạt xuống, bà Cả rướn người sang chỗ con, vẻ mặt đầy nghi vấn. "Lễ thọ đã xong, nó còn viết cái thứ này làm gì?"
Rồi như chợt nghĩ ra gì đó, bà quay sang thị Họa. "Chỗ tro đó không phải mới có từ hôm nay đúng không?"
"Vâng ạ, lúc con đến bới thì đã có sẵn một đống tro ở đấy. Cái Lượm chỉ ôm ra một lò than nhỏ, không thể nào đổ ra nhiều tro như vậy, hẳn đã bị ai đổ ra đấy được mấy ngày rồi, may thay còn thừa mấy mẩu sót lại, con bèn nhặt về dâng bà và cậu."
Phát nghe đến đây thì gõ nhẹ ngón tay lên bàn, mắt đưa lên nhìn u mình đầy ý tứ. Cả hai sau đó khẽ bật cười.
Vẫy tay cho con hầu lui xuống, cậu Cả cầm bát lên uống một hớp nước mơ, đoạn lại không kiềm được mà lắc đầu cười tiếp.
"Thế ra đấy là thứ gọi là tài tử Tây đạo...! Con đã bảo với u rồi, cái ngữ như nó làm sao có được tâm tư thâm sâu cỡ đấy, có thể giấu giếm chúng ta học chữ học thơ trong ngần ấy năm? U xem, hóa ra có chuẩn bị trước lễ thọ cả đấy thôi, còn luyện sẵn cả chữ đây này."
"Đúng là vậy," bà Cả gật đầu, nụ cười trên môi vẫn còn bất định. "Nhưng đành là lời lẽ và phong thái có thể luyện tập trong thời gian ngắn, nét chữ đó cậu nói thế nào đây? U tuy không hiểu thư pháp, mấy hôm nay cũng đã nghe qua dân chúng đồn đại về hôm đó, họ bảo đến ông huyện nhìn xong chữ viết của thằng Dương cũng phải tròn mắt há mồm, còn bảo muốn đạt đến cảnh giới ấy chắc chắn phải luyện được hơn chục năm là ít. Thế thì liệu nó, một đứa chỉ mới luyện chữ vỏn vẹn có mấy tháng, cho là luyện ngày luyện đêm đi nữa, có thể đạt đến trình độ của một nho đồ chuyên cần mài giũa suốt mười năm?"
Phát suy nghĩ một lúc lại thưa. "U dạy chí phải, nhưng có điều u chắc không nhớ, thằng Dương lúc nhỏ đã rất lanh lợi, học gì cũng đều nhanh hơn con và đám trẻ cùng lứa. Năm đó nếu không phải gia nghiệp bỗng phất lên khiến thầy phải bỏ bê kiềm cặp nó, nói không chừng bây giờ nó đã đỗ ông nghè, ông cử..."
Mày bà Cả nhíu lại một lúc như đang cố hồi tưởng việc không tốt. "Đúng là lúc nó ba tuổi cầm lấy bút viết cái chữ đầu tiên trước mặt thầy cậu, u đã lo sốt vó, sợ ông ấy thấy nó giỏi giang liền sẽ đổi thay quyết định cho nó kế thừa gia nghiệp..."
"U đã khổ tâm rồi, con thật có tội..."
"Tội cái gì mà tội? Cậu là khúc ruột u dứt từ trong bụng ra, u còn có thể không lo cho cậu sao?" bà cả vươn tay vuốt đầu con trai, cười rất chi là hiền từ. "Huống hồ, nếu muốn xưng tội, kẻ đầu tiên cúi đầu trước u phải là thầy cậu và thằng con hoang của ông ta mới đúng, nào có đến lượt con trai ngoan của u?"
Cậu Cả rũ mắt nhìn chân, mỉm cười.
"Nói cho cùng chắc cũng là do u cả nghĩ. U nuôi thằng Hai hơn hai mươi năm, là thần hay quỷ u còn nhìn không ra sao? Nghi ngờ nhiều chỉ tổ mệt người."
"U nghĩ thế là phải đấy ạ. Chẳng qua là nó lấy được một cô vợ khôn lanh biết liệu trước đường đi nước bước mà thôi. Nếu thật sự có loại tâm cơ trùng điệp cỡ đó, bao năm nay sao lại chẳng mảy may trở mình?"
"Nhắc đến con vợ nó, u lại đau đầu đây..." nói đoạn bà đỡ trán thở dài. "Trước cứ nghĩ nó chỉ khôn vặt mà không phòng bị, sau mới để thua mất cái chìa khóa kho. Tưởng nó có quyền to là phải biết thu mình để củng cố thế lực, ai ngờ vừa ngoảnh mặt nó đã bày trò để chồng nổi danh tài tử. Mà để làm được việc này, nó hẳn phải có mối quan hệ sâu xa gì đó với người xung quanh ông Đăng đấy ấy nhỉ? Còn có thể biết cả chuyện riêng về thầy ông ta và nét chữ trong quyển phả để hướng cho chồng cách ăn nói và luyện chữ nữa cơ mà."
"Cũng có thể là cái Vũ nó dùng tiền mua lấy thông tin u ạ. Tính ra thì xung quanh ông hoạn ấy cũng không thiếu kẻ tham lam. Có lẽ lần trước khi ông ta ghé sang đây tuyển công tượng, cái Vũ đã nhân đó mà móc nối với người của ông ta, vì thế mà việc ông Đăng tham gia tiệc mừng thọ ông huyện nó đã biết trước mà liệu đường chuẩn bị."
Bà Cả gật đầu, người tựa lại vào ghế.
"Trông xa được như thế, con bé này để lại nhà Nguyễn Hoài càng lâu chừng nào càng nguy hiểm chừng đấy..."
Nhìn thấy sự sắc cạnh trong mắt u mình, Cả Phát hơi hoảng, song lại không dám lộ ra ngoài, bèn cố tình lái chuyện sang hướng khác để chuyển dời sự chú ý của bà.
"Thưa u, để tránh đêm dài lắm mộng, sẵn sáng nay thầy vừa lệnh cho thằng Dương năm hôm sau sang Văn Chấn bàn chuyện đúc chuông, dọc đường có đi ngang vùng đồi núi hiểm trở, chi bằng..."
"Không được," bà Cả dứt khoát lắc đầu cắt ngang. "Việc lần trước thằng Hai bị vợ chồng ả đào nương họ Lý bắt đi, thầy cậu tuy không nói ra miệng, trong đầu hẳn cũng đã nảy sinh nghi ngờ với cậu. Nay đương lúc nó tỏa sáng như mặt giời ban trưa, cậu lại bị cấm túc chịu phạt, tình hình như vậy mà nó lại gặp chuyện không may thì cậu cũng không tránh khỏi nghi ngờ. Quá mạo hiểm."
"Con sẽ hết sức cẩn thận. Huống hồ chân nó chưa khỏi, đi đường xa chắc chắn sẽ bất tiện nhiều điều, có lỡ va vấp ở đâu đó trượt chân xuống núi té chết thì cũng không lạ. Thầy cho dẫu lúc đầu có ngờ, về sau không tìm thấy manh mối thì cũng sẽ dần dần bỏ đi ngờ vực mà thôi."
"Nào có đơn giản như cậu nói? Cái sự ngờ của thầy cậu nó mà dễ nguôi như vậy thì hôm nay cậu đâu phải chôn chân trong nhà?"
"Nhưng thưa u..."
"Thôi đủ rồi!" bà bỗng gắt. "Cậu bị sao vậy Phát? Bình thường cậu đâu có qua loa như thế? Lần này sao lại hấp tấp muốn diệt trừ thằng Dương như thế? Lời u dạy cậu cậu quăng đi đâu mất rồi?!"
"Thưa u...!" cậu Cả vén áo quỳ xuống đất, hai tay chắp lại thật nề nếp, vẻ mặt khổ sở. "Con nào có dám quên lời u dạy? Chẳng qua con thấy chính vì bản thân đang rơi vào vị thế dễ bị ngờ vực nhất, bèn muốn tận dụng cơ hội này để ra tay. U đâu phải không biết cách suy nghĩ oái oăm của thầy? Việc càng hiển nhiên thầy sẽ càng nghi vấn. Đến lúc mấu chốt, con chỉ cần ngụy tạo một số bằng chứng ngoại phạm, thầy sẽ lập tức tin ngay. Dẫu gì đối với thầy con cũng không phải là một kẻ hành xử xuế xòa, hấp tấp, tuyệt đối sẽ không ra tay giết em trai ngay lúc mình dễ bị nghi ngờ nhất."
Bà Cả gõ móng tay lên bàn, mắt nheo lại nhìn đứa con đang quỳ trước mặt một lúc lâu, đến lúc hé môi toan nói cái gì đó thì bên ngoài chợt nghe có tiếng cú kêu. Nhịp điệu gõ tay của bà thế là lỡ đi một phách, song nhanh chóng hồi phục bình thường.
Vươn tay gạt cái bát không trên bàn xuống đất, bà bỗng lớn tiếng gằn.
"Thôi đủ rồi! Có phải cậu muốn học theo thói xưa, em trai chết đi thì có thể cưới em dâu về làm vợ?!"
"Ơ kìa u!" Phát ngẩn ra trước cơn giận bất ngờ của u đẻ.
"Còn không phải sao? Cậu tưởng cái tâm tư nhộn nhạo của cậu với đứa em dâu kín kẽ lắm à? Thần không hay quỷ không biết? Tôi sống lâu như thế rồi sao còn không hiểu cái thói ngạo mạn hiếu thắng của cậu? Xưa nó lụy nó khờ thì chẳng ngó cho nửa con mắt, nay thấy nó giỏi nó lơ thì đâm ra tiếc nuối luyến lưu, tìm mọi cách giành về. Lúc trước cậu bày chuyện để vợ chồng chúng nó chán ghét nhau, tôi thấy cũng giận lắm, nhưng vì thương cậu nên chưa muốn nhắc. Nay thì hay, đến cả lí trí cậu cũng bịt luôn, vì con đàn bà đó mà sự cẩn trọng bấy nhiêu năm đều muốn ném hết xuống sông xuống bể?"
Phát lập tức tái mặt, mắt mở to nhìn chằm chằm người sinh ra mình. Ra bà đã biết tất cả. Cũng đúng, việc lần này hắn đã quá hấp tấp, người tinh ý như bà Cả dĩ nhiên nhìn ra có sự không ổn. Nhưng hắn... không thể làm khác đi được. Thời điểm trông thấy Vũ lồng lên vì lo lắng cho Dương ở bên hồ