Tình Nghĩa Đồng Đạo

Chương 44


trước sau


Vừa mở mắt, đập vào tầm nhìn là ánh sáng chói lòa bao trùm lấy bóng đen mơ hồ, cậu bèn mở miệng khóc ré. Tiếng khóc này non nớt, ngây dại, luồn lách mãi trong ký ức hơn hai chục năm nay...

Cậu nhớ cảm giác được áp má lên bờ ngực phập phồng của u, nhớ lần đầu tiên nhận ra màu sắc của cái trống con sơn son u cầm lắc lư trước mặt, còn nhớ cả đôi bàn tay ấm áp quen thuộc bao lấy cổ mình, nhấn xuống.

Mãi đến tận năm tuổi, khi bắt đầu hiểu được những cảnh tượng lạ lẫm ập đến trong đầu là ký ức chứ không phải mộng mị, Nguyễn Hoài Dương mới từ từ ý thức, đôi bàn tay đó là muốn bóp chết mình.

Thế giới, sau một đêm, đã hoàn toàn sụp đổ.

Rõ ràng, việc còn lưu giữ những ký ức thuở lọt lòng là một gánh nặng, dẫu chúng chỉ nhòa nhạt, mông lung. Vô tri là phúc phận, thơ dại là phước phần, cậu Hai Dương đã vô số lần ao ước trở về làm một đứa trẻ đầu óc non nớt, mãi mãi không lớn lên, mãi mãi không hiểu và ý thức được những ký ức tồn tại trong đầu hoàn toàn không chỉ đơn thuần là ác mộng.

Nhưng rồi, con người thì phải trưởng thành. Và ký ức, dẫu có trải bao kiếp tử sanh, vẫn không thể đơn thuần xem như ác mộng.

Trần gian này... còn có cái gì đáng để chờ mong nữa chứ?

Toàn thân nhũn nhão đã muốn buông xuôi, bất chợt bị một giọt nước lạnh làm cho mơ màng hé mắt. Chất lỏng sền sệt sau đó theo má trườn xuống khóe môi khô khốc, Dương vô thức đưa lưỡi ra liếm.

Ngọt lịm, cay cay, còn thơm lừng mùi lạc.

Trong đầu cậu bất chợt xẹt qua cảnh tượng một cái chảo lớn chứa đầy mật mía liu riu khói trắng giữa buổi sáng mù sương, bên cạnh có bóng hình nhỏ bé bó gối ngồi canh lò than hồng tí tách.

"Sắp vào tết rồi, bên Văn Chấn đấy người ta để dành mật mía mà nấu bánh nấu chè, chẳng có ai bán đồ ngọt cho anh đâu. Mật này em rót vào bình, gói kèm cả nửa cân bánh giò và chè lam trong đấy, anh để mà đi đường ăn dần cho đỡ buồn miệng."

Giọng nói cô gái chập chờn trong miền ký ức như mây trắng bồng bềnh, dần dần tụ lại thành dáng hình yêu kiều thân thuộc. Má hồng hây hây như sơn nữ người tộc, môi đỏ mọng luôn mấp máy điệu quan họ Kinh Bắc, tròng mắt sâu thẳm tựa ao hồ nấp mình dưới làn mi cong.


"Vũ...!" Dương mở to mắt, bất giác thều thào.

Xung quanh tối om, ẩm ướt, không khí lạnh khiến cả thân người cậu run lên cầm cập. Lắc mạnh đầu để giũ đi sự mơ hồ, cậu bám lên vách đá lồm cồm đứng dậy, loay hoay một lúc mới bò lên được gờ đá chênh vênh gần đó.

Thở ra vài cái lấy lại sức lực, cậu mò mẫm trong bóng tối, mãi mới tìm ra lọ mật mía nằm lăn lóc bên mé gờ, lập tức ngửa đầu uống cạn.

Vị ngọt của mật và hương cay của gừng chẳng mấy chốc làm người cậu ấm lên, đầu óc cũng từ từ tỉnh táo, ký ức nhanh chóng giẫm đạp lên nhau ồ ạt tràn về.

Dương nhớ mình đã cố tình bước vào cái bẫy giăng sẵn của Phát khi vờ vịt nghe lời của kẻ giả mạo ra gặp riêng vị khách đúc chuông. Trời lạnh nên Vũ bắt cậu mặc trên người một cái áo bông dày có mũ, cậu sẵn tiện giấu thêm vào phần đầu nhiều lớp da thuộc. Khi bị người ta lén lút tập kích, cậu vờ ngất rồi thuận thế để chúng khênh đến con đường đất hiểm trở sát ngay bên sườn đèo thoai thoải.

Lúc bấy giờ, quả nhiên thằng Toan liền xuất hiện. Gã kiểm tra diện mạo để chắc chắn hắn mục tiêu cần giết xong xuôi, trả tiền cho lũ côn đồ rồi toan đạp cậu xuống dưới, hẳn là muốn ngụy trang một vụ tai nạn.

Người hầu và phu võng của Dương lúc bấy giờ đã hoàn toàn say khước, song bốn gã người Táy mà vợ cậu lén lút cho theo tháp tùng vẫn còn nấp trốn gần kề, ba trong số đó đã sớm theo lệnh Dương lập tức xoay mình theo đuôi hai gã bắt cóc. Kẻ còn lưu lại nhanh chóng nhào ra khống chế Toan.

Đứng khoanh tay nhìn xuống gã tâm phúc của anh cả đang rúm lại vì sợ, Dương đã toan thở phào nhẹ nhõm vì vừa thoát được một kiếp. Nào ngờ, cái gọi là ý giời sao mà nghiệt quá, tránh được nhân họa thì gặp phải thiên tai.

Chỗ cậu đứng bất ngờ sụt lở, cả ba người thế là cùng trượt xuống sườn đèo.

Dương tin rằng lý do duy nhất cậu vẫn chưa chết sau cú ngã đó, là vì ông giời muốn nhìn thấy cậu trước ngưỡng sinh tử phải vùng vẫy đau khổ như thế nào.

Còn chẳng phải sao? Sườn đèo này có hàng trăm hàng ngàn rãnh và hố, chờ đến khi có người phát hiện ra cậu Hai nhà cả Trị mất tích thì đã là hôm sau, mất thêm một ngày nữa tỏa ra đào hới từng tấc đất chốn này, cậu ắt đã chết vì lạnh và đói.

"Cứu với..." có giọng người khe khẽ rên rỉ.

Dương men theo tiếng thở nặng nề để đến bên người nọ, rờ rẫm một hồi liền xác định ra hông trái của gã đang bị một thân cây gãy xuyên thẳng qua.

"Toan?"

"Cậu Hai... cậu cứu con với... con van cậu..."

Chỉ là bị tổn thương phần thịt, Dương biết, bản thân có khả năng cứu sống con người này.

Cậu mò mẫm gom góp nhánh cây để nhóm lửa, đến lúc cái hang nhỏ đã ngập tràn ánh sáng, mắt cậu cũng vừa lúc tối sầm.

Miệng hang tuy nông, lại đã bị đá tảng bịt kín, e rằng kẻ phía trên muốn tìm ra cũng là một vấn đề gian nan. Hang này lại chẳng có nước, cây cỏ số thì sớm chết khô số toàn thân mang độc, sợ rằng chuột và rắn cũng không sao sống nổi, rõ ràng là một nhánh trong chùm hang quỷ bị chặt đứt bởi đất lở. Không ngõ lui, chẳng đường tiến, lại có vừa đủ không gian để con người ta nảy sinh loại hy vọng hão huyền, rõ là một nơi lý tưởng để quẫy đạp làm trò vui trước khi chết.

Mắt đăm đăm nhìn đốm lửa bập bùng một hồi lâu, Dương chầm chậm nhắm mắt, trong đầu hiện ra đôi mát đỏ hoe của cái Vũ lúc vươn tay kéo cậu lên từ dưới ao cá. Cậu nhất định phải trở về với nàng.

Khi mở lại, đã ngập ngụa loại quyết định âm u.

"Là ông ép tôi."

***

Ở bên này, mợ Hai Dương lại bị nhấn chìm vào việc nhà bề bộn, hoàn toàn không mảy may hay biết chồng mình đang mấp mé bò vực tử thần. Thỉnh thoảng lúc rỗi rãi nàng lại nhắm mắt nghĩ đến cậu, miệng thầm nhẩm niệm hai chữ "bình, an", sau đó lại phải quay về với vai trò người nắm khóa trong nhà.

Từ đây đến Tết chỉ còn năm ngày, nhà ông Cả Trị sớm đã rộn rịp đủ thứ tục lễ. Vì là hộ khá giả nhất trong làng tộc, các sự lớn nhỏ chuẩn bị cho Tết đều được làm ở chốn này. Sáng sớm trời còn mù sương Vũ đã phải điều động các hộ trong làng quây quần ra sau bếp đụng lợn. Năm nay lợn đánh đụng nuôi những mười tám con, phần vì phường đúc ăn nên làm ra, phần lại vì ông Cả ưng nhất số mười tám. Suốt cả buổi sáng thế là chỉ nghe tiếng bầy lợn gầm rít và âm thanh nói cười nhốn nháo của lũ trẻ nít trong làng.


Thường thì những dịp xẻ thịt như thế này Ly đều ra sức tránh né, còn bảo đụng lợn là cái thứ lễ tục dã man, sát sinh thì có gì đáng tự hào mà tung hô như hội thế kia, ở quê của thị người ta nhân đạo hơn nhiều.

"Thế ở quê của chị người ta có ăn thịt lợn không?"

"Có, nhưng họ không hưởng thụ việc giết nó," Ly nhíu mày nhìn người chị em bạn dâu, có hơi ngạc nhiên vì bị hỏi ngược. Dẫu gì, thị đã quá quen với việc đứa trẻ cổ đại này luôn miệng đồng tình với bất cứ điều gì mình nói ra.

"Thế gì có gì khác nhau giữa việc hưởng thụ ăn thịt nó và hưởng thụ xẻ thịt nó để ăn ạ?"

Ly thẫn người một lát, song nhanh chóng lộ ra bộ dáng thâm sâu mà nhàn nhạt đáp.

"Việc vấy máu một sinh vật còn sống khiến con người ta trở nên tàn bạo vô nhân tính hơn."

Vũ quay sang nhìn đám trai đinh trong làng lúc bấy giờ đã bắt đầu vật ngửa lợn ra để lấy lòng, mặt mày người nào người nấy tươi roi rói. Họ bá cổ choàng vai kể cho nhau nghe về một năm vất vả, mắt ánh lên sự hào hứng trước một cái Tết thịt xôi đầy mâm, no đủ vui vầy. Cầm lấy góc thịt đỏ hỏn được chia phần trong tay, có người còn len lén vừa cười vừa gạt lệ. Phấn đấu biết bao nhiêu năm, cuối cùng cũng được làng chia cho góc thịt ngon gọi là, phen này thì thầy u già ở nhà tha hồ nở mặt...

Thế này là tàn bạo ư?

Hít sâu vào, Vũ chầm chậm buông lời.

"Có khối việc khiến con người trở nên tàn bạo, và phần lớn trong số đó đều tinh tươm không hề vấy máu. Dân làng chỉ đơn giản đang hưởng thụ không khí Tết mà thôi, chị đừng bóp méo mà tội họ."

Nói rồi không đợi Ly phản ứng, Vũ đã xoay người cùng với đám đàn bà chạy đến đón lấy mấy bộ lòng đem rửa, chuẩn bị bỏ vào nồi luộc để người làng cùng quây quần ăn lấy thảo, xem như chúc mừng lễ đụng lợn vừa thành.

Sau đó, buổi trưa Ly không quay lại bếp, cả cái tên háo sắc con ông xã làng Sêu hằng ngày cứ tò tò đi theo quấy nhiễu mợ Hai cũng không thấy bóng. Làng này ai mà chẳng biết cái cậu Huy này mê mệt cô Vũ làng họ? Thuở trước còn cho người sang dạm hỏi nữa kia. Cũng may bà cụ Nguyễn Hoài khéo ăn khéo xử, đấm xoa thầy hắn sao đó mà cuối cùng hắn đã thôi tạo áp lực với nhà mình.

Nhưng đó là trước khi cậu ấm con quan này biết được Vũ cuối cùng gả cho cậu Hai Dương.

Đối với Phát Huy còn có lòng nể sợ, nhưng cái thằng phá của kia... so với hắn thì có hơn gì? Nó còn ghét cái Vũ đến thậm ra đấy! Thế mà cuối cùng lại được người đẹp

vào tay, thật chả còn hiểu nổi! Huy nghĩ đến thôi đã thấy bực bội. Lúc trước chỉ nghe tin thì chẳng đến nỗi nào, lần đến nhà ông huyện lại để hắn trông thấy Vũ còn xinh đẹp rực rỡ hơn xưa, nỗi hận cũ trong lòng dĩ nhiên liền bén lửa.

Và thế là, hệt như tích cũ truyện xưa, cậu Huy vì không cam lòng mà theo vợ chồng cậu Hai về đến tận làng Bưởi, còn tuyên bố sẽ ở lại ăn Tết. Bản thân hắn là em trai của em dâu ông cả, lại đã cùng cậu Hai lớn lên, dĩ nhiên họ Nguyễn Hoài sẽ không từ chối. Cậu Hai đối với việc này lại càng hững hờ, dù không còn thân thiết với Huy như xưa cũng chẳng hề lộ lòng bất mãn. Người xung quanh đoán già đoán non cậu Hai ngày nay đã trở thành tài tử Tây đạo nên mới phải nhịn nhục giữ phong độ, riêng cậu Huy thì già non gì đều quăng phứt không buồn đoán, nhất nhất cho rằng người anh em này vì tình nghĩa xưa cũ nên muốn sẻ chia vợ cho mình.

Dẫu gì, trong quá khứ, đàn bà Dương chơi chán lại chẳng quẳng lại cho hắn? Cái thú lạc hoan kỳ quái của cậu Hai nhà Cả Trị, nói cho cùng, hắn mới là kẻ rõ nhất.

Ấy thế là cậu Hai vừa đi, cậu Huy lại càng trở nên bạo dạn, thường nhân lúc vắng vẻ mà xông ra bông đùa suồng sã với Vũ. Được hai ba lần thì bị cái Lượm học lại với phòng lớn, cậu Huy liền bị bà Cả gọi lên giáo huấn một phen, còn dọa sẽ viết thư gửi về cho thầy hắn. Huy ức lắm, tự nghĩ bà Cả đúng là phường rỗi sự, thằng con cưng của bà còn chẳng mảy may nhếch mày khi hắn nhắc đến việc sẻ chia cái Vũ kia kìa, bà đã chẳng biết gì về con trai mình, còn đòi quản hắn? Tuy nhiên, cậu Huy nói gì cũng là kẻ khôn ranh, dẫu bất mãn cũng biết điều không lộ ra mặt, chỉ tỏ ra hối hận rồi xin phép lui về xin lỗi mợ Hai Dương.

Vừa bước ra khỏi cửa, mặt hắn đã sa sầm, duỗi chân đá mạnh chậu hoa trước ngõ. Cái chậu gốm Chu Đậu lăn xuống bậc thềm rồi vỡ nát, để cây sứ Chiêm trơ rễ nằm chỏng gọng bên lề.

"Ấy chết, chẳng phải người ta đồn cậu Huy là người yêu hoa hay sao? Cậu làm thế thì khác nào giết nó?"

Cậu Huy cau mày nhìn kẻ vừa đến lăng xăng cứu lấy cây sứ kiểng. Thị có vẻ hết sức chăm chú vào việc mình đang làm, còn lôi cả chậu mới ra để dời cây hoa sứ vào. Xong xuôi, thị ôm lấy chậu hoa đứng dậy, mỉm cười đưa ra trước mặt hắn.

"Cậu xem, có đôi lúc muốn sở hữu thứ mình thích rất đơn giản. Chỉ cần dời luôn gốc rễ của cây sứ này sang chậu của mình, thế là có thể hiên ngang mang hoa về nhà, nào có cần phải thương tổn bản thân và làm đau cả hoa?"

Huy vừa vươn tay đón lấy, người đàn bà nọ đã xoay mặt bỏ đi.

Mắt nheo lại nhìn vật trong tay một hồi lâu, cậu Huy liền rảo bước đuổi theo kẻ nọ.


"Mợ Ly, đợi tôi với."

Cuộc gặp gỡ đó đã trở thành bí mật khó nói, mợ Hai Dương của hai ngày sau dĩ nhiên không tài nào đoán trước loại cơ sự "ngẫu hứng" như thế kia, càng không sở hữu lực lượng tai mắt hùng hậu để giám sát đường đi nước bước của kẻ thù. Dẫu có nặng lòng đối kháng, tất cả nàng có thể làm lúc bấy giờ là phòng bị.

Thế nhưng, buổi đụng lợn hôm nay lại là dịp vui hiếm có của năm, và người nào đó biết rất rõ Lưu Vũ đối với hình thức quây quần tụ họp này có bao chờ mấy đợi, phòng bị kín kẽ đến độ nào cũng vì không khí đầm ấm của ngày giáp Tết làm cho lơi lỏng.

Cho nên, người ta không lấy làm lạ gì khi đêm đó đương lúc đám nữ quyến gói giò sau bếp, bỗng đâu mợ Hai lại cười một cách gian manh, đề nghị cả đám trộm uống chút rượu gạo cho ấm lòng ngày xuân. Cô Sáu lập tức chộp lấy tay chị dâu hưởng ứng nhiệt liệt, còn nhỏ giọng thủ thỉ chỉ ra đâu là nơi thầy cô giấu loại quỳnh tương hảo hạn nhất.

"Thế thì ai đảm nhận việc trộm rượu nào? Cái Hạ đi nhở? Dẫu gì thầy chẳng hay khen cô có cái nghề múa may nhẹ nhàng uyển chuyển như mây bay gió lượn?" Ly đánh mắt lên tiếng. "Trộm được rồi khéo thầy còn tưởng có mây gió ngang qua làm mát cho ông đấy...!"

Nói đến đây thì cả đám liền rộ cười nắc nẻ, riêng cô Sáu đỏ mặt đánh khẽ kẻ vừa chọc mình.

Vũ híp cả mắt, nhớ lại cảm giác khi còn bé ngồi kế bên u xem bà vừa gói giò vừa lớn tiếng dụ dỗ đám nữ quyến phạm tội mà bật cười khúc khích. Cái thuở ấy u nàng thật sự là kẻ biết pha trò có bản lĩnh nhất làng này, thậm chí cái trò "trộm rượu gói giò" cho đến tận mấy năm về sau vẫn có các bà các cô bắt chước làm theo cho đêm xuân thêm phần hương sắc. Thường thì những lúc ấy nàng và Ly đều được cho hưởng chút vị ấm rượu xuân dẫu vẫn còn là trẻ nít. Nói thật, họ cũng chẳng ham gì cái thứ cay xè đắng chát ấy, song lại mê đắm mê đuối loại hơi ấm mà nó đem lại. Cả trong bụng lẫn trong lòng.

Đùn đẩy tới lui, cuối cùng nhiệm vụ này lại rơi lên đầu mợ Ly như mọi năm. Dù gì đi nữa, cái danh giời đất không sợ cũng không phải đẻ ra để làm trang sức. Đến dịp thì phải tận dụng chứ.

Vậy là chẳng bao lâu, người ta lại thấy đám đàn bà nhà Cả Trị vỗ tay reo hò khi trông thấy mợ Ly lấm lét chạy về với vò rượu trên tay.

Trông thấy Ly dí dỏm dạy mọi người giả dáng bọn đàn ông chén tạc chén thù, Vũ đột nhiên mỉm cười. Rốt cục nàng đã hiểu ra cớ gì thuở xưa mình không hề ghen tức với sự thu hút của thị. Chẳng phải vì nàng cao thượng, cũng không vì Lưu Vũ vốn hiền lành tốt tánh, mà vì thị Ly kia khiến nàng nhớ đến u.

Trừ những phát ngôn và sáng kiến kỳ lạ ra, u nàng đã luôn là người sôi nổi, hoạt bát, dễ gần... hệt như Ly vậy.

Có lẽ, nàng sẽ mãi ngộ nhận như thế nếu không có chuyện kia xảy đến.

Mợ Hai Dương say đến nổi đi đứng không vững, buổi gói giò thế là tàn sớm. Các cô các dì có vai vế trong nhà đều thi nhau xin bà Cả về phòng nghỉ trước. Số chả giò còn lại đành để bọn con hầu luộc nốt.

Cái Lượm luôn tự hào bản thân khỏe mạnh như trâu, lại không ngờ việc đơn giản như cùng con hầu khác đưa cô chủ say khước của mình về phòng cũng trở thành một bài toán khó. Dìu dắt thì mợ đi không nổi, vác lên thì mợ lại nôn ra trên lưng nó, thỉnh thoảng còn lớn tiếng hỏi nó cậu Hai đâu rồi lầm bầm mắng mỏ. Nó say đã đành, mợ nó còn say hơn, ba chủ tớ thế là tựa vào nhau nghiêng ngã suốt đêm, giữa đường còn không biết bọn con Lan trông giữ thế nào mà để bầy chó đuổi theo đám lợn con xộc ra náo loạn, Lượm và Thùy hết cách, đành phải dẫn mợ chúng nó đi đường vòng, suýt nữa đã lạc mất. Cũng may cái Thùy nhận ra hàng chậu sứ trước thềm phòng mợ, cả hai nhanh chóng dìu chủ vào, tém chăn kê gối cho chủ xong thì lập tức chạy ra giúp đuổi bắt bầy lợn.

Ở trong phòng, một bóng người lặng lẽ rời khỏi chỗ nấp, đến bên giường buông mùng rồi nhanh chóng thay đổi bài trí trong phòng, lúc bước ra cửa đã đụng ngay một bóng đen đang loay hoay ôm các chậu cây đem đi.

"Không cần vội đâu," người đàn bà nói. "Chủ yếu là tránh làm người phát hiện thôi. Bằng không sẽ khó giải thích cậu Huy đêm hôm không lo ngủ mà dời cây dời chậu làm gì."

Bóng đen gật đầu, đoạn lầm lũi dấn sâu vào màn đêm u ám.

-----------------------------

Chương này có nhắc đến mổ lợn gói giò nhỉ? Nên là chương sau chúng nó mần thịt nhau. :))))

Đôi điều về việc bạn Dương nhớ được kiếp trước: điều này không có nghĩa ẻm từ lúc sinh ra đã biết tư duy như người lớn này nọ nhen. Bộ não con người có nhiêu đó, làm sao khác tuổi mà tư duy giống nhau nổi? Cùng lắm thì bạn Dương lúc nhỏ bản tưởng những ký ức từ từ theo năm tháng xuất hiện trong đầu là mơ ra mà thôi. Đến cái tuổi não đủ bự để ý thức được một cộng một bằng ba thì mới bắt đầu nối kết được A với B, C với B, tìm hình bắt chữ... Cũng vì lý do đó mà bạn ý lúc nhỏ được miêu tả là một đứa bé ngoan, chăm học, thích cái Mưa hết lòng, từ từ sắp xếp và hiểu hêt được ký ức của mình mới đâm ra bê tha và căm ghét gái đẹp. :P



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện