Ba Du là phủ trị của Trùng Khánh nằm trên đỉnh Kim Bích sơn, hệt như một bán đảo ở cửa sông Trường Giang và Gia Lăng giang.
Nhìn từ xa chỉ thấy lầu thành cao ngất nhà cửa uốn lượn theo thế núi phong cảnh lạ thường khí thế hùng vĩ.
Lúc này Ngô Sương với Thích Nam Giao đang sóng vai nhau đứng trên một chiếc đại giang thuyền hai buồm ngắm nhìn tòa sơn thành ấy, cùng nhau bình phẩm những chỗ đặc thù.
Thuyền gia gồm bốn người một già hai trẻ cùng một nhà bếp.
Ngay khi thuyền sắp nhổ neo rời bến, bỗng thấy một mỹ phụ trung niên mặc y phục ngắn màu thiên thanh, đầu chít khăn trắng tuy trông rất bình thường nhưng đi trên bậc đá nhanh khôn tả.
Ngay khi lão thuyền phu vừa định kéo tấm ván cầu lên bỗng một bàn chân giẫm lên đầu kia. Lão thuyền phu kéo mạnh hai cái nhưng tấm ván không hề động đậy như bị đóng chặt.
Lão thuyền phu bèn đưa mắt nhìn từ ống quần màu thiên thanh lên đến mặt đối phương bất giác ngẩn người, đây chẳng phải là người đàn bà trông thấy từ xa hay sao?
Mỹ phụ trung niên một chân giẫm lên ván cầu mỉm cười hỏi :
- Thuyền này đi về phía hạ giang phải không?
Lão thuyền phu biết đối phương chẳng phải tay vừa, vội giả lả nói :
- Vâng, đúng là thuyền đi về phía hạ giang nhưng đã được hai vị khách quan thuê bao rồi xin khách quan vui lòng đi thuyền khác cho.
Mỹ phụ trung niên tảng lờ cất bước đi lên ván cầu và nói :
- Vậy tốt quá, đi thuyền nào cũng vậy thuyền to thế này thiết nghĩ thêm một người nữa cũng chẳng hề gì.
Lão thuyền phu thấy vậy bối rối đến đứng thừ ra tại chỗ.
Hai thuyền phu trẻ không biết lợi hại liền sầm sắc mặt đưa tay ra ngăn cản, một người bực tức nói :
- Khách quan hãy khoan...
Chưa dứt lời, bỗng thấy mỹ phụ trung niên tay phải phất nhẹ và tiện tay sửa lại khăn trắng trên đầu, cử chỉ hết sức tự nhiên, nhưng hai gã thuyền phu cùng loạng choạng thoái lui sáu bảy bước, nếu không nhờ nhanh tay nắm vào mạn thuyền thì đã ngã lăn ra rồi.
Lão thuyền phu cuống đến xoa tay giậm chân, mỹ phụ trung niên đứng trên đầu ván cầu quét mắt nhìn ba người nói :
- Người làm ăn là phải hòa nhã thì tiền bạc mới nhiều, lỗ mãng thế này sao được?
Lão thuyền phu gượng cười :
- Chẳng phải chúng tiểu nhân muốn đắc tội khách quan, quả thật là đã nhận tiền thuê thuyền của người khác với điều kiện không được rước thêm khách nữa, xin khách thông cảm cho.
Lão thuyền phu trong khi nói, đưa tay chỉ bóng sau lưng Ngô Sương và Thích Nam Giao sau đó lại chắp tay xá mỹ phụ trung niên lia lịa dáng vẻ trông hết sức tội nghiệp.
Lúc này Ngô Sương với Thích Nam Giao đang đứng nơi mũi thuyền ngắm cảnh, miệng nói tay trỏ ra chiều hết sức thích thú như không hề hay biết chuyện xung đột xảy ra vừa rồi.
Mỹ phụ trung niên đưa mắt nhìn hai người đứng nơi mũi thuyền lại quay sang lão thuyền phu nói :
- Thế này được không, lão trượng hãy hỏi chủ thuê bao trước xem sao rõ là lẩn thẩn.
Lão thuyền phu đành cất bước trĩu nặng đi về phía Ngô Sương và Thích Nam Giao thầm nghĩ đã giao hẹn trước rõ ràng là không được rước thêm khách rồi còn hỏi gì nữa kia chứ? Lão lẩn thẩn hay ai đang lẩn thẩn không biết!
Lão thuyền phu dừng lại cách Ngô Sương và Thích Nam Giao không xa cung kính nói :
- Có nữ vị khách muốn đi nhờ thuyền đến hạ giang chẳng hay ý công tử với cô nương thế nào?
Ngô Sương vừa định đáp Thích Nam Giao đã tranh trước nói :
- Không hề gì!
Hai người không quay lại tại bến sông ồn ào và lộng gió, vậy mà tiếng nói từ mũi thuyền vọng đến đuôi thuyền nghe rõ từng tiếng một.
Mỹ phụ trung niên như thoáng kinh ngạc song liền tức trở lại bình thường và nhếch môi cười nhìn lão thuyền phu đang đi đến nói :
- Lão trượng! người ta hào phóng hơn các vị nhiều.
Lão thuyền phu cười méo xệch :
- Mời khách quan tự nhiên!
Chỉ thấy mỹ phụ trung niên chân trái cất lên chân phải đưa nhẹ tới trước liền nghe ào tấm ván cầu đã bay lên cao rồi vững vàng hạ xuống trên sàn thuyền, không gây ra một tiếng động khẽ.
Ba thuyền phu già trẻ thấy đều bàng hoàng sửng sốt, trợn mắt há mồm đứng thừ ra tại chỗ.
Lúc này Ngô Sương với Thích Nam Giao vừa quay người trông thấy rõ ràng ngón công phu mỹ phụ trung niên vừa trổ ra.
Ngô Sương thầm nhủ :
- Chiêu Huyền Tả Tựu Thạch tuyệt lắm!
Nhưng Thích Nam Giao thì vẫn bình thản nhìn ba thuyền phu đang đứng thừ ra nói :
- Cho thuyền rời bến được rồi chứ?
Ba thuyền phu giờ mới bừng tỉnh vội nhổ neo cho thuyền rời bến.
Ngô Sương và Thích Nam Giao không màng đến mỹ phụ trung niên cùng vào trong khoang trước nghỉ ngơi.
Mỹ phụ trung niên tự động đi vào khoang sau tìm chỗ ngồi nhắm mắt dưỡng thần.
Thuyền rời bến sông Gia Lăng xuôi dòng đi về phía hạ lưu qua Đồng La hạp, Ba Dương hạp, Mộc Đồng trấn. Đêm hôm sau neo thuyền nghỉ lại tại bến sông huyện Trường Thọ.
Ăn tối xong mặt sông hết sức tĩnh lặng ngoài chiếc thuyền của Ngô Sương và Thích Nam Giao còn có vài chiếc thuyền khác đỗ gần đó.
Trăng hạ tuần nghiêng treo trên bầu trời bởi ánh sáng yếu ớt nên mặt đất vẫn tối om.
Gió sông trong mát, nước sông êm ả. Ngô Sương với Thích Nam Giao đứng bên mạn thuyền lặng ngắm cảnh đêm, người nào cũng hồi ức về quá khứ, hồi lâu không ai lên tiếng.
Sau cùng, Ngô Sương cất tiếng trước :
- Sư muội chúng ta nên vào nghỉ đi thôi!
- Vâng Thích Nam Giao khẽ đáp liền quay người dẫn trước đi về phía khoang thuyền và cúi đầu lẩm bẩm :
- Vị nữ khách của chúng ta từ lúc lên thuyền đã hai ngày một đêm rồi không lộ diện, một mình buồn tẻ thế kia mà cũng không chịu được, giỏi thật.
Ngô Sương định tiếp lời bỗng thấy mấy bóng người từ phái Bạch Long sơn phóng nhanh đến, bất giác chững bước.
Thích Nam Giao vốn đang cắm cúi bước đi, bỗng thấy Ngô Sương có vẻ khác lạ liền ngoảnh lại nhìn, thấy Ngô Sương đang hướng ánh mắt về phía xa bèn cùng đưa mắt nhìn về phía ấy. Chỉ thấy sáu bóng người đang phóng nhanh về hướng này thoáng chốc đã đến gần bờ sông.
Sáu người ấy thảy đều nhất luật áo dài màu lam, hai người cao tuổi hơn hết trạc lục tuần bốn người khác đều trạc tứ tuần.
Khi đến bờ sông cách thuyền Ngô Sương và Thích Nam Giao chừng hai trượng, sau người cùng đưa mắt nhìn những chiếc thuyền đang đỗ bên sông sau đó xúm lại xầm xì bàn tán, lát sau chỉ nghe một giọng rắn rỏi nói :
- Khúc cửu! Hãy đến hỏi trước rồi hãy tính.
Liền tức một người mắt to và mặt vuông dài tiến ra hai bước hướng về thuyền Ngô Sương và Thích Nam Giao cao giọng nói :
- Thuyền gia! Thuyền gia!
Lão thuyền phu từ nơi khoang sau đưa mắt nhìn vào bờ, thấy sau người trên bờ khí thế bất phàm đang hướng về phía thuyền mình kêu gọi, vội đi lên khoang trước và lớn tiếng nói :
- Các vị đại gia, có chuyện gì vậy?
Người mắt to tên Cửu Khúc liền hỏi :
- Chiếc thuyền này đến từ Trùng Khánh phải không? Trên thuyền có nữ khách không?
Lão thuyền phu vội đáp :
- Vâng! Đúng là đến từ Trùng Khánh, đoạn đưa tay chỉ Thích Nam Giao nói tiếp :
- Vị cô nương này chẳng phải là nữ khách hay sao?
Khúc Cửu trợn mắt quát :
- Đại gia đâu có mù, đại gia đây là hỏi có còn nữ khách khác hay không?
Lão thuyền phu kinh hãi, vội hỏi :
- Có, có còn một vị...
Ngay khi ấy bỗng nghe sau lưng vang lên một giọng dịu dàng nói :
- Họ tìm ai vậy?
Lão thuyền phu giật mình ngoảnh lại thấy chính là mỹ phụ trung niên lại vội nói :
- Vị nữ khách này chẳng đã ra đây rồi còn gì?
Sự xuất hiện im lìm của mỹ phụ trung niên chẳng những khiến sáu người trên bờ thảy đều sửng sốt, mà ngay cả Ngô Sương và Thích Nam Giao cũng hết sức kinh ngạc trước thân pháp nhanh nhẹn của bà ta.
Chỉ thấy mỹ phụ trung niên tiến tới mấy bước, tay vịn mạn thuyền hướng vào bờ hỏi :
- Các vị tìm bổn nhân phải không?
Một lão nhân cao gầy có hai hàng ria mép vểnh lên trầm giọng nói :
- Đúng vậy!
Đoạn liền nháy mắt ra hiệu với năm người kia sau đó dẫn trước phi thân lên thuyền, chân vừa hạ xuống sàn thuyền năm người kia cũng đã theo sau lên đến.
Lên đến thuyền, vị trí đứng của sáu người vô hình chung đã thành hình nửa vòng tròn bao vây lấy mỹ phụ trung niên lão thuyền phu, Ngô Sương và Thích Nam Giao.
Ngô Sương với Thích Nam Giao vẫn điềm nhiên như không, lão thuyền phu sợ cuống lên nấp sau lưng ba người.
Mỹ phụ trung niên tuy chưa lộ vẻ căng thẳng nhưng qua cử chỉ và thần thái hiển nhiên bà ta đã chuẩn bị sẵn sàng ứng địch.
Lão nhân cao gầy thấy có mặt Ngô Sương và Thích Nam Giao bèn nói :
- Thảo nào phương giá bình tĩnh thế này thì ra đã mời được trợ thủ. Nhưng hôm nay dù ai có mặt thì vật kia phải để lại mới xong.
Mỹ phụ trung niên nghe đối phương nói xong như vô tình hữu ý đưa mắt nhìn Ngô Sương và Thích Nam Giao sau đó cười hề hề nói :
- Chúng ta phải đánh nhau không cần phải lôi kéo đến hàng xóm bổn nhân không hề quen biết hai vị ấy, các vị sao lại vu oan cho người ta bừa bãi thế này? Vả lại chúng ta phải trái nói chuyện với nhau đâu cần phải nhờ đến người trợ sức.
Lão nhân cao gầy nghe vậy bèn đưa mắt nhìn Ngô Sương và Thích Nam Giao bèn ôm quyền nói :
- Lão phu là Cát Chuẩn việc này đã không liên quan đến hai vị vậy xin hai vị cứ tự tiện :
- Đoạn nghiêng người chìa tay phải ra mời Ngô Sương và Thích Nam Giao rời khỏi kẻo mang họa và thân, vốn là một phen hảo ý.
Nào ngờ Ngô Sương và Thích Nam Giao đều tuổi trẻ hiếu kỳ hai người không hẹn đều cùng đứng yên. Thích Nam Giao cất tiếng nói :
- Chúng ta xem náo nhiệt không sao chứ?
Cát Chuẩn thoáng sầm mặt nhưng không phát tác không màng đến hai người nữa quay sang mỹ phụ trung niên nói :
- Cát gia ở Bạch Long sơn với Viên Gia ở Quỳ môn hẳn phương giá đã biết hôm nay chỉ cần phương giá để vật lại việc đả thương người đoạt của quyết không truy cứu, lão phu nói là giữ lời bằng không phương giá dù có người hậu thuẫn thì trong khu vực Tam Hạp này lẽ nào không được tôn giá.
Ngô Sương lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai bên còn Thích Nam Giao thì biết hai họ Cát và họ Viên vùng Tứ Xuyên đã nhiều đời lừng danh võ lâm về võ lâm ám khí tẩm độc xưng bá Tam Hạp, thường rất ít khi lai vãng với ngoại giới, nhưng nếu có xúc phạm đến họ dù chỉ nhỏ nhặt đến mất cũng không chịu bỏ qua.
Hôm nay họ lại nhún nhường với mỹ phụ trung niên thế này hiển nhiên bà ta chẳng phải là một nhân vật tầm thường.
Thích Nam Giao đang ngẫm nghĩ bỗng nghe mỹ phụ trung niên tức giận nói :
- Lão nương chẳng cần biết Cát gia hay Hung gia, Viên gia hay thiên gia cô nãi nãi (cô bà) cả đời ngang dọc giang hồ một mình chống chọi tất cả, cứng không ưa mềm không chịu chỉ trách Bi Cước (chân thọt) Du Nhị say rượu khoe khoang, cô nãi nãi thấy chướng mắt chỉ phế đi một tay trừng trị nhẹ để cho y tay chân cân xứng, không còn xiêu vẹo nữa.
Vả lại vật thiên hạ là của mọi người trong tay y là của y, trong tay cô nãi nãi là của cô nãi nãi sao lại bảo là đả thương người đoạt của?
Sách có câu: “Hữu lý đến đâu cũng được vô lỹ tấc bước khó đi” Cô nãi nãi chỉ cần lý lẽ vững vàng đâu cần ai hậu thuận can thiệp.
Mỹ phụ trung niên nói một mạnh không ngưng nghỉ, người ngoài nghe được cũng chẳng hiểu ai hữu lý ai vô lý.
Ngô Sương thầm nghĩ :
- Thật không ngờ người đàn bà điềm đạm này miệng lưỡi lại sắc bén đến vậy!
Lại nghe mỹ phụ trung niên chậm rãi nói tiếp :
- Điều cô nãi nãi không hiểu là hạng trộm gà cắp chó như Du Nhị sao lại có giao tình với hai đại vọng tộc họ Cát và họ Viên trong vùng Tam Hạp này tự bao giờ?
Cát Chuẩn thoáng đỏ mặt một lão nhân khác đứng sau lưng Cát Chuẩn bức tức tiếp lời :
- Chuẩn nhị đệ, chẳng phải nói lôi thôi với y thị, Khúc Cửu động thủ!
Khúc Cửu vâng lời xuất thủ, hữu chưởng Đơn Xách Trọng Giao (Một phía hủy bỏ giao tình thâm trọng), tả chưởng Thực Trình Kính Hành (tỉnh ngay bước thẳng) một chiêu thức chia ra làm hai huyệt Trường Đình với Lạc Túc của đối phương.
Mỹ phụ trung niên chân trái lui nửa bước hữu chưởng từ dưới bổ chếch lên, Khúc Cửu vội thoái lui nhưng đã muộn chỉ cảm thấy nơi khủyu thay trái và cổ tay trái đau nhói.
Ngay khi Khúc Cửu thoái lui ba người chưa hề lên tiếng sáu tay đã vung ra trong tiếng quát liên hồi, Bạch Mang thích, Mai Hoa châm, Kim Tiền tiêu và Táng Môn đinh bay ra như mưa, phủ trùm khắp người mỹ phụ trung niên.
Bong thuyền vốn đã không rộng lại thêm một lúc đứng lên cả chục người cơ hồ vung tay đã chạm trong khoảng cách gần như vậy sáu người tin chắc Mỹ phụ trung niên không thể thoát khỏi làn mưa ám khí.
Mỹ phụ trung niên dĩ nhiên biết rõ hai nhà họ cát và họ Viên sở trường về ám khí tẩm độc, nên trước khi động thủ đã lưu ý đề phòng.
Ngay khi ba người đối phương vừa vung tay, Mỹ phụ trung niên vẫn đứng yên tại chỗ bỗng ngã người tới trước với thế Thất Tinh thức chỉ dùng hai mũi chân chống trên sàn thuyền, cả người nằm sát xuống, ám khí lướt qua xong lại đứng thẳng lên như không có việc gì xảy ra.
Nhưng trong khi ấy làn mưa ám khí vẫn tiếp tục bay thẳng vào lão thuyền phu với Ngô Sương và Thích Nam Giao.
Lão thuyền phu kinh ngạc hét to ngã lăn ra trên sàn thuyền.
Bảy người kia cũng giật mình kinh hãi, sáu người đến từ Bạch Long sơn chưa hạ được nhân vật chính mà đã đả thương người vô can. Còn mỹ phụ trung niên thì bởi nhất thời sơ ý tuy mình tránh khỏi sự đột kích của đối phương song lại di họa cho kẻ khác thật là tệ hại.
Bảy người tuy là hai phe đối địch nhau nhưng ngay trong khoảnh khắc ấy đều có ý muốn cứu người.
Tuy nhiên không một ai động đậy bởi người nào cũng biết rõ trong tình huống này dù ra tay cứu cũng lực bất tòng tâm.
Mắt thấy tất cả ám khí bay thẳng vào Ngô Sương và Thích Nam Giao người của Bạch Long sơn càng hiểu rõ chỉ cần trúng một phần số ám khí ấy cho dù có thuốc giải độc môn của Cát Gia, không đến nỗi táng mạng nhưng cũng sẽ tàn phế suốt đời. Mọi người trơ mắt nhìn đôi thanh niên nam nữ anh tuấn kia ngay tức khắc sẽ phải chịu sự đau khổ khủng khiếp thảy đều bất giác nghe lòng se thắt.
Ngay trong khoảnh khắc tột cùng nguy cấp ấy bỗng thấy ánh đen chớp nhóa, mọi người chưa kịp nhìn rõ là vật gì thì tất cả các ám khí đều đã văng bay ra xa và rơi xuống sông, chỉ còn lại một ngọn kim tiền tiêu với hai mũi táng môn đinh bay thẳng vào ngực phải Ngô Sương, chỉ thấy chiếc áo dài màu lam của chàng không gió mà lay động. Ba mũi ám khí bay đến còn cách người chàng