Ba người tham quan Võ Hầu miếu xong, khi trở ra, Ngô Sương chợt thấy trên vách cạnh cửa chính diện có một mảnh giấy trắng dài cỡ một thước, trên vẽ hình một nữ nhân tóc dài phủ đất, nơi ngực cắm một ngọn trủy thủ, bên cạnh có hàng chữ nhỏ :
“Đêm nay canh ba, Trúc Viên bình”.
Bảy chữ nhỏ đó, trong lúc trời sẩm tối và lại cách xa hơn mười bước, nếu không phải Ngô Sương nhãn lực hơn người, thật khó mà nhìn rõ được.
Trong khi ấy, Quế Nguyệt Hoa và Thích Nam Giao bởi đang nhìn về hai bên nên chưa trông thấy.
Lúc ba người đi vào, chắc chắn chưa có mảnh giấy này, bởi với võ công của ba người, chẳng lẽ nào lại không nhìn thấy một mảnh giấy to và nổi bật thế kia.
Quế Nguyệt Hoa bỗng thấy Ngô Sương có vẻ khác lạ, bèn quay nhìn theo ánh mắt của chàng, liền tức tung mình chộp lấy mảnh giấy trên vách, nhét vào trong tay áo.
Thích Nam Giao thấy vậy vội hỏi :
- Gì vậy Quế đại tỷ?
Quế Nguyệt Hoa khẽ nói :
- Không có gì, chúng ta đi thôi!
Nghe Quế Nguyệt Hoa nói như vậy, Ngô Sương và Thích Nam Giao không tiện hỏi nữa.
Lúc này trời đã tối, khi ba người rời khỏi Võ Hầu miếu thì đã đến lúc lên đèn rồi.
Ba người chọn một tửu lầu trang nhã có tên Tư Mỹ Viên, vào gọi bốn món một canh, Quế Nguyệt Hoa nói :
- Hôm nay lão đại tỷ này chiêu đãi hai vị hiền huynh muội, những ngày qua ở trên thuyền chẳng có món ăn gì ngon, cứ mấy món quanh đi quẩn lại, hôm nay chúng ta thay đổi khẩu vị hãy hưởng thụ một phen cho thỏa.
Đoạn lại gọi thêm hai món đặc sản đất Thục và một ấm to rượu lúa mạch.
Thích Nam Giao thấy vậy nói :
- Sao lại để cho đại tỷ chiêu đãi được, lẽ nào chủ nhân lại để cho khách hao tổn thế kia chứ?
Quế Nguyệt Hoa mỉm cười :
- Trong những ngày qua đã làm phiền hai vị quá nhiều rồi, đây chẳng qua chỉ là chút lòng thành của lão đại tỷ này, đâu có gì đáng kể.
Ngô Sương chỉ mỉm cười lặng thinh, Thích Nam Giao cũng không khách sáo nữa.
Hai người vốn không quen uống rượu, nhưng Quế Nguyệt Hoa thì tửu lượng rất khá, ba người tuy ăn uống rất văn nhã, song thảy đều ăn hết sức ngon lành.
Ăn xong, một điếm tiểu nhị đi đến, Quế Nguyệt Hoa bèn ơ hờ hỏi :
- Tiểu huynh đệ, vùng này nơi nào tên là Trúc Viên Đình không vậy?
Điếm tiểu nhị nghe hỏi, như thoáng kinh ngạc, không đáp mà hỏi ngược lại :
- Sao phu nhân lại hỏi nơi ấy?
Ngưng chốc lát, lại nói tiếp :
- Đó là tình trường xử quyết của quan phủ, ở phía nam thành cách chừng mười dặm, có một rừng trúc dưới chân núi.
Đám tiểu nhị vừa thu dọn chén dĩa, lại vừa nói :
- Nơi đó quả thật chẳng có gì vui thú cả!
Quế Nguyệt Hoa cười cười :
- Ta chỉ chợt buột miệng hỏi chơi vậy thôi!
Đoạn thanh toán tiền ăn, đứng lên rời khỏi tửu lầu.
Khi ba người trở về thuyền, trên đường đã thưa người qua lại, hầu hết tiệm quán cũng đóng cửa nghỉ ngơi.
Gần đến canh ba, một bóng người từ trên một chiếc thuyền to hai buồm bên sông phóng ra như bay, theo bậc cấp uốn quanh tiến lên, khi đến gần cổng thành, bóng người ấy dừng lại chốc lát, như để quan sát địa thế sau đó men theo tường thành phóng nhanh về hướng nam, người ấy chính là Khôi Phát Tử Mi Quế Nguyệt Hoa.
Lúc này bà ta lòng đầy bực tức, đi đến Trúc Viên bình để phó hẹn với người đã dán giấy trong Võ Hầu miếu.
Trúc Viên bình, quả đúng như lời điếm tiểu nhị kia nói, nằm trong một khu rừng trúc cách thành Quỳ Châu chừng mười dặm về phía nam, gần chân núi và cạnh một bãi đất hoang, nơi tiếp cận giữa bái đất hoang với chân núi có một ngôi mộ to mọc đầy cỏ dại, có lẽ trong ấy toàn là những ma quỷ không đầu.
Lúc này sao khuya rợp trời, nhưng mặt đất vẫn rất âm u, gió thu thổi tạt, lá trúc khua xạc xào, hết sức ghê rợn.
Quế Nguyệt Hoa đảo mắt nhìn quanh, không một bóng người.
Lại ngước lên nhìn trời, đã đúng canh ba, bà lẩm bẩm :
- Ủa, sao chưa đến thế nhỉ?
Ngay khi ấy, từ trong rừng trúc phía trước ngoài ba trượng vang lên một chuỗi cười to, liền sau đó lần lượt đi ra sáu người, đứng thành một hàng ngang cách Quế Nguyệt Hoa khoảng hai trượng.
Đi đầu là một lão nhân trán rộng mắt to, mũi sư miệng cả, tiếng cười vừa rồi chính do lão nhân này phát ra.
Người thứ nhì tuổi tác tương đương với người đi đầu, nhưng dáng người cao gầy, đôi mắt quắc sáng, trông rất tinh thông lanh lợi.
Theo sau chính là Cát Thìn, Cát Chuẩn và Khúc Cửu ở Bạch Long sơn.
Người cuối cùng là Bỉ Cước Du Nhị áo quần lam lũ, râu ria xồm xoàm, cánh tay phải hãy còn băng vải trắng, mang vào cổ treo trước ngực.
Quế Nguyệt Hoa đưa mắt nhìn người đi đầu mỉm cười nói :
- Bốn vị phía sau đều là người quen biết cũ, còn hai vị phía trước xin thứ cho bổn nhân mắt kém, chưa được lĩnh giáo!
Người đứng trước lại cười vang :
- Nghe giang hồ đồn đại Khôi Phát Tử Mi Quế Nguyệt Hoa là một trang hào kiệt nữ giới, hôm nay nhận thấy quả là người tôn trọng chữ tín, lão phu là Viên Đại Du.
Đoạn hất mặt về phía lão nhân cao gầy nói tiếp :
- Xá đệ Thứ Du, hôm nay đều muốn được thỉnh giáo tôn giá!
Quế Nguyệt Hoa nhoẻn cười :
- Thì ra là hai vị Vạn Năng Thủ và Thiên Tư Xảo Tượng lừng danh giang hồ, tại hạ ngưỡng mộ đã lâu!
Viên Đại Du liền nói :
- Không dám!
Đoạn quét mắt nhìn quanh một vòng, nói tiếp :
- Nghe hai vị lão đệ họ Cát nói là hãy còn hai vị qúy hữu nữa, họ không đến ư?
- Các vị truyền thư trong miếu Võ Hầu là hẹn tại hạ, chứ đâu có hẹn người khác...
Cười khanh khách nói tiếp :
- Chủ nhân không mời, lẽ nào khách lại tự ý đến dự tiệc?
Viên Đại Du cứng họng, lát sau mới gượng nói :
- Bằng hữu trợ giúp nhau, hà tất phải mời mới được!
- Tại hạ với họ không phải thân thích, không phải bằng hữu, chẳng qua đi nhờ thuyền mới biết nhau, sao thể nhờ người quá đáng? Con người tại hạ trước nay việc mình mình lo, không thích lôi kéo kẻ khác vào cuộc. Đại đương gia thấy có đúng không?
Những lời ấy rõ ràng là xuyên tạc móc máy đối phương, Viên Đại Du tức tối, không sao trả lời được, chỉ hậm hực nói :
- Tốt lắm!
Tuy nhiên, Viên Đại Du vẫn cảm thấy không yên tâm về việc hai thiếu niên nam nữ kia không đến, quay sang Viên Thứ Du hỏi :
- Đã điều tra rõ lai lịch hai người kia chưa?
Viên Thứ Du đáp :
- Chỉ biết hai huynh muội ấy tuổi còn rất trẻ nhưng võ công cao cường, lúc tối cùng Quế Nguyệt Hoa ăn tối tại tửu lầu Tư Mỹ Viên, cười nói rất thân thiết...
Viên Đại Du gật đầu, lại đưa mắt nhìn Quế Nguyệt Hoa, nhưng không nói gì.
Quế Nguyệt Hoa biết đêm nay khó thể giải quyết vấn đề một cách êm thắm, bèn thẳng thắn nói :
- Chư vị hẹn tại hạ đến đây là vì Cổ Luật Ngọc Xích phải không?
Khúc Cửu bỗng xen lời :
- Vậy hóa ra là tôn giá chưa uống rượu say!
Quế Nguyệt Hoa khẽ lườm Khúc Cửu một cái, đoạn lại quay sang hai anh em họ Viên nói :
- Ngọc Xích đã chìm xuống đáy sông Trường Thọ, chính họ ba người đã chứng kiến tận mắt, vậy chư vị còn tìm tại hạ chi nữa?
Cát Thìn hậm hực tiếp lời :
- Hừ, tôn giá nói nghe dễ dàng quá, chả lẽ hai mạng người của Bạch Long sơn vậy là kể như xong sao?
Cát Chuẩn tiếp lời :
- Và một cánh tay của Du Nhị nữa!
Quế Nguyệt Hoa thản nhiên cười :
- Hai mạng người và một cánh tay, chư vị hãy xem tại hạ có đáng không?
Trong khi nói đã nắm chặt mái tóc dài, chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến.
Quả nhiên Viên Thứ Du tức giận trừng mắt quát :
- Hai nhà Cát Viên hôm nay tìm thị không phải để nói chuyện yêu đương, thị đừng vờ vĩnh nữa.
Vừa dứt lời đã tung mình lao tới, chưởng cước cùng lúc tung ra, công khắp toàn thân Quế Nguyệt Hoa.
Quế Nguyệt Hoa sớm sắc phòng bị, Viên Thứ Du vừa đến gần, mái tóc dài đã quét ra, hóa giải toàn bộ bốn cước sáu chưởng hung mãnh của Viên Thứ Du.
Viên Thứ Du buông tiếng cười gằn, chẳng chút ngưng nghỉ, lại tung mình lao tới, tay nhanh chưởng nặng, kèm theo kình phong ào ạt càng hung mãnh hơn.
Đến chiêu thứ mười chín, mái tóc Quế Nguyệt Hoa vừa quét qua vai trái đối phương, Viên Thứ Du liền thừa cơ dồn hết công lực vào tả chưởng, với chiêu Đơn chưởng vấn tâm nhanh như chớp bổ vào bụng Quế Nguyệt Hoa.
Quế Nguyệt Hoa nhanh nhẹn lách người, hai vai lắc nhẹ, đầu mái tóc đã vào tay phải, lui bước quay người, với chiêu Cương Dĩ Chu Sách quét vào cổ tay trái đối phương.
Lúc này khoảng cách hai người rất gần, Viên Thứ Du không thể nào thu chiêu được nữa, song y là người giàu kinh nghiệm giang hồ, lâm nguy bất loạn, vẫn giữ nguyên chiêu thức, chỉ nghe bộp một tiếng, Viên Thứ Du bị mái tóc Quế Nguyệt Hoa