Ngày hôm sau, trong buổi chầu sớm, Hoàng đế Khung Vũ triệu kiến Ngọc Huyên.
Trên đại điện lúc này đã xếp kín người, chia ra làm hai hàng dài.
Đứng đầu hàng bên trái là Khung Tuấn, đứng đầu hàng bên phải là Khung Dực.
Triều phục của nhị vị Vương tử đều là hai lớp áo, áo trong dài tay được may bằng vải dày thêu chỉ vàng, ống tay áo khảm bạc, tiệp màu với thắt lưng và hoa văn trang trí trên đôi ủng da.
Áo ngoài là áo choàng nhung chấm đất, thêu hoa văn cách điệu của mặt trăng, biểu tượng hoàng tộc Đại Thương.
Trên triều, vương miện đeo trán của nhị vị Vương tử là vương miện sắt pha vàng, giống như Hoàng đế nhưng nhỏ hơn và kiểu dáng đơn giản hơn một chút.
Ngoài ra, hôm nay Khung Dực còn đeo một đôi khuyên tai vàng hình khoen tròn, nhìn cao quý nhưng vẫn toát ra chút bất cần, cá tính của chiến sĩ Đại Mạc.
Khi quan truyền lời vừa dứt tiếng cho truyền Ngọc Huyên, phía sau đã vang lên tiếng bước chân nhè nhẹ cùng âm thanh sột soạt của lụa mềm.
Khung Dực và Khung Tuấn cùng xoay người lại, nhìn ra phía lối vào của đại điện.
Hôm nay Ngọc Huyên cũng mặc triều phục Kinh Lạc.
Khác với lối ăn mặc của người phương bắc, người phương nam thường mặc vải mềm như tơ lụa, có ít nhất là hai đến ba lớp.
Triều phục của Ngọc Huyên hôm nay màu xanh thẫm, lớp ngoài cổ thấp, thêu hoa văn rồng theo dạng tròn, tay thụng dài gần chạm gối.
Lớp trong cổ cao, màu xanh sáng hơn, tay áo cũng nhỏ hơn lớp ngoài.
Lớp trong cùng là lớp lót màu vàng nhạt, tiệp màu với khăn quấn trên đầu và quần dài.
Sáng nay Ngọc Huyên cũng đeo một chuỗi hạt cài áo làm bằng ngọc bích màu lục, làm cho tổng thể dung mạo càng thanh tao, nho nhã.
Trên đại điện, hàng trăm con mắt đang rọi vào em.
Khung Dực nhìn Ngọc Huyên, đôi mắt đen tròn hay mở to nhìn hắn trong suốt cả quãng đường từ Kinh Lạc về đến Vương Đô sáng nay phẳng lặng lạ kỳ.
Tựa như lúc bị bầy sói lửa tấn công, em chỉ ngạc nhiên chứ không sợ hãi.
Sáng nay cũng vậy, bao quanh là đàn sói hoàng tộc Đại Thương, chưa kể Hoàng đế Khung Vũ ngồi trên ngai cao, ánh mắt em lại điềm tĩnh, phảng phất chút tự tin mơ hồ.
Ngọc Huyên đi đến giữa đại điện, đứng ngang hàng với Khung Tuấn và Khung Dực, chuẩn bị hành lễ.
Khung Tuấn nén một hơi thở trong ngực, lòng không khỏi chờ mong xem xem Ngọc Huyên sẽ làm gì.
Quỳ, hay không quỳ?
Khi gặp Vua chủ Chu An nơi biên giới, cả Khung Dực lẫn Khung Tuấn đều không quỳ, mặc dù xét bối phận thì bọn họ là hậu bối.
Tuy nhiên, họ nắm trong tay cái thế của nước trên cơ.
Hiện giờ, trong tay Ngọc Huyên cái gì cũng không có.
Nếu không quỳ, sẽ là đại bất kính.
Nếu quỳ, chẳng khác nào tân đế Kinh Lạc đã uốn gối thần phục Đại Thương.
Khung Vũ ngồi trên cao đưa mắt nhìn xuống chờ đợi, cả điện cũng nín lặng ngóng xem.
Không khí ngưng trọng, căng như một sợi dây đàn.
Trước bao ánh mắt, Ngọc Huyên vươn hai tay ra phía trước, bàn tay này bao lấy khuỷu tay kia, hai cánh tay giữ thẳng, đầu cung kính cúi về phía trước, trán gần chạm vào tay.
Em giữ tư thế này một lúc, sau đó chầm chậm quỳ xuống, hai gối chạm xuống sàn.
Lúc này em buông tay ra, tạo thành tư thế hai bàn tay chắp vào nhau, đầu ngón tay áp sát lại, vươn về phía trước.
Sau đó, em khom người, trán đặt lên hai tay vẫn còn đang chắp, quỳ một lúc trong tư thế lạy.
Khung Dực không hiểu lễ nghi của Kinh Lạc mấy nên từ đầu chí cuối chỉ trố mắt nhìn, trong khi Khung Tuấn thì khẽ nhíu mày.
Tư thế này, bộ lễ nghi này lạ quá, hắn chưa thấy bao giờ.
Cả điện hầu như không ai hiểu, chỉ có Hoàng đế trên ngai cao khẽ chấn động trong lòng.
Đây là một cách hành lễ cổ xưa của người Kinh Lạc, thời nay không còn mấy ai dùng.
Cách cúi đầu, khom người, chắp tay và quỳ lạy này là lễ nghi cao nhất của người Kinh Lạc, chỉ dùng để hành lễ với ông bà, cha mẹ, bậc chú bác hoặc người có bối phận cao nhất trong gia đình, bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng tuyệt đối.
Tuy nhiên, đây lại không phải bộ lễ nghi dành cho quân thần.
Khung Vũ biết rõ, bởi vì rất nhiều năm trước, chính Chu An là người đã giải thích và làm mẫu cho ngài xem.
Đây chính là một lời nhắn nhủ của Chu An dành riêng cho Khung Vũ, bởi vì Chu An chắc chắn rằng chỉ có Khung Vũ mới xem hiểu được.
Con trai của ta, từ hôm nay dâng lễ cha-con với ngươi, nguyện mãi mãi tôn trọng, mãi mãi biết ơn.
Nói cách khác, cái vái lạy này là tạ ơn sáu năm trông nom, nuôi lớn thành người.
Cái vái lạy này là việc nhà, không phải việc nước.
Lúc này, Ngọc Huyên đã lạy đủ lâu, em ngẩng đầu lên nhìn Khung Vũ còn đang ngồi sững trên ngôi cao, nhoẻn miệng cười tươi, cất giọng thưa ngoan ngoãn:
"Con là Ngọc Huyên của Kinh Lạc, xin bái kiến người."
Cả đại điện vẫn im phăng phắc.
Khung Tuấn đưa mắt về phía phụ hoàng, lòng thầm phán đoán phản ứng tiếp theo của Hoàng đế Đại Thương.
Khung Vũ đăm đăm nhìn Ngọc Huyên một lát, bỗng nhiên ngài đứng dậy, đi xuống dưới điện nơi Ngọc Huyên đang quỳ.
Hành động này khiến cả đại điện gần như chấn động.
Trước giờ chưa hề có tiền lệ Hoàng đế đích thân xuống điện khi tiếp kiến bá quan, nói chi người này lại là "con tin" của bại quốc.
"Tiếp theo phải làm thế nào nhỉ, ta quên rồi?" Ngài thành thật hỏi.
Ngọc Huyên bật cười: "Dạ, ngài đỡ con dậy và thưởng bánh là được."
"À, ra vậy." Nói đoạn, ngài phất tay một cái, lập tức có cung nữ phía sau tiến lên dâng một mâm hoa quả, bánh ngọt thường để sẵn trên điện cho Hoàng đế dùng trong lúc thiết triều.
Ngài chọn một chiếc bánh mật ong vàng rực, đưa tay đỡ Ngọc Huyên dậy rồi vỗ vai em hai cái, tay kia thưởng bánh cho em, mắt cười trìu mến.
"Con xin cảm tạ người."
"Ngoan."
Chu An, ta nhận lễ.
Câu chuyện về buổi thiết triều kỳ lạ khi Hoàng tử Kinh Lạc bái kiến Hoàng đế Đại Thương còn được truyền tụng mãi về sau, lưu truyền thành giai thoại trong những câu chuyện dân gian của hai nước.
Tuy nhiên đó là việc của rất nhiều năm sau, còn lúc này đây, Khung Vũ đang dẫn theo Ngọc Huyên cùng hai vị Vương tử đi dạo trong hoàng cung Trích Nguyệt.
"Sẽ có phu tử dạy con đọc sách, viết chữ.
Lúc rảnh rỗi, con cũng có thể dạo chơi trong kinh thành hay xung quanh Vương Đô."
"Dạ, con cảm ơn người.
Con có thể đọc sách trong thư các không ạ?"
"Ồ, dĩ nhiên là được.
Con thích đọc sách gì?"
"Dạ, ngoài những quyển sách về lịch sử, con còn thích đọc sách về các loài thực vật và kỹ thuật trồng trọt ạ."
Khung Vũ ngạc nhiên quay sang: "Thật vậy à?"
Ngọc Huyên cười vui vẻ: "Dạ thật mà."
Đại vương tử và Nhị vương tử bị bỏ quên, chỉ biết lẽo đẽo đi theo đằng sau, dùng ánh mắt để mà trao đổi.
Khung Dực trợn mắt nhìn đại ca: chuyện quái gì đang xảy ra vậy?
Khung Tuấn khẽ lắc đầu: không biết, tạm thời cứ đi theo đi đã.
Khung Dực đưa tay quẹt mũi đầy bất mãn.
Vài ngày nữa hắn phải quay về Khúc Băng, việc quân không nên chậm trễ, hắn định sáng sớm mai lên đường luôn.
Lại đưa mắt nhìn về phía trước, bóng dáng nhỏ nhắn kia hôm nay mặc triều phục trông người lớn hẳn ra.
Chỉ có điều, mấy ngày rồi đôi mắt đen láy kia vẫn không thèm nhìn hắn.
Đúng lúc này, phía sau có tiếng chân bình bịch chạy đến, cùng một giọng trẻ con non nớt vang lên:
"Chaaaaa! A chaaaaaa!"
Bốn người đồng loạt quay đầu lại.
Khi nghe thấy tiếng gọi kia, gương mặt Hoàng đế Khung Vũ thoáng trầm.
Người chạy đến là một đứa bé, thân người hơi tròn trịa, da không quá ngăm nhưng cũng không trắng như Ngọc Huyên.
Tóc bé hơi xoăn, ngả màu nâu sáng và được thắt thành một bím tóc to, môi chúm chím phớt hồng còn hai gò má thì núng nính, rung rung theo nhịp chân chạy.
Đứa bé ào tới, nhảy phốc lên ôm chân Khung Vũ, mặt háo hức: "A cha, a cha bế con, bế cao cao!"
Lúc này Ngọc Huyên mới vỡ lẽ, đứa bé này chính là Tam vương tử Khung Huyền.
Trước giờ em cũng có biết Hoàng đế Khung Vũ có ba người con trai, con trai út còn nhỏ tuổi nên ít khi xuất đầu lộ diện, thật không ngờ Khung Huyền lại là một đứa bé dễ thương thế này.
Cơ mà, nếu Ngọc Huyên nhớ không lầm thì Khung Huyền năm nay cũng phải chín mười tuổi rồi chứ, sao trông vẫn như bốn năm tuổi vậy?
Trái lại với sự háo hức