Tác giả: Mặc Bảo Phi Bảo
Thể loại: Dân quốc, nam ôn nhu, nữ cường, sủng, ấm áp, ngọt ngược đan xen, HE.
Độ dài: 2 tập.
Tình trạng: Hoàn - Đã xuất bản
Đơn vị phát hành: Vanvietbooks' Page
_
Văn án:
Năm Quang Tự thứ ba mươi, nhà họ Thẩm bị kẻ gian hãm hại, Thẩm Hề là người sống sót duy nhất sau thảm án diệt môn. Sau nhiều năm trốn chui trốn lủi, nhờ được cậu ba nhà họ Phó cứu giúp, cô rời khỏi Trung Quốc và bắt đầu những năm tháng cần mẫn học y trên đất Mỹ.
Cậu ba Phó Đồng Văn vốn phong lưu nổi tiếng kinh thành, có thể vì một nụ cười của người đẹp mà vung tiền không tiếc. Nhưng có ai ngờ ẩn sau dáng vẻ tùy tiện phóng túng ấy lại là một trái tim ngập tràn nhiệt huyết, luôn đau đớn khôn nguôi trước cảnh nước mất nhà tan.
Anh và cô cách biệt muôn trùng khơi, sợi dây liên lạc mong manh duy nhất chỉ là những bức thư viết vội. Thế rồi khi một lần nữa hội ngộ nơi xứ người, trong những tháng ngày lênh đênh trên biển trở về với Tổ quốc, giữa họ lại bất chợt nảy nở một tình yêu chân thành, tha thiết.
_
Trước khi gia biến, Thẩm Hề có lẽ sẽ không bao giờ tưởng tượng được, sẽ có một ngày cô phải lưu lạc đến một nơi bẩn thỉu như các sạp thuốc phiện, từ một tiểu thư ăn no mặc ấm, lại trở thành một cô gái nghèo khổ không nơi đi chốn về. Ngay đến cái tên Thẩm Hề, cũng không phải là tên thật của cô. Cô tên là Thẩm Uyển Ương.
Có điều, cái tên Thẩm Uyển Ương này, có lẽ Thẩm Hề sẽ chỉ còn nghe thấy người ta gọi mình như vậy trong những giấc mộng quá khứ. Bởi vì hiện tại bên cạnh cô không ai thân thích, nhà họ Thẩm bị hãm hại, thế sự rối ren, cái tên này là kí ức quý báu của cô, cũng là lưỡi dao có thể cướp mạng cô bất cứ lúc nào.
Có lẽ Thẩm Hề sẽ mãi mãi sống chui sống lủi bên cạnh các sạp thuốc phiện ấy, ở một nơi mịt mù khói thuốc và những con nghiện, con nợ, một nơi mà ánh nắng mặt trời cũng không thể chiếu tới, mãi mãi phải ở trong bóng đêm vô tận; nếu như cô không gặp Phó Đồng Văn.
“Cậu ba Phó Đồng Văn vốn phong lưu nổi tiếng kinh thành, có thể vì một nụ cười của người đẹp mà vung tiền không tiếc.”
Thế nhưng khi anh gặp Thẩm Hề, cô không phải “người đẹp”, càng chưa bộc lộ mình là một tài nữ, thậm chí còn phạm tội giết người. Ở nơi đầy khói thuốc phiện ấy, Thẩm Hề gặp lại tên học trò của cha mình - một trong những người đã đẩy nhà họ Thẩm xuống vực sâu. Sau khi đấu tranh nội tâm dữ dội, cuối cùng cô cũng quyết định nhúng tay vào phần thuốc hút của gã. Thế rồi gã chết. Thẩm Hề suýt nữa bị bắt đi. Đúng lúc ấy, Phó Đồng Văn xuất hiện, cứu lấy cô.
Vào cái đêm đầy quan binh đến vây bắt ấy, Thẩm Hề nghe thấy Phó Đồng Văn nói, “Tôi có thể bảo vệ cô ấy đêm nay, thì có thể bảo vệ cô ấy cả đời.”
Tựa như hai người là người quen, quan hệ khăng khít, cũng giống như từ khi ấy, Phó Đồng Văn đã hạ quyết tâm: Anh nhất định phải bảo vệ cô gái này.
Anh sắp xếp cho cô một danh phận - làm “em vợ” của mình, lấy người em trai đã mất của anh. Sau đó lại đưa cô ra nước ngoài, để cô rời khỏi Trung Quốc vốn đã không còn an toàn. Tất cả mọi việc diễn ra vô cùng nhanh chóng và trôi chảy, đến mức Thẩm Hề còn nghĩ rằng, đây là một giấc mơ. Bởi vì cô cùng Phó Đồng Văn, rõ ràng là không quen không thân, thế nhưng anh lại giúp cô nhiều đến vậy.
Trong trái tim thiếu nữ của Thẩm Hề, dường như có tình cảm khác ngoài sự cảm kích nảy sinh. Có lẽ, đó cũng là lí do mà khi ra nước ngoài, khi có người hỏi cô muốn học gì, Thẩm Hề lại nhớ tới bộ dáng yếu bạc của Phó Đồng Văn. Phó Đồng Văn an tĩnh ngồi trên ghế, để bác sĩ bắt mạch, kê thuốc. Phó Đồng Văn đạm mạc lạnh lùng. Phó Đồng Văn vì cô mà sắp xếp mọi chuyện chu toàn.
Thế là, cô trả lời: “Học y khoa.”
Thẩm Hề ở trời Tây, ra sức học tập, cũng không biết tin tức rõ ràng về Phó Đồng Văn ở quê nhà ra sao. Họ chỉ có thể trao đổi với nhau bằng những lá thư. Thẩm Hề lúc nào cũng viết rất dài, vô cùng cẩn thận, suy nghĩ xem sẽ viết cái gì, viết như thế nào. Còn thư của Phó Đồng Văn, luôn chỉ là vài dòng ngắn ngủi, dặn dò cô giữ gìn sức khỏe. Giống như con người trước nay của anh, ít nói, lại có vẻ xa cách đạm mạc.
“Em hãy bảo trọng, nếu không cần thiết, thì không nên gặp lại.
Phó Đồng Văn.
Ngày mùng Một tháng Một.”
“Gửi tặng em chocolate nhân mềm, là quà tặng của lãnh sứ quán, loại mới của Bỉ, có thể trung hòa vị chát trong đắng. Bút máy cũng thế. Em đừng nhớ tôi, phải tự giữ gìn sức khỏe.
Phó Đồng Văn.
Ngày hai mươi tám tháng Chín.”
Đối với một người đã phải chịu thảm án diệt môn như Thẩm Hề, trở thành tội nhân phải sống chui lủi, phàm đã là người có ơn với cô, cô đều nhớ rất kĩ. Huống chi, Phó Đồng Văn lại quan tâm cô như thế. Trong kí ức của Thẩm Hề, ngoại trừ anh hai và bố ra, chưa có người đàn ông nào đối xử tốt với cô như vậy. Còn nhớ khi ấy, khi bị phát hiện có liên quan tới cái chết của gã học trò kia, cô chật vật biết nhường nào. Chính Phó Đồng Văn đã xuất hiện, giải vây cho cô.
Anh hỏi cô, Ai đánh?
Sau đó lại lạnh lùng nói với những người xung quanh, Muốn đánh, cũng phải xem đây là người của ai.
Thẩm Hề mang theo những ấn tượng và kí ức ít ỏi có được với Phó Đồng Văn, rời khỏi Trung Quốc, tới New York. Cô luôn luôn nhớ kĩ người đàn ông này, cũng biết được lí tưởng và chí hướng của anh.
Thẩm Hề thích Phó Đồng Văn một cách rất rụt rè, lặng lẽ.
Thẩm Hề thích Phó Đồng Văn.
Rất thích.
Chính vì thế, để đáp lại câu nói “Tôi có thể bảo vệ cô ấy đêm nay, thì có thể bảo vệ cô ấy cả đời” của anh, cô trở thành một sinh viên y khoa ưu tú. Chỉ để sau này, khi Phó Đồng Văn được cứu khỏi căn bệnh kia, cô âm thầm thề: cô đã cứu được anh một lần, thì sẽ cứu được anh cả đời.
…
Phó Đồng Văn.
Khi Phó Đồng Văn cứu Thẩm Hề về, giúp cô sắp xếp một danh phận - mợ tư nhà họ Phó, kết hôn với đứa em trai đã mất của anh, có vô số lời đồn nảy sinh. Có người nói, Thẩm Hề trước kia cùng cậu tư Phó có một đoạn tình duyên, nhưng nay cảnh còn người mất, tình nghĩa nặng sâu, cô vẫn quyết tâm kết hôn với cậu ấy. Cũng có người nói, thực ra, người Thẩm Hề yêu là cậu ba Phó Đồng Văn, lấy danh nghĩa kia bước vào nhà họ Phó, chỉ là để che mắt thiên hạ.
Thẩm Hề không biết, Phó Đồng Văn đã biết cô từ lâu rồi. Thậm chí ngay cả trước khi cô lưu lạc tới động thuốc phiện kia, anh đã biết cô.
Khi Thẩm gia bị diệt môn, Thẩm Hề vẫn còn rất ngây thơ. Ngay đến tận khoảnh khắc cuối cùng, khi anh trai cô ôm cô trên con đường đá vào đêm tối, trao cho cô cơ hội sống duy nhất ấy, Thẩm Hề cũng không hay biết. Khi anh trai cô nói về chí lớn, về nước nhà, về đạo lí ở đời, Thẩm Hề cái hiểu cái không. Khi anh trai cô nói lời từ biệt, “Anh hai không có gì tặng em, Ương Ương, sau này dù ở đâu, làm gì, dù sống hay chết đều phải mang tư thế người Thẩm gia… Bắc Kinh lạnh lắm, không giống như Quảng Châu đâu.” Thẩm Hề cũng không hay biết, lần đó rời khỏi Quảng Châu, cô long đong tới tận nửa năm mới tới được Bắc Kinh. Càng không biết được, ở Bắc Kinh, đã có người vì cô mà sắp xếp tất cả.
Mối liên hệ giữ Phó Đồng Văn và nhà họ Thẩm còn sâu xa hơn những gì cô có thể tưởng tượng. Năm đó, Phó Đồng Văn là cậu ấm vừa đi du học ở nước ngoài về, thân mang chí lớn, lại gặp cha Thẩm Hề cũng ôm hoài bão cứu nước tương tự. Hai người tuy có suy nghĩ khác nhau, song cùng một mục đích, vô cùng tán thưởng đối phương, trở thành đôi bạn vong niên.
Thế nhưng việc hoạt động cách mạng này vào thời điểm đó, nếu như bị lộ ra, chỉ còn có đường chết. Biết rằng sau khi bị tố giác, sẽ không còn đường sống, cha Thẩm Hề gửi tới Phó Đồng Văn một danh sách những người mà ông mong anh có thể cứu bọn họ. Cha Thẩm luôn nhấn mạnh với Phó Đồng Văn về nghiệp cứu nước, về con đường bọn họ kiên trì phải đi. Một chữ cũng không hỏi anh, nhà họ Thẩm có cách nào thoát khỏi án diệt môn.
Mà nếu như cha Thẩm Hề có hỏi, thì Phó Đồng Văn cũng lực bất tòng tâm. Tuy anh có chí lớn, nhưng người nhà họ Phó thì lại phức tạp. Vụ án nhà họ Thẩm, không chỉ cha anh, mà ngay cả anh cả anh cũng nhúng tay vào, vì muốn lập công lớn, lại xâu xé tài sản Thẩm gia. Phó Đồng Văn khi đó đứng giữa hai chiến tuyến, một bên là gia đình, một bên là bạn đồng chí hướng, là những người yêu nước quả cảm, thực không biết phải làm sao mới được.
Năm Quang Tự thứ ba mươi, nhà họ Thẩm diệt môn. Một gia tộc từng có sức ảnh hưởng vô cùng ở Quảng Châu, cuối cùng trở thành tội nhân. Thẩm Uyển Ương đổi tên thành Thẩm Hề, lưu lạc tới Bắc Kinh.
Lần đầu Phó Đồng Văn nhìn thấy Thẩm Hề, ấy là qua một bức ảnh đen trắng. Khi đó cô còn nhỏ, mặc áo kiểu nhà Thanh, trên cổ có một cái khăn đuôi cáo. Ánh mắt của cô hơi ngỡ ngàng vì món đồ chụp ảnh tới từ phương Tây, lại có vẻ hồn nhiên ngây thơ. Phó Đồng Văn ngay từ lúc ấy đã nghĩ, anh phải bảo vệ cô.
Dự định ban đầu của Phó Đồng Văn chỉ là, sắp xếp cho Thẩm Hề một con đường tươi đẹp. Anh không có ý định gần gũi cô. Anh chỉ coi cô như em gái.
Khi ấy, anh thà rằng, cô không biết tới nhà họ Phó, không biết câu chuyện thật sự đằng sau vụ án đau thương kia của gia đình cô. Bởi vậy mà, trong bức thư gửi tới New York cho Thẩm Hề, anh đã viết, “Em hãy bảo trọng, nếu không cần thiết, thì không nên gặp lại.
Sau này Phó Đồng Văn cũng nói, “Chỉ cần anh còn sống, anh sẽ đảm bảo tương lai của em như gấm như hoa, sau này bình an một đời.”
Anh có thể làm tất cả những điều đó để bù đắp cho cô, dù hai người vĩnh viễn không gặp lại.
Thế nhưng, nhân duyên đâu có dễ đoán như vậy.
“Anh và cô cách biệt muôn trùng khơi, sợi dây liên lạc mong manh duy nhất chỉ là những bức thư viết vội. Thế rồi khi một lần nữa hội ngộ nơi xứ người, trong những tháng ngày lênh đênh trên biển trở về với Tổ quốc, giữa họ lại bất chợt nảy nở một tình yêu chân thành, tha thiết.”
...
Khi đọc “Mười hai năm, kịch cố nhân”, tôi luôn cảm thấy, mối lương duyên giữa Phó Đồng Văn và Thẩm Hề rất kì diệu. Rõ ràng từ đầu, khi đứng ở góc độ của Thẩm Hề, cô và Phó Đồng Văn chẳng qua chỉ là “bèo nước gặp nhau”. Anh đưa tay cứu cô, cô cảm kích anh, sau đó rời khỏi Trung Quốc, tới một vùng trời mới.
Thời gian bên nhau ngắn ngủi, lại tiếp xúc không nhiều, ấy thế mà mối liên kết giữa họ không hề bị đứt đoạn, ngược lại còn được tiếp tục nối dài. Những lá thư gửi từ ngàn dặm xa xôi, lúc đầu chỉ là mấy dòng dặn dò, không biết tự khi nào, lại trở thành nơi gửi gắm tâm sự kín đáo của Thẩm Hề với Phó Đồng Văn. Tình cảm của họ phát triển chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng lại cho người đọc cảm giác, họ đã thầm mến nhau lâu lắm rồi.
Phó Đồng Văn thân thể không tốt, còn mắc bệnh tim, có lẽ đó chính là lí do Thẩm Hề chọn học y khoa. Cô muốn cứu anh, cũng muốn cứu người. Phó Đồng Văn luôn mang trong mình giấc mộng phục quốc, Thẩm Hề cũng muốn góp sức phát triển tây y ở Trung Quốc. Hai người này tuy có cách biệt về tuổi tác và thân phận, nhưng họ đều là những người yêu nước, có lí tưởng đẹp đẽ, khiến cho người ta phải kính nể. “Mười hai năm, kịch cố nhân”, không chỉ chú mục vào duy nhất tình yêu đôi lứa, mà còn tô đậm lòng yêu nước của mỗi nhân vật. Đặc biệt là Phó Đồng Văn.
Giọng văn của Mặc Bảo Phi Bảo trong câu chuyện này rất nhẹ nhàng, tĩnh tại; thế nhưng nội tâm của Phó Đồng Văn mỗi khi nhớ tới cảnh nước nhà, lại được thổi bùng lên như ngọn lửa. Rất sâu sắc, rất đáng khâm phục.
“Phó Đồng Văn mỉm cười: “Chúng tôi đã cho thuê quá nhiều đất rồi.”
Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Châu, Thanh Đảo, Đại Liên, Trùng Khánh, Hàng Châu, Tô Châu, Hạ Môn, Trấn Giang, Cửu Giang, đảo Cố Lãng… Hồng Kông, Ma Cao…
Những nhà tư bản phát tài nhờ chiến tranh, không thể hiểu được nỗi lòng của người Trung Quốc.
Tô giới hay thuê đất đều là con dao cùn khoét sâu vào tim, không chết được, cũng như con dao sắc bén chặt đứt tay chân, cũng không chết được.
Nước tan, sông núi còn đó, nhân dân còn đó.
Nhưng nếu núi sông cũng mất rồi thì con người đi đâu? Mỗi tấc đất là thứ tuyệt đối không thể mất.”
Phó Đồng Văn chính là hình ảnh của những thanh niên trong chiến loạn luôn đau đáu vì nỗi đau mất nước. Những người như Phó Đồng Văn, nguyện hi sinh cả tài sản và tính mạng của mình để theo đuổi giấc mộng phục quốc. Ý chí và quyết tâm của họ sâu sắc tới mức tôi không thể không ngả mũ kính phục. Không chỉ Phó Đồng Văn, mà cả bạn bè của anh, hay như anh trai của Thẩm Hề, cũng là những người như vậy.
“Mười hai năm, kịch cố nhân” không chỉ là câu chuyện về mối tình giữa Thẩm Hề và Phó Đồng Văn, nó còn nói về thế sự rối ren ở Trung Quốc thời đó. Biết bao nhiêu người đã cửa nát nhà tan, nhưng vẫn một mực giữ nguyên ý chí muốn cứu nước như cha Thẩm Hề; biết bao người lao tâm khổ tứ như Phó Đồng Văn, giúp đồng bào mở mang tri thức, quyên tiền cứu viện; biết bao người giống như cậu tư Phó, đến chết vẫn muốn giúp người Trung Quốc cai nghiện; biết bao người như Đàm Khánh Hạng, như Thẩm Hề, như Cố Nghĩa Nhân, liều mạng học tập, chỉ mong một ngày, những gì mình có trong tay, sẽ trở thành thứ giúp Trung Quốc hồi sinh…
Vậy nên mới nói, “Mười hai năm, kịch cố nhân” không đơn thuần là tình yêu đôi lứa. Nó còn nói về tình yêu nước, về tình cảm gia đình. Tôi cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh mà anh trai Thẩm Hề bí mật đưa cô rời đi trong đêm, nhẹ giọng nhắc nhở cô: Bắc Kinh lạnh lắm, không giống như Quảng Châu…
Nhưng mà, ở nơi chín suối, anh có thể yên tâm được rồi. Bởi vì Thẩm Uyển Ương, cô em gái nhỏ của anh đã trưởng thành, còn có một người yêu hết lòng che chở. Thẩm Hề cùng Phó Đồng Văn đi qua bao thăng trầm tình yêu và những nấc thang của lịch sự, cuối cùng vẫn nắm chặt tay nhau, cùng nhau hạnh phúc, cũng nhau già đi.
Thực sự “Mười hai năm, kịch cố nhân” là một bộ truyện rất hay. Thứ lỗi cho trình độ review của tôi có hạn, không thể truyền tải hết được cái “hay” của nó. Ngay cả cái kết của câu chuyện này, cũng được Mặc Bảo Phi Bảo viết rất thực tế. Dù Phó Đồng Văn khỏi bệnh, sống cùng Thẩm Hề mãi mãi về sau, thì giấc mộng phục quốc của anh hãy còn dang dở. Anh không đợi được tới ngày Trung Quốc hoàn hảo là Trung Quốc, mà chỉ chờ được tới khi Trung Quốc phục hồi sinh khí, trở thành nước thắng trận trong Thế chiến hai.
Tuy thế, anh có Thẩm Hề.
Giấc mộng dang dở, nhưng tình yêu viên mãn.
Như vậy là happy ending !
Bình luận truyện