Review Truyện Đàn Lang



Truyện Đàn Lang có giọng văn nhẹ nhàng duyên dáng, pha chút hõm hỉnh nhưng vẫn giàu chất thơ phảng phất Kinh Thi, phong tục và hình ảnh Trung Hoa cổ đại được tác giả tái hiện trong văn của mình vẫn đẹp và sống động như các tác phẩm trước. Càng về cuối truyện, mưu kế và các trận đánh dồn dập khiến nhịp truyện căng thẳng hồi hộp


REVIEW TRUYỆN ĐÀN LANG

Tác giả: Hải Thanh Nã Thiên Nga
Thể loại: Cổ đại, thanh mai trúc mã, nam nữ cường, tình hữu độc chung, HE
CP: Quý Công Tử tài hoa bậc nhất × Nô Tì trí tuệ xuất chúng
Tình trạng: Convert
Review bởi: Kam Linh
Chỉnh ảnh: TMM

???? Nghê Sinh có ba nguyện vọng.
Một là, lấy lại nhà cửa ruộng vườn của ông nội.
Hai là, ở bên công tử để phát tài.
Ba là, rù quến biểu công tử ở nhà bên.
---
???? Lâu lắm rồi mới lại đọc được quyển viết về thời Ngụy Tấn hay như thế, từ giọng văn cho đến bố cục cho đến hình tượng từng nhân vật chính phụ đều chuẩn bối cảnh mà sảng khoái chỉn chu. Hải Thanh là cái tên bảo chứng cho lối hành văn đẹp mà nghiêm cẩn, tỉ mỉ, nhất là khi chị viết về thời Xuân Thu, Ngụy Tấn,…, chất văn ngôn nhẹ nhàng duyên dáng trữ tình nhưng cũng hóm hỉnh, hài hước lại súc tích gọn gàng. Thế cho nên nhảy hố Hải Thanh thì không bao giờ phải lo về hành văn.

???? Đây có lẽ là bộ truyện đồ sộ và đầu tư nhiều chất xám nhất của tác giả khi câu chuyện trải dài khắp lãnh thổ chính quốc và chư hầu đông đảo, trải qua bao nhấp nhô loạn lạc của thời vận khi ngôi vua đổi chủ chóng mặt, đi từ những viên gạch móng nhỏ nhặt nhất cho đến âm mưu trùng điệp, thiên la địa võng bao trùm mọi thế lực. Câu chuyện vẽ nên một bức tranh sống động về một thời kỳ lịch sử đầy biến động của bước chuyển mình giữa hình thái phong kiến phân quyền lên phong kiến tập quyền. Sở dĩ nhấn mạnh về điều này là bởi tranh đấu và âm mưu chiến trường trong truyện khắc họa rất rõ nét mâu thuẫn giữa tầng lớp thống trị bao gồm vương quyền, chư hầu tôn thất, cường hào và giai cấp nông nô. Âu đây cũng là đặc điểm cũng như dấu ấn của thời kỳ lịch sử này, mà qua ngòi bút của Hải Thanh, con người và sự kiện, lời văn và kết cấu truyện đều sâu sắc mô phỏng được dấu ấn và văn phong của thời kỳ.

???? Vân Nghê Sinh vốn xuất thân không phải người hầu nhưng tai bay vạ gió đã khiến nàng bị biếm làm nô, lưu lạc vào phủ họ Hoàn làm nô tì, hầu hạ công tử Hoàn Tích đang ốm thập tử nhất sinh, chỉ bởi có thầy bói nói rằng mệnh nàng có thể chắn tai cho chàng. Ngày Nghê Sinh vào phủ, Hoàn công tử ốm đến độ không ra hình người bởi ôn dịch, gần như bước 2 chân vào quỷ môn quan, không ai dám hầu hạ, lẻ loi đơn côi trong tiểu viện hẻo lánh. Một quý công tử tài hoa bậc nhất đế đô, văn chương xuất chúng, tài học uyên bác, là thiếu niên huyền thoại của thành Lạc Dương nay chịu cảnh bị xa lánh, bệnh tật, một con ma bệnh chả ai dám gần. Và câu chuyện bắt đầu từ mối quan hệ chủ tớ lạ lùng nơi nhà cao cửa rộng ấy.

???? Nghê Sinh có ông nội là truyền nhân tộc Vân thị, một gia tộc sở hữu tuyệt học thế gian, trên thông tinh văn dưới tường địa lý, thu thập đến cả những kỹ xảo như dịch dung hay ảo thuật, tất cả đúc kết trong bộ sách Vô Danh Thư được viết dưới dạng mật mã. Từ đây, ta có một hình tượng nữ chính lần đầu tiên xuất hiện trong văn Hải Thanh. Không phải mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, không phải thục nữ một nụ cười khuynh đảo thế gian, không phải nàng thơ duyên dáng khiến tim bao chàng rộn ràng. Vân Nghê Sinh là một thiếu nữ táo bạo, gan lớn, tự phụ, lưu manh và rất nam tính. Nàng thường mặc nam trang, đấu võ mồm với bọn con trai, dùng miệng lưỡi để giả thần giả quỷ lừa bịp kẻ khác kiếm tiền, không ngần ngại sử dụng âm mưu thủ đoạn vô sỉ, chỉ cần sống sót và đạt mục đích, bảo vệ người thân thì liêm sỉ với nàng chả đáng một xu. Vì đây là truyện YY sảng văn nên hiển nhiên Nghê Sinh rất giỏi, giỏi võ, giỏi ám sát, giỏi lừa bịp, giỏi mưu kế, giỏi thu thập tình báo … Suốt cả chiều dài câu chuyện, độc giả rất hoài nghi về sắc đẹp của nàng, cho đến 1/3 cuối truyện mới có thể thở phào, ồ hóa ra cũng tính là mỹ nhân. Bởi thế cho nên, thứ khiến nam chính nam phụ trong truyện phải lòng Nghê Sinh chính là trí tuệ xuất chúng của nàng.

???? Tuy có trí tuệ và năng lực vượt trội nhưng Nghê Sinh không có chí lớn, nàng chỉ muốn kiếm tiền, chuộc thân, chuộc nhà cửa, mèo mỡ tòm tem chút đỉnh với biểu công tử nhà bên trang nhã như ngọc cho đã thèm rồi chuồn về quê làm phú bà. Và cũng bởi máu kiếm tiền liều lĩnh, nàng bất chợt bị cuốn vào âm mưu tranh đấu chính trị khốc liệt tàn bạo, từng bước bộc lộ mũi nhọn của mình trước võ đài chính trị khiến bản thân không thể quay đầu. Và bởi tự phụ vào năng lực của mình mà mỗi khi tưởng như mọi chuyện đã nằm trong toan tính thì Nghê Sinh lại bị té nhào ăn quả đắng dù cho sau đó nàng nhanh chóng xoay sở và thoát thân được. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn của truyện, plot twist giăng đầy, núi cao lại còn có núi cao hơn, đối thủ hay thậm chí là đồng bọn của Nghê Sinh đều là những nhân vật rất gì và này nọ, khiến cho cuộc đấu trí đấu mưu đánh trận trở nên gây cấn, quyết liệt và khó đoán hơn. À mà Nghê Sinh mê trai, đầu óc đen tối lắm, còn hay bắt nạt Công Tử, hay bịa chuyện dở khóc dở cười làm tam quan của công tử méo mó, dựa vào 3 tấc lưỡi chém gió quỷ thần tà đạo khuấy đảo thiên hạ cho nên truyện nhiều tình huống hài hước tréo nghoe lắm.

???? Đối lập với Nghê Sinh lưu manh vô đối, tác phong nữ tặc, không biết hòa hoa phong nhã là gì lại là Công Tử đẹp đẽ cao quý như thần tiên, lang quân trong mộng của chúng nữ quân. Chàng là thần đồng thành Lạc Dương, là thiếu niên anh tài nổi tiếng thiên hạ, 3 năm bệnh tật không làm lu mờ được hào quang của chàng, mà chỉ càng khiến chàng một khi xuất hiện trở lại chói lòa hơn mà thôi. Hoàn Tích trong mắt thiên hạ, trong mắt chúng nữ quân là công tử hoàn mỹ, yêu cái đẹp, giỏi giang không vướng bụi trần, tương lai sẽ là rường cột nước nhà, cưới công chúa làm quyền thần một đời mỹ mãn. Hoàn Tích trong mắt Nghê Sinh là thanh niên tuy có nhan sắc nghiêng thùng đổ chậu nhưng nhìn hoài cũng chai, không hấp dẫn bằng biểu công tử Thẩm Xung nhà bên vừa hiền lành vừa nho nhã dễ tính. Hoàn Tích trong mắt Nghê Sinh có bệnh kén chọn, lại còn khó tính bắt bẻ, trí tò mò thì vô hạn, bề ngoài là công tử mỹ miều nhưng nội tâm là thanh niên cứng đầu cứng cổ, táo bạo liều lĩnh lại có lý tưởng viển vông huyễn hoặc không thực tế. Từ lúc nào chẳng hay, Công Tử thay thế vị trí thân nhân của ông nội trong lòng Nghê Sinh, trở thành người mà Nghê Sinh hết lòng lo lắng, che chở, trước cả khi nàng nhận ra mình thích chàng mất rồi. Truyện có sự biến chuyển ngoạn mục trong cái cách mà tác giả để nhân vật Công Tử trưởng thành, mà công lớn nhất phải nhắc tới sự xuất hiện của Nghê Sinh trong sinh mệnh chàng.

???? Công Tử trong phần đầu truyện, do được kể dưới ngôi thứ nhất của Nghê Sinh hiện ra có vẻ trẻ con, bình thường, thậm chí ấu trĩ, dường như không thật xứng với cái danh thiên tài mà người đời gán cho chàng. Ấy là bởi họ quá quen thuộc, quá gần gũi trong cuộc sống đối phương nên hình tượng của Hoàn Tích qua con mắt Nghê Sinh trở nên đáng yêu, bình dị, không cao thượng nhã nhặn như Thẩm Xung, không thâm trầm khó đoán, tâm cơ nặng nề như Tần Vương hay uyên bác dày dạn kinh nghiệm như Tạ Tuấn. Chàng giống như quyển sách giấy trắng mực đen rõ ràng ngay ngắn trước mắt nàng. Mối quan hệ của họ, thực ra giống như tri kỉ thân nhân chứ chả phải chủ tớ bởi Hoàn Tích chưa bao giờ coi thường Nghê Sinh, ngược lại chàng lại rất tôn trọng và thưởng thức trí tuệ của nàng, cũng rất bao dung cho sự láu cá ranh mãnh của nàng đồng thời cũng ỷ lại vào sự bầu bạn chia sẻ buồn vui cùng nàng. Mang tiếng là người hầu nhưng thực ra Công Tử rất chủ động tự phục vụ bản thân, đi đâu cũng đưa Nghê Sinh theo, bạn bè chàng ai cũng quen thuộc và hiểu biết về con người và bản lĩnh Nghê Sinh.

???? Vì biến cố mà họ phải chia tay khi vừa mới thổ lộ tấm lòng với nhau, năm ấy chàng 19, nàng 17. Nàng nói chúng ta không cùng đường, nếu như có 1 ngày chúng ta cùng đi chung con đường, khi ấy sẽ có duyên gặp lại. Lời ấy chàng tin, nhưng nàng lại không tin. Nghê Sinh rất khó tin tưởng người khác, cũng không có nhiều niềm tin vào các mối quan hệ, thích tự hành động một mình, tự mình suy xét thay kẻ khác, xét trên một phương diện nào đó, nàng cũng giống như con ếch sống trong cái giếng của chính mình. Và chính Công Tử mà nàng xù lông bảo vệ như gà mái mẹ đã dần dà trưởng thành, dung ý chí kiên định và đôi cánh cứng cáp để quay trở lại làm chỗ dựa cho nàng, mài đi những gai nhọn của nàng, khiến nàng được cảm nhận tình yêu không vụ lợi, một thứ tình cảm thuần khiết cháy bỏng mãnh liệt vượt lên mọi khoảng cách chính trị, giai cấp và định kiến của thế nhân.

???? Nguyên Sơ (tên chữ của Hoàn Tích, đây là cách gọi thay đổi mối quan hệ giữa hai người) của nàng giờ đây đã trưởng thành rực rỡ, là một người đàn ông có thể gánh vác, dám nghĩ dám làm, là một vị tướng tài uy vũ được lòng người. Quyền lực, danh vọng chưa bao giờ làm hao mòn lý tưởng vì thiên hạ của chàng, vượt lên quyền lợi gia tộc, giai cấp, hoàng quyền, tấm lòng của chàng đặt vào thiên hạ. Chỉ cần có lợi cho dân sinh thì đó là đạo của chàng. Là tài tử, là tướng quân, là rường cột của triều đình nhưng tâm thế của chàng không hề bị bó buộc bởi lập trường chính trị, suy nghĩ rất rộng rãi và biết co duỗi, vật chất và đặc quyền giai cấp cũng không phải thứ có thể ghìm chân chàng. Xuất thân là con trai của công chúa, công tử phủ hầu, biết ăn ngon mặc đẹp, thưởng thức mỹ vị nhân gian nhưng chàng cũng chẳng ngần ngại xắn gấu quần vót chông bắt cá, mổ ruột nướng cá, thả diều trên cánh đồng. Rời xa Nghê Sinh chàng cũng chẳng cần người hầu kẻ hạ. Sự ra đi của nàng càng khắc sâu mâu thuẫn trong lập trường chính trị với gia đình, chàng dứt áo lập phủ riêng, lại liên tiếp đi đánh giặc, ăn ngủ cùng quân sĩ, quần áo mặc đi mặc lại 1 bộ cũng chẳng màng.
Nguyên Sơ trưởng thành nhiều đến nỗi Nghê Sinh phải sững sờ, xen lẫn đó là niềm tự hào tựa như bậc phụ huynh thấy con mình lớn khôn J) Rất nhiều lần Nghê Sinh theo thói quen gà mái mẹ, tự mình quyết định, tự mình gánh vác để rồi ngẩn ngơ khi thấy Nguyên Sơ đã xử lý chu toàn thấu đáo, tài trí chẳng hề kém cạnh ma đầu Tần Vương. Nguyên Sơ 22 tuổi cực kỳ dịu dàng, chu đáo lại mạnh mẽ quyết đoán, trí tuệ và nghị lực hơn người. Nếu như Nghê Sinh và Tần vương là kiểu âm mưu thủ đoạn, ném đá giấu tay thì Nguyên Sơ lại là dương mưu đường đường chính chính, lỗi lạc khiến người tâm phục khẩu phục. Cho nên họ vừa khéo bù trừ, giống như 2 thỏi nam châm trái dấu hút nhau.

???? Đôi này yêu nhau nước chảy đá mòn, tự nhiên nhẹ nhàng như thể cái gì phải đến sẽ đến, tựa như lúc trước rõ ràng Nghê Sinh thích người khác, Nguyên Sơ là

chàng công tử không hiểu phong tình lại vô cùng tự luyến mà lúc sau họ rung động và thể hiện tình cảm với nhau lại tự nhiên trôi chảy đến thế. Trái tim độc giả phập phồng theo từng cái chạm mắt, nắm tay, theo cái vấp ngã trong cơn giận dỗi nơi vườn đêm rồi cảm giác nhấp nhô của trái tim phập phồng theo từng nhịp bước chân chàng cõng nàng. Là khoảnh khắc tái ngộ vỡ òa cảm xúc sau 3 năm nơi miền biển heo hút không ai biết họ là ai, là nụ hôn đầu tiên đầy phấn khích dè dặt sau bao mộng tưởng, là phút trao nhau nồng nàn thắm thiết trong y phục ướt đẫm nơi mỏm đá ngoài biển khơi. Thế sự xoay vần, họ đấu tranh không ngừng để được ở bên nhau, chia chia hợp hợp, mỗi giây phút tình cảm ngọt ngào đều ấm áp phấn khích xoa dịu đi cái không khí quyền mưu chóng mặt của truyện.

???? Truyện có kết cấu chặt chẽ và thiết lập rộng lớn, tác giả trải chăn và chôn cọc từ những chương đầu của truyện khi mà người đọc còn chưa nhập tâm vào mạch tranh đấu, khi mà mưu kế và vai trò các nhân vật còn khá đơn giản dễ đoán. Thế rồi dần dà nhịp truyện nhanh dần lên, biến cố ngày một chất chồng tương đương với giai đoạn suy thoái của một thời kỳ thịnh trị. Mình chưa bao giờ đọc truyện một truyện nào mà ngai vua đổi chủ đến 5 lần, trữ quân đổi chỗ đến 4 lần, đi cùng đó là những cú twist bật ngửa cùng sự lên đài của những nhân vật tưởng như mờ nhạt trong truyện. Hài Thanh xây dựng một hệ thống nhân vật đồ sộ gồm các thế lực chư hầu vương (mấy chục loại vương), đô đốc quân phiệt và các thế lực vũ trang tự phát, phác họa nên một thời loạn lạc chia cắt đậm màu sắc sử thi. Mỗi nhân vật đều có câu chuyện, cá tính, trí tuệ, tư duy cũng như vũ đài của riêng, khiến cho bức tranh loạn thế của Hải Thanh đủ sống động, hoành tráng.

???? Nam phụ Tần vương lại là một nhân vật rất hay ho khác của truyện. Tần vương và Nghê Sinh phải nói như là khắc tinh của nhau, họ đấu trí đấu dũng, vừa hợp tác vừa đâm lén nhau suốt cả chiều dài câu chuyện. Hint của đôi này lại đến từ những màn đối đầu tóe lửa, rõ ràng là cãi chửi nhau như chó với mèo, tức nhau nghiến răng kèn kẹt nhưng lại tình như cái bình (đơn phương từ phía anh Tần). Thanh niên Tần vương đại ma đầu, mưu sâu kế hiểm, nắm cả bàn cờ trong tay nhưng tình cảm thì không biết thổ lộ, có thể nói nghẹn cho đến hết truyện. 1 vài lúc hiếm hoi thể hiện nỗi lòng thì ngôn ngữ ám chỉ đi xa cả 800 dặm, lòng vòng đến độ Nghê Sinh nghĩ bụng, ế là xứng đáng, thích gái mà tỏ tình kiểu này thì đừng hỏi vì sao chưa lấy vợ, xách ngàn cái dép cho chồng bà :))) Xem Nghê Sinh đấu với anh Tần, anh Tần anh Hoàn đấu nhau vì Nghê Sinh, rồi ba người lại liên hiệp thống nhất thiên hạ đánh lại chư hầu nó đã gì đâu, vừa sảng vừa tình cảm phấn khích. Nhưng suy cho cùng, Tần vương thua Hoàn Tích ở chỗ, chàng ta thích Nghê Sinh vì trí tuệ của nàng và muốn lợi dụng điều đó trong khi Công Tử yêu nàng vì chính nàng, không bởi nàng có thể giúp gì cho chàng mà chỉ bởi muốn được đời đời bầu bạn với nàng, muốn nàng sống tự tại yên bình, không phải vất vả bán trí lặn lộn trong cuộc đời. Mà có lẽ chả có gì để so bởi vị trí của Công Tử trong lòng Nghê Sinh luôn là độc nhất vô nhị.

???? Truyện có rất nhiều nhân vật đặc sắc khác mà để review thì không xuể nhưng mình xin nói về 2 nữ quái mẹ chồng Nghê Sinh (mẹ anh Hoàn) và mẹ anh Tần (nam phụ). Đây là 2 nhân vật sống sót qua bao biến cố chiến loạn và đứng lên võ đài hô mưa gọi gió. Đại trưởng công chúa, không hổ là mẹ đẻ thiên tài Hoàn Tích, am hiểu lòng người và âm mưu kết bè, lúc đầu Nghê Sinh lừa bà ta giả quỷ hiến mưu lấy tiền khiến ta tưởng như đây là một người phụ nữ tuy sắc sảo nhưng vẫn chưa đủ ghê gớm. Thế nhưng chính nhân vật này không dưới 2 lần đẩy Nghê Sinh vào tuyệt cảnh một cách bất ngờ, khôn khéo tâm cơ vô cùng. Quả mẹ chồng cực phẩm đấu với con dâu không phải bằng thủ đoạn nội trạch vụn vặt của phụ nữ, họ đấu nhau bằng giang sơn, bằng quân đội, bằng tồn vong gia tộc, đọc mà máu sôi sùng sục á! Nhân vật còn lại là mẹ anh Tần, nhân vật tưởng như vô hại, thuận chiều gió lặng lẽ nơi cung cấm hóa ra lại là gián điệp lợi hại của tiền triều, thủ đoạn giúp đỡ con trai cũng không hề kém cạnh và lại là kẻ sớm phát hiện được thân phận của Nghê Sinh. Bà mẹ chồng rỏm này không những thế còn rất tinh ý và bài xích Nghê Sinh làm nàng dở khóc dở cười vì nàng thèm vào ông con trai quý của bà ta.

???? Truyện có giọng văn nhẹ nhàng duyên dáng, pha chút hõm hỉnh nhưng vẫn giàu chất thơ phảng phất Kinh Thi, phong tục và hình ảnh Trung Hoa cổ đại được tác giả tái hiện trong văn của mình vẫn đẹp và sống động như các tác phẩm trước. Càng về cuối truyện, mưu kế và các trận đánh dồn dập khiến nhịp truyện căng thẳng hồi hộp, plot twist càng ngày càng nhiều và tình tiết lật mặt chớp nhoáng. Tuyến tình cảm được viết tinh tế khéo léo và giàu cảm xúc, đây cũng vốn là một thế mạnh trong văn Hải Thanh, tuy nhiên khác những bộ trước chỉ tập trung vào bối cảnh và tình cảm thì bộ này, Hải Thanh đã đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung quyền mưu và viết theo lối YY sảng văn. Truyện dài, hơn 1 triệu 3 chữ nên rất đồ sộ và chi tiết, nhiệt liệt đề cử, vừa có tình, vừa có não, vừa sảng, vừa ngọt, vừa hài vừa nghiêm túc, đảm bảo đủ vị.

???? P/S: Gu truyện Tấn Giang càng ngày càng không hợp mị, thật bất ngờ là tích phân bộ này thấp giật mình. Hải Thanh vốn cũng thuộc hàng đại thần Tấn Giang, các bộ gần đây đều ít nhất cũng lọt top giữa bảng của quý, mà đấy toàn là truyện thuần tình cảm, đến bộ này đầu tư nội dung hay thế lại không hot +_+ Nhìn mà tức anh ách, đăng sang Khởi Điểm là đã nên chuyện rồi. Thoai không chấp :)) Từ ngày đổi cách tích điểm thì đến cả Hồng Phai vô địch bảng tổng sắp bao năm của mị cũng văng ra khỏi hẳn top 200 luôn thì cũng chẳng còn gì để nói. Vớt vát được bộ Tinh Hà xếp top giữa bảng tổng sắp, nhưng thế cũng vẫn tức, hừ!

Bình luận